Ngày xửa ngày xưa... Khi tui còn nhỏ, bà nội tui đi bán rau ở khu chợ cách nhà tầm 2 cây số. Khi có dịp, nhà tui cũng hay chở tui xuống chợ để bán rau với nội cho vui… thật ra là cho bớt quậy, chứ ở nhà quậy quá không ai chịu nổi :)))
Vậy thì, nào đâu có thoát khỏi tầm mắt tuổi thơ, những màn đấu khẩu kiệt xuất giữa kẻ mua & người bán. Bao nhiêu thương vụ mặc cả, trả giá… dù thất bại, dù thành công… đã ngấm ngầm váo máu huyết của tui như những kinh nghiệm, những hạt giống, chỉ chờ tưới tẩm để nảy mầm.
Rồi cái hồi 18-19 tuổi, lên Sài Gòn sống & làm việc chung với đồng bạn sinh viên nghèo. 36 kế thương thuyết, mặc cả… tui đã được đào tạo một cách bài bản & đầy đủ quy trình. Bây giờ nếu mà theo dòng trí nhớ tổng hợp lại, tui có thể có viết thành nguyên một quyển sách luôn :)))
Nhưng mà từ đó, tới giờ, tui lại ít khi trả giả. Tại sao vậy? Tui sẽ kể cho các bạn nghe về một lần tui mua đồ trả giá ở Bình Dương…
Thời gian trước đây, tui có qua Bình Dương sống & làm việc. Mới thuê được cái nhà trống lốc trống lơ, nên tui có chạy lên chỗ bán đồ thanh lý, mua ít đồ nội thất về để có mà xài. Đảo quanh một vòng, tui lựa được cái tủ sắt đựng quần áo giá 500 ngàn. Kèo này thơm rồi, tủ mới giờ cũng phải gần cả triệu bạc. Chắc mẩm trong lòng, có trả giá tệ lắm, tui cũng phải mua được cái tủ này với giá bốn trăm rưỡi - 450k. Bởi, thứ nhất, tui chạy lên tới tận chỗ để mua, cột dây tự chở về nên có thể năn nỉ, kỳ kèo thêm để được bớt vài đồng. Thứ hai, con đường này cũng có một vài chỗ bán đồ thanh lý nữa, cho nên nếu tình hình trở nên căng thẳng & bất ổn, tui chỉ việc bật chiêu cuối lên: “Vậy thôi, cảm ơn chị, để em đi chỗ khác xem thử.”
Dòng suy nghĩ chưa dứt, chị bán hàng nói với tui: “Em ngồi chơi xíu, để chị gọi thằng em về nó khiêng cái tủ ra cho em xem kỹ hơn.” Bà chị lôi cái ghế dựa ra mời tui ngồi, và cũng không quên dặn dò vài câu với đứa con gái chừng 4-5 tuổi nhỏ xíu xiu, đang cầm bút chì tập viết chữ. Xong việc, chị mới lấy điện thoại ra gọi điện cho người về khiêng tủ.
Lúc này tui mới để ý đứa nhỏ, nó với tui đang ngồi giữa cái đường đi chật nứt mà xung quanh là hai núi đồ thanh lý cao nghều nghệu. Nó cầm bút chì viết số 1, số 2 rồi số 3 y như mấy con giun lúc xéo lúc quằn. Tui hỏi con bé tên gì, mấy tuổi. Nó rụt rè, hỏng dám nhìn mặt tui, chỉ cắm mặt viết bài “Dạ, Tuyết Anh, 4 tuổi”. Tui hỏi tiếp “Con biết đếm số không? Đếm từ 1 đến 10 cho chú xem đi”. Nó cũng chịu khó đếm từ 1 tới 10 cho tui nghe. Nhờ vậy tui mới thấy răng của con bé chiếc sún, chiếc sâu. Nó đếm xong, tui vỗ tay lốp bốp khen giỏi. Nó ngước lên nhìn tui với cái vẻ vừa ngạc nhiên, vừa phòng chừng người lạ…
Bà chị thì cứ tiếp tục chạy đôn chạy đáo bán hàng, lâu lâu lại vọng vào một câu “Con viết bài đi nhé, có gì chú ngồi đó, chú chỉ cho nha…”
Nhớ cái thời tui còn nhỏ, nhà tui nghèo, ba mẹ tui làm công nhân từ sáng tới tối, cũng bận rộn lắm. Tuy vậy mà tui vẫn được chăm sóc đầy đủ từ đầu tới chân. Tui vẫn nhớ hoài cái hình ảnh, tối đi làm về, ba tui dạy tui bảng cửu chương, mẹ tui dạy tui tập viết. Răng sâu răng, sún vẫn được chở đi nha khoa đều đều.
Rồi, nhìn lại con bé con đang cặm cụi viết bài, tự nhiên tui thấy trong lòng có chút rung rinh, rục rịch...
Chốc sau, cái tủ được lôi ra, tui móc vội 500 ngàn đưa cho bà chị rồi cảm ơn ríu rít. Không nói thêm một lời nào nữa, tui vác cái tủ lên xe, cột dây rồi chở về cái rẹt.

HOÀNG PHÚC