Mâm cỗ chia hết cho 6???
Mỗi dịp cuối năm làng mình lại như trẩy hội, hàng loạt các đám cưới lớn nhỏ thi nhau nở rộ với những cô dâu chú rể trông không giống nhau, nhưng cái đám nào cũng như cái đám nào, y nguyên một kịch bản

Nguồn diemtin.vn
Mỗi dịp cuối năm làng mình lại như trẩy hội, hàng loạt các đám cưới lớn nhỏ thi nhau nở rộ với những cô dâu chú rể trông không giống nhau, nhưng cái đám nào cũng như cái đám nào, y nguyên một kịch bản
Chia phần...
Đã rất lâu rồi mình mới "có dịp" đi ăn đám giúp mẹ (mỗi đám chỉ đi đại diện một người thôi, và phải đi vì để... lấy phần), nói là có dịp bởi vì nói thật là mình không thích đi mấy kiểu đình đám như vậy ở quê, cứ đi là auto thấy mấy cái tình huống chỉ biết cười đau khổ trong bụng chứ không biết nên phản ứng thế nào.
Cái mâm cỗ hôm đó một cách chi tiết thì gồm: 12 miếng giò nạc-giò lụa (full topping thịt lợn), 6 miếng giò có pha thêm chút mỡ, 6 miếng giò bó (giò có mộc nhĩ), 12 con tôm, xôi gấc hình bông hoa 6 cánh, 6 quả trứng vịt lộn, 6 cái bánh nướng, 6 lon coca, 12 múi bưởi,... và mấy món phụ "không chia hết cho 6 khác". Mình biết kịch bản của bữa này như thế nào rồi, nhưng mình không quan tâm lắm, xung quanh mọi người cùng mâm chỉ ăn những món như: cơm, thịt bò xào, rau xào, ruốc, dưa muối, miến nấu,... (đại loại là mấy món không dùng để chia) nhưng mình cứ "hồn nhiên" ăn những món mình thích, nhẹ thì bị nói là ăn không biết để ý, nặng thì có khi còn bị nghĩ là không được dạy đàng hoàng. Ấy thế mình cứ kệ, có lẽ là một sự dũng cảm khi dám đi ngược lại những thể loại "luật ngầm" dù biết sẽ bị đánh giá.

Nguồn: Báo Người lao động
Mình vừa ăn mà vừa...buồn cười...Mình không biết đến khi nào thì mấy bác làm trên bộ văn hóa có đủ sức ảnh hưởng đến văn hóa ở quê mình, đặc biệt là cái khoản cỗ bàn mỗi dịp đình đám này, chứ đến năm 2021 của thế kỷ 21 rồi mà vẫn mỗi người một túi khi ra về làm mình có cảm giác đang sống ở những năm 1945 nơi nạn đói hoành hành.
Có rất nhiều lý lẽ cho cái phong tục lạc hậu này, nào là "ăn không hết thì mang về", "mang về cho con cháu ăn", "đi đám mất tiền thì phải có đồ mang về",... hay là "thiên hạ người ta vẫn làm thế, trừ khi xã cấm thì may ra mới khác". Thứ nhất ăn không hết thì mang về, đây là một câu nói dối không biết ngượng mồm nhất, trong khi cả mâm thòm thèm nhìn đồ ăn và nhìn nhau không dám động đũa, chỉ ăn những món "không chia", gia chủ thì chuẩn bị sẵn một mâm "chia hết cho 6", thì mang về vốn đã là chủ định từ trước, có ăn đói thì cũng chủ yếu là để mang đồ về. Thứ hai mang về cho con cháu ăn, đành rằng xưa những năm còn đói kém chỉ có cỗ bàn mới có miếng thịt nên mang về cho con cháu ăn còn hợp lý, đằng này con cháu ở nhà toàn ăn ngon ăn no, thì cái lý này cũng đuối lắm. Và thứ ba đi đám mất tiền thì phải có đồ mang về, đây là câu dở nhất từ xưa tới nay, cảm giác như một cái đám cưới là nơi người ta đến để mua đồ ăn, mà mua với giá "cắt cổ", dẫn đến mua trong hậm hực trong bực dọc vì năm nay phải đi 10 cái đám, tiền đâu? Còn thiên hạ người ta vẫn làm thế, cái này thì rõ ràng là tâm lý số đông, nó đã ăn sâu vào tâm trí của những nơi còn giữ lại cái phong tục lạc hậu này, chỉ khi nào các gia chủ đồng loạt tuyên bố không làm cỗ để lấy phần mà chỉ để ăn, thì may ra mới dần dần thay đổi được thói quen của những người dân ở đây. Nhưng mà nhà nào sẽ đứng lên tuyên bố đầu tiên? Không có nhà nào cả vì làm thế người ta lại chửi cho là tốn tiền đi ăn cỗ mà lại không được lấy về. Để thay đổi được chỉ có thể đến từ chủ trương của lãnh đạo mà thôi.
Gắn chặt với tiết mục "chia phần" thì ta có tiết mục kèm theo:
Làm cỗ to...
Nhìn vào mâm cỗ như kia thì không ai nghĩ là 6 người có thể ăn hết, mâm cỗ đó chủ yếu là phục vụ cái mục đích mang về. Việc làm một mâm cỗ to sẽ gây áp lực với tài chính của gia chủ khi gia chủ không có đủ kinh tế cho một đám cưới hoành tráng. Có những gia đình ở quê phải vay mượn thêm để làm được một đám cưới cho bằng với mức trung bình của thôn xóm nhà mình, và họ cũng nhờ vào việc người ta đi tiền để mong gỡ được phần vốn bỏ ra. Cá nhân mình thấy đây là sự đua theo phong trào chứ nó chẳng mang một ý nghĩa gì giống như "Đám cưới chỉ có một lần nên phải ăn mừng lớn". Và cái việc làm cỗ to này lại có mối quan hệ biện chứng với "lấy phần" và "đi tiền"
Chuyện đi tiền...
Mỗi lần có cái đám nào mới là lại phải mở sổ "đi tiền" ra coi người ta từng đi cho mình bao nhiêu còn biết đường mà đi lại, mỗi dịp cuối năm là lại "than ôi những 10 cái đám" mỗi đám 300.000-500.000vnđ, cá biệt có những đám tiền triệu, lương công nhân thì chỉ có 6-7 triệu/tháng ở quê. Rồi tiền đâu đi đám? Thì lại đi vay... Chuyện này nghe ra rất công bằng nhé, có đi có lại mới toại lòng nhau, cuộc đời sòng phẳng...
Uả mà khoan? Thế chúng ta tới đám cưới để làm gì? Câu trả lời là để trả nợ. Một đám cưới chính là một vụ thanh toán nợ nần rất chi là văn minh, tình nghĩa giữa những con người có khi cả năm còn chẳng nói với nhau một câu, chỉ khi có đám là phải cố ngồi nhớ lại có những ai để còn mời, nhớ ra cái tên cũng khổ lắm chứ, mời cả 200-300 khách ấy. Nhưng vẫn có chút gì đó sai sai ở đây, nếu mà đi qua đi lại cho nhau, ít nhất cũng phải tính đến lạm phát hằng năm chứ? Rồi nhà kia đẻ những năm đứa mà nhà mình đẻ có hai, đám cưới nào nhà kia cũng mời và nhà mình cũng vậy, thế là sòng phẳng làm sao được? Thiếu mất ba đứa rồi? Mình cũng muốn hiểu lắm nhưng cái tình nghĩa xóm giềng ở quê thông qua mấy cái đám cưới nó giả trân hết sức, nếu không muốn nói là gánh nặng mỗi dịp cuối năm. Và khi có sự phản ánh đánh giá thì lại nói cho một câu Mày chưa trưởng thành, mày chưa biết đối nhân xử thế đâu.
Uả mà khoan? Thế chúng ta tới đám cưới để làm gì? Câu trả lời là để trả nợ. Một đám cưới chính là một vụ thanh toán nợ nần rất chi là văn minh, tình nghĩa giữa những con người có khi cả năm còn chẳng nói với nhau một câu, chỉ khi có đám là phải cố ngồi nhớ lại có những ai để còn mời, nhớ ra cái tên cũng khổ lắm chứ, mời cả 200-300 khách ấy. Nhưng vẫn có chút gì đó sai sai ở đây, nếu mà đi qua đi lại cho nhau, ít nhất cũng phải tính đến lạm phát hằng năm chứ? Rồi nhà kia đẻ những năm đứa mà nhà mình đẻ có hai, đám cưới nào nhà kia cũng mời và nhà mình cũng vậy, thế là sòng phẳng làm sao được? Thiếu mất ba đứa rồi? Mình cũng muốn hiểu lắm nhưng cái tình nghĩa xóm giềng ở quê thông qua mấy cái đám cưới nó giả trân hết sức, nếu không muốn nói là gánh nặng mỗi dịp cuối năm. Và khi có sự phản ánh đánh giá thì lại nói cho một câu Mày chưa trưởng thành, mày chưa biết đối nhân xử thế đâu.
Những người tới dự đám cưới lẽ ra phải mang tâm thế chân thành chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, ý nghĩa của một đám cưới không phải như thế sao? Vừa là thông báo với mọi người về chuyện trọng đại trên đời, vừa hy vọng mọi người có thể thực lòng chúc phúc cho đôi trẻ được hạnh phúc. Nhưng hiện nay được bao nhiêu người trong số những người tới dự đám cưới của chúng ta thực lòng chúc phúc cho chúng ta? Có lẽ con số đó khá ít, nhưng dù sao đám cưới vẫn rộn ràng linh đình, vẫn lãi to là được đúng không? Nếu chỉ mời những người thực sự thân thiết và quan trọng trong cuộc sống của cô dâu và chú rể, có lẽ không cần phải làm cỗ to để mong gỡ vốn, ngược lại cũng không phải bị mấy người giời ơi đất hỡi mời đi những đám cưới mà chỉ là gánh nặng cho tài chính của chúng ta, và có lẽ một đám cưới sẽ mang trong mình ý nghĩa vốn có của nó.
Cái chuyện đi tiền qua lại nó không chỉ ở quê mình, nó ở khắp mọi nơi trên Trái Đất, nhiều lúc mình cũng nghĩ là vật chất quyết định ý thức, mình cũng cho là việc mừng tiền nó không hề xấu, vấn đề là cách làm và suy nghĩ méo mó của xã hội đã biến nó thành xấu. Nếu những người quan trọng trong cuộc đời mình có hỷ sự, mình sẵn sàng rút hầu bao để mừng chuyện lớn đó, chúc phúc thực sự cho họ. Và mình cũng mong những người giống như vậy ở trong đám cưới của mình chứ không cần đến 300 người để trả nợ.
Có điều... đám cưới của mình nhưng khách còn là của bố mẹ nữa, thuyết phục người lớn với tư tưởng truyền thống làm khác đi là một chuyện như tẩy não đi viết lại vậy, khá là nohope, vậy nên chỉ mong viết ra những phàn nàn của mình để thay đổi tư duy của những người trẻ có lối suy nghĩ khác biệt.
========================
Cảm ơn đã đọc hết bài viết, nếu tò mò mình xinh không thì liên hệ với mình qua fanpage và youtube được gắn ở trang cá nhân nhá, have fun~

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất