- 1 ngày sau khi tôi ch.ế.t đi tôi trở về nhà với một hình dạng vô cùng đặc biệt.
Dường như mọi người không ai thấy tôi. Thật tốt nhỉ!- Nhìn kìa, bố đang đọc bức thư của tôi, còn mẹ thì đang đọc cuốn nhật ký mà tôi đang viết dở.
Họ khóc sướt mướt, vẻ mặt đau khổ của họ khiến tôi bất chợt rơi nước mắt. Tôi chưa từng thấy họ như vậy trước đây. Bởi lúc nào tôi cũng đối diện với vẻ mặt cau có, giận dữ mỗi khi tôi không chịu ngồi vào bàn học bài. Bình thường họ chẳng dịu dàng gì với tôi, chẳng bao giờ hỏi tôi có mệt không? Hôm nay trên trường thế nào? Bài vở có nhiều lắm không?
- Trước bàn vị, họ ôm di ảnh tôi vào lòng và nói rằng tôi không cần học nữa, sao cũng được, chỉ muốn tôi trở về với gia đình này. Muộn rồi, tôi không muốn về nơi đó nữa, nơi chứa đựng nỗi áp lực, nỗi buồn không thể tả cũng không thể nói cùng ai.
------
Sự việc nam sinh cấp 3 nhảy lầu từ tầng 28 của một chung tư tại Hà Nội đã khiến cho dư luận xôn xao mấy ngày nay. Sau đó lại có thêm một nữ sinh t.ự t.ử vì áp lực học hành và một vài vụ khác mà báo chí “chưa kịp” đưa tin. Theo số liệu thống kê từ WHO năm 2019, cứ 40 giây trôi qua, thế giới chúng ta đang sống lại có thêm 1 người t.ự s.á.t. Điều này đồng nghĩa cứ mỗi 40 giây trôi qua, mọi thứ tưởng chừng như im lìm lại có vô số người âm thầm chịu đựng nỗi đau và có ý định rời bỏ cuộc sống. Thật là đáng sợ!
Tôi từng là một học sinh trường chuyên lớp chọn, mỗi ngày đi học đều ám ảnh thứ hạng, điểm số, cuộc sống chẳng khác nào địa ngục nên tôi hiểu cảm giác ấy của em. Chính vì điều này mà sau khi đọc bài báo viết về sự vụ, tôi rất thương em và cầu mong em an nghỉ. Nguyện em sẽ sống ở một thế giới khác, hạnh phúc và bình yên hơn.
Tôi hy vọng rằng các bậc phụ huynh đừng đem thành tích học tập để áp đặt lên con cái một cách thái quá. Người lớn cũng có áp lực của người lớn, trẻ nhỏ cũng có áp lực của trẻ nhỏ. Đối với bọn trẻ, chuyện điểm kém, bị la là một cái gì đó rất kinh khủng, đôi khi gây ra ám ảnh dẫn đến trầm cảm và hình thành tâm lý sợ hãi khi trưởng thành. Điều này tạo cho các em một nền tảng tâm lý không hề tốt khi lớn lên.Nhiều người nói rằng, nhà là nơi để về, có chuyện gì khó quá thì đi về nhà. Không hẳn như thế! Đối với một số người, nhà là địa ngục, là nơi chất chứa nhiều phiền não nhất, là nơi không muốn về nhất. Đối với họ, đi đâu cũng được, miễn đừng về nhà.
“Thật ra thế hệ chúng ta bây giờ có rất nhiều không còn đường để về nữa rồi. Lúc mất hết hi vọng hay giấc mơ vỡ tan, chẳng hề có cái gọi là “bến đỗ” như ngoài kia vẫn nói. Có những lúc khó khăn, chín người thân lại mang đến áp lực lớn hơn. Tôi đã thấy rất nhiều người trẻ tuổi đứng giữa đường, cứ đứng như thế mà khóc, sau lưng không một ánh đèn, trước mặt mịt mù sương.”
Chậm lại một chút, hãy đem giông bão hóa thành mưa nặng hạt để rơi xuống đất tưới mát cho cây, đem nhưng mây mù hóa thành trời quang mây tạnh. Việc bản thân tự vượt lên nỗi đau là rất khó khăn nhưng tôi tin chắc bạn sẽ làm được. Bắt đầu từ việc đơn giản nhất đó chính là yêu bản thân mình. Con trai hay con gái gì cũng được, quan trọng là hãy yêu bản thân, nghĩ đến mình đầu tiên. Đây không phải là ích kỷ đâu, bạn đừng nhầm lẫn. Bởi khi nào bạn biết yêu bản thân rồi bạn mới có thể yêu người khác và đồng cảm với mọi người xung quanh. Tôi tin rằng ai trong chúng ta cũng có lòng trắc ẩn. Bố mẹ quan tâm con cái thêm một chút, con cái tâm sự - bố mẹ lắng nghe, cảm thông, chia sẻ kinh nghiệm và khuyên nhủ. Như vậy có phải tốt hơn không?
Sau này 30, 40 tuổi nhìn lại khoảng thời gian 15 - 25 tuổi bạn sẽ thấy những nỗi đau kia chẳng là gì cả. Quan trọng là sau mỗi nỗi đau, sau bao lần gục ngã và đứng lên bản thân lại mạnh mẽ, lột xác thêm một lần.
Một tôi đẹp nhất là một tôi yêu thế gian này và yêu cả chính tôi nữa. Nguyện cho những ai còn đang đau khổ vì áp lực cuộc sống, học hành, gia đình,... sẽ có thể mạnh mẽ vượt qua. Nguyện bạn không lựa chọn sự ra đi một cách đơn độc! Chúc bạn hạnh phúc!
- Thúy Quyên -