Hôm trước Duy rảnh nên nằm lướt Threads thì bắt gặp được 1 đoạn video như đường link đính kèm. Nội dung chính là việc một bạn sinh viên, theo như caption là sinh viên HLU, trình bày quan điểm về vấn đề án tử hình, về sự tồn tại của án tử trong hệ thống hình phạt. Luận điểm chính của bạn ấy là hình phạt tử hình nên tồn tại, bạn ấy có 2 lập luận chính về vấn đề này: (1) để duy trì hệ thống nhà tù, cơ sở giam giữ thì cần phải có một lượng tài chính lớn; (2) quyền phải đi đôi với nghĩa vụ. Đoạn này Duy trích nguyên văn như sau: "quyền phải đi với nghĩa vụ. Anh có quyền sống đấy, nhưng anh lại ... (chỗ này không nghe rõ) quyền sống của người khác, anh lại đi cầm dao giết người, thế thì cái quyền sống của anh rất khó để người khác, để xã hội chấp nhận. Chúng ta biết trong tác phẩm Khế ước xã hội chẳng hạn, ông tác giả Rousseau đã nói rằng là quyền và nghĩa vụ phải đi với nhau, anh có quyền này mà anh lại đi xâm phạm quyền của người khác, thì xã hội sẽ tước đoạt anh, cách ly khỏi xã hội". Ở đây, Duy không muốn bàn về việc tử hình hay không tử hình sẽ đảm bảo nhân quyền, đảm bảo tính đạo đức hơn, mà vấn đề nằm ở lập luận của bạn về quyền và nghĩa vụ. Bạn ấy sử dụng lập luận về mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ để giải thích cho hình phạt tử hình, mà lập luận này theo Duy là chưa ổn. Tất nhiên, sự tồn tại của hình phạt tử hình vẫn đang là vấn đề lớn của các Nhà nước trong lập pháp, ở đây Duy không muốn bàn về tử hình, mà chỉ là nêu lên một vài quan điểm về quyền và nghĩa vụ, với tư cách là một người cũng đã trải qua một khoảng thời gian nhất định học tập và nghiên cứu trong môi trường đại học, đặc biệt là đã học môn Luật Hiến pháp, Công pháp quốc tế và đã từng có một bài viết tham luận về vấn đề này.
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ có thể có tính đối ứng, nhưng điều này xét dưới góc độ quyền công dân và nghĩa vụ công dân. Về mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ, trước hết cần phải xác định rằng đây là quyền gì và nghĩa vụ gì. Một nguyên tắc cơ bản của luật Hiến pháp, cho dù có hay không có sự ghi nhận dưới dạng luật thành văn, là nguyên tắc "quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân". Tại sao lại là "quyền công dân", "nghĩa vụ công dân" mà không là "quyền con người"? John Locke trong Khảo luận thứ hai về chính quyền ủng hộ học thuyết luật tự nhiên, ông cho rằng quyền con người về cơ bản dựa trên trạng thái tự nhiên của con người, tức là "trạng thái tự do hoàn hảo cho việc sắp đặt hành động, thu xếp tài sản và cá nhân của mình theo những gì họ cho là thích hợp, trong khuôn khổ của luật tự nhiên, mà không phải xin phép hay phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ ai", đồng thời chính ông đã khẳng định đây là inalienable right, hay có thể dịch là "quyền không thể chuyển nhượng", "quyền bất khả xâm phạm". Những ai đã được học qua môn luật Hiến pháp đã từng được nghe các thầy cô nói rằng, quyền con người là những quyền cơ bản của một con người từ khi được sinh ra (hoặc có một số quan điểm cho rằng là từ khi hình thành sự sống). Những quyền cơ bản này trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, và sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại trong Tuyên ngôn độc lập năm 1945: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Thứ hai, quyền con người có thể bị hạn chế bởi luật, có thể thông qua chế tài nhưng chế tài này không mang tính ngang bằng trực tiếp. Câu hỏi đặt ra ở đây, quyền con người có thể, tạm gọi, "trao đổi ngang bằng" với một nghĩa vụ nào được không? Trong quan hệ dân sự, cụ thể hơn là trong một hợp đồng, một quyền có thể có một nghĩa vụ tương ứng. Ví dụ như bạn mua bánh, bạn có quyền nhận hộp bánh, nghĩa vụ của bạn là trả tiền cho người bán. Ngược lại đối với người bán, họ có quyền nhận một khoản tiền, nhưng ngược lại họ có nghĩa vụ phải đưa cho bạn hộp bánh đúng với những gì họ cam kết (có thể là hai bên thỏa thuận mua bánh Chocopie, thì người bán phải đưa đúng hộp Chocopie chứ không phải đưa hộp Oreo). Tuy nhiên, đối với quyền con người, quyền này có nghĩa vụ nào tương ứng hay không? Mọi người có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc như trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, nhưng có nghĩa vụ gì đặt ra tương ứng với quyền này hay không? Pháp luật hiện đại được xây dựng nhằm đảm bảo (1) các quyền cơ bản này được đảm bảo, mặc định có được khi sinh ra chứ không phải như thời phong kiến là "vua xử thần tử thần bất tử bất trung, phụ xử tử vong tử bất vong bất hiếu"; (2) đảm bảo rằng các quyền tự do của một cá nhân không xâm phạm đến quyền tự do của người khác hoặc đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa nếu như chúng ta vi phạm pháp luật thì Nhà nước hoàn toàn có thể "tước đoạt" một cách ngang bằng đối với quyền mà chúng ta xâm phạm. Lấy ví dụ, một người bị buộc tội giết người thì Nhà nước cũng không có quyền tước đoạt đi tính mạng của họ một cách tùy tiện mà phải thông qua một trình tự, thủ tục tố tụng được quy định chặt chẽ trong Bộ luật Tố tụng hình sự, phải có bản án của Tòa, và đồng thời phải đảm bảo quyền được suy đoán vô tội (giả định vô tội), quyền được bào chữa trong suốt vụ án. Hoặc ví dụ như, trong nhiều vụ án người mẹ người cha bạo hành một đứa trẻ, thì có ai đem những người này ra đánh đập, sỉ nhục lại như cái cách họ đối xử với đứa trẻ không? Trong ICCPR 1966 hay ngay tại Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ nguyên tắc rằng, quyền con người không thể bị hạn chế một cách tùy tiện, mà chỉ bị hạn chế trong các trường hợp luật định vì những lý do như quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội... Từ những phân tích trên, Duy cho rằng quyền con người phải được tôn trọng tuyệt đối và việc hạn chế quyền con người phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định, không thể đặt ra một nghĩa vụ nào có thể đổi ngang với quyền con người được.
Quay lại với vấn đề nguyên tắc "quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân", lúc này, xuất hiện cụm từ "công dân", thay vì chỉ đơn thuần là quyền. Công dân về cơ bản là con người mang quốc tịch, tức khi nói tới công dân thì phải biết rõ rằng người này có mối quan hệ ràng buộc đối với Nhà nước nào. Khi một cá nhân trở thành công dân của một quốc gia, giữa cá nhân đó với Nhà nước tồn tại một sự ràng buộc về mặt pháp lý đối với một nhà nước và quốc tịch chính là sợi dây liên kết về mặt pháp lý giữa cá nhân đó với một Nhà nước cụ thể. Nguyên tắc “quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân” chỉ áp dụng với quyền và nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước, không thể xem quyền này là quyền con người được.
Tổng kết lại, quyền và nghĩa vụ mà có thể trao đổi ngang bằng như lập luận của bạn sinh viên trên không là quyền con người, và Duy cho rằng cách lập luận để giải thích cho án tử hình như vậy là chưa thỏa đáng. Nếu đặt ra một nghĩa vụ nào ngang với quyền con người thì điều này, theo Duy, là tương đối đi ngược lại so với xu hướng phát triển chung của pháp luật. Từ sau khi Thế chiến 2 kết thúc, vấn đề quyền con người được đề cao hơn và, dẫn lời của một Tiến sĩ Luật bên Canada, là không thể trở thành quyền có điều kiện, không có chủ thể nào có quyền “ban phát” quyền con người.
Trên đây là một vài suy nghĩ của Duy, những phân tích này mong rằng đem lại góc nhìn khoa học, phản biện và xây dựng chứ không nhằm công kích bất kỳ ai. Đồng thời, vài dòng này cũng chỉ mang tính chất chia sẻ suy nghĩ chứ không phải là một bài viết tạp chí/nghiên cứu khoa học nên ngôn ngữ được sử dụng mang tính “đời thường” hơn là mang tính pháp lý.