Là công dân của một quốc gia, ai cũng có quyền và nghĩa vụ hiểu biết về cội nguồn, bản sắc văn hóa của dân tộc mình để tự hào, tiếp tục gìn giữ và góp phần bồi đắp thêm cho nó càng giàu đẹp, xán lạn hơn.
Thời gian gần đây, tình trạng học sinh của ta quay lưng với môn Lịch sử nước nhà ngày càng gia tăng. Trong chương trình giáo dục và thi tốt nghiệp phổ thông, nếu môn Lịch sử được xếp vào môn tự chọn thì số thanh thiếu niên này càng nhân lên nhiều hơn. Có nguy cơ người Việt Nam không rành lịch sử Việt Nam.
Tâm lí chung của học sinh ta bây giờ rất sợ học thuộc lòng các bài học. Chúng ta cũng cần thông cảm cho các em. Chương trình học tập phổ thông hiện đại buộc các em mỗi ngày phải tiếp cận với rất nhiều môn, lĩnh hội rất nhiều mảng kiến thức. Nếu phải tiếp thu những thông tin về nhân vật, sự kiện lịch sử một cách khô khan, máy móc thì các em chán ngán là điều tất nhiên. Đối với người lớn trong giới bình dân chúng tôi, hình như người nào cũng thích xem chuyện lạ đó đây trên các trang mạng internet hơn là tìm đọc những bộ Lịch sử dày cộm.
Vừa qua, tôi được tiếp cận quyển sách SỬ VIỆT 12 KHÚC TRÁNG CA của Dũng Phan. Thông qua phần giới thiệu, tôi được biết tác giả là kĩ sư xây dựng, một người chuyên về lĩnh vực khoa học tự nhiên, có tuổi đời khá trẻ. Chẳng những anh quan tâm nghiên cứu môn Lịch sử mà còn viết ra được một tác phẩm về lịch sử nước nhà. Đối với tôi, đây là “một hiện tượng lạ” khiến cho tôi hết sức trân trọng và phát huy.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Uống nước nhớ nguồn”. Ta có được mảnh đất thiêng liêng cư trú an lành, cuộc sống hạnh phúc như ngày hôm nay, đất nước đã phải trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử? Những vị anh hùng nào đã xả thân vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước? Ta cần phải biết để mang ơn, tôn vinh, noi gương, kế tục sự nghiệp của những bậc tiền nhân ấy. Và cũng cần phải biết, trải qua ngần ấy chiều dài lịch sử, đã có những ai vì “tham vàng bỏ nghĩa”, cố tình ngăn cản sự phát triển của đất nước, thậm chí là đánh mất nền độc lập tự chủ của dân tộc? Mục đích của chúng ta không phải để kẻ đời sau suy xét luận tội người đời trước mà để tất cả chúng ta cùng rút kinh nghiệm, tránh vết xe đổ của họ trong cuộc sống hôm nay và mai sau.
Quyển VIỆT SỬ 12 KHÚC TRÁNG CA tập hợp những mẫu chuyện được chắc lọc, có tình tiết hấp dẫn, viết theo lối kể chuyện văn học, dễ lôi cuốn người đọc, với dung lượng trên 120 trang, rất phù hợp với tủ sách gia đình, đặc biệt là tủ sách tham khảo của thư viện trường học. Nội dung chuyện kể có cái hay ở chỗ đã khai thác được những mẩu chuyện mang tính “thâm cung bí sử”, khác với cách nghĩ của những nhà viết sử và biên soạn sách giáo khoa mà tôi đã từng đọc. Cụ thể như chuyện người anh hùng Lý Thường Kiệt - ở Khúc ca thứ 6.
Học Lịch sử ở trường, chúng tôi từng biết Lý Thường Kiệt là một bậc văn võ song toàn, đã có công bình Chiêm phá Tống bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Đại Việt cũng đồng nghĩa với vùng đất trị vì của triều đình nhà Lý. Ông là người Việt Nam đầu tiên nghĩ ra chiến thuật hết sức táo bạo “Ngồi yên đợi giặc, không bằng ra quân trước để phá mũi nhọn của giặc” (Trong khi chờ đợi giặc Tống sang đánh, ông đã đưa quân qua tấn công ba châu trên đất giặc là: Khâm Châu, Ung Châu, Liêm Châu nhằm làm tiêu hao lực lượng của đối phương rồi quay trở về lập phòng tuyến ở bờ nam sông Cầu chặn bước tiến của giặc). Bài thơ “Nam quốc sơn hà” của ông có giá trị như bản Tuyên ngôn độc lập lúc bấy giờ, giúp quân dân ta lật ngược thế cờ chuyển bại thành thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược lần thứ hai trên đất nước ta. Có lẽ ông cũng là vị tướng công già nhất của nước Nam ta (72 tuổi) còn cầm quân đi đánh giặc.
Nhưng thông qua quyển sách này, tôi mới vỡ lẽ ra rằng Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn. Mặc dầu việc đổi họ Lý là một đặc ân của triều đình đối với ông, nhưng theo tôi, đó là một sự hi sinh cao cả của cá nhân một bậc anh tài – sống ở triều Lý, vào sanh ra tử lập nhiều công lớn vì triều Lý mà dòng họ mình không được tôn vinh. Đau đớn thay! Thời trai trẻ, ông là “Đệ nhất mỹ nam tử” có được mối tình  đẹp đôi với nàng Dương Hồng Hạc. Khi người con gái ấy trở thành Hoàng hậu, chẳng những ông không oán thù vua Lý, sẵn sàng vì tình đối đầu với vua mà còn tình nguyện làm “hoạn quan” để vua khỏi bị vợ “cắm sừng”.
Đổi ngược lại, Thập đạo Lê Hoàn - ở Khúc ca thứ 4 - đã từng là binh tướng trung thành của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh. Khi chủ tướng cũng là Quân Vương của mình mất, ông tư tình với Thái Hậu Dương Vân Nga (vợ Đinh Bộ Lĩnh), lấy cớ giặc Tống lăm le sang xâm lược nước ta, ông ép con vua nhường ngôi cho mình để nhận cái trọng trách gọi là “người có đủ bản lãnh thống lĩnh ba quân tướng sĩ ra trận đánh giặc giữ nước”.
Từ bao đời nay, người dân Việt ai cũng quen nhìn Lê Long Đĩnh bằng con mắt không phục. Hầu hết, ai cũng cho rằng ông ấy là vị vua hoang dâm, tàn ác, bạo ngược với tên gọi “Lê Ngọa Triều”. Nhưng thông qua sự nghiên cứu và suy luận của Dũng Phan, dường như Lê Long Đĩnh - ở Khúc ca số 5 - là nạn nhân  của việc bị người ta soán ngôi. Cũng giống như Lý Huệ Tông - ở Khúc ca thứ 7 -  bị bức tử và đánh mất ngôi vua bởi bàn tay của Trần Thủ Độ. Quả sự đời không có chuyện như vậy thì tục ngữ Việt Nam đâu có câu: “Được làm vua, thua là giặc”.
Tôi thiết nghĩ, nếu là lịch sử thì sự việc phải được nói lên bằng sự thật, không được hư cấu, truyền bá nghiêng theo một chiều của người viết sử. Đọc SỬ VIỆT 12 KHÚC TRÁNG CA, tôi rất tâm đắc với Dũng Phan. Anh là một trong những người dám phá bỏ những tư tưởng cũ kĩ đã trở thành lối mòn để đốt đuốc đi tìm sự thật, mở ra cách nhìn thoáng, mới, góp phần rửa sạch nỗi oan khuất, trả lại sự trong sáng cho người đời trước.
Quyển SỬ VIỆT 12 KHÚC TRÁNG CA còn nhiều mẩu chuyện lí thú, hãy để cho các bạn độc giả khác khám phá và chia sẻ. Cuối lời, tôi xin chân thành cám ơn người cầm bút và nhà xuất bản đã cho ra đời một quyển sách hay như thế. Rất mong đón nhận thêm nhiều tác phẩm mới tương tự.
-----
Sách Chuyền Tay