Cảnh buồn cười nhất trong phim là cảnh nhân vật Trấn Thành đóng ngã chết khi đang cố nhặt những đồng tiền rơi. Nó buồn cười vì có lẽ tôi hiểu được thông điệp của Trấn Thành và thất bại của thông điệp ấy.
Một "Trấn Thành cũ" đã chết. Bởi Mai được kì vọng là sự thoát ly khỏi dòng phim hài chạy theo thị khiếu mà Trấn Thành từng làm. Giờ đây, với vị thế và thương hiệu mang tính tuyệt đối chưa từng có của đạo diễn, Mai đã vượt xa Nhà bà nữ hay Bố già khi gắn mác 18+, khai thác một chủ đề tương đối gai góc để chiếu vào tết - giai đoạn có truyền thống là dành cho những bộ phim nhẹ nhàng và nhảm nhí hơn.
Mai rõ ràng mang một tham vọng và tầm nhìn lớn của Trấn Thành, khi ngay từ poster hay intro đã ghi "một bộ phim của Trấn Thành". Đó là lời khẳng định về mong muốn đi xa hơn câu chuyện chỉ về tiền bạc. Anh ta hiểu và biết rõ ràng rằng, chỉ anh ta mới làm được Mai, và Mai sẽ đưa anh ta lên một vị thế mà chỉ Trấn Thành mới chạm tới được.
Nhưng Mai dù chắc chắn sẽ là phim thành công nhất mọi thời đại về mặt doanh thu của Việt Nam, nó còn lâu mới đạt được sự ghi nhận của một bộ phim thực sự chất lượng.
Tôi không thích Trấn Thành. Nhưng tôi thực sự đã kì vọng vào Mai. Rất tiếc sự kì vọng đã làm tôi bỏ qua biên kịch phim: Bình bồng bột.
Hai yếu tố dễ thấy nhất ở những biên kịch và đạo diễn điện ảnh ở Việt Nam đã làm tôi phát mệt bao năm nay: sự nhồi nhét vô độ và thô kệch cùng những lời thoại rất "kịch".
Mai rất cố gắng tạo ra sự khác biệt ở nhiều phân cảnh. Từ vũ điệu của 2 nhân vật chính, âm nhạc của Hà Trần, những cảnh jump scare nhỏ được cài cắm hay những góc máy độc đáo...
Nếu bỏ nhỏ từng đoạn, chúng sẽ hay.
Nhưng.
Những chất liệu ấy "để làm gì"? Khi nó không thực sự có một concept chung kết nốt chúng cả về nội dung, nhịp điệu hay cảm xúc. Chúng rời rạc và khó hiểu, thậm chí là khó chịu vì một cảm giác tiếc. Rất tiếc. Đây là một sự "dát vàng về kĩ thuật".
Cái nhồi nhét thứ hai là nội dung. Không phải vì phim đề cập quá nhiều những vấn đề khó nói, mà là Mai đã sử dụng công thức mà có lẽ rất hợp với người Việt:Công thức Drama.
Những phản diện xuất hiện dày đặc, liên tục; đôi khi thừa thãi và xuất hiện thô thiển trong một kết cấu nội dung lỏng; nhằm mục đích tạo cảm giác khó chịu cho khán giả. Khi nhấn nữ chính càng sâu, lực đẩy trở lại sẽ càng gây thỏa mãn. Tính trực diện của việc nhồi nhét này có một điểm lợi, là rất dễ hiểu. Và điểm hại, là nó coi thường khán giả. Dù nhóm khán giả đó vẫn chỉ là thiểu số của thiểu số.
Những yếu tố về nữ quyền hay thân phận con người là không phải bàn. Nhưng chúng được nói ra bằng những câu thoại quá thô - căn bệnh không thể sửa được chung của phim thị trường ở Việt Nam. Tính kịch trong diễn xuất và thể hiện nội dung cũng vậy. Không thể sửa được.
Phim vẫn có những khoảnh khắc tinh tế. Mai vẫn sẽ chiều lòng rất nhiều người và lấy đi nước mắt của hàng vạn khán giả. Nhưng riêng với tôi, tôi đã mong đợi nhiều hơn vào một cú chuyển thực sự của Trấn Thành. Khi xem Phương Anh Đào ở Tro tàn rực rỡ. Tôi đã mong Mai phần nào cũng sẽ chạm được đến những gì Bùi Thạc Chuyên đã làm được. Rất tiếc, đó còn là một con đường rất xa.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất