MaSSP 2016 môn toán
2016 là năm đầu tiên MaSSP diễn ra, và chỉ có hai môn là toán và khoa học máy tính. Môn toán do chị Đỗ Thị Thu Thảo, nghiên cứu sinh...
2016 là năm đầu tiên MaSSP diễn ra, và chỉ có hai môn là toán và khoa học máy tính. Môn toán do chị Đỗ Thị Thu Thảo, nghiên cứu sinh ngành toán tổ hợp ở MIT phụ trách, với sự hỗ trợ của 3 bạn mentors: Hồ Đức (nghiên cứu sinh ngành toán University of Chicago), Hoàng Tuấn (Viện nghiên cứu Toán Việt Nam) và Nguyễn Minh Tâm (sinh viên trường đại học khoa học tự nhiên). Tuy là năm đầu tiên tổ chức nhưng môn toán nhận được hơn 100 hồ sơ, và 10 bạn học sinh ưu tú đến từ Hải Dương, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Quảng Nam đã được lựa chọn tham gia vào 5 đề tài khác nhau.
MaSSP 2016 diễn ra trong hai tuần tháng 6. Trong tuần đầu tiên, các bạn học sinh tập trung làm đề tài được giao. Mỗi ngày các bạn học sinh gặp gỡ với mentor ít nhất một tiếng. Trong những buổi họp với mentor này, các bạn học sinh chia sẻ những gì đã làm được trong ngày, và những chỗ bế tắc. Mentor giúp các bạn giải đáp các khúc mắc và đưa ra gợi ý sẽ làm gì tiếp theo. Trong tuần thứ hai, các bạn học sinh vừa làm đề tài vừa chuẩn bị cho bài thuyết trình vào ngày cuối cùng của tuần thứ hai. Ngoài ra, các bạn học sinh được xem một số video về toán như ‘toán học và origami’, ‘toán học và tình yêu’ và ‘fractal’. Các bạn học sinh cũng có cơ hội nghe bài giảng và giao lưu với hai giáo sư của viện toán: cô Phan Thị Hà Dương giới thiệu về các đồ thị lớn, và thầy Nguyễn Việt Dũng giới thiệu về topology.
Chương trình đã diễn ra thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng tốt với các bạn học sinh và cả các anh chị mentors. Chia sẻ của chị Thảo, headmentor môn toán:
“Trước khi đến với MaSSP, mình từng làm mentor cho một số chương trình cho học sinh cấp ba ở Mỹ, nhưng thật sự là chưa có chương trình nào để lại ấn tượng sâu sắc như MaSSP. Các em học sinh ở MaSSP đều rất thông minh, ham học và đáng yêu, tuy thi thoảng còn ham chơi, nhưng vẫn rất tích cực làm bài. Một trong những mục đích của MaSSP là giúp các em học sinh định hướng nghề nghiệp; cá nhân mình thấy cái này không chỉ đúng với học sinh mà còn với mentors. Sau khi tham gia MaSSP, mình thấy rất thích làm mentor và sẽ tiếp tục theo đuổi công việc này. Mình thích được tiếp xúc với các em học sinh, nhưng không phải qua những bài giảng, mà là qua việc nói chuyện trực tiếp với từng em, hiểu được các em đã biết những gì, muốn học cái gì, và làm sao để các em ấy thấy bản thân mình tốt lên. Với mình không có gì vui hơn khi chứng kiến sự thay đổi của các em sau 2 tuần tham gia MaSSP: một số em trầm tính đã bớt trầm, một số em lúc trước chỉ biết học thì bây giờ đã biết chơi nhiều thứ, một số em trình bày kém bây giờ đã trình bày tốt hơn, một số em trước đây chưa yêu toán bây giờ đã yêu hơn, một số em muốn đi du học nhưng chưa đủ tự tin bây giờ đã tự tin hơn...”
Chi sẻ của bạn Lê Thanh Tùng (chuyên Amsterdam Hà Nội):
Ở massp, cái em ấn tượng nhất là sự tận tâm của các anh chị mentor, em có cảm giác là các anh chị k những là ng thầy cô hướng dẫn tụi em qua những câu hỏi hóc búa của đề tà mà còn là những ng bạn vô cung thân thiết của chúng em. Anh Đức là ng để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất vì có lẽ anh là mentor em nói chuyện nhiều nhất. Anh tư vấn cho em các thứ apply các kiểu mà k phải như ở các trung tâm tư vấn ngta nói :v mà là những chia sẻ thật nhất từ 1 ng đã ở 7 năm ở Mỹ. Anh cũng là 1 trong những mentor chính của đề tài em, anh làm việc rất có trách nhiệm và phong cách cực cool :)))) cuối cùng là anh mang đến cho bọn em một đống cái để chơi như kiểu "thách các em học đc" để tạo challange cho bọn em :v Rồi đến chị Thảo thì kinh rồi. Một mình chị gánh cả 5 nhóm mà k biết mệt :v nhiều khi em thương chị lắm nhưng mà nghĩ lại chị bạc quốc tế nên thôi, chắc chị tải đc :v rồi anh Tâm thì nói siêu nhiều,nhưng cx cực cool và sự giả bộ nghiêm túc lên đến mưcs thượng thừa :v anh Tuấn thì thì ôi thôi đáng yêu kinh khủng, anh nói hơi lắp, nhưng mà kiến thức của anh thì rộng thôi rồi,toán học như kiểu là ng yêu của anh ý vậy, mảng nào về toán học anh ấy cũng biết ^^
Chia sẻ của bạn Nguyễn Diệu Hoa (Chuyên Nguyễn Huệ)
Không khí ở MaSSP rất vui vẻ. Em tham gia 1 số trường hè toán thì Massp thoải mái nhất. Kỉ niệm e nhớ nhất là buổi học hôm chị Thảo cho bọn e xem video về Toán học trong tình yêu :v cách thu hút sự chú ý, mẹo hẹn hò, lsao để chọn bạn tình tốt vs xác suất cao, và quy luật li hôn,... làm cả lũ hứng thú và cười đùa rất nhiều :v
Các đề tài của môn toán 2016:
1. Trò chơi SET
Trò chơi SET là một trò chơi kháphổ biến, đặc biệt với những người yêu toán vì những tính chất toán học lý thú của nó. Trò chơi được chơi như sau: Có nhiều quân bài, trong đó mỗi quân có các tính chất về hình dáng, số lượng, màu sắc và hoạ tiết thuộc vào một trong ba loại. Một bộ Set là một bộ ba quân bài mà mỗi tính chất đều cùng giống nhau hoặc khác nhau đôi một. Mỗi lần chơi, 12 quân bài sẽ được đặt ngửa lên trên. Người chơi sẽ tìm kiếm các bộ Set, và người tìm được nhiều bộ Set nhất sẽ là người thắng chung cuộc. Trò chơi đưa ta đến với một vài câu hỏi thú vị: Có bao nhiêu quân bài ? Xác suất để lấy 3 quân bài tạo thành Set từ cả bộ bài là bao nhiêu ? Số lượng tối đa bộ Set có trong 12 quân bài là bao nhiêu ? Số lượng tối đa quân bài mà không tồn tại bất kỳ một bộ Set nào là bao nhiêu ?
2. Lý thuyết xác suất trong số học
Đây là dự án gồm nhiều câu hỏi thú vị giống như trên. Xác suất để chọn ngẫu nhiên một số nguyên dương là số chính phương ? hoặc là một số nguyên tố ? hoặc là một số không có ước chính phương là bao nhiêu ? Xác suất để chọn ngẫu nhiên hai số nguyên dương mà không có ước chung là bao nhiêu ? Ngoài ra, học sinh còn được học những kết quả thú vị về lý thuyết số giải tích giống như là lý thuyết số nguyên tố.
3. Tung đồng xu
Tung một đồng xu đồng chất N lần và ghi lại dãy H-T (H là úp, T là ngửa), ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi thú vị về dãy này: Xác suất xuất hiện một dãy nhất định là bao nhiêu ? Chúng ta cần phải tung bao nhiêu lần để kết quả xuất hiện một dãy nhất định ? Xác suất để kết quả là một dãy nhất định từ một dãy đã thu được trước đó ? Trường hợp chúng ta dùng một đồng xu không đồng chất thì sao ?
4. Hôn nhân bền vững
Cho n người đàn ông và n người phụ nữ, giả định rằng một người có một danh sách thứ hạng mà ở đó họ sẽ xếp hạng những ứng cử viên tiềm năng để kết hôn, từ hài lòng nhất đến không hài lòng nhất. Và điều kiên đặt ra là không được tồn tại bất kỳ một cặp nam nữ nào xếp hạng người còn lại cao hơn vợ và chồng của mình. Làm thế nào để ta tìm được một bộ ghép cặp ổn định ? Ngoài ra, bởi chúng ta có danh sách thứ hạng, liệu cách ghép cặp của chúng ta có thật sự “tốt” ? Thế còn một bài tương tự là bài toán chọn bạn cùng phòng khi mà chúng ta không hề có điều kiện phân biệt về giới tính thì sao?
5. Tô màu đồ thị
Cho một đồ thị, sắc số là số lượng màu tối thiểu cần tô cho các đỉnh để không tồn tại bất kỳ một cạnh nào nối liền hai đỉnh cùng màu. Cho một đồ thị hữu hạn, bằng cách nào chúng ta xác định được sắc số của nó ? Mở rộng ra, cho một đồ thị hữu hạn và số k, bằng cách nào để ta xác định được tồn tại hay không cách tô đồ thị đó bằng k màu ? Định lý 4 màu là gì ? Thế còn đối với trường hợp một đồ thị vô hạn như là đồ thị phẳng, đồ thị mà khoảng cách của một đỉnh bất kỳ với hai điểm liền kề nó là 1 thì sao ? Sắc số dùng để làm gì ? Và nó có mối liên hệ gì với số Ramsey.
MaSSP là một chương trình mùa hè dành cho học sinh sinh viên Việt Nam đam mê toán và khoa học. Để biết thêm thông tin về MaSSP, hãy truy cập website và follow trang facebook ở đây:
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất