Là một quốc gia nhỏ từng vang danh thế giới vì những thắng lợi vẻ vang khi đối đầu với các cường quốc, các thế hệ hậu chiến của Việt Nam có phải được sinh ra từ chiến tranh và mất mát? Nỗi chấn thương tâm lý của chiến tranh đã ám ảnh như thế nào đối với cả những người không tham chiến? Bộ phim tài liệu đầu tay Mùa Cát Vọng (tựa Anh: The Future Cries Beneath Our Soil) của nữ đạo diễn Phạm Thu Hằng đã đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên qua góc nhìn riêng tư với bốn người đàn ông Thanh, Hoàng, Lộc, và Phương sống tại “vùng đất lửa” Quảng Trị nơi từng trải qua những trận chiến ác liệt trong thời kì kháng chiến chống Mỹ. Vì là một “điểm nóng” trong cuộc chiến đó, vùng đất này hiện là tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất Việt Nam, gây ra nhiều cái chết thương tâm cho người dân nơi đây, đặc biệt là trẻ em. Những quả bom của quá khứ đến từ các âm mưu chính trị của quốc gia khác mà đã được hòa giải từ lâu, song giờ đây vẫn âm ỉ nằm yên dưới lòng đất đợi đến lúc phát nổ và cướp đi sinh mạng của người dân thời bình – những người có khi chưa được sinh ra vào thời điểm những quả bom đó được thả xuống nơi đây. Song, theo lời của nữ đạo diễn, Mùa Cát Vọng không tập trung vào dư chấn của chiến tranh mà là về ý nghĩa tồn tại của con người sống trong thời bình tại một vùng đất bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc chiến đó. Bốn nhân vật Thanh, Hoàng, Lộc và Phương không phải là những cựu chiến binh hay cựu quân nhân, thế nhưng cuộc đời họ vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi những cuộc chiến đã qua. 
Bối cảnh phim diễn ra tại một ngôi làng nghèo tại tỉnh Quảng Trị nơi bốn nhân vật chính trải qua cuộc sống thường nhật tẻ nhạt tại những ngôi nhà u tối và lạnh lẽo. Để nói về câu chuyện chính của phim thì cũng không có gì cụ thể, mọi thứ những người đàn ông này làm trong phim nếu không phải uống rượu hay nói chuyện phiếm thì cũng là ca hát và gây gổ với nhau. Mọi hành động trên luôn bị ngắt quãng bởi những khoảng lặng thinh ngột ngạt và ngại ngùng. 
Bầu không khí tĩnh lặng một cách khiến người ta khó thở lại thi thoảng được lấp đầy bởi những cuộc hội thoại không đầu, không đuôi, đôi khi chỉ một chiều của những người đàn ông. Họ nói về những thứ thường ngày nhất như sáng nay ăn một tô phở to hay thốt lên “con kiến kìa!” khi sự tĩnh lặng này đã kéo dài khá lâu. Và khi những cuộc trò chuyện vô thưởng vô phạt này kết thúc, mọi thứ lại chìm vào sự câm lặng u uất. Đó là những khoảng trống chen giữa vào sự chật chội của cuộc đời, những khoảng “chết” ngự trong tâm của cuộc sống.
 Chủ đề sự sống và cái chết luôn hiện hữu trong Mùa Cát Vọng theo lời chia sẻ của đạo diễn Phạm Thu Hằng. Sau 5 phút đầu phim, quá trình cắt tiết một con gà được diễn ra từ đầu đến cuối hay thanh âm của con lợn bị xử làm thịt vang lên đầy ám ảnh, nhưng đối với họ, đây là công việc thường ngày và là một cách hiển nhiên để duy trì cuộc sống của bản thân. Sự giết mổ những loài động vật này còn là một cách hiệu quả để đẩy mạnh yếu tố khủng hoảng hiện sinh trong một bộ phim vốn đã u tối về thân phận nhỏ bé ở nơi đói nghèo. Điều này gợi tôi nhớ đến một đoạn trong tiểu thuyết Một Thoáng Ta Rực rỡ ở Nhân gian của nhà văn Ocean Vương: “Khỉ, nai, bò, bướm, trâu. Ta sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu để cuộc sống bị tàn hại của động vật có thể kể một câu chuyện con người – trong khi chính cuộc đời chúng ta lại là câu chuyện về động vật.”
Sự đau buồn của Mùa Cát Vọng được đẩy lên cao hơn nữa với sự qua đời của một trong bốn nhân vật chính ở hồi cuối của phim. Cái chết của ông Lộc vừa quá đỗi bất ngờ, nhưng cũng vừa hiện hữu ngay trước tầm mắt thông qua những lời kêu than về cơ thể đau nhức và lối sống rượu chè, thuốc lá của ông. Cái chết trong phim tài liệu luôn mang một sức nặng tâm lý đối với nhân vật trong phim, người làm phim lẫn khán giả vì ta hiểu rõ được đó là người thật, việc thật chứ không phải một nhân vật được diễn viên hóa thân thành. Một cái chết đến bất ngờ trong quá trình quay phim có thể khiến bộ phim tài liệu đó xoay chuyển tình thế hoàn toàn với sự thay đổi trong tâm lý của những nhân vật còn lại.
Ngoài sự vô thường của cuộc sống, sự cô liêu của tuổi già cũng là một yếu tố chính của bộ phim, thể hiện rõ nhất qua nhân vật ông Thanh. Ông là nhân vật lớn tuổi nhất trong phim sống trong một căn nhà nhỏ đến cái cửa cũng không có. Khi đã ngã bệnh và nằm một chỗ trên giường, ông muốn đi bệnh viện nhưng cháu ông không chịu chở ông đi vì không có ai để chăm sóc cho ông cả, chỉ những người có gia đình thì mới nằm viện được thôi. Một con người không gia đình chỉ đếm ngược đến ngày “ông Trời” cho phép được nhắm mắt xuôi tay. Không có gia đình để đi bệnh viện thì ngày Tết cũng không được dành cho những người như ông. Trong một phân cảnh ông Thanh và ông Hoàng ngồi tính khi nào năm hết Tết đến, ông Hoàng nói ra một câu cay đắng rằng: “Tết tính nhà ai chứ mà mình mà tính chi, mình làm cái chi mà tính tết.”
Phong cách quay phim mang tính điện ảnh cao đối với một bộ phim tài liệu, những con người bé nhỏ dường như bị bao trùm bởi phần không gian âm trong mỗi khung hình, tạo nên một thế giới siêu thực nơi thời gian bị nuốt chửng bởi sự tồn tại vô hình của nhân vật trong cảnh phim đó. Đặc biệt là nữ đạo diễn đã khắc họa thành công một bầu không khí ma mị và cô độc đặc quánh trong từng phân cảnh ông Phương lặng lẽ dò bom trên bãi cát hoang vu trắng như tuyết, như thể anh là một phi hành gia đang thám hiểm một hành tinh xa lạ. Thoáng đâu đó trong phút chốc, tôi nghĩ đến điện ảnh thi ca của huyền thoại Andrei Tarkovsky. Cả bộ nhim tựa như một sự than khóc âm ỉ cho những mảnh hi vọng và ước mơ đã mất của nhiều thế hệ người dân Việt Nam hậu chiến tranh như đạo diễn Phạm Thu Hằng đã chia sẻ: “Từ đúng nhất có thể diễn tả trạng thái tinh thần xuyên suốt trong phim Mùa cát vọng là Hội chứng 'hậu chiến'. Trạng thái tinh thần này có thể không nhìn thấy được, nhưng vẫn cảm nhận được từ đời sống của mỗi người ở đây. Quá khứ chiến tranh vẫn hiện hữu trong họ.
Một bộ phim kéo dài bốn năm với chủ đề khó thực hiện, nhưng còn khó hơn nữa để ghi lại những khoảnh khắc riêng tư và tự nhiên của những người đàn ông chưa quen với sự hiện diện của chiếc camera này. Thoạt đầu, nữ đạo diễn nhắm đến những người làm công việc dò bom mìn nhưng sau rồi cô lại có cơ duyên gặp gỡ và theo chân cuộc sống của bốn nhân vật chính. Trong một bài phỏng vấn, đạo diễn Phạm Thu Hằng chia sẻ rằng cô muốn tìm ra cái đẹp ẩn sâu trong những con người yếu thế và bị xã hội cho là “điên dở hâm khùng.” Nhờ những nhà làm phim như cô, cuộc sống vô hình của những người khác biệt này mới được lưu lại và kể ra cho cả thế giới. 
Tuy u ám và không có tương lai là thế, nhưng trong một vài khoảnh khắc ta vẫn thấy họ bừng sáng lên như những chiếc đèn disco được cấu tạo từ những mảnh thủy tinh tan vỡ, chỉ chờ đợi khoảnh khắc được chiếu sáng vào. “... Nhưng mỗi lần đàn hát thấy họ vui lắm. Phải nhìn ánh mắt rừng rực lên của họ đó lúc hát. Họ nghệ sĩ lắm, khổ lắm nên suốt ngày muốn tụ tập để ngồi uống rồi hát để đỡ buồn. Cái này gọi là tính người. Con người chắc là động vật có nhiều cảm xúc nhất trong các loài động vật cấp cao, rồi lại còn có thể nghĩ tới quá khứ hiện tại tương lai nữa, nói chung là vì du hành được qua thời gian nên mới khốn đốn thế. Mỗi lần họ mà hát thì tôi thấy họ không phải người bình thường nữa, bao nhiêu những cái hèn mạt, nhỏ nhen không còn nữa, thay vào đó chỉ thấy vẻ đẹp lấp lánh trong đó thôi. Xong sau đó thì lại sống tiếp những ngày dài buồn bã... Vậy nên vô thường là vì thế,” nữ đạo diễn chia sẻ. Và cũng như vậy, vui chơi nhảy múa xong, chiếc đèn disco lại bị bao trùm trong đêm tối chờ đợi đến khoảnh khắc được soi sáng tiếp theo.