9 THUẬT NGỮ THÚ VỊ VỀ KỊCH BẢN PHIM
Còn gì tuyệt hơn việc mình có thể flex về vài thuật ngữ trong kịch bản để gáy bẩn với anh em...
Những bộ phim khác nhau đôi lúc lại có điểm tương đồng trong tình tiết. Cùng tìm hiểu và ghi nhớ để sau này gáy bẩn với lũ bạn nhé <3
Chekhov's gun (Khẩu súng của Chekhov):
Anton Chekhov (nổi tiếng với vở kịch The Seagull) giải thích rằng, nếu anh mở đầu câu chuyện với cảnh một khẩu súng treo trên bệ lò sưởi, thì sớm muộn gì khẩu súng đó cũng phải cướp cò. Nếu câu chuyện không có tiếng súng nào, thì ngay từ đầu đừng mô tả khẩu súng ấy.
Khẩu súng của Chekhov thường được tìm thấy trong những bộ phim điệp viên kiểu cũ. Minh họa rõ nhất là series hoạt hình Totally Spies. Đầu mỗi tập phim, bộ ba điệp viên được cung cấp những vật dụng, phụ kiện hỗ trợ. Những vật dụng này đều trở nên có ích về sau, dù những tình huống của nhiệm vụ không phải lúc nào cũng được tính toán trước.
Foreshadowing (Điềm báo):
Được tìm thấy rất nhiều trong phim kinh dị - trinh thám, Foreshadowing là lời cảnh báo, manh mối được cung cấp cho khán giả. Với phim kinh dị, điều này tạo nên hiệu ứng "đáng sợ hơn khi xem lại" cho vài tác phẩm. Trong phim hình sự / trinh thám thì việc tận dụng Foreshadowing đúng cách giúp khán giả tự tìm ra lời giải theo suy luận của bản thân.
Foreshadowing được sử dụng rất khéo trong phân cảnh của Terra ở series Teen Titans. Lúc này tóc của Terra rũ xuống và che mất nửa khuôn mặt của cô, báo hiệu sự phản bội của Terra khi cô về phe của Slade (phản diện chính của nhóm Teen Titans, mang mặt nạ nửa đen nửa vàng cam).
Cliffhanger (Đoạn kết bỏ lửng):
Xuất hiện nhiều trong các TV series hoặc phim nhiều phần, Cliffhanger đóng vai trò là câu trả lời và câu hỏi. Việc bỏ lửng đoạn kết cung cấp chỉ vừa đủ thông tin cho khán giả và khiến họ mong đợi các phần tiếp theo.
Kết thúc mùa 3 của Stranger Things, hai tên lính canh trong nhà tù ở Nga có nhắc đến "the American". Chi tiết này khiến rất nhiều khán giả tò mò về thân thế thật của tên tù bị giam giữ. Các after credit của MCU cũng có thể được coi là một dạng của cliffhanger.
MacGuffin (Mục tiêu trung tâm):
Đây là một hoặc nhiều vật dụng trung tâm, xuất hiện xuyên suốt trong tác phẩm. Mặc dù không có những hành động cụ thể tác động trực tiếp tới mạch truyện, MacGuffin lại là cốt lõi của đa số các kịch bản giúp giữ cho tình tiết phim luôn cuốn hút và có mục đích.
Những Viên đá Vô cực hay Bảo bối Tử thần là vài ví dụ cho MacGuffin. Trong bộ phim kinh dị The Lighthouse thì MacGuffin chính là ngọn hải đăng bí ẩn.
Red herring (Cá trích đỏ):
Đây là thủ thuật tung hỏa mù, kéo người xem chú ý tới sự kiện, sự vật không đáng tin cậy trong câu chuyện. Cá trích đỏ được cho là cá trích được xông khói để trữ lâu dài. Mùi xông khói của nó rất thơm và có khả năng làm chó săn "mất tập trung".
Thường xuất hiện trong dòng phim thriller, crime, horror,... Red herring cung cấp thông tin để người xem dự đoán sai lệch trước khi hé lộ cú twist. Tác phẩm hình sự The Usual Suspects là ví dụ rõ ràng về cách sử dụng Red herring trong kịch bản để trêu đùa với suy luận của người xem.
Shaggy dog story (Chuyện con chó xù):
Thuật ngữ này chỉ cách kể chuyện dài dòng, chi tiết để khán giả tự mong đợi cao trào trong nội dung, sau đó khiến họ hụt hẫng. Hơi khác với Red herring, Shaggy dog story thường được sử dụng trong các phim hài, tình cảm. Nó không bắt người xem giải đố, mà tập trung khiến họ "tưởng bở". Final Destination là ví dụ đặc biệt trong phim kinh dị có sử dụng kỹ thuật này. Khán giả tưởng nhân vật sẽ chết vì cái này nhưng rốt cục lại chết vì cái khác.
Ví dụ khác là câu chuyện trong các phần của The Hangover khi bộ ba ăn nhậu lần nào cũng phải chật vật lần mò manh mối để tìm kiếm một ai đó đang thất lạc.
False ending (Cái kết giả):
The Butterfly Effect là phim điển hình cho thuật ngữ này. Trong phim có tới 4 đoạn kết. False ending ám chỉ kết cục giả, khiến người xem tưởng phim đã kết thúc nhưng thực chất câu chuyện vẫn tiếp diễn. Điều này xáo trộn mạch truyện, khiến người xem chăm chú hơn vào tình tiết phim.
Ở vài tác phẩm thì cách sử dụng đoạn kết giả giúp khán giả ấn tượng và nhớ lâu hơn về nội dung phim. Paranormal Activity cũng sử dụng thành công False ending khi đoạn kết của nó làm nhiều fan kinh dị tâm đắc và thích thú.
Flashback (Hồi tưởng):
Thường bị đánh giá là cách viết kịch bản lười nhác (lazy writing), những cảnh hồi tưởng đóng vai trò cung cấp thông tin cho khán giả về quá khứ của nhân vật. Đây là thủ thuật được sử dụng hơi quá đà một cách hài hước trong các bộ anime bởi sau những đoạn Flashback thường là sự gia tăng về sức mạnh của nhân vật chính.
Trong One Punch Man, những cảnh hồi tưởng của King đã giúp người xem có cái nhìn rõ ràng hơn về nhân vật này cũng như Saitama.
Quibble (Giao kèo lắt léo):
Đây là một kiểu cú lừa được sử dụng nhằm bẻ cong những lý lẽ, luật lệ. Nổi bật nhất là câu chuyện về bàn tay khỉ - một vật dụng quyền lực cho chủ nhân của nó 3 điều ước. Tuy nhiên mỗi điều ước khi thành sự thật đều đi kèm với cái giá rất đắt. Quibble cũng thường được liên hệ với câu thành ngữ "Be careful with what you wish for".
Trong trận Quidditch vào năm thứ hai ở Hogwarts, Harry đã bị trái Bludger yểm bùa tông gãy tay. Lúc đó "nhờ" thầy Lockhart mà cánh tay của Harry đã được chữa. Cậu bé không còn bị gãy xương nữa, vì thầy Lockhart đã rút toàn bộ xương cánh tay của Harry.
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất