“Ma Sơ vui vẻ” là ai vậy?
Một nhân vật đình đám nổi lên trên mạng xã hội gần đây, cùng chung quan điểm với bà Nguyễn Phương Hằng với nick Ma Sơ vui vẻ thực tế cũng là một người nổi tiếng nhưng với gương mặt khác và tính cách hoàn toàn khác.
Đó là Nguyễn Thị Thu Hương cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng, đầy nhân văn và cảm động Hành trình xương thủy tinh mà chính bà và người con trai là nhân vật chính.
Ma Sơ vui vẻ đã đăng tải nhiều clip chia sẻ quan điểm của chủ kênh về các vấn đề đời sống, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Cách nói chuyện của bà Hương có điểm chung là có phần chanh chua, thẳng thật, nhưng cũng rất linh hoạt và hài hước mà status làm nhiều người thích thú và hay nhắc là vụ Tuấn “khỉ”, khu mà Ma Sơ vui vẻ tình cờ chứng kiến cảnh vây bắt vì ở gần đó.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ thực sự biết đến cái tên của channel thì tất cả là từ trận đại chiến giữa bà Phương Hằng CEO Đại Nam và một số nghệ sỹ nổi tiếng. Bà Hương đã thể hiện sự ủng hộ với bà Hằng .
Cũng chính vì những clip bắt kịp với cuộc khẩu chiến kinh điển kia mà tên tuổi của bà Thu Hương càng nổi và nhiều người thắc mắc Ma sơ vui vẻ là ai.
Tác giả Hà Tùng Sơm điểm sách xương Thủy Tinh:
Hành trình xương thủy tinh là cuốn  sách nói về một người phụ nữ diệu kì nhưng rất đỗi bình thường trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Đó là cuốn tự truyện do chính tác giả Nguyễn Thị Thu Hương chấp bút ghi lại những tháng ngày cay đắng, cơ cực và nghiệt ngã, nhưng cuối cùng đã vươn lên có được hạnh phúc trong cuộc sống của một người mẹ trẻ nghèo khó, lại phải nuôi cậu con trai mắc một căn bệnh rất hiếm hoi gọi là bệnh xương thủy tinh.

Cuốn tự truyện này do NXB Trẻ ấn hành và nó đã được đăng tải trên rất nhiều kì của báo Tuổi trẻ, một trong những tờ nhật báo có số lượng phát hành lớn nhất nước, vì thế mà nó đã được nhiều người biết đến. Và như trên đã nói, chị Nguyễn Thị Thu Hương, tác giả và cũng là nhân vật chính trong cuốn sách này đã có những trang viết rất giản dị mà thật sinh động về cuộc đời mình khi phải vật lộn với mưu sinh để chăm sóc và nuôi một cậu con trai mắc căn bệnh mà trong y học gọi đầy đủ là Tạo xương bất toàn. Bệnh này còn có một tên gọi dễ hiểu hơn là xương thủy tinh. Người mắc căn bệnh này có bộ xương rất giòn, dễ gãy và dễ vỡ, nghĩa là rất mỏng manh và cơ thể phát triển rất chậm chạp nhưng trí tuệ và tình cảm thì vẫn phát triển bình thường.

Sống ở Tp Hồ Chí Minh, lọt thỏm trong một khu vực gồm những người bình dân nghèo khổ ở huyện Hóc Môn, chị Nguyễn Thị Thu Hương đã trải qua chặng đường trần ai để tồn tại và phát triển. Hãy đọc những dòng nhật kí của chị viết cho con trai: “Chiều nay ta lại chuyển nhà… Lần này thì chúng ta thật sự ở cùng nghĩa địa… Mùa chay, người ta ra nghĩa địa đọc kinh cho các linh hồn. Tiếng kinh nguyện và những vành khăn trắng… Mẹ nhìn người ta, mẹ đứng im chết lặng. Mẹ sẽ còn ôm con đi tới tận đâu, nơi cái thế gian này? Mẹ không thể biết con trai à…”.

Cứ thế, cuốn Hành trình xương thủy tinh kể về cuộc hành trình của người mẹ trẻ Nguyễn Thị Thu Hương với đứa con tật bệnh: Đi và bán nhà, lại đi và bán nhà; rồi lại bán nhà để đi, bán nhà và đi. Cái điệp khúc trần ai ấy lặp đi lặp lại với chị đến 12 lần. Và mỗi lần một tồi tệ hơn cho đến khi thật sự sống cùng nghĩa địa. Ấy vậy mà nghĩa địa vẫn chưa phải là nơi tận cùng của chị.

Nhưng nếu chỉ có thế thì cuốn sách này chưa nói lên điều gì về ý nghĩa lớn lao của nó. Từ trong bi kịch tưởng như không thể sống nổi ấy, chị Nguyễn Thị Thu Hương cùng con trai suốt đời mang trong mình căn bệnh quái ác xương thủy tinh đã không chỉ vật lộn với cuộc đời để sống và chữa bệnh mà còn tìm đủ mọi cách làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. Mẹ con chị đã gặp được rất nhiều những tấm lòng nhân ái, chia sẻ với chị những đắng cay, thiếu thốn; và đến lượt mình, chị cũng tìm mọi cách có thể để giúp đỡ cho những cảnh đời, những số phận còn nghèo khó hơn cả chị. Mẹ con chị đã trở thành một địa chỉ đẹp, một trung tâm của những tấm lòng nhân ái. Nhiều người đã giúp đỡ chị, và chị cũng đã bằng cách này, cách khác giúp đỡ lại được nhiều người. Chú bé Hội con chị tuy đã 16 tuổi nhưng hình hài mắc bệnh vẫn giống một cậu bé lên 7 tuổi trong lúc trí tụệ thì vẫn phát triển bình thường. Được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, chú bé xương thủy tinh đã trở thành người quản trị mạng của trang web mang tên Ngôi sao blog.com,  nơi được xem là ngôi nhà của blog Việt.

(Hết trích)
Câu chuyện như cổ tích bắt đầu từ khi tòa soạn Tuổi Trẻ nhận được những dòng email vắn tắt của Đỗ Minh Hội: “Cháu 16 tuổi nhưng chỉ cao 1,1m. Cha mẹ đã 10 lần bán nhà, chuyển nhà để chữa bệnh cho cháu. Cả nhà chỉ có một niềm vui là đọc báo mỗi ngày...”, chúng tôi đã mường tượng ra cả một câu chuyện đẫm nước mắt, một gia đình đẫm nước mắt. Sau mấy lần hướng dẫn qua điện thoại thì Hội cũng tự mình viết lên được câu chuyện của mình. Câu chuyện quả là đẫm nước mắt. Rồi chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ nằm sâu trong những con ngõ ngoắt ngoéo của xã Đông Thạnh, Hóc Môn. Lạ thay, căn nhà ấy lại ngập tiếng cười.
Những lần bán nhà, chuyển nhà, vẫn những công việc tự do để mưu sinh, nuôi con, chữa bệnh cho con... nhưng đêm đêm chị Thu Hương trải lòng lên những trang viết. Những câu chuyện trong xóm nghèo, những phận đời nổi trôi quanh khu Đông Thạnh bỗng hiện lên thật đa sắc, lung linh, thấm đẫm những ân tình. Tải lên Internet. Và rồi cuộc đời bắt đầu thay đổi không chỉ ở “nhà xương thủy tinh” nhờ những tấm lòng đã kết nối được với những tấm lòng qua trang viết ấy.
Bài “Con sẽ sống, mẹ ơi!” của Đỗ Minh Hội dự thi “Chuyện đời tự kể” đăng ngày 15-9-2006 gây xúc động với nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ, rồi tập phim tài liệu sau đó đã mang đến những thay đổi với hai mẹ con. Nhận được nhiều lời thăm hỏi, động viên, nhiều người tìm đến nhà, cánh cửa “nhà xương thủy tinh” mở rộng hơn, mẹ và con mạnh mẽ hơn, những tiếng cười nhẹ đi, trong hơn. Tháng 8-2008, tập sách Hành trình xương thủy tinh do Nhà xuất bản Trẻ và Tủ sách Tuổi Trẻ ra mắt, được trích đăng bốn kỳ trên báo Tuổi Trẻ. Và từ đó, hai mẹ con Thu Hương - Minh Hội đi trên con đường mới.