Dạo này thấy chủ đề áp lực thi cử học hành lại quay trở lại một cách thường kỳ như chúa Nguyễn Phúc Ánh giông buồm mỗi khi có gió nồm. Tôi lại nhớ về khoảng thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường của tôi và tôi cũng nhớ về má tôi nửa.
Lúc đầu khi viết bài tôi định để tiêu đề là Má tôi và sự nghiêm khắc trong việc học. Nhưng tôi thấy giống giật tựa đề nhằm câu lượt xem nên thôi. Vì lẻ cái tiêu đề kia chỉ chuẩn trong một phần câu chuyện của tôi thôi. Trở lại với nhà tôi, ba má tôi là những người sinh ra trong thời chiến tranh và họ chỉ học đến lớp ba thôi. Họ bỏ học không phải vì không có tiền mà vì lẻ khác. Ba tôi kể thời ông còn nhỏ, ông học trong một trường công lập ở Bến Tre, má tôi thì học trong môt ngôi trường được giảng dạy bởi các dì phước (nữ tu theo cách gọi quê tôi). Học phí được miễn phí hoàn toàn. Tôi hỏi sao lại nghỉ học thì ba tôi kể là thời đó nghèo khó, chiến chinh nên không ai đi học nhiều. Phải ở nhà làm lụng mà phụ ông bà nuôi các em. Do ba má tôi đều là con trưởng nên họ phải bương chải từ sớm. Tôi không biết trong ba bốn năm đó ông học gì nhưng mà lâu lâu ba hay hỏi tôi "tụi mày có được học Phan Bội Châu, Lý Ông Trọng, Yết Kêu không? Hồi đó tụi tao được học hết đó". Nói một chút như thế để mọi người hình dung được nhà tôi chẳng có truyền thống ăn học cao vọng gì sất. Chỉ là những người nông dân và buôn bán trên sông nước miền tây thôi.
Năm tôi vào mẫu giáo, ba đưa tôi đi học. Tôi không khóc tí nào, tôi thấy khá bình thường vì nhà tôi gần trường và tôi được gặp nhiều bạn mới. Những năm đó đến tận lớp một lớp hai, má tôi luôn bỏ phiên chợ sáng để đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn xem tôi có quậy phá không, tiếp thu có tốt không. Hôm nào tôi cũng phải đưa tập cho má xem, không được mười điểm là xác định bị đánh một roi hoặc bị chửi. Lúc đó tôi lấy làm sợ hãi lắm. Một trong những môn đáng sợ nhất của tôi thời đó là chính tả. Tôi cứ viết sai suốt và gần như lúc nào cũng bị sai một chử. Những ngày có môn đó, tối nào má cũng ngồi đọc cho tôi viết "nháp" ở nhà. Má mua cho tôi một cái bảng đen, má đọc còn tôi viết phấn lên. Những năm tháng đó, dù nắng hay mưa, đèn điện hay đèn dầu, tiếng rao chính tả và tiếng phấn sột soạt chưa bao giờ ngơi tiếng trong căn nhà trong hẻm của gia đình tôi. Buồn cười là tôi vẫn cứ hay sai chính tả. Điều đó làm tôi khá ám ảnh, đương nhiên đến giờ chính tả và Việt ngữ của tôi vẫn dở tệ. Đơn cử như trong bài viết này, kiểu gì cũng kiếm được hơn chục lỗi chính tả. Ngoài ra còn một thứ khác, nó kết hợp với chính tả làm tôi ám ảnh vô cùng. Đó là môn từ ngữ, ngày đó các học sinh phải chép sẵn một đoạn văn vào vở để hôm sau khi học sẽ điền từ vào chổ trống đoạn văn đó. Tôi phải ngồi cặm cuội viết trong cuốn tập hai trăm trang má mua. Khổ nổi, mỗi lần tôi lỡ viết sai một từ nào thì má tôi ngay lặp tức xé trang đó đi và bắt tôi viết lại từ đầu. Những buổi chiều như thế cực kì ám ảnh với tôi. Đương nhiên giờ nhớ lại, tôi chỉ buồn cười thôi, sao má xài của phí thế không biết? Nhưng rồi tôi lại tự cười mình và nghĩ má tôi hay tôi là kẻ phung phí những trang giấy kia? Ngoài ra, tôi không sợ toán lắm. Năm lớp năm, tôi chuyển trường về một nơi mới, bạn bè mới, môi trường mới. Những năm đó, má không kèm cặp tôi nhiều như trước nhưng vẫn kiểm tra điểm tôi mỗi ngày. Lâu lâu, bà lại vào trường để nói chuyện với đám bạn tôi. Bọn nó cũng thích nói chuyện với bà lắm vì có vẻ ở xứ này ít phụ huynh nào rỗi hơi đi nói chuyện với bạn học của con mình. Năm đó, tôi vẫn là học sinh giỏi.
Tôi bước vào cấp hai với những người bạn mới từ các trường tiểu học khác nhau. Năm lớp sáu, tôi mê chơi điện tử quá nên bị rớt xuống học sinh khá. Cái ngày đó, tôi chạy một mạch về nhà bà mình mà nằm trên võng khóc. Tôi không dám nghĩ chuyện gì sẽ đến với tôi. Tôi sợ. Má tôi vẫn vui vẻ nói chuyện với bà con về việc tôi bị "rớt" xuống khá. Sau đó, bà dắt tôi về nhà. Đó là mùa mưa như bây giờ, đường quê trơn ướt, tôi trượt chân té xuống đường. Lúc đó, tôi sợ lắm. Sợ bị má mắng, má đánh. Nhưng không, má cười phá lên:
- Rớt học sinh khá đã vậy còn "chụp ếch" nửa.
Tôi nhục nhã quá, đứng lên và đi lần lũi về nhà. Hè đó, má không cho tôi đi chơi (thật ra tôi cũng chẳng có chổ nào để chơi vì những năm đó tôi sống biệt lặp trong mảnh vườn với ba). Sáng nào, má cũng bắt tôi luyện viết chữ cho đẹp vào một quyển tập, mỗi hôm vậy là hai trang và viết gì cũng được. Tôi hay lấy quyển Anh Văn ra và viết mấy câu trong đó vì... tôi ghét Ngữ Văn. Trong hè đó, má tìm cho tôi một lớp học thêm anh và học thêm toán. Má cũng nhờ người quen xin chuyển lớp cho tôi sang một môi trường mới ít cá biệt hơn. Năm lớp bảy, tôi học cũng không tốt lắm. Tôi nhớ môn văn tôi điểm khá thấp và tôi đã phải giấu diếm cùng nói dối là chưa phát bài để tránh bị chửi. Dù rằng má đã nói rằng "có gì cũng phải nói thật, không được giấu". Cuối cùng, tôi cũng trãi qua một năm học đủ mọi thâm trầm và trở lại với danh hiệu học sinh xuất sắc. Hai năm sau đó, tôi vẫn cố gắng học tập và đều đạt được danh hiệu này ở mức mấp mé ranh giới học sinh tiên tiến. Má tôi thì lúc này không sống cùng tôi thường xuyên nửa, ba tôi đi làm suốt nên chỉ có một mình tôi tự đi học, tự chơi một mình ở nhà với con chó Vện của mình. Điểm sáng duy nhất là những năm đó tôi tìm lại được tình yêu dành cho văn học và lịch sử. Mỗi lần đi hợp phụ huynh và xem bảng điểm từ sổ liên lạc má hay cười:
- Văn mày có nhiêu đây điểm vậy mà tao không hiểu sao cô khen mày làm văn giỏi.
Riêng môn sử thì tôi có một lần đi thì học sinh giỏi sử vòng huyện và ăn may được giải khuyến khích. Lễ tổng kết năm lớp chín là một ngày mưa to và tôi được thưởng hai mươi cuốn vở. Mười cho học sinh xuất sắc và mười cho thành tích ăn may môn sử trên huyện. Nếu ai mà được xuất sắc cả bốn năm thì sẽ được thêm mười cuốn nửa. Do vậy nên má hay nói "phải năm đó không mê chơi rớt đài thì được thêm mười cuốn rồi". Thời cấp hai, nhìn chung đỡ hà khắc hơn cấp một. Duy có một điều là thời gian của tôi bị kiểm soát chặt đến mức chỉ cần chênh lệch hai ba mươi phút là có thể bị cáo buộc là đi đánh điện tử. Có một nghịch lý buồn cười đó là những năm đó càng lúc tôi càng chơi nhiều hơn và điểm cũng cao dần đều lên. Thật khó hiểu. Sau lớp chín thì sẽ là kỳ thi lên cấp ba. Ở quê tôi, nếu không thi chuyên thì thi lên cấp ba khá dễ. Năm đó, tôi cúp sạch các buổi ôn thi của trường để đi chơi Võ Lâm 2. Nào là thương hội, tàng kiếm, môi phái đủ kiểu. Ngoài tôi thì cũng có một đám cúp ôn mà đi chơi như tôi. Đối với kì thi đó, má tôi chỉ mong tôi đừng rớt, bà cũng chẳng còn trông mong xa xôi lớp chọn này nọ. Kết quả là tôi được 31,5/50 điểm. Môn cao nhất thật mỉa mai là văn với 14/20 điểm. Điều mỉa mai hơn nửa là bọn cúp học cùng tôi đa phần đều học lớp chọn còn đám còn lại đa phần xuống lớp thường. Đời mà, vậy đó. Má tôi thì cũng vui khi tôi vào lớp chọn nhưng không có gì là quá tự hào, có lẻ đúng là với bà tôi vào được cấp ba là tốt rồi, với tôi cũng thế.
Tôi bước vào cấp ba với tâm thế là học sinh xuất sắc nhiều năm. Để rồi tôi ăn ngay mấy cú tạt lạnh buốt vào đầu qua những bài kiểm tra điểm thấp bé kinh khủng. Tôi còn nhớ một nhỏ bạn học đã ôm mặt khóc sau khi bị điểm sáu kiểm tra miệng môn văn. Tôi những năm đó phải chiến đấu đến bở hơi tai với môn hoá, văn và... thể dục. Thật may là tôi vẫn yêu toán và lý. Riêng má tôi thì bà không còn ép tôi phải xuất sắc nửa. Mỗi khi có ai hỏi về tôi bà chỉ cười xoà "nó được tiên tiến thôi, lên đây khó quá, nó không xuất sắc nổi". Bà cũng hay nhắc nhở tôi "ráng đừng để trung bình nha. Tiên tiến cũng có thưởng tập mà phải không?". Thời gian của tôi cũng không bị bó buộc, mấy năm đó tôi cứ có một lịch trình "sáng học, chiều đi chơi, tối ngủ". Tôi chẳng học hành gì lắm nhưng may mà vẫn được tiên tiến những năm đó. Riêng học kì một năm lớp mười hai, tôi nhận thấy tôi có tí hy vọng được học sinh giỏi ở học kì một. Dù là một học kì thôi tôi vẫn muốn được danh hiệu đó để... cho má vui một tí. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mình thật lòng cố gắng đạt tới một danh hiệu chỉ vì mong ba má vui. Đương nhiên là tôi dốt đặc thì sao mà giỏi với xuất sắc được kia chứ. Đương nhiên đến giờ tôi vẫn chưa kể má nghe việc đó, tôi muốn giấu gì đó cho riêng mình, tôi vốn kiệm lời với người thân mà. Hết năm, thì tốt nghiệp phổ thông, má chỉ mong tôi có ba mươi điểm để đừng rớt. Năm đó, tôi may mắn thi được 52/60 điểm. Ba má khá vui lòng, tôi cũng vậy. Hình đã từ lâu rồi má mới đi kể với bạn hàng về tình hình học tập của tôi kể từ khi tôi "hết giỏi". Đương nhiên sau khi tốt nghiệp sẽ là thi đại học. Ba má tôi cho tôi tự do chọn ngành. Ba hay nói "mình già rồi, biết gì đâu, nó thích gì thì cho nó học đó". Tôi thi vào đại học quốc gia ngành công nghệ phần mềm. Để chắc ăn tôi thì thêm một trường cao đẳng ngành dược. Năm đó tôi trượt đại học. Ngày tôi nhận tin trượt ba hỏi "rớt rồi hả? rồi khi nào trường cao đẳng kia có kết quả? điểm đủ nộp trường khác không?". Không lời trách mắng nào cả, có lẻ ba má cũng hiểu rằng con mình sức học đến thế thôi. Tôi cũng tự hiểu rằng mình là một đứa bất tài vô tướng nên cũng không than trách gì. Ba má cũng không lấy gì phiền lòng. Vài hôm sau, có giấy gửi về báo tôi đậu cao đẳng ngành dược. Nhưng tôi nói tôi muốn thử vận may ở khoa cao đẳng tin học trường Khoa Học Tự Nhiên. Thế là má dắt tôi bắt xe lên Sài Gòn để nộp phiếu báo điểm. Đồng thời tôi nộp tờ còn lại cho một trường đại học công lập cũng ngành tin học. Một tháng sau, ở nhà đã có ba tờ giấy báo trúng tuyển. Tôi chọn học ở Tự Nhiên vì học phí rẻ nhất, nhà tôi vốn khá khó khăn. Ba má cũng không có ý kiến gì. Tháng sau, tôi khăn gói lên Sài Gòn. Khi đi ba dặn tôi "Lên đó lo học không có tụ tập bậy bạ, không có dính vô xì ke hay phản động gì nha. Phải lo học đó". Má thì vẫn câu cũ "Có gì cũng phải gửi điểm về, một điểm cũng gửi không có giấu".
Trãi qua năm nhất, tôi là sinh viên điểm cao nhất lớp và điểm cao thứ bảy khối. Ba má vui lắm, đem cái bằng khen treo giữ nhà. Những năm sau đó, tôi không học tốt như vậy nửa những cũng chưa hề học lại, tôi vẫn gửi giấy báo điểm về cho ba má coi mỗi học kì như một sự khẳng định tôi vẫn học hành đều đều. Ba năm, tôi ra trường và thất nghiệp vài tháng sau đó đi làm. Chính thức tạm dừng việc học hành trường lớp đến tận bây giờ. Đương nhiên tôi vẫn dốt đặc như xưa thôi, được cái gõ phím cũng kiếm được bửa đói, bửa no.
Bây giờ nghĩ lại thì tôi vẫn cảm thấy những năm cấp một đòn roi, cấp hai bị ăn chửi vẫn là những năm tuổi thơ tươi đẹp vô cùng bên ba má. Tôi lại nhớ về câu nói của má "có gì cũng phải gửi điểm về, một điểm cũng gửi không có giấu". Có lẻ những năm đó, thứ bà mong ở tôi chỉ là đứa thật thà chứ phải phải những con điểm kia. Bà giận chỉ vì tôi vì lo sợ điểm kém mà thành một thằng dối trá. Tôi cũng chợt nghĩ, nếu chẳng may tôi rớt cấp ba, tôi rớt phổ thông. Rồi tôi đi học nghề hoặc ở nhà làm vườn như ba má chắc ba má cũng không phiền lòng gì đâu. Chỉ đơn giản là tôi thích học, tôi muốn học nên tôi đi học. Thế thôi. Cám ơn những năm tháng đó, cám ơn ba má. Gần mười hai giờ và mai là Tết Đoan Ngọ, tôi nghe một bài nhạc cũ rích...

Five hundred miles
Five hundred miles
Five hundred miles
Five hundred miles
Lord I'm five hundred miles from my home