Walt Disney – một trong những tập đoàn giải trí và truyền thông đa phương tiện lớn nhất thế giới – thông báo sẽ remake lại bộ phim ‘Mulan’ (Hoa Mộc Lan) với bản live-action sau loạt thành công của ‘Aladdin’ (2019), The Lion King (2019),… Vốn xuất sắc trong việc tạo nên các tác phẩm điện ảnh chất lượng, ‘Mulan’ được kì vọng như một tác phẩm ăn khách và dự kiến sẽ trở thành một “blockbuster” (bom tấn) tiếp theo từ gia đình nhà Chuột. Nhưng có lẽ, mọi chuyện tưởng chừng không như mong đợi…

CĂNG THẲNG CHÍNH TRỊ VÀ HỆ QUẢ SAU ĐÓ:

Tình hình Trung – Mỹ từ khi Donald Trump nhậm chức vốn đã không được yên bình sau hàng loạt bất ổn về chính trị, kinh tế,… Năm 2020 lại càng trở nên căng thẳng khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và lại xuất nguồn từ Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh “lạnh” diễn ra trên khắp mạng xã hội và tốn không ít giấy mực của giới truyền thông từ đầu năm trở lại đây. Hơn nữa, việc Donald Trump cấm mạng xã hội Tik Tok  – nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội Trung Quốc – trên toàn nước Mỹ được xem như là một trong những động thái nghiêm ngặt của vị tổng thống nước Mỹ nhắm đến thị trường tỷ dân này.

Kéo theo đó là những hệ quả không ngờ tới dành cho ‘Mulan’. Theo hãng tin Reuters, có vẻ như Trung Quốc đã ra sức kêu gọi truyền thông không đưa bất cứ thông tin lạc quan nào về ‘Mulan’. Việc nhắm đến tác phẩm điện ảnh này được xem như là một hành động đáp trả của chính quyền Trung Quốc qua việc bài trừ các tác phẩm văn hóa đến từ Mỹ.

CÁI NHÌN SƠ SÀI CỦA PHƯƠNG TÂY VỀ PHƯƠNG ĐÔNG:

Ngay từ khi ra mắt, ‘Mulan’ cũng vướng phải hàng loạt bê bối khi công bố dàn diễn viên chính. Dù sở hữu nhiều những tên tuổi kì cựu, nhưng có vẻ, Lưu Diệc Phi – vai Hoa Mộc Lan – trước đây vốn không đánh giá cao về diễn xuất vẫn được giao cho vai diễn chính đã làm cho nhiều người chẳng mấy hài lòng. Hơn nữa, việc nữ diễn viên lên tiếng ủng hộ lực lượng cảnh sát Hồng Kong sử dụng vũ lực quá mức ở năm 2019 cũng khơi gợi nhiều tranh cãi. Từ đó, một làn sóng tẩy chay Lưu Diệc Phi cùng ‘Hoa Mộc Lan’ đã làm cho hành trình ra mắt “Mulan” càng chông gai hơn.
Disney cũng từng bị cộng đồng mạng Trung Quốc lên án khi có sự nhầm lẫn về văn hóa trầm trọng ở nhiều cảnh trong phim:

Vốn là người phương Bắc nhưng nhà của Mulan lại được xây theo kiến trúc của Phương Nam.

Thổ Lâu là công trình kiến trúc được xây dựng từ TK12 đến TK20. Trong khi bối cảnh của Mulan lại là thời Nam Bắc triều, kéo dài từ năm 420-589.
Trước đây, bản hoạt hình của Mulan cũng từng gây xôn xao dư luận khi cô cố gắng chống lại người Hung kẻ thù của nhà Hán từ 202 TCN – 220 SCN với vũ khí của nhà Tống (960-1279) và sau đó cô kết liễu thủ lĩnh của họ tại cố cung thời nhà Minh (1368 – 1644).
Các nước phương Tây dường như chẳng mấy quan tâm đến những vấn đề này. Nhưng đối với người dân Trung Quốc, việc một tác phẩm nước ngoài sử dụng chất liệu văn hóa nước mình làm nội dung nhưng lại thiếu sự tỉ mỉ, chính xác rất khó có thể chấp nhận được.
Có rất nhiều ý kiến bênh vực Disney, cho rằng người Trung Quốc “tự cao tự đại, không hề biết ơn khi một hãng phim lớn như Disney lại du nhập nền văn hóa Trung Hoa vào tác phẩm của mình. Ở đây, mình hoàn toàn không đồng ý bởi mỗi người ở mỗi quốc gia khác nhau đều có một niềm tự hào dân tộc và Trung Quốc cũng như vậy. Thử hỏi có một người nước ngoài có những nhận định không đúng về quốc gia cũng như sai lệch về dân tộc mình. Ở trong tình thế đó, liệu bạn sẽ đứng yên chấp nhận sai lầm hay sẽ đáp trả gay gắt cho quyền lợi dân tộc? Vì vậy, đừng đánh giá người dân Trung Quốc là những người khó tính nếu như bạn không ở trong hoàn cảnh như họ.

TÌNH HÌNH PHÒNG VÉ THẢM HẠI…

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Disney quyết định phát hành “Mulan” trên cả nền tảng Disney+ ở Mỹ và cả phòng vé Trung Quốc cũng như vài quốc gia khác trên thế giới. Trên Disney+, doanh thu ước tính mang lại cho nhà Chuột trong khoảng tầm 60 đến 90 triệu USD. Con số này có lẽ không đủ bù đắp lại kinh phí sản xuất bộ phim là 200 triệu đô.

Tổng doanh thu ở Mỹ ở mức “khiêm tốn” và doanh thu phòng vé Trung Quốc cũng thảm hại không kém. Doanh thu mở màn trong tuần đầu là 23,2 triệu USD nay lại tụt dốc chỉ còn 6,5 triệu USD ở tuần thứ 2 – nâng tổng doanh thu lên khoảng 36,2 triệu đô. Dù sở hữu dàn diễn viên khủng của Trung Quốc nhưng có vẻ điều này vẫn không bù đắp nổi kinh phí mà Disney đã bỏ ra. Trong khi đó, bộ phim khác khai thác đề tài về chiến tranh khác của Trung Quốc “The Eight Hundred” vượt ngưỡng 400 triệu USD đã cho thấy “tư tưởng chung” không mấy “mặn mà” của đại đa số người dân Trung Hoa đối với các tác phẩm “ngoại nhập”. Từ diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch, thị trường phòng vé ngày càng “ảm đạm” khi người dùng có xu hướng xem phim ở các nền tảng video đa phương tiện khác như Netflix,… tại nhà hơn là ra ngoài để bảo vệ sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình của mình. Có vẻ như ước vọng “bom tấn” từ một tác phẩm khác của Disney đã bị dập tắt bởi nhiều yếu tố. Trong đó không thể không kể đến cánh truyền thông.

‘MULAN’: Bom “xịt” nhưng chưa hẳn đã “xịt”

Hoa Mộc Lan vốn là một thiếu nữ thuộc triều Bắc Ngụy. Vì thương cha già bệnh tật, cô đã quyết định giả trai để tòng quân thay cha và lập được nhiều chiến công. Nhân vật này trong văn hóa Trung Hoa như một biểu tượng rực rỡ về đạo hiếu-nghĩa và trở thành một biểu tượng về nữ quyền sớm thống nhất dưới chế độ phong kiến Á Đông lúc bấy giờ.
Có rất nhiều chỉ trích xoay quanh ‘Mulan’ nhưng theo mình nghĩ: không xét các yếu tố ‘lúng túng’ về mặt hậu kỳ thì nhà Chuột dường như phần nào vẫn làm tốt cách xây dựng tâm lý nhân vật. Bản gốc phim hoạt hình cùng với sự xuất hiện của chú rồng Mushu đã gây nhiều tiếng cười cho khán giả. Thì nay, ở Hoa Mộc Lan phiên bản live action, cách xây dựng tâm lý nhân vật có chiều sâu và trở “nghiêm túc” hơn với một bộ phim chứa đựng nhiều yếu tố về lịch sử.

Nếu mọi người chỉ trích Lưu Diệc Phi diễn “đơ”, thì mình lại không thấy như vậy. Xét về cốt truyện, Mộc Lan dẫu là một thiếu nữ nhưng cô đã phải trải qua sự nghiêm khắc của người cùng với nhiều định kiến của xã hội lúc bấy giờ. Không thể nào ép Mộc Lan trở thành người phụ nữ yếu đuối, lúc nào cũng phải khóc lóc, than thở về số phận nghiệt ngã của mình. Ở bản live-action, nhân vật Mộc Lan lại trở nên mạnh mẽ hơn khi có nhiều trường đoạn đề cao, đòi hỏi diễn biến nội tâm của nhân vật như khoảnh khắc Mộc Lan tiễn cha mẹ ra chiến trường,… Phần âm nhạc và hình ảnh của Disney thì không cần phải bàn cãi với chất lượng hình ảnh “đẹp như mơ” và phần âm thanh đầy hùng hồn vốn không thể thiếu trong các tác phẩm của Disney. Điều này đã trở thành một điểm cộng lớn đối với bộ phim. Chỉ duy nhất yếu tố truyền thông dường như đã “bóp chết” tác phẩm tuyệt vời này.
Những tình hình căng thẳng chính trị, đời tư diễn viên,… dồn dập ập đến đã khiến “Mulan” chết ngạt không thương tiếc. “Mulan” đã làm mình nhớ tới “Cats” – một tác phẩm cũng bị “bóp chết” bởi cánh truyền thông dù sở hữu dàn diễn viên khủng Taylor Swift, James Corden,… Nhưng khác với “Mulan”, “Cats” lại bị “diệt từ trong trứng” bởi phần hình ảnh man rợ và nội dung xoay quanh nó. Kết hợp với những chỉ trích “cay nghiệt” từ mạng xã hội, “Cats” đã trở thành “bom xịt” chính hiệu nhưng “Mulan” lại không hề như vậy.

Với tình hình diễn biến phức tạp như hiện tại, Disney có vẻ đã “lường trước” sự tụt dốc từ “Mulan” nhưng có vẻ thất bại này đã vượt qua sự suy tính của Disney. Dù nhận nhiều ý kiến chỉ trích, “Mulan” vẫn là một tác phẩm xuất sắc bởi các yếu tố hình ảnh, âm thanh chất lượng,… và chắc chắn sẽ trở thành một bài học kinh nghiệm cho Disney trong quá trình phát triển các tác phẩm nghệ thuật khác sau này.
References: