MỘT NGHỆ THUẬT SỐNG - ĐỜI LOẠN BỞI TA CÒN LO CHO NGƯỜI NHIỀU QUÁ
Bài viết phân tích cuốn sách "Một nghệ thuật sống" của tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần dựa trên quan điểm cá nhân và có sử dụng...
Bài viết phân tích cuốn sách "Một nghệ thuật sống" của tác giả Thu Giang - Nguyễn Duy Cần dựa trên quan điểm cá nhân và có sử dụng trích dẫn từ tác phẩm.
Phần 2: Cách mạng cá nhân và cách mạng xã hội
Chúng ta lớn lên được giáo dục rằng sống là phải cho đi, phải giúp ích cho xã hội, sống là phải vì người khác. Điều ấy là tốt, tuy nhiên bạn cần hiểu rằng trước khi giúp được người thì bạn phải tự giúp mình trước đã. Như mình có đề cập ở bài viết trước, ta phải tìm được cái sống của bản thân, không ngừng đấu tranh để trở về với cái sống toàn vẹn của mình, cái “sống một” cùng trời đất.
1. CÁCH MẠNG CÁ NHÂN
Cách mạng cá nhân là điều kiện cần có để tiến tới cách mạng xã hội. Nói theo cách khác, chỉ có những cá nhân đã tìm được cái sống toàn vẹn của mình, những người thực sự sáng suốt mới có thể đi giúp đời mà không hại đời mà thôi.
Một điều quan trọng mà ta cần biết đó là không một ai dạy được ta, không ai có thể dẫn đường chỉ lối cho ta ngoài chính bản thân mình. Chỉ có kẻ dại mới để người khác dẫn dắt, và kẻ để người khác dẫn dắt sẽ mãi là người tối, người sáng sẽ tự đi tìm lấy mình, không phụ thuộc vào ai. Hay có một ý rất hay mình đọc được trong phần giới thiệu cuốn “Đạo” của Osho đó là: “Với Đạo, bạn phải đi một mình, bạn phải ở một mình. Đạo đề cao cá nhân, không đề cao xã hội. Đạo đề cao sự độc đáo, không đề cao đám đông. Đạo đề cao tự do, không đề cao tiêu chuẩn.
Sở dĩ mỗi khi đọc sách hay nghe ai đó giảng dạy, ta bỗng dưng thấy mình hiểu ra được cái gì đó, trong lòng ta bỗng bừng sáng sự hiểu biết là bởi trong tiềm thức của chúng ta đã có sẵn những ý niệm ấy rồi, nay chỉ cần có người khơi gợi nó lên và làm cho ta sáng tỏ hơn mà thôi. Chúng ta không biết rằng, nếu như có thể dạy được người khác, thì các bậc vĩ nhân đã dạy được cho tất cả hậu thế đời sau, vua có thể dạy được dân, thầy có thể dạy được trò, cha mẹ đã dạy được con và như thế thế giới này toàn là những bậc thánh nhân cả. Tại sao có những cuốn sách khi đọc lần một ta không hiểu gì, nhưng sau nhiều năm đọc lại ta lại thấy cả một bầu trời ý nghĩa, đó là bởi trước kia nhận thức của chúng ta chưa đủ, ta bị những lớp bụi của vô minh che lấp, nay theo thời gian và sự trải nghiệm, lớp bụi ấy dần mất đi và khi đọc lại ta bỗng dưng nhận ra nhiều điều.
Có rất nhiều lớp bụi và mỗi lớp bụi cần được phủi bởi một dụng cụ khác nhau. Đó là lý do vì sao qua từng thời kỳ của sự phát triển bản thân, ta lại cảm thấy hợp và yêu thích tư tưởng của một nhà văn, một tác giả cụ thể nào đó. Khi đọc sách của họ ta cảm thấy được sự đồng cảm, sự gợi mở và hiểu biết, đó là bởi ta có cùng tần số tư duy với họ. Cái đó gọi là “Đồng thinh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Như mình có đề cập ở bài trước, đối với mình, mỗi người là một thực thể toàn vẹn, hoàn mỹ, chúng ta như những viên ngọc tuyệt đẹp, nhưng bị những lớp bụi của định kiến xã hội, của nhận thức sai lầm, của vô minh che lấp. Có nghĩa là những hiểu biết thực chất đã nằm sẵn trong con người chúng ta rồi, việc của ta là phải dần dần phủi đi những lớp bụi ấy, và đôi khi là cần tới tự gợi mở từ những tác động bên ngoài. Chỉ gợi mở thôi chứ không phải dạy, chính vì cái nhận thức sai lầm ấy, nhiều người tự cho mình là thầy có thể đi dạy được thiên hạ và bắt người khác phải mang ơn mình. Hay đôi khi chúng ta vẫn nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm dạy và thay đổi ai đó, và rồi thất vọng khi mọi nỗ lực đều không thành mà chẳng hiểu tại sao.
Vậy ta đã hiểu được rằng chỉ có mình mới giúp được mình mà thôi. Vậy làm sao để tìm được cái sống của bản thân, cái đó mình đã đề cập ở bài trước, ta không bàn lại nữa.
2. CÁCH MẠNG XÃ HỘI
Giúp người là tốt, nhưng giúp thế nào cũng là một câu hỏi phải đắn đo. Không phải cứ lao ra ngoài kia thể hiện sự nhiệt tình của bản thân là giúp. Đôi khi ngồi một chỗ và không làm gì lại giúp được rất nhiều người.
Trong cách mạng xã hội, theo mình cần hữu tâm 3 điểm chính:
Đầu tiên, muốn cho nước đang đun ngừng sôi, ta không thể ngồi đó lấy quạt để thổi cho nguội, thay vào đó phải triệt từ nguồn gốc, đó là rút củi đang cháy bên dưới ra. Để cho xã hội không chạy theo giá trị bên ngoài, tìm về cái sống của mình, ta phải triệt đi mọi tư tưởng lấy sự so đo hơn kém làm mục đích sống. Không coi trọng của cải, không sùng bái kẻ tài, tổ chức xã hội sao cho mỗi người dân sở hữu vừa đủ những gì cần thiết nhất cho cuộc sống, tập trung phát triển đời sống tinh thần thay vì chạy theo giá trị vật chất. Chúng ta không cần nhiều như ta tưởng đâu.
Thứ hai, muốn giúp được người thì hãy giúp mình trước. Lo lắng cho người thì dẫn đến chiến tranh, lo lắng cho mình thì tạo ra hòa bình. Hay nói cách khác, đời còn loạn là bởi ta còn lo cho người nhiều quá.
Và cuối cùng, giúp người hãy như mặt trời tỏa nắng, đừng gượng ép, phải biết tùy trình độ mà gợi mở. Giúp người phải biết thuận theo tự nhiên, đừng như anh nông dân thấy cây lúa mãi không lớn bèn lấy tay nhổ rễ để nó cao hơn, kết quả là cây chết thay vì phát triển. Nhưng quan trọng hơn cả hãy như mặt trời chiếu ánh sáng muôn nơi, nhưng không mong cầu trăm hoa đua nở, hoa nào đến kỳ thì nở còn không thì thôi. Bạn biết đấy, không một văn minh nào hơn văn minh nào, chỉ có phù hợp hay không mà thôi, văn minh phù hợp sẽ giúp xã hội phát triển và ngược lại. Đừng lấy văn minh này để áp vào xã hội kia và cho rằng như vậy là tiến bộ, nó là phản tự nhiên.
3. KẾT
Đọc xong cuốn sách này nhiều người sẽ thắc mắc rằng nó quá “lý tưởng” để áp dụng vào xã hội thực tế. Nhưng như tác giả cũng đã nói trong lời mở đầu, rằng bạn đừng lo lắng cuốn sách này có giúp được gì cho người khác hay không, đừng thắc mắc về xã hội mà hãy để tâm xem mình sẽ nhận được gì từ nó.
Hãy tự hỏi xem mình đã là người hạnh phúc hay chưa, mình đã tìm được con người thật của bản thân chưa, đã sống đúng với mình hay chưa? Nếu chưa hãy lo cho mình trước khi nghĩ rằng ta có thể gánh vác trọng trách giúp đời sửa người. Nếu mỗi người đều biết lo cho mình, đều biết sống với cái tận thiện của mình, thì cũng chẳng cần phải lo cho ai nữa, thiên hạ sẽ tự được thái bình, nhân dân hạnh phúc.
Và cuối cùng hãy nhớ rằng: “Thành thực với mình là con đường duy nhất đưa ta đến tự do và giải thoát”.
Cảm ơn đã đọc bài viết, mong nhận được thêm ý kiến của mọi người về chủ đề này.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất