“HAPPINESS IS THE WAY”.
Đúng như theo tiêu đề của cuộc thi. Hạnh phúc vốn dĩ là một con đường, tuy nhiên con đường đó nó ra làm sao, có ai đồng hành hay không, hay vốn dĩ chúng ta tự thân đến thế giới này rồi cũng tự thân mà đi! Có mở rộng thênh thang như đại lộ , hay gập ghềnh theo lối nhỏ, có đường ngắn, có đường dài, có cả đường vào tim em sao băng giá. Theo quan điểm của tôi, còn sống-còn thở đã là một niềm hạnh phúc lớn lao nhất rồi. Còn thở là còn gỡ, còn sống là còn được làm nhiều việc.
Mùi Gió Biển
Tôi quê gốc Phan Thiết, một thành phố biển nho nhỏ cuối miền Trung. Cái xứ toàn nắng, gió và biển. Như bao đứa bạn đồng trang lứa khác, chúng tôi lớn lên ở cái thời resort chưa mọc lên như nấm, cái thời toàn ngồi net cỏ chứ chưa toàn cyber game xịn sò như bây giờ. Mặc áo khoác chống nắng với chúng tôi thời điểm đó là cái gì đó đáng xấu hổ với dân biển, hay ít ra theo quan niệm của lũ trai bọn tôi là vậy, thành ra có trắng cỡ nào cũng thành da nâu hết. Rồi hết thời áo trắng quần xanh, bọn tôi chia tay ngôi trường cấp 3, là cái trường chuyên tỉnh cũ, thời nó còn nép mình e ấp bên dòng sông Cà Ty chảy êm đềm, như cái cách tuổi thơ tụi tôi trôi qua. Khăn gói vào Sài Gòn, rồi hiện tại là Nhật Bản. Một trong những thứ tôi thèm nhất là được hít mùi gió biển toàn vị muối của quê mình. Mỗi lần được về thăm nhà, tầm giờ chiều tôi lại cắp theo ly cafe sữa, bay toàn mùi đậu nành với bắp rang, bật vài con track yêu thích, chạy tà tà dọc theo con đường biển. Làm một ngao gió biển căng đầy cả lòng ngực, cảm giác từng nguyên tử trong người đang hân hoan vui mừng như nắng hạ gặp mưa rào. Tôi nghĩ cái này là hạnh phúc.
Điểm dừng chân tôi thường chọn là biển Đồi Dương. Vừa ngắm hoàng hôn, vừa ăn cơm chó. Âu cũng là một loại hạnh phúc, nhỉ?
Hoàng hôn quê tôi đẹp lắm, tôi thích nhìn biển, nhìn cái thời khắc mặt trời bắt đầu chìm dần xuống nơi đường chân trời và mặt biển giao nhau. Tôi càng thích hơn được dắt người thương ra biển. Nắng chiều hoàng hôn có làm cho môi em thêm đỏ, làm cho đôi gò má em nhuộm hồng. Khẽ cúi xuống mái tóc nàng và hít thật sâu. Ôi, cái mùi tóc người con gái mình thương, à thỉnh thoảng em cũng không gội đầu, nhưng mà kệ, chỉ biết là thời khắc đó có hai con người đang thực sự hạnh phúc.
Nghe sóng khẽ thì thào như bài ca vang vọng, gió có lẽ rì rào như lòng ta xao động Nếu ta vẽ tương tư lên bãi dài cát trắng, vậy ta vẽ gì vào trời bao la cao rộng
Mùi Của Ba Má
Cũng hơn 10 năm tôi với Ba tôi không được gặp nhau. Ông đúng kiểu dân biển chính hiệu, làn da cháy nắng, lao động biển từ nhỏ nên giờ tôi có tập tành thế nào cũng không săn chắc bằng, ông hiền khô, nhưng mà tính cọc. Thường tôi thấy ông chỉ cọc khi có ai đụng chạm tới mẹ con tôi, hay bà nội, chứ bình thường chuyện gì ông cũng cười cho qua.
Ba tôi có mùi biển, à không phải cái thứ mùi biển sang chảnh như chai Roja Oceania, ý tôi là cái mùi mặn chát của nước biển. Hồi tôi còn nhỏ xíu thường giờ chiều ông đi biển về sẽ chở con tới lớp học thêm, chiếc áo cũ mèm của Ba ngấm nước biển chưa kịp khô, cả mái đầu bết nước biển chưa kịp gội, tôi ngồi sau yên xe cứ say mê mà hít như một con nghiện chính hiệu. Giờ thỉnh thoảng có nhớ ông tôi còn nhớ như in cái mùi đó, mùi hồ hôi và mùi biển quyện vào nhau. Tuổi thơ tôi thật hạnh phúc, tôi nghĩ vậy.
Theo đúng lời anh Cường hát, những ngày dài nhất trần đời là mẹ đi chợ xa chưa thấy về. Khác một chút là nhà tôi sát chợ, nhà ngoại tôi ba đời mưu sinh nhờ chợ; quê tôi thì hồi xưa lắc thì thay danh xưng Mẹ bằng Má. Với lẽ đó, Má tôi cũng toàn mùi chợ - là mùi thịt thà, cá mắm, tương chao, hòa quyện vào nhau. Đôi khi Má cũng có mùi khác, tùy vào hôm bữa đó Má mua đồ ăn vặt gì về, mùi cơm rượu thơm nồng men nè, đôi khi là mùi chè với nước cốt dừa béo ngậy, lắm lúc là mùi quai vạc, bánh bèo,.. Được chờ Má đi chợ về, mở cửa phụ Má xách đồ ra nhà sau rồi hỏi vặn lại: "Nay có mua gì ăn không Má." ...
Lớn lên rồi xa quê, xa Sài Gòn, đi lập nghiệp xứ xa. Thèm nhất vẫn là đồ ăn Má nấu. Hạnh phúc là mỗi bận về nhà, sáng ra Má tôi lại hỏi trưa muốn ăn gì. Tôi lại biến thành những em gái đỏng đảnh thỏ thẻ với câu nói bất hủ: "Dạ, gì cũng được". Rồi trưa đó nhà tôi khi thì mùi canh chua, mùi cá hố chiên, hay mùi lẩu cá... Hàng quán cao sang Nhật Hàn Âu Mẽo nào ngon qua bằng đồ ăn Má nấu, hay tại có Má ở đây nên vì thế món cơm mới ngon. Còn Má, còn gia đình, còn đường về nhà, là hạnh phúc.
Nhật Bản Có Mùi Gì
Chắc là mùi tiền, bỏ qua những mục đích hiếm hoi như trải nghiệm, thách thức bản thân, chiêm nghiệm vốn sống này kia, tôi nghĩ mọi người sang đây để kiếm tiền. Không chỉ riêng tôi, hầu như đại đa số đồng hương qua đây đều tự vật lộn với công cuộc sinh tồn của mình. Ai đều cũng phải nỗ lực nếu không muốm bị thứ gọi là chọn lọc tự nhiên gạch tên. Đằng sau mỗi tấm vé máy bay đó, là mái đầu bạc cùng kì vọng của mẹ cha, là tiền học hành cho đàn em nhỏ, là để chăm lo cho vợ/chồng/con cái.
Nhật Bản màu gì nhỉ. Chắc là màu hồng, thứ màu được vẽ trên báo đài, trên anime manga, trên các áp phích, tờ chiêu sinh-tuyển dụng của các công ty du học, lao động. Nói đến Nhật, bạn nghĩ tới thứ gì. Là mùa xuân với cánh anh đào bay trong gió với vận tốc 5 cm/s, là mùa hè rực lửa với đường đến Koushien của mấy em trai cấp 3, hay mùa thu lá đỏ rợp trời như cái cổng Torii dựng trước các đền thần, rồi thì mùa đông tuyết bay ngợp trời, liệu cùng nhau đi đến khi bạc đầu?
Nhật Bản vốn nổi tiếng là nơi hà khắc với ti tỉ manner, hay còn gọi là quy tắc ứng xử. Ông senpai làm chung còn nói đùa rằng tao người Nhật còn thấy mệt mỏi với cái đống manner đó, nên thấy tụi mày thích ứng cũng hay thiệt.
Rồi thì bất đồng ngôn ngữ, là loay hoay tự tìm giá trị của bản thân, là những đêm trăn trở chơi tiếp hay là nghỉ, ở hay là về. Đương nhiên chất lượng cuộc sống của một quốc gia phát triển là điều không thể bỏ qua để níu kéo người lao động ở lại.
Nói vậy không đồng nghĩa là Nhật Bản toàn những ngày xám như tro gạt tàn. Hạnh phúc vốn dĩ không chỉ đơn giản là khái niệm một chiều, đã có hạnh phúc thì sẽ có chiều ngược lại, thế giới này không phải là thế giới nhị nguyên.
Nhờ Nhật Bản tôi mới quen thêm được vài người thú vị, có cả đứa em tôi xem như ruột thịt. Nhớ cả những ngày thơ thẩn ngắm anh đào bay. Nhớ những ngày hè nóng cháy da cháy thịt, vác balo đi du lịch với bạn bè. Nhớ những ngày thu sang, khì trời mát mẻ, kéo nhau đi ngắm lá vàng, lá đỏ, con X100T cứ thế nháy lia lịa. Nhớ luôn những ngày đông tới, lạnh cắt da cắt thịt, đi ăn oden rồi đi tắm onsen. Nhớ mùi yakitori, yakiniku thơm lừng, mùi ume shuy đượm vị mơ... Cứ sống, rồi tận hưởng từng phút giây hiện tiền, theo cái cách nó đang là, hạnh phúc vốn dĩ đơn giản lắm thay.
Mùi Người
Hôm nọ, tôi có đọc ở một page truyền thông hay đưa tin ở Nhật Bản, có một bài chia sẻ của chị kia, với tiêu đề là:
Thấy mình thuộc về hai nơi, mà cũng chẳng thấy thuộc về nơi nào!
Đọc xong thấy thấm, ít ra nó trùng khớp với thứ mình đang nghĩ.
Rời quê, vào Sài Gòn đi học. Nhắc tới Sài Gòn, bạn nghĩ tới mùi gì. Tôi thì nhớ mang máng nó đặc keng mùi người, mùi khói bụi tàu xe, mùi của nhịp sống tấp nập, hối hả. Sài Gòn còn có mùi thịt nướng bay nồng nặc ở đầu các con hẻm của mấy xe bán cơm tấm, mùi hủ tiều gõ có hai vợ chồng cùng đang bán, có tiếng cười của tụi nhỏ chạy trên vỉa hè lang thang,.. Ít ra ai dân gốc Sài Gòn hay chỉ là dân tỉnh lẻ lên trọ học như tôi đều như in những thứ mùi này, mùi của Sài Gòn, của tình người.
Hồi tôi chuẩn bị đi Nhật, cô bán cafe tôi hay ngồi mỗi sáng có hỏi đi tính nào về con. Tôi nhìn bâng quơ hàng bằng lăng mới trồng trước mặt rồi chốt nào tụi nó nở con về á cô. Hôm bữa, thằng bạn cafe kiêm bạn nhậu, bạn game của tôi tự nhiên nhắn bằng lăng nở rồi, sáng cô Hằng mới hỏi nào mày về kìa. Tự nhiên thấy ấm lòng kinh khủng, ít ra cũng có người lạ nhớ đến mình.
5 năm, vừa đấy thôi, chẳng có gì xảy ra nhưng cũng khá nhiều thay đổi. Có một sự thật không chối bỏ được là tôi, hay những đồng hương không còn là người mà bạn bè, gia đình, hay chính chúng tôi từng biết nữa.
Có người nói tao thay đổi Không, là tao thích nghi
Chúng tôi không thể trở thành người Nhật, dù cho tiếng có tốt cỡ nào, manner có thành thạo ra sao. Chúng tôi trở thành nhóm người thiểu số, đứng ngoài cuộc nhiều thứ quan trọng. Chúng tôi bỏ lỡ nhiều sự kiện, nhiều khoảnh khắc, cơ hội. Là đám cưới của lũ bạn chí cốt, là đám tang của người lớn trong nhà, chỉ biết chúc phúc hay chảy nước mắt qua cái màn điện thoại bé xíu xiu... Là thấy mình thuộc về hai nơi, lại thấy mình chẳng thuộc về nơi nào.
Lần cuối tôi ngồi với mấy đứa bạn cấp 3 là cuối năm 2019, ở đám cưới một đứa trong lớp, có cố thế nào tôi cũng không thể hòa nhập câu chuyện của tụi nó được. Tụi tôi đã từng rất thân, 3 năm cấp 3 tới giờ vẫn là 3 năm đẹp nhất đối với tôi. Có lẽ thứ tôi nghĩ về họ là lúc tôi và họ còn gắn bó ngày ngày với nhau, tương tự khi họ nhớ về tôi.
Thôi, chúng ta cùng lớn, cùng thay đổi và thích nghi, cũng không đánh giá tụi nó khác biệt ra sao, tại chính tôi cũng không còn là tôi cái thời hồi đó nữa. Chỉ mong có dịp dược ngồi lại với nhau, gọi ly cafe thiệt thơm, tháo cái khẩu trang xuống rồi ê a để tao kể mày nghe cái này...
Hạnh phúc là khi ta nhận thức được ta đang thực sự sống, chứ không phải một dạng tồn tại. Ta đón nhận tất cả những thứ xảy đến, cả niềm vui cả nỗi buồn, cả hi vọng lẫn thất vọng, cứ dấn thân và tỉnh thức. Chúc cho bạn, và cả tôi nữa, tận hưởng hành trình cùng nhau lớn này thật vui vẻ.
Hình này tôi chụp ở Saga, một ngày cuối tháng 10/2019, một tiệm bánh gia đình, có thằng con trai nhìn không tự nguyện cho lắm.
Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất