Manuel Neuer và sự thay đổi của vị trí thủ môn
Chuyển ngữ từ bài viết Manuel Neuer and the Evoluon of the Goalkeeper của Paul Simpson trên tạp chí bóng đá FourFourTwo . Bài...
Chuyển ngữ từ bài viết Manuel Neuer and the Evoluon of the Goalkeeper của Paul Simpson trên tạp chí bóng đá FourFourTwo.
Bài này được mình dịch tháng 12/2014 khi Neuer có mặt trong danh sách đề cử cuối cùng cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA. Bây giờ phong cách của anh đã ít nhiều mất đi sức hút, nhưng vào thời điểm đó màn trình diễn của anh tại World Cup 2014 thực sự ấn tượng. Và với tư cách một thủ môn nghiệp dư, mình khá tâm đắc với bài viết này.
Trong vòng 10 năm, ý kiến cho rằng Neuer là thủ môn có tầm ảnh hưởng lớn nhất lịch sử có vẻ như rất thuyết phục. Màn trình diễn của anh trên khắp mặt sân ở vị trí ’sweeper-keeper’ (hậu vệ quét-thủ môn) trong màu áo tuyển Đức và Bayern Munich phần nào xóa tan bí ẩn xung quanh vị trí thủ môn, thay đổi cách các thủ môn đang được huấn luyện, và có thể thuyết phục hàng triệu trẻ em chơi bóng trên khắp châu Âu rằng đứng trước cầu môn không phải là một biểu hiện của việc thiếu giao tiếp xã hội.
Có lẽ là hơi khiên cưỡng khi chỉ dựa vào một cầu thủ, kể cả khi đó là thủ môn xuất sắc nhất thế giới, chơi bóng cho hai trong số những đội bóng thành công và được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới. Nhưng tài năng của Neuer, như cách HLV thủ môn tuyển Đức Andreas Köpke nhận xét: ”Tôi chưa từng thấy một hậu vệ thòng nào xuất sắc hơn anh ấy, có lẽ ngoại trừ Franz Beckenbauer”, có thể cách mạng hóa vị trí thi đấu bí ẩn nhất trong bóng đá.
Nếu tất cả các thủ môn đều dâng cao như Neuer, tất cả các HLV đều sẽ sử dụng một ’sweeper-keeper’. Vì có rất ít đồn nghiệp có thể tráng kiện, kiên định và quyết đoán như Neuer, các HLV cẩn trọng sẽ ưu tiên các thủ môn có thể tung ra những pha cản phá xuất sắc.
Khi nào thì sự bảo thủ ấy vẫn còn tồn tại? Trong thời đại mà những chuyên gia ở từng vị trí của mình đang dần phải hoàn thiện bản thân, xu thế mà Rinus Michel tiên phong với lối đá tổng lực những năm 70, thì những thủ môn chỉ biết cản phá bóng sẽ trở nên hiếm hoi như những hậu vệ cánh chỉ biết tắc bóng hay những tiền đạo không làm gì khác ngoài việc ghi bàn trong khu 5m50.
Con tằm và nhà khoa học
Sự chuyển mình mạnh mẽ của Neuer từ ’giỏi’ trở thành ’xuất sắc’ có đóng góp của chiến thuật tự do tại Bayern dưới thời Pep Guardiola. Có ít HLV thoải mái khi thấy thủ môn của mình loanh quanh ở khu vực giữa sân lâu đến vậy. Nhưng sự thăng tiến của Neuer cũng là một biểu hiện của cá tính riêng.
Sau khi Đức vượt qua Algeria 2-1 sau 120’ tại tứ kết World Cup 2014 với hình ảnh Neur thường xuyên giải cứu các đồng đội như một hậu vệ thứ 5, có người cho rằng Neuer đã quá liều lĩnh. Neuer trả lời: ”Nếu tôi sợ hãi tôi đã không dâng cao. Tôi không thể chần chừ. Khi tôi đưa ra quyết định, tôi phải theo đuổi đến cùng. Cũng có vài tình huống nguy hiểm, nhưng cho đến giờ thì tôi vẫn chưa bị đuổi khỏi sân lần nào.”
Đó là niềm tin của người thủ môn mà Leigh Richmond Roose, một trong những ngôi sao bóng đá chói sáng nhất một thế kỷ trước, cũng sẽ đồng ý. Năm 1906, trong cuốn sách thường niên ’The Book of Football’, Roose viết: ”Một thủ môn giỏi cũng giống như một nhà thơ, là bẩm sinh chứ không phải được nhào nặn.”
Phòng khi đồng đội, HLV và CĐV không hiểu ý mình, Roose viết thêm: ”Để chứng tỏ mình là một thủ môn thành công, một người đàn ông phải có bản năng độc lập, vì những yếu tố làm nên một người gác đền đáng tin cậy đều nằm hết ở anh ta, và trừ khi anh ta chỉ muốn sao chép ai đó, giống như con tằm tự nhả tơ.”
Việc được ưu tiên sử dụng tay trong trận đấu có vẻ như khiến những con tằm đó tự cho mình quyền có những pha xử lý lập dị. Đó là lý do khiến cú phá bóng kiểu bọ cạp của Higuita, kiểu chạy bắt vịt của Sepp Maier hay việc John Burridge mặc quần áo siêu nhân bên trong áo đấu để thắng 100 bảng từ Kevin Keegan diễn ra một cách rất tự nhiên.
Burridge cũng viện dẫn, cho dù hơi khiên cưỡng, một luận điểm của Vladimir Nabokov, nhà văn Nga từng làm thủ môn khi còn là sinh viên, cho rằng đứng giữa cầu môn sẽ là "một trải nghiệm tuyệt vời trong bộ dạng một cầu thủ bóng đá Anh." Hào quang của môn nghệ thuật kỳ lạ, tuyệt vời, lôi cuốn và đầy cảm xúc đó cùng với đặc quyền mà những nhà làm luật giúp cầu thủ thể hiện hoặc ngụy trang cá tính của mình có thể giải thích tại sao thủ môn vẫn là vị trí thi đấu đòi hỏi nhiều trí tuệ nhất, thu hút nhà văn (Albert Camus), mục sư (Pope John Paul II), nhà khoa học (Niels Bohr), và những nhà cách mạng (Che Guevara).
Cô đơn giữa rừng
Có quá nhiều yếu tố khiến bạn bối rối và mất phương hướng khi đứng trước khung gỗ. Ở Pháp, khi các đội thay đổi thủ môn, họ nói: ”Đến lượt mày vào giữa rừng đấy.” Camus dùng thành ngữ ”in the middle of the woods” khi ông bảo vệ một thủ thành chơi cho đội bóng ưa thích Racing: ”Chỉ khi nào bạn ở giữa rừng bạn mới biết nó khó khăn thế nào.”
Cô đơn trong khung thành khó có thể là phong cách chơi bóng của Neuer, nhưng việc khả năng đối phó với những áp lực tinh thần không tránh khỏi đã được Roose ngầm nhắc đến trong câu nói của mình. Vài thủ môn đã không thể chịu đựng nổi những gánh nặng về tinh thần. Peter Bonetti đã phải làm nhân viên đưa thư sau khi bị đổ lỗi trong thất bại 2-3 của tuyển Anh trước Tây Đức tại tứ kết World Cup 1970. Hay Moacyr Barbosa, được coi là một trong những người xuất sắc nhất thế giới cho đến khi Uruguay hai lần đưa bóng vào lưới ông trong thất bại lịch sử ở Maracana năm 1950. Sau khi bị một người mua hàng chỉ trích là ”người khiến cả Brazil phải khóc”, Barbosa đã cố làm dịu tình hình với bữa tiệc nướng đặc biệt năm 1963. Đống củi mà ông đốt hóa ra lại là các cột gôn trong buổi chiều định mệnh đó, không được sử dụng nữa khi FIFA thay đổi luật.
Không chỉ điên khùng mà còn vô hình. Sự có mặt của thủ môn thậm chí còn không được chú ý khi đội hình xuất phát được công bố. Giống như thủ môn của Ajax Jasper Cillessen thừa nhận: ”Thẳng thắn mà nói thì bạn làm thủ môn chỉ bởi bạn không giỏi chơi bóng. Nhưng bây giờ thì bạn cần biết chơi bóng một chút.” Điều đó vẫn là chưa đủ để nói về những gì Neuer đang làm: khi Bayern thắng Roma 2-0 tháng trước, anh thực hiện nhiều đường chuyền thành công hơn 8 cầu thủ Giallorossi!
Sự thay đổi của vị trí sweeper-keeper
Vậy điều gì đã thay đổi? Quá trình thích nghi của thủ môn vào chiến thuật chung của cả đội có thể được bắt đầu từ những năm 1950 khi Gusztáv Sebes cùng đội tuyển Hungary cho ra mắt đội hình cách mạng 4-2-4 trong đó các cầu thủ luân chuyển vị trí một cách linh hoạt. Và Gyula Grosics trở thành thủ môn sweeper-keeper tiên phong, phần nhiều là do tình thế bắt buộc. “Lối chơi tấn công tạo ra nhiều khoảng trống để đối thủ phản công. Có khoảng trống rất lớn phía sau hang phòng ngự của chúng tôi, và tôi phải làm việc như là một hậu vệ thòng nữa ngoài vòng cấm, cố gắng chạm bóng trước đối phương.”
Khi thủ môn cần phải giữ bóng nhiều hơn để chống phản công, Grosics thực hiện những đường chuyền ngắn, thay vì phá bóng mạnh lên phía trên như thường lệ. Chiến thuật này tỏ ra hiệu quả và Ferenc Puskás cũng như Hidegkuti bắt đầu lùi sâu nhận bóng sau đó gây bất ngờ cho đối phương.
Chiến thuật này mất một thời gian để được phổ biến rộng rãi. Năm 1997, thủ môn người Đức của Barnsley Ronald Reng có đề cập đến trong cuốn “Người canh giữ những giấc mơ” (The Keeper of Dreams) rằng việc chuyền bóng cho các hậu vệ cánh thời đó gây phiền toái đến mức một HLV trong giờ nghỉ đã chạy ra sân và đứng đúng chỗ gần đường biên ngang nơi quả bóng lẽ ra phải được phát đến.
Rinus Michels thì nhanh nhạy hơn trong việc học hỏi từ chiến thuật của người Hung. Dẫn dắt tuyển Hà Lan tại World Cup 1974, ông thấy rằng khả năng của Jan Jongbloed, chơi bóng như một hậu vệ cách khung thành 20 yards sẽ có lợi cho lối đá tổng lực hơn là kỹ năng cản phá của Jan van Beveren. Cho dù không có gì đặc biệt trong chỉ thị của Michels, chỉ đơn giản là phá bóng, nhưng sự lựa chọn đó cũng là một dấu mốc quan trọng. HLV của một trong những tập thể tài năng nhất lịch sử đã chỉ ra rằng với một thủ môn, biết chơi bóng (sweeping) quan trọng hơn cản phá đơn thuần (keeping).
Ajax, Barcelona, Cruyff
Johan Cruyff tiếp tục triết lý của Michels khi làm HVL Ajax. Ông khuyên Stanley Menzo: “Chạy ra ngoài và mắc sai lầm đi.” Thông điệp đó phản ánh được nhận thức của ông rằng lối chơi đó tiềm ẩn rủi ro, nhưng sẽ gặt hái thành công. Rủi ro có vẻ hiện ra rõ rang hơn khi Louis van Gaal kế nhiệm Cruyff. Thiếu kiên nhẫn với những sai lầm của Menzo, ông đã sử dụng Edwin van der Sar, người làm việc vừa đủ với trái bóng trong chân
Năm 1992, khi Barcelona giành cúp C1 cùng Cruyff, một cậu bé 10 tuổi đầy triển vọng gia nhập lò La Masia, Victor Valdes. Cho dù trải qua 4 mùa bóng được dẫn dắt bởi van Gaal, Barça cho đến nay vẫn trung thành với triết lý của Cruyff. Và Valdes là thủ môn hoàn hảo cho lối chơi luân chuyển bóng nhanh của họ dưới thời Frank Rijkaard và Guardiola. Từ năm 2009 đến 2011, Valdes không thực hiện nhiều những pha cứu thua ngoạn mục bởi đội bóng của anh thường xuyên chiếm thế chủ động và anh không phải thể hiện nhiều.
Thực tế rằng Valdes dành nhiều thời gian ngoài vòng cấm cho thấy về cơ bản nhiệm vụ của thủ môn đã thay đổi – và họ cần phải luyện tập như nào để thích nghi với sự thay đổi đó.
Chuyền ngắn hay chuyền dài?
Theo truyền thống, khi đồng đội đang có bóng, nhiệm vụ của thủ môn là giữ vị trí để ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn. Nhưng cách chọn vị trí của Valdes đã phản ánh yêu cầu phát hiện nguy cơ cũng như cơ hội. Như Bonner đã ghi chú trong một ấn bản gần đây của ‘The Technician’, mẫu thủ môn này đã trở thành “một phần quan trọng của đội đống với nhiệm vụ kiến tạo từ sân nhà – không chỉ là thực hiện những đường chuyền ngắn để bắt đầu thế trận kiểm soát bóng – mà còn kết hợp với khả năng triển khai bóng trực tiếp lên tuyến trên và phát động tấn công.”
Lối huấn luyện cổ điển chú trọng vào vị trí nhất định của thủ môn trên sân đang dần trở nên lỗi thời. Những thủ môn như Neuer cần phải đọc trận đấu, tung ra những đường chuyền hay ném bóng hiệu quả và chơi như một trung vệ thứ 3.
Họ cũng cần phải hiểu được vị trí của mình gây ảnh hưởng thế nào đến đội bóng. Arigo Sacchi rất có ảnh hưởng đến Guardiola nhưng lại ít được chú ý. Ông cho rằng khoảng cách giữa hang tấn công và tuyến phòng ngự không nên quá 25m. Khoảng cách này giúp đội bóng có đủ người tấn công và gây sức ép liên tục lên đối phương, nhưng lại khiến họ dễ bị tổn thương trước những đường bóng dài. Sự xuất sắc của Neuer giúp Guardiola triển khai ý đồ của Sacchi tốt hơn bằng cách biến thủ môn thành một hậu vệ nữa.
Đó là lối chơi quen thuộc với Neuer từ khi còn ở đội trẻ Schalke. Sau một màn trình diễn ấn tượng của anh trên sân tập với các cầu thủ tấn công, nhiều người hâm mộ tưởng rằng anh là một ngôi sao mới ký hợp đồng và xin chữ ký, cho đến khi được bảo: “Tôi là Manuel Neuer, lựa chọn thứ ba của các bạn cho vị trí thủ môn.”
Trong thời đại đề cao sự cẩn trọng, lối chơi của thủ môn ngày nay đã quá xa cái thời thủ môn tự cô lập trong vỏ kén của mình như Roose. Họ cần phải chơi linh hoạt hơn, hòa nhập vào toàn đội, cả về chiến thuật lẫn tâm lý. Có thể có ít bí quyết hơn về thế hệ của Neuer nhưng họ đang chơi bóng tự do hơn so với những đàn anh đi trước.
Những người hoài cổ có thể chưa quen với sự thay đổi này, nhưng theo cách nói của Roose, Neuer rõ ràng không phải kẻ bắt chước. Quý ông người xứ Wales phàn nàn về “ những kẻ chỉ ngồi trên ghế bình luận thủ môn phải làm gì và đứng ở đâu”. Thủ môn nên có bản ngã của mình, và khi băng ra phá bóng, “đừng ngần ngại mà hãy phá với chữ P.”
Neuer đáp ứng được cả hai yêu cầu đó. Và nếu anh tiếp tục chơi bóng xuất sắc như bây giờ, các HLV và BLV có thể bắt đầu thêm số 1 vào trước những 4-3-3, 4-4-2 hay 4-2-3-1.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất