Mất trí nhớ tạm thời: Một trải nghiệm và nhiều điều muốn chia sẻ
Bạn luôn tự hào mình là người nhớ lâu? Bạn cảm thấy khó mà quên được thứ gì? Bạn cười thầm: Thời buổi 4.0 bây giờ, app điện thoại nhắc...
Bạn luôn tự hào mình là người nhớ lâu? Bạn cảm thấy khó mà quên được thứ gì? Bạn cười thầm: Thời buổi 4.0 bây giờ, app điện thoại nhắc việc, reminders, tag chống quên đồ bán đầy trên mạng v.v…sao mà có thể quên được 1 cái gì dễ vậy được? Mình cũng là một người như thế đấy, cho đến khi…
Mình quên thật! Mình không nhớ nổi cái điện thoại của mình ở đâu, trong khi nó chỉ vừa rời tay mình được 2 phút, đúng 2 phút!? Lúc đó đang ở nhà, mình tìm khắp nơi, khắp chốn, khắp ngõ ngách trong nhà mình mà KHÔNG HỀ THẤY nó. Mình nhớ rõ mình còn cầm chiếc điện thoại của mình 2 phút trước khi lãng quên nó: Mình móc nó ra từ trong túi quần, xem đồng hồ, xem tin nhắn, bỏ nó lại Ở ĐÂU ĐÓ, đi qua ba căn phòng trong nhà. Và mình mất nó. Nó vẫn còn ở đâu đó, nhưng đó là ở đâu thì...đừng hỏi mình lúc này. Hoàn toàn quên, hoàn toàn không nhớ vị trí của nó. Mình không hề nói chuyện với ai lúc mình cầm điện thoại. Mình chỉ đơn giản là không còn kí ức gì về chỗ cuối cùng mình để nó ở đâu.
Bạn thấy có quen không? Với mình, việc quên này không hề lạ lẫm, nhưng lần này là nghiêm trọng nhất nên mình quyết định viết ra đây để nói về nó. Không tự nhận là người giỏi trí nhớ, nhưng mình luôn tự tin cho rằng mình là người kiểm soát tốt các đồ vật của mình. Không dễ để mình quên chúng, vì mỗi lần mang theo cái gì, mình đều cân nhắc kỹ với tiêu chí: Gọn, nhẹ, di động (vì tính mình ko thích rườm rà khi ra đường, nhiều khi chỉ mang theo 1 chiếc điện thoại và 1 ít tiền lẻ là đủ, và đó hoàn toàn là do mình chủ động lựa chọn, chứ không phải vì lười, thích gì vơ nấy).
Nhưng mặt khác, lại có 1 vấn đề: Mình không dễ quên, nhưng đã quên là mình có thể quên hẳn 1 điều gì đó HOÀN TOÀN. Và chỉ có may mắn mình mới tìm lại được đồ bị thất lạc do quên chỗ để. Nhưng việc quên điện thoại lần này làm mình nghĩ đến một hệ lụy: Nếu chẳng may ta quên một đồ vật quan trọng nào đó mà ta cần dùng nó ngay, nhưng lại chẳng nhớ ra được nó ở đâu, thì làm thế nào? Như cái điện thoại này, hiển nhiên là mình cần để giữ liên lạc với mọi người. Vậy mà giờ đây mình đang tìm nó trong trạng thái trí nhớ về vị trí để nó ở đâu hoàn toàn xóa trắng!
Tự an ủi bản thân một chút, cứ để kệ nó, biết đâu sau 1 2 tiếng, hay nửa ngày, một ngày…lại tìm ra thì sao, mình lên mạng tìm hiểu 1 chút về hiện tượng gặp phải, nhận ra nó không phải quá xa lạ. Một số nguyên nhân mình nghĩ là ứng với trường hợp của mình:
Qúa nhiều đồ đạc, quá nhiều lựa chọn, và…quên
Tính mình không phải bừa bộn, mình rất để ý đến sự gọn gàng trong không gian riêng. Nhưng khi mà bạn có quá nhiều đồ đạc, việc để ý đến trật tự của chúng trong phòng sẽ lấp đầy đầu óc của bạn, gây nên sự căng thẳng về việc kiểm soát đồ dùng cá nhân. Lại nữa, khi quyết định ra đường cầm theo đồ vật gì, việc chọn lựa chúng để mang đi cũng góp phần tạo sự nhiễu loạn, căng thẳng cho bộ não bạn. Mình nghĩ rằng mình rơi vào trường hợp như vậy. Với mình, ít hơn có lẽ là tốt hơn cho trí nhớ. Mình đã đọc về phương pháp sắp xếp đồ vật gọn gàng kiểu Marie Kondo, nhưng chưa bao giờ đánh giá cao tầm thực tiễn của nó, ấy là trước khi việc mình quên điện thoại xảy ra :D
Do một biến cố gì đó đột ngột
Chắc hẳn ai cũng biết đến trường hợp một người sau một tai nạn, một chấn động về thể chất (đập đầu vào vật cứng, va chạm đầu vào nhau khi đá bóng…) hoặc tinh thần (tin xấu, tin tốt, tin cực vui…nhiều lắm) thì sẽ bị lãng quên một việc nhỏ nào đấy. Với mình có lẽ điều đó cũng đúng, nhưng hơi khác một chút, vì nó liên quan đến sự tập trung của mình. Những lần quên đồ trước, giả dụ mình đang nghe một ai đó nói điều gì đó quan trọng, thì cái bút trên tay, cuốn sách đang đọc, những gì cần ghi nhớ lúc đó…đột nhiên…mờ tịt trong tâm trí mình. Mình sẽ chẳng nhớ là chiếc bút đó, cuốn sách đó, điều cần note đó đang ở đâu/là gì. Những lúc như thế quả thực rất phiền và bực mình. Lần này cũng vậy, sau khi nghe một tin rất vui, mình cũng…quên bẵng luôn cái điện thoại của mình, nhưng lần này mình vẫn chưa tìm ra nó ngay.
Làm/Nghĩ nhiều việc một lúc
Đây là một vấn đề phổ biến với nhiều người: Làm quá nhiều việc một lúc. Nhưng giải quyết nó lại không phải dễ nếu bạn không có ý chí đủ mạnh. Đối với trường hợp của mình mà suy ra, multitasking không hẳn chỉ là làm nhiều việc một lúc (vì lúc quên điện thoại mình có làm gì đâu, chỉ là đi quanh trong nhà trước khi ra ngoài đường thôi), mà là nghĩ về nhiều việc phải làm một lúc trong đầu. Não chúng ta có lẽ có 1 cơ chế loại bỏ đi những việc không quan trọng để nhường chỗ cho việc quan trọng hơn, và như case của mình, bộ não “lạnh lùng” gạt cái điện thoại ra khỏi danh sách những thứ cần ưu tiên để nó xử lý. Cần nói thêm, với mình, những gì càng thân quen lại càng dễ dàng “biến mất” hay đúng hơn là bị “sương mù” che phủ trong nhận thức của não. Ngược lại, có thể với các bạn những gì không thân thuộc thì lại dễ quên hơn.
Vậy phải làm thế nào?
Điều xấu ở đây là chúng ta không có một cách gì cụ thể để hoàn toàn tránh việc mình không quên một thứ gì. Nhưng điểm tốt là triệu chứng quên như mình (và có thể của các bạn) là ở chỗ nó ko thường xuyên (thường xuyên thì có mà toi à :vv). Ta có thể có vài cách để giảm thiểu nó như sau:
- Chú ý hơn đến những chi tiết nhỏ, tâm niệm rằng chúng rất quan trọng.
Như câu chuyện của mình, khi mình quên điện thoại mình thấy rất bực và khá là lo lắng, vì mình có thể lỡ một vài cuộc gọi quan trọng. Cũng như vậy, bạn có thể xây dựng một “cơ chế đề phòng” như thế với những điều mình hay quên. Ví như, cuộc hẹn này là của một người bạn mà bạn rất quý và có thể có vài điều bạn muốn tìm hiểu về bạn mình sau một thời gian không gặp, vậy, bạn không thể quên cuộc hẹn này. Hoặc, việc hoàn thiện một giấy tờ nào đó chuẩn bị cho việc du học sắp tới của bạn có thể hoãn, làm sau cũng ok. Nhưng nếu quên nó, thì có thể ảnh hưởng đến thời gian tính, làm cho bạn lỡ mất cơ hội apply học bổng, nhập học chậm bên nước ngoài, vậy, bạn nên hoàn thành giấy tờ đó càng nhanh càng tốt.
- Hãy làm cho đồ vật trở nên thiết yếu với chúng ta, bằng cách kết hợp công năng của chúng, hoặc sử dụng chúng triệt để hơn, ví dụ:
+ Mua điện thoại 2 sim, 3 sim để dùng thay vì dùng 2 3 chiếc điện thoại 1 sim (đỡ cảnh tìm được máy này thì máy kia không thấy).
+ Tương tự, đọc 1 cuốn sách một mạch từ đầu đến cuối, thay vì đọc 2 3 cuốn một lúc (đỡ quên mất nội dung sách). Bạn có thể mua nhiều sách, nhưng nếu theo cách đọc này, bạn có thể đọc nhanh hơn cũng như hiểu hơn về cuốn sách mình đang đọc.
- (Cho những ai quá nhiều việc): Kết hợp các việc với nhau, để tạo nên điểm chung giữa chúng theo kiểu mắt xích.
Ví dụ: Bạn có một cuộc hẹn, nhưng trước đó bạn phải mua đồ trong siêu thị, thanh toán bill tiền điện, rồi bảo dưỡng xe máy, rồi còn làm việc…và nhiều thứ khác. Thì bạn có thể search map, tìm cách địa điểm liên quan: Quán cà phê nơi bạn định hẹn, siêu thị gần đó, chỗ bảo dưỡng xe gần đó, và thực hiện theo chuỗi việc kiểu như: Đến siêu thị mua đồ, thanh toán tiền điện qua dịch vụ nộp tiền điện ở siêu thị luôn, sau đó phi ra chỗ bảo dưỡng xe, để xe lại đó và ra chỗ hẹn, làm việc tại chỗ hẹn cho đến giờ hẹn bạn bè tới thì bạn đã ngồi đấy rồi :D.
- Ngủ đủ thời gian theo nhu cầu sinh lý của bản thân:
Cái này quan trọng, có lần mình đã lỡ hẹn một cuộc đi chơi sớm chỉ vì ngủ dậy muộn. Trong khi mình có đặt báo thức và cài nhắc việc trên điện thoại đàng hoàng. Đừng quá phụ thuộc vào công nghệ, mà nên tin tưởng vào bộ não của chúng ta, bạn sẽ thấy mình đỡ quên việc hơn nhiều.
- Tập luyện thể thao thường xuyên
Từ trải nghiệm của mình, tập luyện thể thao giúp làm đầu óc mình trống rỗng, cải thiện trí nhớ hơn. Sau tập luyện, cơ thể mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi, chính lúc này bộ não có thời gian để reset, nạp lại những gì cần được ưu tiên, loại bỏ những suy nghĩ “rác”, không liên quan như: Căng thẳng sau giờ làm việc, những suy nghĩ vẩn vơ, tội lỗi (:D), những việc nhỏ nhặt chưa quyết định được rốt ráo…và nhiều thứ khác không liên quan.
P/S: Đừng dằn vặt khi bạn hay quên, bởi đó là một cơ chế tự nhiên của não chúng ta. Cuộc sống là một dòng chảy, và việc quên một cái gì đó không phải thảm họa. Hãy nghĩ về nó như một cơ hội để cải thiện bản thân, để bắt đầu một cách sống mới hiệu quả hơn, vui vẻ hơn. Ví dụ như mình, đang nghĩ sẽ được đổi 1 cái điện thoại mới, thay cho cái cũ đã quá nát rồi (có thể vì thế mà não mình “ép” mình quên nó đi thì sao? :v)
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất