"Mạng xã hội đang kiểm soát con người như thế nào?"
Ngày nay, chúng ta có thể bỏ ra phần lớn thời gian mỗi ngày để tham gia vào MXH. Mạng xã hội được xem như một công cụ quý giá giúp...
Ngày nay, chúng ta có thể bỏ ra phần lớn thời gian mỗi ngày để tham gia vào MXH. Mạng xã hội được xem như một công cụ quý giá giúp con người giải trí và giao tiếp với nhau dù ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những ích lợi tích cực, chúng ta cũng cần cẩn trọng khi sử dụng công nghệ và MXH: Những ứng dụng đó thu thập số liệu của người dùng cho mục đích riêng, việc dành quá nhiều thời gian với chiếc điện thoại cũng không tốt cho sức khỏe tinh thần và MXH là không gian để tin giả có thể truyền đi nhanh chóng.
Chúng ta - Những người dùng lại là “hàng hóa” của MXH.
“Nếu ban không phải trả tiền cho sản phẩm thì bạn chính là sản phẩm”
Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là công cụ miễn phí chỉ chờ người đến và sử dụng, nó có những mục đích riêng mà chúng ta thường không để tâm đến. Nhiều người nghĩ Google chỉ là hộp tìm kiếm và Facebook, Instagram… là nơi để bạn kết nối với mọi người xung quanh.
Nhưng điều nhiều người không nhận ra là họ đang giành lấy sự chú ý của ta. Sự chú tâm của chúng ta mới là món hàng được họ bán cho các nhà quảng cáo. Và sự thay đổi thói quen, hành vi, nhận thức của mỗi người mới là sản phẩm đắt giá nhất.
Trong một bộ phim tài liệu The Social Dilemma, Tristan Harris- một cựu nhân viên của Google đã giải thích 3 mục tiêu lớn nhất của các công ty công nghệ hàng đầu:
- Mục tiêu gắn kết - khiến ta tăng sử dụng, tiếp tục lướt màn hình.
- Mục tiêu tăng trưởng - khiến ta quay lại và mời nhiều bạn bề tham gia hơn.
- Mục tiêu quảng cáo - đảm bảo mọi chuyện đó sẽ xảy ra, để họ kiếm được càng nhiều tiền càng tốt.
Những mục tiêu này được hỗ trợ bởi các thuật toán để biết chính xác mà bạn muốn xem.
Do đó, từ nội dung, cách thức thông tin xuất hiện trên bảng tin cho người dùng cho đến từng chi tiết nhỏ mà các trang MXH đang sở hữu, đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để nó trở nên gây nghiện cho người dùng.
Các chuyên gia tâm lý làm việc tại các công ty công nghệ hiểu rõ sự cám dỗ của những thông báo như bạn vừa được ai đó gắn thẻ hay ai đó vừa thể hiện cảm xúc với ảnh của bạn. Một khi thông báo này xuất hiện, rất ít người dùng có thể khước từ chúng. Nhưng thay vì nói cụ thể thông tin mà bạn tò mò, MXH lại thiết kế cho các thông báo chỉ có lượng thông tin vừa phải và để rõ hơn, bạn sẽ phải mở các ứng dụng ra và vào xem.
Một trong những công cụ hiểu quả của hầu hết các trang MXH khiến người dùng bị nghiện là dấu 3 chấm nhấp nháp mỗi khí bạn trò chuyện với một ai đó hoặc ai đó đang viết vào bài viết mà bạn quan tâm. Đó là điều gây cho ta sự tò mò và cũng là cách MXH khiến ta không thể rời mắt.
Mọi thứ bạn làm ở trên mạng đều đang bị giám sát, theo dõi và đo lường một cách cẩn thận. Họ biết ta nhìn bức ảnh nào và nhìn nó bao lâu. Họ biết khi nào ta cô đơn, khi nào ta chán nản. Họ biết ta làm gì vào ban đêm, họ biết mọi thứ. Bất kể ta hướng nội hay hướng ngoại, bất kể ta có tính cách ra sao đi chăng nữa. Họ có nhiều thông tin về ta hơn ta tưởng. Và tất cả dữ liệu mà ta hào phóng cho đi này được đưa vào một hệ thống mà không có sự giám sát của con người và chính điều đó đang tạo ra những dự đoán chính xác hơn về những gì ta sẽ làm và tính cách con người ta. Họ tạo ra các mô hình tiên đoán hành động của ta. Phía bên kia màn hình, họ như thể có mô hình giống búp bê voodoo ảnh đại diện của ta. Mọi thứ ta làm, mọi cú nhấp chuột, mọi video ta xem, mọi lần nhấn Like, tất cả được đưa vào để xây dựng một mô hình chính xác hơn. Khi có được mô hình nay, sẽ dự đoán được những chuyện người đó sẽ làm. Dù có làm gì thị họ cũng đoán được thứ mà ta sẽ xem tiếp theo. Nhờ vậy, các trang MXH có thể “hiểu người dùng hơn” và đưa quảng cáo tới họ một cách chính xác hơn.
Nhiều người hiểu sai rằng dữ liệu của ta thực sự bị bán. Nhưng từ bỏ dữ liệu sẽ không có lợi cho những công ty công nghệ. Cái họ thực sự "bán" là khả năng để chi phối con người, như một chuyên gia công nghệ có đề cập: "Những thay đổi nhỏ, dần dần, khó nhận biết trong hành vi và nhận thức của người dùng là thứ duy nhất giúp họ kiếm ra tiền". Các nền tảng mạng xã hội không phải những thứ xấu xa, các mô hình kinh doanh đang "gặm nhấm" khách hàng mới đáng sợ.
MXH ảnh hưởng và chi phối nặng nề đến thế hệ Gen Z
Trong giai đoạn bùng nổ dịch bệnh khiến con người gắn kết hơn với công nghệ. Chúng ta lệ thuộc nhiều hơn vào mạng xã hội để nói chuyện với bạn bè, giải trí, đọc tin tức, học online,... Nhưng đồng thời, sự xuất hiện của Covid-19 như chất xúc tác để mọi người có thể nhìn sâu hơn vào vấn đề của công nghệ: Sự lan truyền của tin giả và các nền tảng như Whatsapp hay Facebook được sử dụng để phát tán tin tức. Theo các nghiên cứu, tin giả trên Twitter có tốc độ lan nhanh gấp 6 lần so với tin thật. Facebook hay các thuật toán không có khả năng phân biệt tin giả hay tin thật nếu chúng ta có một khái niệm tương đối về "sự thật". Các thuật toán chỉ biết đâu là tin tức được nhiều người đọc và có khả năng lan truyền nhanh cũng như thói quen của người dùng như thế nào.
Mạng xã hội đang ăn sâu bám rễ vào tâm trí của mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, tước đoạt dần những giá trị nội tại và danh tính của từng cá nhân. Người trẻ hoài nghi về bản sắc chính mình, bản sắc cá nhân liên tục được các mạng xã hội gợi ý. Chúng được đề xuất trên dòng newsfeed, tạo ra những hoài nghi cho từng cá nhân về danh tính: Liệu tôi là ai? Những thông tin tôi xem có phản ánh con người tôi? Những điều tôi từng cho là đúng liệu còn đúng không? Sự hoài nghi ấy, theo như những chuyên gia công nghệ, dần dần dẫn đến chia rẽ ngày càng sâu sắc. Chúng ta đang sống trong một thế giới tưởng chừng như rất phẳng nhưng newsfeed của một người được "chăm bón" bởi những thông tin khác nhau, được tính toán chính xác bởi những thuật toán. Sự phân cực trong thế giới ngày càng mạnh, con người càng mất kết nối với thế giới thực, bám víu vào thế giới ảo và một vòng lặp bế tắc lại diễn ra.
Chạy trốn hay đối mặt
Nếu bạn đọc rành rọt những lời trên thì chắc hẳn bạn muốn tắt ngay và luôn những thông báo trên Facebook, xóa các ứng dụng không cần thiết hay tránh xa điện thoại vài thước. Tất nhiên, trốn tránh không phải cách giải quyết. Phải thực sự hiểu vấn đề, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi viễn cảnh u ám được.
Hãy kiên nhẫn với bản thân và làm quen với sự khó chịu khi tư duy, học hỏi và cảm nhận mọi thứ xung quanh.
Vì những thứ có giá trị thì lâu đạt được hơn những sự hời hợt rất nhiều.
Hãy từ bỏ những thứ GIẢ và quay trở lại những cái THẬT, là những giá trị đã luôn có sẵn trong bạn.
Chỉ cần bạn lắng nghe và cho phép mình được cảm nhận những trải nghiệm đó một cách từ tốn và thong thả.
Không có đường tắt nào cả, nhưng có con đường để đi tới nhận biết đích thực.
Đó là con đường của sự chú tâm vào mỗi giây phút hiện tại của bạn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất