Thỉnh thoảng , điều đẹp đẽ nhất nó có thể nhớ về mùa hè là bà ngoại cùng một rổ nhỏ đầy khóm, mọng nước và vàng ươm.
Năm đó, cái nắng oi ả của xứ Tiên phả lên người làn hơi hầm lười biếng.
Trong gian nhà mái ngói của cụ bà Hương, thằng nhỏ họ Ngô ôm tờ báo nằm trên phản. Hai chân nó gác qua gối nhịp nhịp. Dư vị từ khóm ngọt và tiếng nhạc Sony Walkman như xe chạy đường êm, chầm chậm rồi lim dim.
Trên tay thằng nhỏ, trang báo Hoa Học Trò mở đến mục “ Trà Sữa Cho Tâm Hồn”. Không hiểu vì đâu, khóe miệng nó tràn ra nụ cười ngây ngốc.
Năm đó, gió dọc thung lũng thổi qua cánh đồng làm xôn xao ngọn quế già. Bóng nắng vỡ giòn tan trên ấy. Khi nắng, gió và âm nhạc quyện lấy nhau, trong lòng ai cũng có một nàng thơ lấp lánh.
……
Trưa hè nắng gắt, ngoài đường vó ngựa dồn dập. Quận Chúa áo trắng cùng đoàn tùy tùng nối đuôi nhau phi nước đại. Qua tấm mạng che mặt, nàng ngoảnh đầu ngắm đồng ruộng mênh mông, trong lòng bề bộn suy nghĩ.
Thị vệ họ Ngô nói với nàng, đi hết cánh đồng này, men theo sông Tiên rồi băng qua ngọn đồi bòn bon sẽ đến thung lũng của gió và những loài hoa đẹp như sương tuyết. Nhưng dù nơi đó vốn nằm trong địa hạt phủ Tiên Kỳ, nàng lại chưa một lần đặt chân tới.
Tiếng ngựa hí vang, con chiến mã Bôn Lôi của Quận Chúa dừng dưới ngõ đá cổ.
Cứ vào giấc trưa, kết thúc nửa đầu của thao trường huấn luyện, Quận Chúa chọn nghỉ ngơi ở gian nhà nhỏ có ngõ đá quanh co. Tốp tốp thị vệ bủa ra xung quanh. Trước cổng nhà, trong vườn trái cây, bên hông nhà, những gã thị vệ ôm kiếm ngồi yên ắng. Chỉ có tiếng ve rỉ rả trên tầng cây.
Một tốp thị nữ mang theo đồ ăn, thức uống nhanh nhẹn bày biện bàn ăn. Quận chúa hông đeo bội kiếm, sải những bước chân vừa dài vừa nhanh tiến vào gian nhà. Thị nữ thân tín giúp nàng cởi bỏ áo choàng và mũ trùm. 
Từ dưới ngõ, có thị vệ loan tin bẩm báo khách mời từ bên kia đại dương đã đến. 
Mọi người xôn xao ngó ra cánh đồng trước mắt. Nơi xa tít tận bờ xanh thấp thoáng đội ngũ nhân mã và cờ hiệu. Bọn tùy tùng im lặng chờ đợi chỉ thị từ Quận Chúa, nhưng nàng vẫn bảo trì trầm mặc.
Thị vệ họ Ngô nghiêng đầu nhìn qua.
Gió từ đâu thổi tới, vừa hay lật lên tấm mành, một vệt nắng soi tỏ nửa gương mặt nhợt nhạt.
Dưới bóng nắng liu riu, gã thị vệ khép mắt lại. Chỉ còn tiếng ve.
Lúc này đây, ở một thời không khác, đứa bé họ Ngô đã nghiêm chỉnh ngồi vào bàn. Nó mở quyển tập và bắt đầu phác thảo.
Nhà ngoại, cũng là gian nhà nhỏ nơi Quận Chúa nghỉ trưa nằm gọn trên góc trái của đôi giấy. Xa xa, hạ nguồn sông Tiên là thung lũng tự do. Tổng thể 2 trang giấy giống như một tấm bản đồ chi chít chú thích.
“Hoàng Đế an bài hôn sự cho Quận Chúa phủ Tiên Kỳ. Nàng phải đến xứ lạ xa xôi bên kia đại dương.
Có một màu xanh thăm thẳm trong tâm trí gã thị vệ.”
…..
Ủa? khoan khoan. Sao lại bi kịch rồi?
Thằng nhỏ vội vàng tắt CD. 
Nó vò mớ tóc trên đầu, nhìn ra vạt nắng ngoài cửa sổ. Gió và nắng đã phủ lớp màu vàng tinh tươm lên quần áo phơi trên dây. Chiếc áo vải lanh Ngoại vừa giặt chầm chậm nhễu xuống giọt nước trong vắt.
Có một sự tĩnh lặng tuyệt đối diễn ra trong gian nhà nhỏ. Khi sự tĩnh lặng này qua đi, thằng nhóc lại vùi đầu trong chiếc CD mới. Chẳng qua, lúc này mạch suy nghĩ của nó đã được sắp xếp lại. 
Rồi đầu óc họ Ngô phóng ra xa hơn. Thay vì tình cảm, thằng nhỏ hướng tới “lý tưởng”.
Thằng nhỏ lật tìm tư liệu trong đống truyện tranh Nữ Hoàng Ai Cập và dừng lại ở bức tượng thần khổng lồ của đảo quốc Minoa - tiền thân nền văn minh Hy Lạp.
Họ Ngô cho rằng vị thần vừa rắn rỏi, vừa thi ca là hình mẫu hoàn hảo cho “tính nam” mạnh mẽ, dám thách đố thiên nhiên mà người cổ đại thờ phụng. 
Khi đám trẻ chơi trò “Quốc Gia trong vở”, họ Ngô đã luôn chịu ảnh hưởng của Ai Cập và kiến thiết các công trình quan trọng bên bờ biển. Nhưng đất nước nó còn thiếu những cảng biển xứng tầm. Trong đầu nó mường tượng quang cảnh đám quan đại thần ở kinh thành châu đầu thảo luận :
“Chúng ta cần thiết kế lại Hải quân.”
“Nhưng câu chuyện đằng sau hải quân hùng hậu luôn luôn là văn hóa biển.” 
“Sẽ thật tuyệt nếu cho xây dựng công trình ở cảng biển phồn hoa nhất. Bức tượng thần sẽ cao chống trời, thay thế cho ngọn hải đăng. Trong 2 hốc mắt là ngọn lửa vĩnh cữu soi sáng cho tàu bè qua lại.”
“Ý hay lắm! đó là quy hoạch cửa ngõ vào Kinh Đô. Nơi rực rỡ và văn minh nhất nhân loại.”
Và rồi, giống như một kiến trúc sư trưởng thực thụ. Thằng nhóc họ Ngô hăm hở lật sách lật vở, dùng thân bút chì đo đếm, phân chia tỉ lệ. 
Tiếng bút chì sột soạt trên giấy.
Chủ đề này làm nó nghĩ tới chiến hữu thân thiết cũng có một "Quốc Gia trên vở". Quốc gia này chỉ trải rộng chục trang giấy. Cũng là cái xứ xa xôi mà họ Ngô có ý định gã Quận Chúa sang.
Nhớ năm đó, hai đứa nhỏ nằm trên sàn nhà say sưa vẽ. Thằng nhóc họ Lâm học được bí quyết vẽ ngựa của họ Ngô nên hăng hái vẽ ra một đám lính kỵ to bè, cưỡi ngựa mập như heo. Còn tâm thần họ Ngô đặt cả vào thư viện ven sông và những hàng liễu phiêu phiêu.
Mặc họ Ngô chê cười, Việt Anh vẫn cần mẫn vẽ từng binh một. Cho đến khi nền trời chuyển đỏ tía, rốt cuộc lòng kiên nhẫn của họ Lâm đã được đền đáp bằng số lượng khủng kỵ binh hạng nặng. Lúc này, đột nhiên họ Ngô bực bội nói : “ Nước Trò thậm chí còn không có chuồng ngựa thì lấy đâu ra lắm ngựa thế?”
Việt Anh thỏa mãn cười : “chuyện!”
Họ Ngô cau mày: “Ngựa nhiều mà không có chuồng thì nó chết rét hết. Tối cũng không có chỗ ngủ đâu. Làm vua phải có tránh nhiệm.”
Việt Anh cười cợt, nghiêng đầu liếc : “ủa sao nước giàu mà ít ngựa vậy ta?”
Họ Ngô thản nhiên đáp: “nó ở trong chuồng hết rồi. Còn mấy con bên ngoài là đang được thả rông ăn cỏ đó.”
Việt Anh lại hỏi : “thế nhà ngựa của trò đâu?”
Họ Ngô cầm quyển vở lật thật nhanh, trên trang giấy hiện ra một cái chuồng xây dựng khoa trương. Nếu tác giả không chú thích thì dám cá 10 nghìn là người ta sẽ tưởng nhầm trung tâm hội nghị. Nằm cách chuồng không xa là bờ sông. Khoảng trống rộng mênh mông giữa 2 trang giấy được xem là miền đồng thảo , nơi những chú ngựa thong dong gặm cỏ.
Theo từng ngón tay thằng nhóc, một vài nhà ngựa tương tự nhưng nhỏ hơn hiện ra, nằm lân cận khu quân sự và dân sự.
Đến đây, thằng nhóc Việt Anh đã hoàn toàn bị thuyết phục. Nó tròn mắt hỏi  : “vậy 1 nhà ngựa chứa được bao nhiêu con?”
“ít nhất 30. Nhà to thì 50.”
Thằng nhóc họ Lâm vốn tính thật thà. Nó nghĩ giống ngựa to lớn xứ mình mà không có chuồng thì sẽ chết rét thật. Đừng quên mùa đông nước Nhật rất lạnh. Trong truyện Doremon, tác giả vẽ rất nhiều khung cảnh làng mạc bị tuyết phủ dày đặc cơ mà. 
Thế là nó gãi đầu cười cầu tài “ vậy trò chỉ tớ cách vẽ chuồng nha. Hê hê.”
Nói đoạn, nó nghiêng người nhòm sang, ai ngờ họ Ngô phũ phàng giật tay lại. 
Khi họ Ngô ra về, đầu óc của kẻ hiếu thắng vẫn còn hả hê nghĩ tới câu chuyện về chuồng ngựa. Tại sao phải phí công vẽ mấy thứ tẻ nhạt? trong khi chúng ta có quyền tưởng tượng? Hãy để đầu óc làm việc của nó.
Đột nhiên, nó nhớ lại có một ngày 2 đứa sợ giặc ngoại xâm nên quyết định xây dựng pháo đài ở biên giới. Sau đó âm thầm ganh đua xem pháo đài của ai to và đẹp hơn. 
Họ Lâm nhanh tay xí trước thiết kế trong truyện Doremon. Nó sao y bản chính từng nét một với sự tỉ mỉ mướt mồ hôi. Thậm chí từng viên gạch cũng được dùng thước kẻ cho vuông vắn.
Trong khi ở bên kia, họ Ngô rất qua loa. Nó tập trung thể hiện ngọn núi cao lớn hùng vĩ bằng những kĩ thuật công phu. Sau đó vẽ thêm con sông uốn lượn ở xa xa. Trên đỉnh ngọn núi là tòa pháo đài ngập trong mây mù.
Họ Ngô vẽ xong thì quăng cây bút qua một bên. Cả quá trình của nó không cần tới thước kẻ. Trong khi họ Lâm vẫn miệt mài cặm cụi.
Thằng nhỏ họ Lâm vẽ tòa thành xong thì cẩn thận vẽ từng lính canh một. Nó cố sức vẽ lính canh thật nhỏ, chỉ tiếc ngòi bút chì quá tù. So tỉ lệ giữa người và tường có thể hình dung quy mô pháo đài.
Còn pháo đài của họ Ngô thì … đơn giản là to gần bằng ngọn núi!
Việt Anh há mồm nhìn công trình của đối thủ. 
Nó tuyệt vọng ngắm cảnh núi sông hùng vĩ cả buổi trời, mồ hôi thấm ra chân tóc. Trong lòng nó đột nhiên cảm thấy có chút bất công nhưng không nói nên lời. Nó nhanh chóng nhớ lại những lần so kè trước đó đã thua đau đớn thế nào, nhất là khi 2 đứa tranh luận kỵ binh nước nào mạnh hơn.
Qua nửa ngày sau, thằng nhỏ đột nhiên phát hiện một vấn đề :
“Nhưng Trò xây tít trên đó thì chặn địch kiểu gì??”