Masanobu Fukuoka là một lão nông, đồng thời là triết gia người Nhật Bản. Tại Việt Nam, ông nổi tiếng với hai cuốn sách được dịch: Cuộc cách mạng một cọng rơm và Gieo mầm trên sa mạc. Qua hai cuốn sách đó, ông đã làm rõ triết lý nông nghiệp thuận tự nhiên và chứng minh được bằng những kết quả đáng kinh ngạc.
Ít ai ngờ rằng, với kỹ thuật canh tác tự nhiên (không dùng máy, không phân bón hóa học, làm cỏ rất ít, không gây ô nhiễm…) lại cho những vườn cây đầy trái ngọt, những ruộng lúa năng suất ngang và cao hơn các thửa ruộng mẫu. Hơn thế, trên những mảnh đất của ông, đất đai được cải thiện, ngày một màu mỡ hơn.

Masanobu Fukuoka và một cuộc đời kỳ lạ

Sinh ra và lớn lên trên một ngôi làng thuộc đảo Shikoku, tuổi thơ Fukuoka gắn với vườn cam và ruộng lúa của người cha mình chăm sóc. Thời điểm đó cho đến lúc theo học tại Trường CĐ Nông nghiệp Gifu, ông cũng như bao giờ khác không có khái niệm về “thuận tự nhiên”.
Mặt khác, lúc đó ông còn theo đuổi đam mê nghiên cứu về bệnh học cây trồng và có nhiều thành tích đáng nể. Nổi bật, có một thời gian dài ông làm việc tại Văn phòng Hải quan nông nghiệp (Yokohama) với nhiệm vụ: thẩm định, chọn lọc những cây trồng tốt nhất cho Nhật Bản. Chính nhờ thời gian nghiên cứu cây, gần gũi với thiên nhiên đó mà ông chia sẻ rằng “thấy sửng sốt về thế giới thiên nhiên qua kính hiển vi”.
Sau thời gian 3 năm làm việc tại đây, với áp lực công việc khủng khiếp, có lần ông Masanobu Fukuoka suýt chết vì bệnh phổi. Sự việc đó khiến ông suy nghĩ nhiều và đi đến quyết định khiến mọi đồng nghiệp phải sửng sốt: Nghỉ việc, đi lang thang để tìm ý nghĩa cuộc đời. Và từ một người được đào tạo bài bản, tin vào khoa học, ông quay ngược 180 độ và ra sức “chống khoa học”, chống lại một thế giới mà phá hủy tự nhiên. Trong đó, nổi trội là cách khoa học bắt tự nhiên đi ngược sự phát triển của chính nó.
Sau một đêm lang thang, ngất đi tỉnh dậy bởi một tiếng diệc kêu, ông “ngộ” ra nhiều thứ. Hay nói đúng hơn, ông đã cảm nhận được một thế giới xanh tươi, được thiên nhiên đón ông trở về đúng ý nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Một thế giới mới mở ra với ông, một cuộc đời mới chào đón ông: Gắn với thiên nhiên! Dành cả cuộc đời còn lại để sống, thực hành triết lý làm nông thuận tự nhiên!
Khoảnh khắc “ngộ” ra ý nghĩa ấy ông chia sẻ trong cuốn sách Cuộc cách mạng một cọng rơm rằng: “Chỉ trong một khoảnh khắc, toàn bộ những nghi ngờ và cơn mù mịt ảm đạm của tôi đã tiêu biến. Mọi điều mà tôi đã từng tin chắc, mà tôi vẫn thường dựa vào đã bị quét đi cùng với gió… Tôi cảm thấy đây đích thực là thiên đường trên trái đất…”.
Sau khi “ngộ” ra triết lý nhân sinh đó, ông cố gắng giải thích với những đồng nghiệp (lẫn người ông gặp trên đường). Tất nhiên, ai cũng gạt đi, xem ông là kẻ lập dị. Thời điểm đó khoảng năm 1930 khi mà khoa học đang giành niềm tin tuyệt đối. Sự xuất hiện của ông Masanobu Fukuoka với triết lý đó quả là kỳ lạ (bây giờ vẫn thế?). Rồi ông bỏ việc, quay về nông trại của cha nhằm sống và thực hành những điều mà ông nghĩ.
Tất nhiên, trong thời gian đầu ông đã gặp những khó khăn nhất định. Cụ thể, vườn cam của người cha để lại, ông đã để “thuận tự nhiên”, kết quả cây chết sạch. Điều này làm ông ngộ ra một điều khác, quý giá hơn: “Thuận tự nhiên không có nghĩa là bỏ mặc”.
Sau đó, bằng những lần thực hành, bằng những tính toán, bằng sự gần gũi với đất đai, ông đã thành công trên mảnh đồi quê nhà. Kết quả thời điểm đó của ông Masanobu Fukuoka rất đáng kinh ngạc: Những ruộng lúa không giữ ngập nước của ông bằng hoặc vượt sản lượng ở những nơi áp dụng kỹ thuật khoa học hàng đầu Nhật Bản. Những vườn quýt của ông sai trái mỗi năm cho gần chín tấn quýt và gửi lên Tokyo bán - nơi mà người dân xưa đến nay không biết thực phẩm thuận tự nhiên là gì.
Có một chi tiết mà rất đáng quý ở ông Fukuoka, khi bán quýt thuận tự nhiên lên Tokyo, ông tuyệt đối không bán cho những ai muốn tăng giá vì dựa vào chữ “sạch”. Ông đưa ra triết lý sống tử tế: cây trồng thuận tự nhiên vốn không tốn công sức, sao lại phải bán đắt? Điều này đến hiện tại vẫn là một câu hỏi nhức nhối!
Không chỉ dừng lại ở khu vườn nhà, kế hoạch làm nông thuận tự nhiên của ông còn mang tầm cỡ thế giới. Với dự án gieo mầm trên sa mạc, ông ước ao một ngày nào đó sa mạc sẽ được lấp đầy cây, hành tinh này xanh hơn. Từ đó, ông mong rằng một ngày nào đó, trái đất này thực sự là vườn địa đàng, nơi đó họ sống an bình, tự do, hạnh phúc nhất.
Ngoài ra, trong cuộc sống của mình, ông Fukuoka còn đưa ra nhiều triết lý sống cũng như kỹ thuật làm nông cụ thể. Bên cạnh đó, lão nông này còn bàn về chế độ ăn, chính trị, kinh tế… qua con mắt của một người gắn liền với tự nhiên. Ông cho rằng, nhân loại đang đi sai hướng khi ngày càng tách rời bản thân với tự nhiên. Xem thêm tại: