Đây là phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh.
Nếu như trong truyện mình tìm thấy những cảm xúc si mê, yêu đương chân tình của anh chàng Ngạn chân chất luôn một lòng với Đo Đo qua những cung đoạn miêu tả đầy nên thơ và trong sáng, thì ở phim mình nhìn thấy sự diễn xuất nhập tâm đến xuất thần của 2 bạn diễn viên chính. Họ đích thực sinh ra là để làm Ngạn, làm Hà Lan.
Dĩ nhiên, là phim nên mình không thể nào đòi hỏi người ta phải truyền tải được hết những tình tiết trong truyện. Có nhiều tình huống phải được cải biên cho phù hợp hơn để đáp ứng đúng những nhu cầu của màn ảnh. Các chi tiết, cảnh quay rõ ràng được đầu tư rất tỉ mỉ, cốt cũng là để truyền đạt lại những đoạn cảnh miêu tả nên thơ, lãng mạn của nhà văn. Thiết nghĩ, Victor Vũ phải chăng sinh ra là để dựng phim cho những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh? Đầu tiên là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và nay lại là “Mắt Biếc”.
Nói về nội dung phim, về cơ bản đã truyền tải được hết 80% nội dung chính của truyện: xoay quanh câu chuyện chàng si tình Ngạn với Hà Lan. Phim đã làm sống lại thời thập niên 90 ở thành phố, thôn quê, trường học, rất thực, rất Việt Nam. Những định nghĩa về cuộc sống, những giá trị thân quen khéo léo được lồng ghép qua từng câu thoại. Ấn tượng nhất có lẽ là lời thoại của Trà Long trần thuật lại câu nói của bà Ngoại.
Vốn dĩ đây đã là một câu chuyện cảm động, nên không có lí gì mà người xem phim không thổn thức theo từng tiếng nấc nghẹn, giọt nước mắt âm thầm và nỗi khổ tâm của nhân vật.
Phải thế, phim đúng là sinh ra để giải trí. Nhưng để mà làm thành điện ảnh, làm thành một tác phẩm nghệ thuật thì nó đích thực cần phải có giá trị để người gần người hơn, rồi đồng cảm, thương xót, vị tha, rộng lượng, cố gắng hoàn thiện bản thân hướng tới những điều tốt đẹp của cuộc sống. 
Trở lại với "Mắt biếc", "Mắt Biếc" có nội dung, có giá trị, có thông điệp. Tôi hài lòng về điều đó, nên tôi muốn dành cho bộ phim một lời bình hoa mỹ như ở tên tiêu đề đã đặt "Mắt Biếc - một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa."
#Hanoi_19122019