Mọi người kể về câu chuyện đêm hôm ấy mỗi người mỗi khác. Mẹ tôi nói chú Salvatore của tôi rời căn hộ số 87 Spring Street ở Middletown, Connecticut, lúc 2 giờ sáng Thứ sáu. Chú chỉ vận một chiếc sơ mi tay ngắn, cổ po-lo, quần dài, áo gió và vớ. Không giày. Chú khóa cửa, đặt chìa khóa xuống dưới thảm nhà trước khi bước vào màn đêm.
Chị tôi lại nghe rằng chú bỏ đi mà chỉ mặc trên mình bộ pyjama. Chú không khóa cửa sau khi ra khỏi nhà. Đêm ấy tuyết đang rơi, nặng hạt. Những bông tuyết dày lấp dấu chân, cho đến khi chúng cũng hoàn toàn tan biến, giống như chú Salvatore của gia đình.
Vài người trong nhà kể lại chú từng bị một trận sốt cao khi còn bé khiến cho chú “hơi chậm” – và có thể đêm hôm đó đầu óc của chú không thật minh mẫn nên mới rời bỏ căn hộ. Người khác trỏ về những cơn đau đầu mà chú đã trải qua sau khi từ Sicily đến Mỹ. Có lẽ chú đã bỏ nhà ra đi vì sợ lần khám bác sĩ sắp tới.
Chú Salvatore biến mất ngày 4 tháng 11, 1966, năm năm trước khi tôi sinh ra. Chú 24 tuổi, không nói tiếng Anh, và vừa sang Mỹ chỉ vẻn vẹn 2 tháng. Từ khi chú mất tích, một nhịp thời gian mới đã bắt đầu cho cả gia đình chúng tôi. Ngày hôm đó, cha tôi 29, nhưng sinh nhật kế tiếp cha tôi không 30. Ông sẽ già thêm một năm thời điểm cậu em trai mất tích. Mất mát là thứ cảm thức thời gian duy nhất còn lại ý nghĩa.
Một trong những kỷ niệm đầu tiên của tôi là bước vào một căn phòng và những bà cô bà dì người Sicily òa khóc khi nhìn thấy tôi. Chẳng phải bởi những gì tôi đã làm sai quấy. Mà là khuôn mặt của tôi. Sống mũi cao với một đường cong thật khẽ, đôi mắt đen bên dưới hàng lông mày rậm, mái tóc đen dày rẽ gọn gàng, và kiểu biểu hiện trên khuôn mặt khiến tôi lúc nào trông cũng như đang trầm tư hay vô cùng buồn bã. Tôi có gương mặt của chú Salvatore của tôi, nỗi đau buồn to tát nhất của dòng họ tôi.
Đêm đó cha tôi nếu có lên tiếng thì rất kiệm lời. Thế nhưng chú Salvatore vẫn luôn ở cùng chúng tôi. Cha tôi là anh cả, và tôi là con trai út, giống chú. Chúng tôi, cha tôi và tôi, cùng bị đọa vào những vai trò này, và những vai trò choàng phủ lên chúng tôi vừa là tấm giáp, cũng lại là xích xiềng gô giữ.
Khi tôi lên mười, một sáng thứ Bảy mẹ tôi, chưa từng lạc mất một người anh hay em, cho phép tôi sang nhà một người bạn nằm trong một hẻm ngang chỉ cách nhà ba dãy phố, để chơi bóng chày cùng một đám trẻ con trong xóm. Trong một thời điểm khi mẹ rời khỏi tiệm tạp hóa mà không nhắn nhủ tôi đang ở đâu, và khi cha tôi vừa từ tan ca làm việc giữa ngày ở nhà máy về nhà tất cả những gì ông biết chỉ là tôi đã không còn, rằng tôi đã biến mất, hệt như em trai ông.
Cha tôi lao vào xe tải và đảo vòng cả khu phố, chạy chậm và ngó nghiêng vào từng sân nhà, ô cửa. Khi rốt cuộc ông tìm thấy tôi giữa những đứa trẻ khác trong nhóm, ông dừng xe ngay giữa đường. Cửa xe vẫn mở toang, máy vẫn chưa tắt, ông lao vụt ra ngoài và giáng cho một cú bạt tai. Tôi bị xấu hổ, khóc lóc, tức tối, sợ hãi. Đây là con người tôi không bao giờ muốn gặp mặt nhưng cứ gặp quá thường xuyên. Trước mắt chúng bạn, cha tôi nắm cổ áo lôi tôi vào xe, chửi rủa bằng thổ ngữ Sicily khôn ngớt.
Một hồn ma có thể có kích thước của một căn phòng hay của cả một gia đình. Người ta nghĩ rằng điều khiến một hồn ma đáng sợ là khi hồn ma ấy giao tiếp với thế giới đang hiện hữu – những quyển sách lơ lửng trong phòng, bóng đèn nhấp nháy, hay cánh cửa tự mở và tự khép. Nhưng điều thật sự khiến một hồn ma đáng sợ chính là ta không thể trông thấy, khi ta không hề biết hồn ma đang làm gì, hay sẽ khiến chúng ta làm những gì.
Mẹ tôi từ tiệm tạp hóa về nhà thì thấy cha tôi đang quấy tung nhà bếp sửa soạn bữa trưa còn tôi đang sục sùi trong căn phòng ngủ chia sẻ với anh trai. Cha tôi đã vụt tấm lưng trần của tôi bằng dây thắt lưng da. Ở dưới nhà, cha mẹ cự cãi to tiếng với nhau cho tới khi cha tôi rút ra ngoài về với mảnh vườn bất khả xâm phạm của mình, đóng sầm cửa sau. Đây là cách ông chấm dứt mọi cuộc cãi vã. Lúc sau, khi tôi không muốn xuống nhà ăn tối, cha và mẹ tới bên tôi. Cha tôi giở áo, xem tình trạng của tấm lưng trầy trụa. “Nó không sao hết,” ông nói với mẹ bằng một giọng nhún nhường. “Da của nó vẫn chưa toét.”
Tôi chẳng biết mình đã làm điều gì sai. Mẹ không nói cho tôi biết vì bà cảm thấy đấy chẳng phải việc mình và cũng không muốn gợi lại phần con người ấy của cha. Cha không nói cho tôi biết vì làm như thế tức là nói về chú Salvatore – và thú nhận cái buồn thương, mất mát, sợ hãi mà một người đàn ông như cha tôi xem là yếu đuối. Do vậy tất cả những gì còn lại chỉ là cơn giận dữ bóp chẹt.
Lâu rất lâu sau khi cuộc truy tìm chính thức chú tôi chấm dứt, ông nội tôi hễ nghe thấy nhà chức trách phát hiện ra một xác chết nam giới không danh tính liền bắt cha chở ông đi khắp tiểu bang. Nhưng chẳng bao giờ là chú Salvatore.
Khi bà nội tôi qua đời năm 1997, bia mộ của bà vẫn còn biên chú Salvatore là một trong ba người con của bà còn sống. Khi ấy, cha tôi đẩy ông đang ngồi trên xe lăn vào Nhà tang lễ D'Angelo. Cao dỏng và mảnh khảnh ở tuổi 92, ông nội chưa bao giờ cần tới cây gậy chống để đi lại cho tới tận ngày hôm ấy. Tiến tới bên quan tài mở nắp, ông tôi nhấc mình ra khỏi xe lăn và nhìn vào trong. “Giờ bà biết rồi đó,” ông thét lên bằng tiếng Sicily. “Giờ bà biết rồi, thì hãy kể cho tôi biết Sal ở đâu. Thằng con trai của tôi đâu rồi?”
Cần tới cha, chú Angelo, và một người ở nhà tang lễ mới lôi nổi ông nội xuống lại xe lăn. Khi ông qua đời một năm sau, gia đình một lần nữa lại biên Salvatore vẫn còn sống. Với dòng họ nhà tôi, chú Salvatore đã bị đóng băng ngay tại thời điểm chú ấy bước khỏi nhà vào giữa tuyết rơi – và mọi người vẫn chờ chú bước trở vô nhà. Họ vẫn đợi cho tới khi chẳng còn một cơ may nào để chú có thể quay trở vào, khi cuộc đời tự nhiên của chú chấm dứt.
Mất mát có nhịp có thời riêng của mình. Mất mát bóp méo thời gian và ký ức, khiến tháng ngày ngắn ngủi nhưng đồng thời cũng tưởng chừng bất tận. Sự mất tích của chú Salvatore không phải lần đầu đồng hồ thời gian của gia đình được vặn lại về số 0. Hai chị em của cha tôi sống qua kỳ sơ sinh. Trong Thế chiến thứ hai, làng Melilli của gia đình bị chiếm đóng và đánh bom, xác người ngập đầy quảng trường trung tâm. Sau khi quân đồng minh chiếm lại Sicily, hai anh em họ của cha đang chơi thì bị mảnh đạn pháo nổ bất ngờ cướp đi sinh mạng. Theo thời gian cha tôi, khi ấy vẫn là một cậu bé, kể lại câu chuyện thương tâm kia bằng nhiều cách khác nhau: đôi lúc ông có mặt tại đó và chứng kiến, có lúc ông chỉ nghe tiếng nổ và chạy lại, khi khác ông tìm cách ngăn chặn trò chơi nguy hiểm kia trước quá muộn.
Nhưng đó là những câu chuyện mà cha có thể kể lại – những câu chuyện ông thường kể. Là những câu chuyện có hồi kết, dù bi thương đến dường nào.
Năm nay, khi tôi về nhà ở Connecticut tham gia Lễ Thánh Sebastian hàng năm, cha tôi cuối cùng cũng kể về chuyện đã xảy ra với chú Salvatore theo những gì ông nghĩ. Hai chúng tôi ngồi bên bàn bếp, uống cà phê giữa đêm mờ sáng sáng Chủ Nhật, một ngày đặc biệt cho Lễ thánh, ngày một đám rước trang nghiêm sẽ vác tượng thánh Sebastien đi khắp phố trung tâm Middletown.
Nhà bếp nhà cha mẹ vẫn chẳng hề thay đổi từ đầu thập niên 80 tới giờ. Nó vẫn còn hệt những bệ lót vải lino màu vàng và sàn nhà lối xưa họa tiết vàng và nâu mà khi còn bé tôi thích cạy ra. Trên cửa sổ nhìn từ bệ rửa, nắng ban mai rón vào quanh mép những cuộn màn cũ kỹ, sờn mòn và dính bệt vào nhau theo năm tháng. Căn nhà giờ đây trống trải nhưng chẳng hề yên ắng. Mẹ tôi đang sống tại một nhà dưỡng lão gần đó từ hơn một năm nay sau chuỗi nhiều lần đột quỵ. Vắng bà, cha tôi mở vô tuyến hay truyền hình làm bầu bạn. Nhưng sáng hôm đó, tôi tắt truyền hình và ngồi cùng ông giữa cái tĩnh lặng của ngôi nhà cũ kỹ ấy – tôi, một người trưởng thành, và cha tôi, một ông lão.
Cùng nhau, chúng tôi mời gọi những hồn ma nhập cuộc.
“Chú Salvatore muốn về lại nhà ở Sicily,” cha tôi tự nói khi tôi chưa hề hỏi. “Chú năn nỉ ông nội để cho chú về. Chú không thích sống ở đây.” Cha tôi ngưng để hớp cà phê đặc quánh pha cho cả hai chúng tôi. Ông lắc mái đầu với đôi môi bễu ra và vần trán nhăn nhúm, trao cho tôi một cái nhìn chòng chọc mà tôi đã từng thấy bao lần trước, cái nhìn như nói rằng chẳng gì có thể cứu vãn được, chí ít là chẳng bao giờ nữa.
Tôi tưởng tượng về ông, suốt bao năm tháng ấy, quặn thắt trước sự thành khẩn trong giọng nói của chú Salvatore, trước khắc khoải muốn rời đi của con trai mình, trước đau đớn dường nào khi phải xa khỏi quê hương tại một đất nước xa xăm nơi con người ta nói với nhau bằng một ngôn ngữ mà chú không thể hiểu. Tôi cũng hình dung những gì mà chú hẳn đã cảm thấy, khi sự tuyệt vọng va hy vọng đang giằng xé trong lòng.
“Ông nói rằng Sal muốn mang ông về Melilli.” Giọng của cha giờ đây trở lại thành cái giọng nói trẻ trung hơn rất nhiều của con người mà tôi quen thuộc, một chàng trai trẻ đau đớn, vừa kết hôn làm trong mảng xây dựng. Một chàng trai chẳng bao lâu sẽ phải đau đớn trải qua nhiều đêm thao thức vì những gì xảy ra với đứa em trai. “Nhưng ông cần có thời gian để chuẩn bị tiền của để quay về, nên ông bảo Sal chờ ông hai tháng.” Cha tôi giơ hai ngón tay lên để nhấn mạnh.
Chú Salvatore chỉ việc chờ thêm hai tháng nữa để ông nội kiếm đủ tiền vé máy bay bay về Sicily. Nhưng trong câu chuyện của cha, chú Salvatore không thể chờ đợi. Chú thấy mình đang ở sai chốn, và cần phải rời khỏi nó ngay lập tức. Chú lo rằng ông tôi nghĩ rằng, chỉ một ít lâu chú sẽ đổi ý. Có lẽ chú sẽ dần thích hơn với cuộc sống ở đây, thậm chí yêu thích cái cách ông tôi đã thắm thiết đến thế nào với cảm nhận về Mỹ. Tuy thế, với Salvatore, hai tháng nữa có thể trở thành hai năm, và hẳn cũng đã tưởng như vô tận.
Mặt cha tôi sụp xuống, bởi tức giận và sợ hãi, sự cố chấp của cả một đời người mang theo mặc cảm đặt sai chốn.
“Sal đi đến cầu Arrigoni,” cha tôi nghiêng đầu nói tiếp, cặp mày trắng um tùm nhểnh lên khỏi những nếp gấp của vầng tráng. “Chú đã nhảy xuống sông, ta nghĩ là như vậy.”
Trong câu chuyện cha kể, ông luận rằng sóng nước ắt hẳn đã cuốn theo xác em mình và cuộn vào một cái hang ngầm hay khe đá nào đó – đâu đó mà chẳng ai có thể tìm ra – hay thậm chí có thể suốt dọc Long Island Sound ra biển khơi. “Sao nó lại không đợi thêm chứ?” cha tôi thắc mắc, bằng một sự dứt khoát mà tôi chẳng bao giờ nghe qua trước đó. Ông đang vặn lại đồng hồ cuộc đời lần nữa. Ở tuổi 83, rốt cuộc ông đã chấp nhận em trai mình đã mất. Nhưng ông cũng đang truyền cho tôi ngọn đuốc đợi chờ chú Salvatore – người có thể sống lâu hơn ông có thể sống để chờ – phòng khi phép màu xảy ra.
Dì tôi không phải lúc nào cũng khóc khi nhìn tôi. Đôi khi họ khẽ nói chuyện với nhau, trỏ về những điều nhỏ nhặt về tôi khiến họ nhớ về người em trai của mình. Tôi tự tìm kiếm chúng nơi bản thân, cố tìm xem họ thấy những gì. Đó là một cảm giác lạ lùng, mơ hồ, tựa như nắm lấy một món đồ chỉ để thấy tay của ta vút qua nó. Khi còn bé, tôi tin rằng nếu có thể tìm thấy những điều gì giống chú Salvatore bên trong mình, tức là tôi cũng có thể trao lại cho gia đình một phần nào đó người em trai họ.
Tôi không có bất kỳ câu chuyện kể nào về cuộc đời chú ngoại trừ những câu chuyện về sự biệt tích ra đi của chú – về cách chú đã tan biến vào màn đêm và làm tan nát cả gia đình chúng tôi mãnh liệt hơn bất cứ sự tan vỡ nào trước đó. Tên của chú, con người của chú, trở nên đồng nghĩa với những câu hỏi chú đã đi đâu và liệu có quay trở về hay không, những câu hỏi không thể có câu trả lời. Nhưng cùng với cha tôi trong gian bếp sáng hôm ấy, lần đầu tiên, tôi đã nhìn thấy hình ảnh về chú Salvatore, và những điều chú mong mỏi. Đó là phân mảnh mà tôi đã tìm kiếm trong gương nhưng chẳng bao giờ tìm thấy.
Có lẽ chẳng phải tình cờ mà trong tiểu thuyết đầu tay How Fires End của tôi, một trong những nhân vật chính, nhân vật mất mát nhiều nhất, cũng mang tên Salvatore. Dù Salvatore tôi tạo ra còn sống, anh ấy vẫn đầy ắp mất mát. Cha tôi thường hay kể về Melilli, ngôi làng có thật trong tiểu thuyết của tôi nơi ông và chú Salvatore lớn lên cùng với nhau, ngôi làng mà chú tôi khắc khoải trở về. Trong những chuyện kể ấy về Sicily, chú Salvatore không bao giờ được nhắc qua nhưng giờ đây khi tôi đã biết cách tìm thấy chú, chú đã luôn hiện hữu. Trong Sicily ký ức ấy, chú tôi vẫn còn sống, là một phần của khung cảnh.
Nhưng chú cũng vẫn ở Middletown, Connecticut, trong căn nhà của cha mình số 87 Spring Street, nuốt chửng bởi tuyết giá và bóng đêm, vẫn đang trỗi dậy lúc chập choạng ban mai một sáng thứ Sáu, người có cùng khuôn mặt với tôi.
Pitfalls - Leprous 
Marco Rafalà là tiểu thuyết người Mỹ gốc Sicily, sinh ra ở Mỹ. How Fires End là tiểu thuyết đầu tay, phát hành 2019.

Bài gốc: https://lithub.com/when-a-family-measures-time-by-its-losses/