Bạn đã bao giờ trải nghiệm cảm giác khi xem một bộ phim buồn, buồn đến mức muốn khóc, nhưng không thể khóc được. Nỗi buồn ấy cứ ở trong lòng, một cách khó chịu khiến bạn phải suy nghĩ về nó, như vết thương trong tim, dù có tìm cách chắp vá cũng không thể chữa lành. Manchester by the Sea là bộ phim có thể đem lại cho người xem những cảm giác như thế. Một bộ phim về tột cùng của nỗi đau, về tấn bi kịch của đời người.

Câu chuyện về một chàng trai hứng chịu mất mát.

Manchester by the Sea là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Kenneth Lonergan xoay quanh nhân vật chính Lee Chandler - một người đàn ông trẻ có cuộc sống tẻ nhạt và trầm lặng ở miền Đông Bắc nước Mỹ với những mùa đông kéo dài. Lee làm công việc sửa chữa và dọn dẹp nhà cửa cho những cư dân khó tính ở thành phố Quincy thuộc ngoại ô Boston. Anh là người lầm lì, ít nói và thường chỉ làm bạn với khúc côn cầu, vài chai bia cùng những trận bóng rổ. Một sáng nọ, anh nhận tin người anh trai của mình đã qua đời sau khoảng thời gian dài chiến đấu với căn bệnh tim tai quái. Lee trở lại Manchester với nhiệm vụ trở thành người giám hộ chăm lo cho đứa cháu Patrick - con trai của anh mình và Manchester cũng chính là nơi chôn giấu những kí ức đau thương đầy kinh hoàng của anh.
Lee và cháu trai Patrick.
Lee và cháu trai Patrick.
Thay vì tập trung vào một không gian chính như nhiều tác phẩm khác, Manchester by the sea kết hợp hài hoà giữa quá khứ và hiện tại với hai khung cảnh hoàn toàn trái ngược khi một bên là cuộc sống u buồn, mất mát của Lee hiện tại và một bên là quá khứ vừa hạnh phúc nhưng cũng vừa khổ đau của anh.
Nếu ở khung cảnh hiện tại, cuộc sống của Lee trở nên trầm lắng với những gam màu u buồn và sự cô đơn khi mất đi những người thân yêu, ám ảnh bởi nỗi đau lạc lõng thì trong quá khứ, Lee đã từng có một cuộc sống náo nhiệt, ồn ào nhưng đầy hạnh phúc bên cạnh người vợ yêu quý và hai cô con gái nhỏ, với những chuyến tàu ấm áp ngập nắng cùng người anh trai. 
Bao trùm xuyên suốt mạch phim là mớ cảm xúc hỗn độn đầy đau đớn với những mất mát kéo dài của Lee. Thế nhưng thay vì khiến khán giả phải rơi nước mắt trước sự tuyệt vọng của nhân vật, đạo diễn Kenneth Lonergan lại khiến người xem đồng cảm bằng cách che đậy vết thương đang rỉ máu bên trong bằng chính vẻ ngoài bình thường của họ. Đôi khi, nỗi buồn và sự mất mát không song hành cùng nước mắt. Và có lẽ chính bởi thế nên nỗi đau của Lee được khắc họa một cách sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, vị đạo diễn từng hai lần nhận đề cử Oscar cũng thuyết phục khán giả bằng lối kể chuyện theo trường phái hiện thực. Trong Manchester by the sea, âm nhạc được sử dụng vô cùng tiết chế. Thậm chí lời thoại cũng vô cùng ít. Thay vào đó, Lonergan để cho các khoảng lặng của những cảnh vật tái hiện cảm xúc của nhân vật chính. Những khoảng lặng càng dài càng làm nổi bật thêm tính chân thực của nỗi đau. 

Khi đời là một tấn bi kịch.

Manchester by the Sea là một tác phẩm về sự mất mát, về những bi kịch của đời người, về cái chết và về cách người ta đối diện với thực tại nỗi đau. Khi hạnh phúc, chúng ta cười, khi đau khổ ta sẽ rơi nước mắt. Tuy nhiên không phải nỗi đau nào ta cũng đánh đổi bằng những giọt nước mắt. Có những nỗi đau, đôi khi ta không thể khóc.
Cuộc đời Lee phải chứng kiến nhiều người thân của mình qua đời. Lần đầu tiên, trong quá khứ khi anh quên đóng nắp lò sưởi đã ra ngoài mua đồ khiến cho những đứa con đang say ngủ cùng căn nhà cháy rụi. Trận cháy đó cũng chính là nguyên nhân làm nên bi kịch của đời anh, một lầm lỗi mà cả đời này anh không có cơ hội sửa chữa. Sau đám cháy, Lee đã cố gắng tự sát bằng khẩu súng lục nhưng không thành. Cuối cùng, anh ly dị với Randi, người mà trước đám cháy vài phút anh vẫn còn gọi là vợ.
Lần thứ hai, cũng chính là hiện tại, khi người anh trai Joe qua đời sau thời gian dài đấu tranh chống lại căn bệnh tim tai quái, người thân thiết nhất với những kí ức đẹp cứu vớt anh trong cuộc sống u ám cũng đi mất. Hai lần chứng kiến những người yêu thương nhất rời bỏ mình là hai lần trái tim Lee trở nên vụn nát. Những ngọn lửa cảm xúc trong anh đã hoàn toàn nguội lạnh bởi mất mát quá lớn trong quá khứ, nó dập tắt hoàn toàn mầm mống hạnh phúc trong Lee, chỉ để lại vết thương hở miệng nứt toác, dù có chữa thế nào cũng không thể lành.
Cảnh phim thể hiện nỗi đau xuất sắc nhất của Casey Affleck trong vai Lee.
Cảnh phim thể hiện nỗi đau xuất sắc nhất của Casey Affleck trong vai Lee.
Casey Affleck đã thể hiện vai diễn Lee Chandler của mình rất thành công. Với đôi mắt xanh lơ sâu thẳm ẩn chứa những cái nhìn xa xăm cùng sự nhập tâm vào nhân vật, anh đã giúp khán giả cảm nhận được mọi sự đau đớn đến nghiệt ngã của Lee mà không cần dùng lấy một giọt nước mắt. Trong những trường đoạn đòi hỏi việc pha trộn cả sự bùng nổ lẫn tiết chế cảm xúc, như cảnh quay đáng nhớ ở đồn cảnh sát, chỉ trong khoảnh khắc, tài tử đã khiến người xem bất ngờ vì sự thay đổi đột ngột trong tâm trạng Lee, để rồi chua xót nhận ra rằng đây là một trong những nhân vật thuộc hàng bi kịch bậc nhất trên màn ảnh những năm gần đây. Cũng bởi sự thể hiện xuất sắc ấy mà Casey được đề cử giải quả cầu vàng cho vai nam diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2016.

Liệu nỗi đau có được chữa lành?

Chắc hẳn, đạo diễn Kenneth Lonergan phải thật sự hiểu sâu sắc về tâm lý con người khi trải qua mất mát nên mới tạo ra bộ phim thực tế và bi kịch như Manchester by the Sea. Khán giả sẽ nhìn thấy bản thân mình trong chính câu chuyện của Lee khi phải đối diện với sự ra đi của những người thân yêu. Đặc biệt, bối cảnh lạnh lẽo của mùa đông bao trùm lên cả tác phẩm đã khiến nỗi đau mất mát càng thêm dài và sâu sắc.
Khi mất đi những người thân yêu, mỗi người đều có cách đối diện khác nhau. Patrick Chandler bình thản đón nhận từ bác sĩ về chẩn đoán bệnh tim của cha nhưng lại tức giận và lo lắng khi cha phải nằm cô đơn suốt mùa đông dài để chờ tới mùa xuân mới có thể chôn cất tử tế.
George choáng váng trước sự ra đi của người bạn thân, nhưng vẫn đủ minh mẫn và nhạy cảm để lo lắng hậu sự cho gia đình Chandler. Randi - vợ cũ của Lee  hoảng loạn trong cơn tuyệt vọng, tới mức làm tổn thương cả những người thân yêu nhất. Thế nhưng, cô cũng dần hồi phục, cưới một người đàn ông khác và có một thiên thần nhỏ.
Lee gặp lại Randi khi cô đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
Lee gặp lại Randi khi cô đã có một gia đình nhỏ hạnh phúc.
Còn với Lee, trong quá khứ, anh đã rời Manchester, đến thành phố Quincy để tiếp tục chuỗi ngày sống cho có sống. Ở hiện tại, Lee dù thương cháu trai đến mấy cũng không thể ở lại Manchester. Anh không thể vượt qua nỗi đau trong quá khứ, kể cả khi vợ cũ là Randi đã tìm cách giãi bày tâm sự, để cả hai có thể chữa lành vết thương thì Lee vẫn chưa thể đối mặt. Lee vẫn sống tiếp nhưng trong dằn vặt và nỗi đau chưa nguôi.
Sau tất cả, Manchester by the Sea đặt ra cho người xem một câu hỏi lớn rằng “ Liệu vết thương có thể được chữa lành?”. Câu hỏi đó được trả lời bằng tất cả những nhân vật có trong phim. Có người chọn cách khâu lại vết thương bước tiếp để hạnh phúc như Randi và cũng có người chọn để miệng vết thương rách toác đến rỉ máu để tiếp tục sống như Lee. Nhưng dù chọn cách nào, hành trình chữa lành của họ cũng sẽ vô cùng khó khăn, bởi họ đã mất đi một người mình yêu thương trong đời mãi mãi. Niềm an ủi duy nhất lúc này chỉ còn lại kí ức. Nhưng như thế cũng đã là đủ.
Cảnh cuối của phim, khi hai chú cháu nhà Chandler ra khơi trên con tàu mà Joe để lại, cả hai đã quyết định cố gắng giữ gìn con tàu ấy như một cách để Joe ở lại bên mình. Ánh mặt trời ấm áp len lỏi cuối phim như một sự khẳng định con người sẽ tiếp tục sống, tiếp tục hướng về phía trước dù bằng cách nào đi nữa.
Được đánh giá là một trong những bộ phim bi kịch hay nhất Hollywood với 6 đề cử Oscar cho nhiều hạng mục, Manchester by the Sea đã đưa khán giả ngụp lặn trong nỗi đau của sự mất mát để đi tìm câu trả lời cho việc chữa lành, để hiểu rằng cuộc đời vẫn còn nhiều yêu thương và để trân trọng những người yêu quý bên cạnh chúng ta.