Nhân duyên, các pháp hữu vi và vô vi.
-----------------------------
Mọi sự trên đời, từ các sự vật cho đến sự việc, hữu hình hay vô hình, phàm là những thứ có thể dùng lục căn (mắt, mũi, tai, lưỡi, da, ý thức) để thu thúc (tiếp nhận, xử lý) đều là các pháp hữu vi (do nhiều yếu tố cấu thành, tạo nên), không có tự tính riêng (đều do ảnh hưởng bởi các yếu tố tạo thành mà sinh ra tính chất), vô thường (luôn thay đổi) và không bền vững (sẽ có thời điểm tan hoại khi các yếu tố tạo thành nó không còn nữa). Ví dụ như cái điện thoại, nó có do sự cấu thành của các linh kiện, nó hiện hữu do có người phát minh, nó ở trên tay bạn do có đủ điều kiện để mua nó...., hay cảm xúc vui, nó có là do tiếp xúc với ngoại cảnh gây sự xúc động, tạo niềm vui,...... 2 ví dụ này là pháp hữu vi và các yếu tố tạo thành nó là các duyên hợp.
Đây là một sự thật mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta. Sự bất hạnh đến từ việc dính mắc, níu bám vào các pháp hữu vi này - những thứ vốn không bền vững (bởi vì được tạo bởi các duyên hợp nên dĩ nhiên sẽ có lúc các duyên này tan vỡ). Do dính mắc nên khi chúng tan hoại thì sinh đau khổ (thực ra bản chất của sự níu bám đã là đau khổ và gây gánh nặng cho thân tâm rồi chứ không cần đợi lúc nó tan hoại).
Ví dụ như các cảm xúc, nó do các điều kiện bên ngooài mà tạo thành cho tâm ta, là không thực, giả có. Thế nhưng vì cho rằng nó thuộc về mình và dính mắc vào nó cho nên sinh đau khổ. Kể cả các cảm xúc hạnh phúc, an lạc, cho dù có sâu đến đâu cũng chỉ là nhất thời và tạm bợ. Sự níu bám vào những cảm xúc này sẽ gây đau khổ cho ta khi chúng mất đi, dù sự tan biến này là điều đương nhiên bởi chúng vốn là các pháp hữu vi. Ngay cả các ý nghĩ nảy lên trong đầu chúng ta cũng vậy, đều là các pháp hữu vi. Vì thế việc chạy theo và đuổi bắt các ý nghĩ, hay ngược lại là bị các các sự lo âu, phiền muộn ghé qua mà ta nắm lấy nó thì dĩ nhiên là cả 2 đều sinh đau khổ.
________________________________
Phạm trù các pháp hữu vi rất rộng, nó bao gồm mọi thứ có thể diễn đạt, có thể cảm nhận và có thể thu nhận. Kể cả các kiến thức, các lý luận, các hiểu biết của thế gian. Thứ duy nhất tồn tại như một pháp vô vi (trái ngược với pháp hữu vi, pháp vô vi tồn tại thường hằng, hiển nhiên, có tự tính, và vì không tạo bởi các nhân duyên hợp thành cho nên không thể tan hoại) chính là con đường, đạo, các sự thật của thế giới, niết bàn, giải thoát,..... Những từ ngữ này chỉ là tượng trưng và sơ lược để mỗi người mường tượng về pháp vô vi đó, nhưng vì bản chất nó là pháp vô vi, thế nên từ ngữ không thể diễn tả và trí tưởng tượng không thể chạm đến, cho nên nói cũng bằng thừa. Chỉ có thực chứng mới có thể thấy được. Cũng như việc diễn đạt màu đỏ cho một người bị mù là điều bất khả thi thì việc ngồi đây và nói về các pháp vô vi là điều ngớ ngẩn.