MỘT GÓC NHÌN VỀ CÂU CHUYỆN LY HÔN
Nguồn ảnh: Báo Lao Động. Cách đây một thời gian, dư luận và cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng về vụ ly hôn của Bill Gates và vợ của...
Cách đây một thời gian, dư luận và cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng về vụ ly hôn của Bill Gates và vợ của mình. Người thì nuối tiếc cho cuộc tình kéo dài 23 năm, người thì lo lắng cho sự đổ vỡ kéo theo của quỹ từ thiện nổi tiếng Gates Foundation, người thì cảm thấy ''hình ảnh thần tượng'' bị sụp đổ rồi quăng ra nhiều lời kiểu như: ''mấy kẻ hay giảng đạo thì hay như vậy'', ''ô zời, giỏi giang và giàu có mà cũng chẳng ra gì''. Mấy ông đàn ông lại hả hê vì mình nghèo nhưng chung thủy, rồi lại lôi chuyện ''rửa bát'' ra để biện minh cho lý do trốn tránh làm việc nhà của mình...đủ kiểu phản ứng về sự kiện này trên không gian mạng ở xứ mình. Ngoài những kiểu phản ứng ồn ào như vậy thì vẫn có một số người nhìn vào đó để liên hệ đến một vài bài học cho cuộc sống, bày tỏ góc nhìn về vấn đề hôn nhân và ly hôn. Tôi thấy đó là những điều hay và hữu ích.
Người Việt mình ngại trình bày quan điểm và đưa ra ý kiến cho những vụ việc này dù đó là những việc quan trọng và (có thể) sẽ xảy đến với mình vào một ngày nào đó. Nói chung là cứ yêu rồi lấy nhau, rồi bỏ nhau sau đó là đau khổ hoặc vui sướng với cuộc tình của mình thôi chứ cũng không có ý kiến hoặc đào sâu vấn đề gì, tức là chúng ta chỉ hay phản ứng lại sự kiện khi nó xảy ra thôi chứ việc đưa ra quan điểm và góc nhìn ngay từ đầu thì không có. Đáng ra quan điểm về hôn nhân và ly hôn phải được hiểu và chia sẻ rõ trước khi hai người kết hôn, nhưng lạ là người ta cứ coi là chuyện rủi, không nên bàn rồi đến lúc xảy ra sự vụ thì không biết ứng xử như thế nào. Trong mọi trường hợp, trốn tránh vấn đề không bao giờ là cách giải quyết vấn đề cả, nên đối diện và chuẩn bị cho nó trước thì sẽ tốt hơn. Vậy nên quan điểm về hôn nhân và ly hôn phải được hình thành rõ trong hai cá nhân trước khi họ quyết định kết hôn.
Một câu chuyện nữa là về việc thất vọng của người Việt, chúng ta hay có xu hướng thần thánh hóa một ai đó rồi trao cho họ kỳ vọng vô hạn đến khi hình ảnh không được tốt đẹp lắm của con người ấy được phơi bày ra, chúng ta lại cảm thấy thất vọng tràn trề. Câu chuyện thất vọng về Bill Gates cũng vậy, sẽ chẳng có gì thất vọng cả nếu chúng ta chỉ xem Bill Gates là một người kiếm tiền giỏi, có hiểu biết sâu rộng và đóng góp được nhiều cho xã hội thông qua quỹ từ thiện Gates Foundation, chỉ dừng lại ở đó thôi. Ngoài chuyện đó ra, ông ta cũng là một con người bình thường, có những khó khăn trong cuộc sống và có thể mắc sai lầm ở một thời điểm nào đó. Nghĩ được như vậy chúng ta sẽ thấy chuyện ly hôn của Bill Gates là bình thường, có chăng cũng chỉ là người giàu bậc nhất ly hôn thôi chứ không đến mức phải cảm thấy thất vọng hay hình ảnh thần tượng sụp đổ gì cả.
Về chuyện ly hôn của Bill Gates, nhiều người cảm thấy nuối tiếc vì trước đó hai vợ chồng đã chung sống với nhau 23 năm và có với nhau 3 đứa con. Thực ra, con người có xu hướng nuối tiếc về quá khứ, những thứ đã qua nhiều hơn là nghĩ về tương lai. Về chuyện này tôi đồng ý với nhiều ý kiến trong bài viết của Chị Mai Phương Nguyễn (link: ĐỪNG SỢ MẤT QUÁ KHỨ, HÃY SỢ MẤT TƯƠNG LAI). Chúng ta sẽ lê lết qua năm thứ 4 ở trường đại học không phải vì chúng ta muốn học gì ở đó mà là chúng ta tiếc 3 năm học trước đó. Chúng ta sẽ cố xem hết một bộ phim chán ngắt ở trong rạp chỉ vì chúng ta đã mất tiền mua vé. Đó cũng là lý do mà người ta sẽ khuyên mình và người khác nên kéo dài cuộc hôn nhân chỉ vì một lý do duy nhất: đã đi được với nhau hai mấy năm rồi. Cứu vớt những gì đã qua bằng việc đánh đổi tương lai phía trước là một điều thật ngu muội. Nếu nghĩ rằng tương lai của mình sẽ tốt đẹp thế nào nếu không phải tiếp tục một chương trình học đã sai từ lúc lựa chọn; nếu nghĩ rằng tương lai của mình sẽ tự do biết bao khi không còn phải vùi mình vào một cuộc tình đổ bể...thì lúc đó con người ta sẽ có một lựa chọn khác thôi. Buông bỏ thật khó nhưng làm được thì nó cũng thật nhẹ nhõm, dừng lại khi nhận ra mình sai là như vậy.
Một ý nữa là về định nghĩa sự hạnh phúc. Người Việt thường quan niệm kết hôn và ở với nhau đến đầu bạc răng long mới là hạnh phúc, người ta đặt yếu tố gia đình và gắn kết lên hàng đầu và cho rằng việc dang dở là thất bại. Chính vì mang quan điểm và mắc kẹt trong quan điểm đó nên người ta sẽ không hiểu được cái hạnh phúc của người khác. Đặc biệt là các nước phương Tây, họ cổ vũ và theo đuổi cái tự do cá nhân, hôn nhân là một chất liệu để sự tự do đó được thăng hoa chứ không thể là một ''nấm mồ của sự tự do'' được. Chúng ta chê họ vì chúng ta không hiểu về họ và cũng không hiểu về chính mình. Nhìn về nhiều gia đình Việt, vợ chồng sống với nhau đến cuối đời là vì trách nhiệm và theo đuổi danh hiệu ''đầu bạc răng long'' là chính chứ không phải vì yêu thương hay tự do và thoải mái gì. Cái hạnh phúc gì mà thấy cũng không hạnh phúc lắm.
Sau tất cả, tôi không cổ vũ cho ly hôn bừa bãi, cũng không cổ vũ cho việc người ta vùi dập chính mình trong một cuộc tình chỉ vì trách nhiệm và nuối tiếc. Tránh hai trường hợp đó rồi bắt đầu học hành, khám phá, suy xét để đưa ra cho mình một quan điểm rõ ràng về vấn đề ly hôn trước khi kết hôn là một việc quan trọng. Đó cũng là một tiêu chí để đánh giá sự trưởng thành ở một người, xem người ấy có sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình không?
Ngọc Đạt.
18/6/2021.
Link bài viết trên Blog: http://www.trinhngocdat.com/post/mot-goc-nhin-ve-cau-chuyen-ly-hon-
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất