"Mai","Đào, Phở và Piano" cùng câu chuyện phim Việt.
Nhân lúc Mai còn chưa tàn, Đào còn chưa phai, ngồi đây đọc thêm một chút về hai bộ phim hot nhất vừa qua....
Nhân lúc Mai còn chưa tàn, Đào còn chưa phai, ngồi đây đọc thêm một chút về hai bộ phim hot nhất vừa qua.
Tôi, bỏ qua hết sự can ngăn của bạn bè, vẫn quyết định ra rạp vào một chiều thứ 7, xếp hàng, chen chúc để "thưởng thức" hai tác phẩm phim Việt là "Đào, Phở và Piano" cùng với "Mai". Tôi nhận ra rằng mình vừa xài tiền để tham gia vào các cuộc tranh luận trên mạng xã hội, và tất nhiên, cả ngoài đời.
"Mai" vốn là một bộ phim chỉnh chu, được ấp ủ và đầu tư của đạo diễn Trấn Thành với sự tham gia của nhiều diễn viên vốn đã quen mặt với phim của anh hiện nay, được thổi làn gió mới với sự xuất hiện của Phương Anh Đào trong vai nhân vật tiêu đề cùng với nữ nghệ sĩ Hồng Đào - một vai phụ khác trong phim nhưng mình lại yêu thích nhất. Với xuất phát điểm đó, ngay từ lúc được công bố, "Mai" đã được nhiều người dự đoán là sẽ thắng lớn trong dịp tết năm nay.
Ngược lại, "Đào, Phở và Piano" ban đầu là sản phẩm được đặt hàng bởi nhà nước, không được đầu tư, quảng bá rầm rộ như "Mai". Mãi tới gần ngày chiếu, khán giả mới có thể xem trailer của bộ phim. Cùng với đó, việc chỉ chiếu tại một rạp duy nhất là Trung tâm chiếu phim quốc gia đã gây khó khăn cho rất nhiều khán giả muốn thưởng thức phim. Mãi sau này, khi đã trở thành một hiện tượng trên MXH, cùng với sự hỗ trợ của nhiều đơn vị phát hành, bộ phim đã được chiếu rộng rãi ,thoả mãn sự tò mò của khán giả trên toàn quốc.
Dù phải xem nuối đuôi nhau cả hai phim, nhưng cá nhân mình lại không bị cảm giác "ngấy". Có lẽ là đến từ việc chủ đề, bối cảnh phim hoàn toàn khác nhau. Với "Đào, Phở và Piano" là chủ nghĩa lãng mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ thủ đô trước sự quay lại của thực dân Pháp vào những năm 1946-1947. Trên bức nền hào hùng, nhưng cũng không kém đau thương, bi tráng của lịch sử, sự lãng mạn lại hiện lên mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng lộng lẫy vô cùng. Trong sự khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ thứ từ lực lượng, thuốc men, súng đạn và cả "màu đỏ" ấy, ta gặp một cành đào được cẩn thận đem về vào dịp tết, một đám cưới vội vàng của tôi tình nhân trẻ, gặp tinh thần của anh cảm tử quân, gặp bức tranh được vẽ nên từ máu đúng nghĩa.
Còn với "Mai", đó là bức tranh xã hội ở Sài Gòn theo đúng thời gian hiện tại. Là câu chuyện về một tình yêu nhưng đầy khó khăn, trắc trở. Đó là những bức tranh cuộc đời của những mảnh đời khác nhau, là câu chuyện gia đình của những con người éo le, là bức tranh xã hội, nơi đã đang và sẽ luôn có hàng ngàn, hàng vạn vấn đề, không kể cũ hay mới. Bức tranh về định kiến nghề nghiệp, giới tính và cả những tệ nạn. Bức tranh ấy như được ghép từ nhiều mảnh, mảnh nào cũng đẹp, cũng sặc sợ, được chăm chút, nhưng cũng có vấn đề của riêng mình.
Vậy, sau cùng, cả hai bộ phim đã làm được gì và thiếu những gì?
Đầu tiên, mình thực sự thích câu chuyện của "Đào, Phở và Piano". Một bộ phim của nhà nước nhưng lần này, cuộc chiến tranh vệ quốc đã không còn là nhân vật chính mà nhường lại ánh hào quang cho câu chuyện phim.Bên cạnh đó, đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng đã dám đột phá, đã trần trụi hơn, mạnh dạn, táo bạo hơn trong câu chuyện của mình, đã cố gắng làm tốt nhất những gì mình có thể. Nhưng đáng buồn thay, đó là tất cả những gì tôi có thể đánh giá cao ở bộ phim này.
Về "Mai", với sự đầu tư ấy, minh cảm nhận đây là bộ phim có tính "điện ảnh" nhất của Trấn Thành. Từ bối cảnh, góc quay, âm nhạc tất cả đều chỉnh chu và chăm chút. Đặc biệt phải kể đến là sự diễn xuất của Phương Anh Đào và cô Hồng Đào, "10 điểm không có nhưng". Đây cũng là lần đầu tiền mà mình cảm nhận được vấn đề giới tính được Trấn Thành đưa vào đủ tốt, không quá lố, đủ để khán giả cảm nhận mà không bị phản cảm. Hình ảnh liên tưởng cặp đôi cá cũng được tận dụng rất hiệu quả.
Song, thực tế, hai bộ phim vẫn còn khá nhiều thiếu sót. Đầu tiên là chất lượng quay phim, hình ảnh của "Đào, Phở và Piano", cá nhân mình cảm nhận khá nhiều đoạn cảnh phim khá rung. Bên cạnh đó là sự thiếu sót về nhiều mặt như bối cảnh, diễn xuất, một số cảnh dùng tiếng Pháp và không có sub.
Về "Mai", thứ làm mình khó chịu nhất có lẽ là sự "bi kịch hoá" có phần hơi quá đà của Trấn Thành.
Hmmm...Còn gì nữa không nhỉ?
Thực ra, có một vấn đề chung của cả hai phim mình muốn nhắc tới ở đây: biên kịch. Một câu chuyện hay phải được kể đúng giọng, đúng nhịp điệu, một sự thay đổi phải có bắt đầu, diễn biến. Đây là tồn tại mà cả biên kịch của cả 2 phim đều không xử lí được. Cảm giác như, mọi tình tiết trong phim diễn ra như vậy chỉ vì...kịch bản của họ được viết như vậy. Cùng với đó, các câu thoại của cả 2 bộ phim đều mang tính sân khấu, kịch hơn là một bộ phim điện ảnh.
Thực ra, đây là vấn đề mà không riêng gì 2 bộ phim, mà là đa số phim Việt mắc phải. Việc có một biên kịch đủ tốt, đủ chăm chút cho từng tình huống, từng câu chuyện, hay nhỏ hơn nữa là từng câu thoại là việc không dễ dàng gì. Xét rộng ra, không nhiều biên kịch đạt đủ tốt để làm nên một bộ phim thực sự thoả mãn mà không khiến khán giả lăn tăn.
Rất hi vọng trong một bộ phim nào đó sắp tới, mình sẽ tìm ra một biên kịch "tủ" cho riêng mình. Hi vọng phim Việt sẽ có thêm nhiều biên kịch tài năng, sẽ có nhiều câu chuyện hay như "Đào, Phở và Piano" cũng như được chăm chút như Mai.
Sau cùng, mình là c0nnect9r. Cảm ơn bạn đã đọc bài viết!
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất