ND: Bài viết dành cho mẹ tôi, người đã cho tôi thấy cầu toàn là một gánh nặng thay vì là một món quà. 
[CẢNH BÁO] Wall of text (~5000 từ)
++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++
Nhiều người trong chúng ta tin rằng sự cầu toàn là một điều tốt. Nhưng các nhà nghiên cứu lại đang thấy rằng cầu toàn ko chỉ nguy hiểm – với nhiều hệ lụy nguy hiểm tới sức khỏe – mà còn ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Ở một trong những ký ức xa nhất tôi còn nhớ được, tôi đang vẽ. Tôi không nhớ mình đang vẽ gì, nhưng tôi nhớ mình đã mắc lỗi gì. Chiếc bút bị trượt, một nét vẽ vô tình hiện ra và môi tôi run rẩy. Bức vẽ  nhanh chóng biến mất. Nhưng cảm giác cực kỳ khó chịu, thậm chí xấu hổ vẫn còn đeo bám tôi.
Những việc tưởng như nhỏ nhặt vẫn thường xuyên gây cho tôi cảm giác khó chịu này. Những việc đơn giản như làm bẹp chiếc bánh panettone mà tôi mang đến gia đình bạn trai dịp Giáng sinh có thể nhảy múa trong đầu tôi vài ngày, và thường đi kèm với những giọng nói như “Ngu ngốc làm sao!” hay “Mày phải biết chứ!”. Không đạt được một mục tiêu lớn, kể cả khi tôi biết rằng việc đó gần như không thể, có thể đánh gục tôi. Khi người đại diện của tôi nói rằng cô ấy biết tôi sẽ viết một quyển sách nhưng ý tưởng cụ thể tôi đưa cho cô không thực sự hợp với thị hiếu thị trường, tôi cảm thấy bị ‘xì hơi’ một cách đột ngột còn hơn cả một sự thất vọng. Những tiêu cực lấn áp sự tích cực. “Mày sẽ không bao giờ viết sách được,” giọng nói bên trong tôi vang lên. “Mày không đủ tốt.” Giọng nói không quan tâm rằng điều này đối nhau chan chát với những gì người đại diện thực sự nói với tôi.
Đó chính là sự cầu toàn. Nó không nhân nhượng ai cả.
Nếu tôi đang vật lộn với sự cầu toàn, tôi hoàn toàn không đơn độc. Xu hướng này bắt đầu sớm - và đang dần trở nên phổ biến. Một phân tích tổng hợp gần đây về tỷ lệ cầu toàn của Thomas Curran và Andrew Hill từ năm 1989 đến 2016, nghiên cứu đầu tiên so sánh sự cầu toàn qua các thế hệ, đã tìm ra sự phát triển nhanh chóng trong số các sinh viên tại Mỹ, Vương quốc Anh và Canada. Nói cách khác, một sinh viên trung bình năm vừa rồi sẽ có nhiều khả năng có xu hướng cầu toàn hơn một sinh viên vào những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000.
Nó đang dần trở thành một vấn đề sức khỏe công khai và tràn lan - Katie Rasmussen.
“Cứ hai trên năm trẻ em và thanh thiếu niên là một người cầu toàn,” theo lời Katie Rasmussen, người nghiên cứu sự phát triển của trẻ em và chủ nghĩa cầu toàn tại Đại học Tây Virginia. “Chúng ta bắt đầu nói đến việc nó sẽ trở thành một vấn đề khỏe công khai và tràn lan như thế nào.”

'Cuộc đời tôi chẳng là ngoài ngoài một sự thất bại,' người cầu toàn Claude Monet đã từng nói. Ông thường phá hủ các bức vẽ của mình khi nổi điên - kể cả 15 bức vốn để bày triển lãm (Ảnh: Getty)
Sự phát triển của sự cầu toàn không có nghĩa rằng mỗi thế hệ đang trở nên hoàn thiện hơn. Nó có nghĩa rằng chúng ta đang trở nên ốm yếu, buồn bã hơn và thậm chí làm suy yếu tiềm năng của chính mình.
Chủ nghĩa cầu toàn rút cuộc lại là một cách tự hủy hoại bản thân. Bản chất của nó là một sự trớ trêu tột cùng: gây ra, và thừa nhận sai lầm là một phần cần thiết trong quá trình trưởng thành, học tập và làm người. Nó cũng khiến chúng ta hoàn thiện hơn trong sự nghiệp, các mối quan hệ và trong cuộc sống nói chung. Với việc tránh những sai lầm bằng mọi giá, một người cầu toàn có thể sẽ khó khăn hơn để đạt được những mục tiêu lớn lao của bản thân mình.
Nhưng mặt trái của sự cầu toàn không chỉ là nó ngăn bạn trở thành một người thành công và hiệu quả. Các xu hướng cầu toàn được cho là có liên quan đến cả một danh sách các vấn đề lâm sàng: trầm cảm và lo lắng (kể cả ở trẻ em), tự làm hại bản thân, ám ảnh sợ xã hộichứng sợ khoảng trống (agoraphobia), rối loạn ám ảnh cưỡng chế, ăn uống vô độ, chứng chán ăn (anorexia), ăn ói (bulimia), và các rối loạn ăn uống khác, rối loạn tâm lý sau sang chấn, hội chứng mệt mỏi mãn tính, chứng mất ngủ, ám ảnh tích trữ, chứng khó tiêu, đau đầu mãn tính, và, nghiêm trọng nhất, thậm chí tử vong sớmtự sát.
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng càng cầu toàn, bạn càng phải chịu đựng nhiều rối loạn tâm lý - Sarah Egan
“Nó ảnh hưởng đến mọi thứ có liên quan đến các vấn đề tâm lý,” theo lời Sarah Egan, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Curtin, Perth, người chuyên về chủ nghĩa cầu toàn, rối loạn ăn uống và lo lắng. “Không nhiều thứ khác có thể làm được như vậy.”
Về mặt văn hóa, chúng ta thường coi sự cầu toàn là một điều tốt. Kể cả nói rằng bạn có xu hướng cầu toàn cũng là một sự tự khen ngợi; nó thực ra là một câu trả lời được chuẩn bị trước cho câu hỏi “Điểm xấu nhất của bạn là gì?” trong các cuộc phỏng vấn nghề nghiệp. (Các nhà tuyển dụng cũ của tôi, giờ thì mấy người biết rồi đấy! Tôi không giả bộ vui tính đâu).
Đó là khi sự cầu toàn trở nên phức tạp - và gây tranh cãi. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng có sự cầu toàn thích nghi, hay ‘lành mạnh” (đặc trưng bởi có tiêu chuẩn, động lực và kỷ luật cao); trái ngược với một phiên bản ‘không lành mạnh’ (khi khả năng tốt nhất của bạn chưa bao giờ đủ tốt và không đạt được mục tiêu làm bạn khó chịu). Trong một nghiên cứu về hơn 1,000 sinh viên Trung Quốc, các nhà nghiên cứu nhận thấy các sinh viên có năng khiếu hoàn hảo hơn theo những cách thích nghi. (Mặt khác, những người cầu toàn thiếu lành mạnh thường là những sinh viên không có năng khiếu). Và trong khi nghiên cứu này chỉ ra rằng các thuộc tính không thích hợp như đánh đập bản thân vì mắc lỗi hay cảm thấy mình không thể đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ khiến bạn dễ bị trầm cảm hơn, một vài nghiên cứu khác cũng cho thấy các khía cạnh ‘thích ứng’ như phấn đấu vì thành tích không có tác dụng hoặc thậm chí có thể không bảo vệ bạn.

Cầu thủ Cristiano Ronaldo nói rằng anh muốn vươn tới sự xuất sắc chứ không phải sự hoàn hảo: 'Tôi không phải là một người cầu toàn, nhưng tôi thích cảm giác mọi thứ được làm xong xuôi' (Ảnh: Getty Images)
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ví dụ như chỉ đơn giản có một tiêu chuẩn cao cho bản thân cũng có liên quan đến ý tưởng tự sát. Và kể  cả khi có một vài suy nghĩ cầu toàn tích cực, chúng cũng không đáng kể - và, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết, bị hiểu sai.
Trong một phân tích tổng hợp năm 2016 của 43 nghiên cứu về sự cầu toàn và trạng thái kiệt sức, Hill và Curran thấy rằng các vận động viên, người làm thuê và sinh viên có rất ít lợi ích từ những khía cạnh như có một tiêu chuẩn cá nhân rất cao, so với những người không có.Mặt khác, những người thể hiện sự hoàn hảo ‘không thích ứng’ hơn trải qua sự kiệt sức đáng kể hơn.
Sự cầu toàn không phải là một hành vi. Đó là một cách suy nghĩ về bản thân - Andrew Hill
“Đã có một vài gợi ý rằng, trong một số trường hợp, sự cầu toàn có thể lành mạnh và đáng ngưỡng mộ. Với hơn 60 nghiên cứu đã thực hiện, chúng tôi nghĩ rằng đó là một sự hiểu nhầm,” theo lời ông Hill từ Đại học York St John. “Chăm chỉ làm việc, cam kết, siêng năng, vân vân - đều là những đặc tính đáng ngưỡng mộ. Nhưng đối với một người cầu toàn, đó thực ra là một triệu chứng, hoặc một sản phẩm phụ của sự cầu toàn. Sự cầu toàn không phải là về các tiêu chuẩn cao. Nó là về các tiêu chuẩn không thực tế.

Nhìn bên ngoài rất khó để phân biệt ai là người có động lực và tận tâm và ai là người cầu toàn (Ảnh: Getty Images)
Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các yếu tố được gọi là sự hoàn hảo ‘lành mạnh’ như hướng đến sự xuất sắc, thực sự không phải là chủ nghĩa cầu toàn. Chúng chỉ là sự tận tâm - điều này giải thích tại sao những người có khuynh hướng này thường có những kết quả khác nhau trong các nghiên cứu. Sự cầu toàn, họ cho rằng, không phải được định nghĩa bằng sự chăm chỉ làm việc hoặc đặt ra các mục tiêu cao. Đó là giọng nói quan trọng bên trong.
Lấy một sinh viên chăm học nhưng bị điểm kém làm ví dụ. Nếu cô ấy tự nhủ: “Mình thất vọng nhưng không sao, mình vẫn là một người tốt,” đó là lành mạnh. Nếu thông điệp là: “Mình là một thất bại của tạo hóa. Mình không đủ tốt,” đó là sự cầu toàn.
Những người cầu toàn cảm nhận được từng vết lồi lõm trên đường. Họ khá nhạy cảm với căng thẳng - Hill
Và kết quả là, những người cầu toàn và không cầu toàn “ từ xa có thể trông như nhau trong một thời gian ngắn. Nhưng khi bạn lại gần và quan sát họ trong thời gian dài, những người tận tụy có những cách thích hợp hơn để xử lý khi mọi việc không suôn sẻ,” Hill nói. “Những người cầu toàn cảm nhận được từng vết lồi lõm trên đường. Họ khá nhạy cảm với căng thẳng.”
Những người cầu toàn có thể biến một cuộc ra khơi êm ả thành chuyến đi bão táp, một cơn gió chướng nhỏ thành một cơn bão nhiệt đới cấp năm. Ít nhất họ cảm nhận sự vật theo cách đó. Và bởi vì những sự trớ trêu này không bao giờ kết thúc, những hành vi mà những người cầu toàn thích ứng thật ra lại làm họ dễ thất bại hơn.

Ngôi sao quần vợt Serena Williams tự nhận mình là người cầu toàn. Cô đập vợt và thường đổ lỗi mỗi khi mọi việc diễn ra không như ý - sự bộc phát có thể lấy đi cả trận đấu (Ảnh: Alamy)
Ví dụ như trong một thí nghiệm, Hill đặt ra cho cả người cầu toàn và không cầu toàn những mục tiêu cụ thể. Chỉ có điều ông không nói với họ rằng bài kiểm tra là giả: không ai trong số họ có thể thành công. Thú vị là cả hai nhóm vẫn tiếp tục nỗ lực như nhau. Nhưng một nhóm cảm thấy kém vui hơn nhiều về toàn bộ cuộc kiểm tra - và bỏ cuộc sớm hơn. Chắc bạn cũng đoán ra là nhóm nào.
Đối mặt với thất bại, “những người cầu toàn có xu hướng phản ứng với cảm xúc khắc nghiệt hơn. Họ cảm thấy tội lỗi và xấu hổ hơn,” Hill nói. Họ cũng cảm thấy giận dữ hơn.
“Họ bỏ cuộc dễ dàng hơn. Họ có xu hướng né tránh khi mọi thứ không thể hoàn hảo.”
Điều đó hiển nhiên cản trở họ khỏi thành công mà họ muốn đạt được. Ví dụ như trong hơn 60 nghiên cứu tập trung vào các vận động viên của mình, Hill đã thấy rằng chỉ dấu lớn nhất cho thành công trong thể thao là luyện tập. Nhưng nếu luyện tập không tốt, những người cầu toàn có thể dừng lại.
Nó khiến tôi nghĩ đến thời thơ ấu của mình gắn liền với sự né tránh (hoặc bắt đầu và bỏ cuộc) hầu như trong mọi môn thể thao. Nếu có việc gì đó mà tôi không thể làm tốt ngay từ đầu, tôi sẽ không muốn tiếp tục - đặc biệt là khi có người theo dõi. Thực tế là có nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ giữa sự cầu toàn và sự lo lắng khi biểu diễn, ngay cả với trẻ em dưới 10 tuổi.

Chủ nghĩa cầu toàn và sự bất an khi biểu diễn thường gắn với nhau ở trẻ em và thanh thiếu niên, nghiên cứu chỉ ra (Ảnh: Getty Images)
Vấn đề là với người cầu toàn, sự trình diễn gắn liền với ý thức về bản thân. Khi họ không thành công, họ không chỉ cảm thấy thất vọng về cách mình làm. Họ cảm thấy xấu hổ về bản thân mình. Trớ trêu là sự cầu toàn sau đó trở thành một chiến lược phòng thủ để kìm giữ sự xấu hổ: nếu bạn hoàn hảo bạn sẽ không bao giờ thất bại, và nếu bạn không bao giờ thất bại, sẽ không có sự xấu hổ.
Kết quả là, việc theo đuổi sự hoàn hảo trở thành một vòng luẩn quẩn - và vì không thể đạt được sự hoàn hảo - không có kết quả.
*
Sự cầu toàn cũng nguy hiểm. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng người trẻ phải đối mặt với các bệnh tâm lý đang đạt mức kỷ lục. Ngày nay trầm cảm, lo lắng và có ý tưởng tự sát đang phổ biến hơn tại Mỹ, Canada và Vương quốc Anh so với một thập kỷ trước. Các nghiên cứu cho thấy các xu hướng cầu toàn dự đoán các vấn đề như trầm cảm, lo lắngcăng thẳng - ngay cả khi các nhà nghiên cứu kiểm soát các đặc điểm thần kinh học tiêu cực. Tệ hơn nữa, tự phê phán có thể dẫn đến các triệu chứng trầm cảm nhưng những triệu chứng này có thể lại làm sự tự phê phán trầm trọng hơn, hình thành một vòng lặp đau khổ.
Các vấn đề về sức khỏe tâm lý không chỉ bị gây ra bởi sự cầu toàn; một vài vấn đề cũng có thể dẫn đến sự cầu toàn. Ví dụ như một nghiên cứu gần đây cho thấy trong khoảng thời gian một năm, các sinh viên đại học có lo lắng xã hội có nhiều khả năng trở thành người cầu toàn - nhưng chiều ngược lại thì không đúng.
Cũng có nghiên cứu cho thấy một trong những phương pháp bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại sự lo lắng và trầm cảm là sự tự trắc ẩn (self-compassion) - điều mà những người cầu toàn luôn thiếu. Và việc tự phê phán bản thân (self-criticism), việc mà họ rất giỏi, cũng là chỉ dấu của sự trầm cảm.

Gwyneth Paltrow thủ vai nhà thơ cầu toàn Sylvia Plath trong bộ phim 'Sylvia' năm 2003 (Ảnh: Alamy)
Hầu như tất cả những xu hướng cầu toàn - kể cả việc đơn giản có tiêu chuẩn cá nhân cao - đều có liên quan đến tình trạng nghĩ tới việc tự sát thường xuyên hơn
Khi nói đến những ví dụ tồi tệ nhất, tự tử, rất nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bản thân sự cầu toàn là một tác nhân chết người. Một nghiên cứu thấy rằng sự cầu toàn khiến những bệnh nhân trầm cảm nghĩ đến việc tự sát nhiều hơn, thậm chí vượt ra ngoài cảm giác tuyệt vọng. Một phân tích tổng hợp gần đây, phân tích hoàn thiện nhất về mối liên hệ giữa tự sát-sự cầu toàn cho đến thời điểm này, chỉ ra rằng hầu như mọi xu hướng cầu toàn - bao gồm lo lắng về những sai lầm, cảm giác mình chưa bao giờ đủ tốt,  có những bậc cha mẹ nghiêm khắc, hoặc đơn giản là có tiêu chuẩn cá nhân cao - đều có liên quan đến tình trạng nghĩ đến việc tự sát thường xuyên hơn. (Có hai ngoại lệ: làm việc có tổ chức hoặc hay đòi hỏi).
Một số tiêu chí đó, đặc biệt là áp lực từ cha mẹ và những lo lắng cầu toàn, cũng có tương quan với nhiều nỗ lực tự tử hơn.
Tư duy đen-trắng có thể khiến những người cầu toàn coi thất bại như là những thảm họa, mà trong những trường hợp cực đoan, được xem như là cái chết," các nhà nghiên cứu viết. "Những phát hiện của chúng tôi cũng kết hợp với những nghiên cứu khái quát hơn cho thấy khi một người thấy rằng thế giới của mình đầy áp lực, phán xét và cực kỳ khắc nghiệt, họ nghĩ đến và/hoặc tham gia vào nhiều phương thức để trốn tránh (ví dụ lạm dụng rượu và ăn uống vô độ), bao gồm cả tự sát."

Có thể vì cơ thể của người cầu toàn thường tràn ngập căng thẳng, sự cầu toàn cũng có liên quan đến tình trạng chết sớm (Ảnh: Getty)
Và trong khi những người tận tâm có xu hướng sống lâu hơn, những người cầu toàn thường chết sớm hơn.
Trong nhiều trường hợp, không ngạc nhiên khi sức khỏe của những người cầu toàn thường kém hơn. "Những người cầu toàn đầy căng thẳng. Kể cả khi tình huống không căng thẳng, họ thường tìm cách để nó trở nên căng thẳng," theo lời Gordon Flett, người đã nghiên cứu sự cầu toàn hơn 30 năm, và cùng với Paul Hewitt đã phát triển thang đánh giá được coi là chuẩn mực vàng.
Thêm vào đó, ông nói, nếu sự cầu toàn của bạn tìm thấy một nơi trú ngụ trong, ví dụ như, thói nghiện làm việc, bạn sẽ chẳng bao giờ nghỉ ngơi thư giãn - điều mà chúng ta đều biết rằng cần thiết cho cơ thể và bộ não để làm việc một cách lành mạnh.
*
Cho dù sự cầu toàn có vẻ tự hủy hoại bản thân đến đâu, thì đó là xu hướng được chia sẻ bởi ngày càng nhiều người. Phân tích tổng hợp của Hill và Curran là cái nhìn toàn diện đầu tiên về sự phát triển của chủ nghĩa cầu toàn trong một thời gian dài. (Có rất nhiều cách để đo lường sự cầu toàn, các nhà nghiên cứu phải đợi cho đến khi một phương pháp - trong trường hợp này đến từ Flett và Hewitt - xuất hiện đủ lâu và được sử dụng trong đủ nhiều nghiên cứu). Cho đến nay, các nghiên cứu đã tìm ra 40,000 sinh viên đại học tại Mỹ, Canada và Vương quốc Anh.
Có sự gia tăng trong tất cả các loại cầu toàn từ năm 1989 đến 2016. Nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất là 'sự cầu toàn theo quy định xã hội', được đặc trưng bởi cảm giác rằng những người khác có yêu cầu cao: 32%. Lý do khiến điều này trở nên đặc biệt khó khăn là bởi đây là chiều hướng liên quan chặt chẽ nhất đến những bệnh lý tâm thần nghiêm trọng," theo Curran.
Các kết quả phù hợp với những gì được báo cáo trước đó. Ví dụ như một nghiên cứu năm 2015 về những thanh thiếu niên có năng khiếu tại vùng ngoại ô cho thấy" điểm cầu toàn cao hơn rõ rệt (đặc biệt ở các chiều hướng không lành mạnh) so với những nghiên cứu trước đó." Một quan sát kéo dài một thập kỷ với những thanh thiếu niên có năng khiếu Toán học tại Cộng hòa Séc cũng có kết quả tương tự.
Trong những thực hành lâm sàng của mình, nơi cô thường xuyên làm việc với những bệnh nhân rối loạn ăn uống, Egan cũng nhận thấy điều này. "Tôi thường xuyên bị sốc bởi biên độ tuổi. Chúng ta đang thấy sự trẻ hóa của các bệnh nhân nữ: bảy hoặc tám tuổi," cô nói. "Nguyên nhân thường là do sự cầu toàn. Do đó tôi nghĩ: phải, mỗi thế hệ dường như đang trở nên cầu toàn hơn."
Vậy thì sự gia tăng này đến từ đâu? Khi bạn để ý rằng sự cầu toàn bắt nguồn từ việc kết hợp danh tính và thành tựu của của mình, câu hỏi có thể sẽ là: nó không đến từ đâu?
Rất nhiều người trong số chúng ta sống trong các xã hội mà ở đó câu hỏi đầu tiên khi gặp một ai đó là bạn làm nghề gì. Các xã hội  mà ở đó chất lượng và quy mô của thành tựu là tiêu chuẩn để 'định giá' chúng ta, và những thành tựu này thường liên quan trực tiếp đến khả năng chúng ta trả tiền thuê phòng, hay mang đồ ăn về nhà mỗi tối. Các xã hội mà ở đó những người hoàn toàn xa lạ đo đếm những giá trị trên giấy tờ này để quyết định mọi thứ, thuê căn nhà này, mua chiếc xe kia hay nhận khoản vay nọ. Các xã hội mà ở đó chúng ta gửi tiếp cận các tài nguyên trên bằng vẻ ngoài của mình - đôi giày nọ, cơ thể kia - và những người khác, khi đến lượt, lại đánh giá xem chúng ta có phải người thích hợp để gọi đi phỏng vấn hoặc mời đi ăn tối hay không.
Curran và Hill có cảm giác tương tự. "Thất bại không thể được chấp nhận trong xã hội dựa vào thị trường," Curran chỉ ra, và điều này càng trầm trọng hơn khi các chính phủ ngày càng thu nhỏ quy mô của các phúc lợi xã hội. Các cuộc ganh đua thậm chí còn được đưa vào trường học: lấy ví dụ như các kỳ kiểm tra được chuẩn hóa và các cuộc thi đại học đầy căng thẳng. Và kết quả là, Curran nói, không có gì ngạc nhiên khi các bậc phụ huynh tự gây thêm áp lực lên bản thân mình - và lên con cái - để đạt nhiều thành tích hơn.

Các thanh thiếu thiên có thành tích cao dễ trở thành người cầu toàn hơn là sự cầu toàn dẫn đến thành công về học thuật (Ảnh: Getty Images)
Nếu chỉ tập trung vào thành quả, trẻ em sẽ có ác cảm với các lỗi lầm ," Curran nói. Nếu trẻ em tiếp thu điều này - ý tưởng cho rằng chúng ta chỉ có thể định nghĩa bản thân mình trong một khái niệm hẹp và chặt chẽ của thành tích - và bạn sẽ thấy những xu hướng cầu toàn bắt đầu lan tỏa." Ví dụ như một nghiên cứu cho thấy tập trung vào những thành tích học thuật dự đoán sự phát triển của chủ nghĩa cầu toàn sau này.
Tương tự như vậy, phương pháp sao vàng của phụ huynh và nhà trường có vẻ như cũng có ảnh hưởng. Nếu bạn chỉ được khen ngợi khi làm điều tốt, bạn sẽ học được rằng bạn chỉ có chút giá trị nào đó khi bạn được công nhận bởi người khác.
Nếu các phương pháp khác, như khiến trẻ cảm thấy có lỗi khi mắc lỗi, được thực hiện, điều này sẽ còn trở nên rắc rối hơn. Các nghiên cứu cho thấy những phương pháp dạy con dạng này dễ khiến trẻ trở thành những người cầu toàn - và sau đó, phát triển chứng trầm cảm.
Nỗi sợ thất bại cũng được phóng đại theo nhiều cách khác. Ví dụ như trên mạng xã hội: hôm nay mắc một lỗi nhỏ và bạn sợ rằng nó có thể được truyền đi, thậm chí trên toàn cầu, là một điều không hợp lý. Cùng lúc đó, tất cả những thông tin hào nhoáng trên đó cũng củng cố những tiêu chuẩn không thực tế.

Cùng với việc củng cố những tiêu chuẩn không thực tế, mạng xã hội cho chúng ta nhiều lý do hơn để sợ mắc sai lầm (Ảnh: Getty Images)
Một vài sự cầu toàn có tính kế thừa. Nhưng nó cũng phát sinh do điều kiện môi trường (xét cho cùng, nếu chỉ đơn giản là về di truyền, có vẻ như nó sẽ không thể phát triển nhanh đến vậy). Vậy làm thế nào các bậc cha mẹ có thể chống lại nó? Tạo ra các hành vi tốt bằng cách quan sát các xu hướng cầu toàn của bản thân họ, các nhà nghiên cứu cho biết. Và thể hiện tình yêu không điều kiện.
"Là nói những điều như 'Con đã thực sự rất cố gắng. Bố mẹ tự hào về những nỗ lực của con.' Chúng ta cần tạo một môi trường mà ở đó sự không hoàn hảo không chỉ được chấp nhận mà còn được coi trọng - vì điều đó có nghĩa rằng chúng ta là con người," theo lời Rasmussen, đồng tác giả của một phân tích về việc hệ thống gia đình có thể nuôi dưỡng sự cầu toàn như thế nào. "Hoặc cho con trẻ biết rằng tình yêu và sự quan tâm không phụ thuộc vào sự thể hiện của chúng.
Ý tưởng là bạn không cần phải hoàn hảo để được yêu thương."
*
Sự cầu toàn có thể là một thử thách đặc biệt khó khăn. Bạn có thể giúp một người từ bi hơn với bản thân trong một môi trường thư giãn. Nhưng nếu họ quay trở lại văn phòng vẫn với cấp trên hay đòi hỏi và những hành vi đã ăn sâu vào gốc rễ, rất nhiều điều tích cực sẽ biến mất.
Và đương nhiên có một niềm tin rộng rãi (nhưng sai lầm) rằng là một người cầu toàn khiến chúng ta là một người lao động tốt hơn (hoặc là một vị phụ huynh, một vận động viên, hoặc trong bất cứ nhiệm vụ gì).
Điều khiến sự cầu toàn khác biệt với trầm cảm hay lo lắng, là mọi người coi trọng nó - Egan
Điều khó khăn của sự cầu toàn, và điều khiến nó khác biệt với trầm cảm hay lo lắng, là mọi người coi trọng nó," Egan nói. Nếu chúng ta lo lắng hoặc trầm cảm, chúng ta không trân trọng những triệu chứng này. Chúng ta muốn loại bỏ chúng. Khi chúng ta thấy một người cầu toàn, họ thường cảm thấy phân vân để thay đổi. Mọi người nói răng nó mang lại nhiều lợi ích cho họ"
Cô giúp những bệnh nhân của mình bằng cách giúp chứng tỏ với bản thân rằng điều đó không đúng. Ví dụ như nếu có ai đó nói rằng họ cần làm nên ba giờ tại nhà mỗi đêm để làm việc tốt, họ có thể thử không làm đêm trong một tuần. Thường thì bệnh nhân không chỉ thấy rằng nó không mang lại điều gì khác biệt - nhưng chính sự nghỉ ngơi mới giúp họ cải thiện hiệu suất.
Bản thân tôi cũng đã thử một vài cách buông bỏ này. Điều này cũng cần đi cùng với việc nhận ra khi nào tôi đang ôm đồm quá nhiều thứ và tự làm bản thân kiệt sức khi cố gắng 'làm đủ' (một khối lượng công việc mà tôi thấy rằng thực ra không tồn tại).
Nhưng điều quan trọng hơn là thay thế những suy nghĩ phê bình đó bằng những thông điệp tốt đẹp hơn - cho cả người khác và bản thân tôi. Tôi bắt đầu (và có một vài thành công) ngăn bản thân phản ứng thái quá trước lỗi lầm của người khác. Khó khăn hơn, nhưng cũng quan trọng không kém, là ngăn mình phản ứng thái quá trước lỗi lầm của bản thân. Trớ trêu là điều này bao gồm cố không phê phán bản thân khi tôi không đạt được mục tiêu.
Công việc này vẫn đang tiếp tục. Nhưng tôi nhận thấy rằng mỗi khi tôi có thể thay thế việc phê phán hay tìm cách trở nên hoàn hảo bằng thái độ rộng lượng, tôi không chỉ cảm thấy bớt căng thẳng hơn, mà còn tự do hơn. Rõ ràng đó không phải là điều gì đó bất thường.
“Cho phép những điều không hoàn hảo diễn ra, chấp nhận và ăn mừng điều đó. Đó là một cảm giác tự do ,” Ramussen nói. “Vì thật sự kiệt sức để duy trì sự hoàn hảo.”
Nguồn: BBC Future