Đạo Phật và niềm tin.
_________________________
Ở phần đầu chúng ta đã bàn về pháp hữu vi và vô vi. Cũng như nguyên nhân của khổ là dính mắc vào pháp hữu vi. Phần này sẽ tiếp tục.
.......
Đức Phật là người chỉ ra các sự thật về thế giới (một trong số các sự thật này là chỉ ra các pháp hữu vi, vô vi ở phần 1) và con đường để đạt được giác ngộ (tức là thấu triệt được các sự thật này), Đức Phật cũng chỉ ra cách để thấy (thực chứng) được các pháp vô vi. Vì thế cho dù các bạn có tin hay không những giáo lý của nhà Phật thì những sự thật này, các pháp vô vi này vẫn tồn tại và vẫn tự vận hành theo quy luật của riêng nó mà chẳng cần phải hỏi ý kiến của ai. Sự khác biệt nằm ở việc nếu học về những sự thật ấy, đời sống chúng ta sẽ dần thanh tĩnh và bớt khổ đau hơn.
Đức Phật không sáng tạo ra một triết học, triết lý hay cố nói một thứ gì đó xa vời để chúng ta nghị luận xem có tin hay không. Ở đây, Ngài chỉ nói ra các sự thật về thế giới mà thôi, những thứ hiển nhiên nhưng đa phần chúng ta không đủ trí tuệ để thấy được.
Điều này cũng như khoa học tìm ra các định lý, dẫu cho không tìm ra thì nó vẫn ở đó và vận hành. Khoa học có thể chứng minh bằng công thức, còn Đạo Phật có thể thực chứng được bằng việc thực hành, không thể bằng việc bàn luận. Đừng bao giờ hỏi một câu kiểu như, các cảnh giới được nêu ra trong kinh điển như Dự lưu, Nhất lai, A la hán,... có thật hay không và làm sao để biết, bởi vì như đã nói ở phần trên, đây là các pháp vô vi, cho nên không thể nghĩ bàn, chỉ có thể tự mình hiểu ra. Tương tự thế, tất cả các giáo lý của nhà Phật đều là kinh nghiệm để đạt được giác ngộ, đạt được hiểu biết về sự thật của thế giới, mà những điều này là các pháp vô vi, cho nên những việc như ngồi bàn luận xem nó có đúng hay sai, hoặc là tin hay không là dư thừa, nếu muốn tìm hiểu thì đơn giản là học và thực hành.
_____________________________________
Niềm tin với Đạo Phật lại là một phạm trù khác, không có ai bảo phải tin hay tin một cách mê tín, tin theo cảm xúc. Đạo Phật có rất nhiều những pháp môn, những cách thực hành để chúng ta từ từ xây dựng niềm tin với nó do tự thực chứng những điều trong kinh điển. Còn tín lực của mỗi người lại mỗi khác, có người từ khi sinh ra đã có niềm tin ở Tam Bảo, có người thì ở cạnh chùa cũng không theo đạo, điều này là do cơ duyên từ nhiều kiếp, sự tu tập của các kiếp trước của chúng ta, nếu đủ cơ duyên thì niềm tin sẽ xây dựng nhanh chóng và có thể sớm tu tập. Tín lực là một pháp vô vi, vì thế nó cũng sẽ theo chân người ta từ đời này sang đời khác. Trong kinh điển cũng có nói về việc những người xuất gia từ khi còn rất bé, có nhiều trường hợp là các vị tăng kiếp trước chọn tái sinh ở ngôi chùa mình qua đời để tiếp tục tu hành, điều này có được do nghiệp thiện tích lũy nhiều đời. Đủ thiện nghiệp mới có cơ duyên tu tập, chứ không phải cứ muốn là được.