[Blooming Books] “Muôn kiếp nhân sinh” (Nguyên Phong) và hành trình quay về bên trong
Đọc “Muôn kiếp nhân sinh” là để hiểu về hành trình trở về cội nguồn của bản thân, mà sâu xa của cội nguồn đó, chính là hiểu chính mình và quay về bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài.
“Sự ý thức được về chính mình là quy luật căn bản của mọi truyền thống tâm linh vì biết mình tức là biết được nguồn gốc thiêng liêng của mình”.
Đọc “Muôn kiếp nhân sinh” là để hiểu về hành trình trở về cội nguồn của bản thân, mà sâu xa của cội nguồn đó, chính là hiểu chính mình và quay về bên trong chứ không phải hướng ra bên ngoài.
Đằng sau câu chuyện về những đời sống trong tiền kiếp của nhân vật Thomas, tác giả Nguyên Phong đã khái quát lên những quy luật của vũ trụ (dưới góc nhìn tâm linh): luân hồi, nhân quả và thành – trụ - hoại – diệt. Lồng ghép trong đó là nhiều triết lý của Ấn giáo, các thuật ngữ của Phật giáo, hay kiến thức lịch sử, địa lý về các nền văn minh. Mình đã mua cuốn sách này từ gần một năm trước, nhưng phải đến thời điểm cách đây khoảng hai tuần, mình mới thật sự cảm thấy sẵn sàng để đón nhận những chiêm nghiệm và sự lý giải trong cuốn sách này.
Có lẽ vì mình đang giữ nhiều câu hỏi về cuộc đời mình, về những gì đang xảy ra, về sự vận hành của thế giới, nên cuốn sách giống như một sự chỉ dẫn.
Câu hỏi thứ nhất: Tại sao những điều này lại xảy ra với mình?
Câu hỏi này luôn thường trực, nhất là khi mình gặp phải một chuỗi những điều bất như ý. Cuốn sách khiến mình nhận ra rằng, mỗi người trong cuộc đời đều phải học nhiều bài học, có người phải học về tình yêu thương, có người học tính kiên trì, có người học cách đối nhân xử thế,… kiếp này chưa học được thì kiếp sau sẽ lại tiếp tục học. Vì vậy, mọi sự xảy đến trong đời, dù có là khổ đau, thì cũng là để chúng ta học được một bài học gì đó mà kiếp sống này cần phải học. “Luân hồi như một trường học lớn, trong đó mọi sinh vật đều phải học cho đến khi tiến đến sự hiểu biết toàn vẹn”, mà “nhân vô thập toàn”, nghĩa là chúng ta sẽ luôn nên, cần và phải học. Nghĩ như vậy, để đón nhận tất thảy mọi sự, và thấy mình đang lớn lên.
Câu hỏi thứ 2: Có phải nên “chọn” người để yêu thương không, khi luôn có những kẻ tệ bạc (mà mình có thể gặp trong đời)?
Trong cuốn sách có một chi tiết khá ấn tượng đó là cô gái Cihone đã giúp cha (một thầy thuốc) chữa bệnh cho những đứa trẻ bằng cách ôm ấp, yêu thương, vỗ về và hát ru. Khi được hỏi về phương pháp trị liệu lạ lùng đó, Cihone nói: “Tôi chỉ biết yêu thương và cảm nhận rằng một khi được thương yêu, con người có thể mạnh khỏe hơn, và trẻ con cũng vậy”. Thì ra là như thế, tình yêu thương chân thành có sức mạnh chữa lành diệu kỳ - từ bên trong.“Trong các bài học thì tình yêu thương là bài học quan trọng nhất để tiến hóa và thanh lọc các yếu tố ô trược (…) Nên là người cho đi, nên là người giúp đỡ người khác, thương yêu tất cả, dù bị lừa gạt cả trăm lần. Đừng kể những điều tốt đã làm, đừng nhắc những gì đã cho, đừng chờ đợi ai trả ơn, đừng cố muốn có những gì vốn không thuộc về minh – và hãy tươi thanh thản sống như thế, thì sẽ hạnh phúc thực sự”.Mình chưa đạt được đến điều đó, nhưng mình hiểu rằng, nếu đi ngược lại, sẽ khổ đau, tủi thân và uất ức biết bao!
Câu hỏi thứ 3: Vẫn là chính bản thân, vì sao mình lại có những mối nhân duyên tốt lành bất ngờ, lại có những người chỉ xuất hiện một quãng đem tới buồn đau trong cuộc đời mình rồi rời đi?
“Do sự chi phối của những động lực trong vũ trụ qua luật luân hồi và nhân quả mà người này gặp gỡ người kia. Có khi là nợ, có khi là duyên, có khi gặp nhau để trả nợ, có khi gặp nhau để nối lại duyên xưa”. Quy luật thành – trụ - hoại – diệt không chỉ đúng với một nền văn minh, một triều đại, một đời người, một ngày mà còn đúng với một mối quan hệ. Chỉ là thời gian cho mỗi giai đoạn trong vòng thành – trụ - hoại – diệt đó sẽ không giống nhau và chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Không cưỡng cầu, không oán trách, không muộn phiền.Và nhiều câu hỏi khác về nhân quả, nhưng có lẽ đó là điều phải tự mình trải nghiệm và quan sát, trong chính sự sống của bản thân.
Sau cùng, mặc dù cuốn sách có nhiều yếu tố mang tính tâm linh và có thể vượt ngoài những định lý, định luật của khoa học, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc.
Mở lòng để khám phá. Tập trung để lĩnh hội. Lắng lòng để chiêm nghiệm.
Khi trong lòng gợn lên câu hỏi, thì ở đâu đó sẽ luôn có câu trả lời!
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất