15/10/2022 - 16/10/2022
Truyền thống là một hệ thống bao trùm phổ quát lên tất cả con người. Nhìn vào truyền thống, chúng ta thấy một chuỗi “hệ tiêu chuẩn hành vi” - từ hành vi thể lý đến hành vi tâm lý - đúc tạc hầu hết cái toàn thể của con người chúng ta. Tôi không nói truyền thống là xấu, nó có vẻ đẹp riêng, chỉ có điểm xù xì là: truyền thống được sử dụng như một định đề chung cho tất cả con người, từ trai gái, già trẻ, lớn bé. Nó gộp chung tất cả mọi ý tưởng, cá tính, bản ngã và căn tính của những con người vốn dĩ đã duy lý không thể trở nên giống hệt nhau được. Qua tương tác với hệ thống truyền thống của lịch sử thế giới, tất cả chúng ta trở thành sản phẩm của ngôn ngữ, văn hóa, chính trị, kinh tế, và - tất nhiên - lịch sử.
Như vậy có chăng con người không đại diện cho chính bản thân y/ con người y khi y tham gia vào một thế giới có y, một thế giới mà y sẽ phải tương tác triền miên với thế giới? Những cuộc “đối thoại” ấy của y sẽ nằm trong một vùng kiểm soát chuyên chế của những-gì-đã-có-trước-y hoặc những-gì-đã-xác-lập-nên-y.
Nhìn vào ngôn ngữ, ta cất tiếng khóc đầu tiên, và bắt đầu bi bô nói theo người lớn. Chỉ như một sự tình cờ, ta tiếp nhận sự “có sẵn” của cuộc sống, từ bảng hiệu, giọng nói trên ti vi, điện thoại, từ sự đối thoại giữa người lớn và mọi người xung quanh với nhau, để tất thảy cái ngôn ngữ ấy thiết lập nên cái ngôn ngữ hiện thời ta đang nói. Và hãy hiểu “ngôn ngữ” ở đây vượt trên mặt nghĩa thể lý của nó, rằng, ở tận cùng lớp ẩn dụ này, tôi muốn nói về những gì ta tiếp nhận từ xung lực của truyền thống và đáp trả bằng những cái ta được nhận lấy đó - tôi gọi là “đối thoại”.
Đại từ “tôi” - “ta” sinh ra trong sự đối thoại đó. Và chúng thật lý thuyết. Cõi ngôn từ của lý thuyết không tác dụng được với cõi ngôn từ của viễn cảnh hiện thực, rằng than ôi, bạn có là ai đi chăng nữa, bạn cũng phải nghe tôi - truyền thống nói - chúng ta là một tổng thể chung toàn khối đến vô khuyết, anh bạn ạ; những gì tôi đưa vào trong anh, ăn sâu vào anh là giúp anh có thể đi đến một tương lai sáng hơn; và ở thế giới này, nếu không có tôi, anh sẽ biến mất như cái cách một hạt cát vô hình.
Thật hên xui khi không làm chủ được ký ức về chuyện mình sinh ra. Thật tình cờ khi hoàn cảnh chào đời, môi trường ta được nhảy vào tình cờ nuôi dưỡng ta; những chủ nghĩa dân tộc, dân tộc tính, những cộng đồng, những quần thể,… rốt cuộc tìm đâu ra một con đường riêng mình ta? Bảng chỉ thị màu sắc của ta nằm nơi nao khi hôm nay, và cả từ cổ chí kim, ta đều bị gán một màu theo khuôn khổ?
Rốt cuộc thì khi ta sinh ra, à không, từ lúc hạt nguyên tử đầu tiên thành hình thì một hệ thống bao trùm đã mở mắt đi làm việc của nó.
Mỗi đứa trẻ sinh ra trở thành sự nối dài của quá khứ. Thế hệ trước chuyển nền tảng quá khứ của mình sang đứa trẻ, để rồi đứa trẻ đó, trở thành vị thành niên, thanh niên, 18 tuổi, 25 tuổi, 30 tuổi, 40 tuổi,… để tiếp tục cái diễn trình chuyển tải nền tảng ấy, để tiếp tục quy định mọi màu sắc hiện tồn trong bản chất con người.
Tất nhiên, khi trẻ em còn nhỏ, chúng cần được bảo vệ khỏi nguy hiểm, và ta buộc phải uốn nắn. Nhưng khổ nỗi, chúng ta không dừng lại ở đó, chúng ta muốn định hình lại toàn bộ cảm thức và suy nghĩ của chúng; chúng ta hiện thực hóa ý định của ta và kéo dài sự tồn tại của ta trong đứa trẻ. Và sự cảm nghiệm của đứa trẻ trở thành một cái chạm gián tiếp hơn là trực tiếp. Nói thật, thế có khác gì một chính sách đồng hóa hay không?
Gia đình, nhà trường, hoặc chủ ý hoặc không chủ ý, đều mang cái chạm gián tiếp ấy vào thế hệ mới. Tiền xã hội ấy trở thành một nhà xưởng nhân bản của sản xuất tư bản - 13 môn - 13 chuyên môn - và anh cần thấu rõ tất cả. Anh không học bài, là anh sai. Than ôi, từ khi nào tài năng của con người được nhìn nhận như một phạm trù của lượng? Và cái “chất” trong đấy thật hợm hĩnh và ngồn ngộn giả tạo. Để sau này người ta chia học sinh ra hai loại, “học vẹt” và “có tư duy”. Lối suy nghĩ dựa dẫm vào một bộ khung trở thành học vẹt, và người có tư duy thì nhận biết được nhưng không xếp loại được đó là tư duy gì, nên và phải làm thế nào để phát triển “tư duy” thành một mũi kiếm thực sự, chứ không phải để thập thò như nốt ruồi đỏ ngòm.
Việc để truyền thống truyền tải trí năng tích lũy được của nó đi vào thế hệ trẻ, là một điều cần thiết, nhưng cái đủ để phát triển thì cần tạo khoảng trống để tự do vùng vẫy. Bởi khi tự do vùng vẫy, ý tôi là tự do học hỏi, học hỏi một cách tự nhiên nhất, con người ta có thể khám phá ra chính mình, chứ không phải liệt kê về cuộc đời của một ai đó khác, lúc đó, những đột phá, tiến bộ mới xuất hiện.
Phá vỡ cái khuôn định mới giúp ta đi từ chân trời này sang đỉnh mây chân trời khác.
Nếu không, dù có truyền tải đến đâu, con người chúng ta rồi sẽ cạn kiệt và trống rỗng, vì tất cả đều là ngoại lực, nếu nội tại không thể tự sinh thì mãi mãi chẳng thể đứng lên được, mãi mãi nằm gọn trong thiên kiến, trong… số đông.
Đến cuối cùng, ta không thể sáng tạo ra cái gì đột phá, dù truyền thông đã nói rất nhiều về những nghiên cứu mới… nhưng đó có phải là lời lẽ dành cho cái phận của ta không? Này anh, anh có thể cho tôi biết những gì anh đích thân khám phá; hoặc ít nhất, cái gì đó thật nhất của anh vẫn được đảm bảo tính nguyên thủy, ban sơ và độc đáo của nó? Ta cố gắng đào luyện để vượt lên trên giới hạn bị hạn định, ta nghĩ suy về những con đường còn um tùm cây cỏ, nhưng tuyệt nhiên vô thức bị lừa phỉnh đi vào cái đã-được-vặn-dây-cót của truyền thống, hay đúng hơn là một thế lực nào đó, một con người và những con người nào đó có quyền lực thiết chế hơn ta.
Thật kỳ lạ, con người ta từ lâu đã ghét cay ghét đắng sự độc tài, chuyên chế về chính trị: Những cuộc biểu tình, những hội thảo, những rùm beng xoong chảo,… nhưng thâm tâm chúng ta, lại quá dễ dãi chấp nhận sự khuôn định từ người khác.; chúng ta cho phép mọi uy quyền bên ngoài thiết lập lại cái trật tự nội tại sâu bên trong - mọi ngõ ngách, mọi đường nét, và, mọi chiều kích.
Một lúc nào đấy tôi muốn được vùng vẫy. Chao ôi lúc ấy sẽ thật sướng làm sao. Nhưng biết bao giờ? Việc trở nên khác biệt là phủ nhận các khuôn định truyền thống, nghĩa là ta không có chỗ dựa niềm tin rằng con đường sắp đi sẽ là đúng đắn, rằng nó sẽ không giết chết đến kiệt quệ thân-hồn ta. Con đường tự sinh trở thành tự diệt. Nỗi sợ hãi lại sẽ phổng phao và chế ngự. Ta mụ mị và phủ phục, rồi lệ thuộc.
Nhiều lúc tôi muốn làm cái gì đó khác đi - vì bản ngã của mình, tôi còn trẻ mà, tôi có quyền đó, chẳng phải tôi chưa áp lực trước những gì sẽ sắp sửa gây áp lực đầu đời cho tôi, đúng chứ, nhưng ai có thẩm quyền để phê duyệt điều đó? Tôi có nên đọc về Mệnh của Khổng hay Lão Tử hay không?
Thật ra tôi không mong gì đó thật quá khác biệt, tôi biết một khi đã đặt mình trong mối quan hệ tương quan với thế giới, tuyệt nhiên ta buộc phải giấu giếm đi một phần nào đó để có thể ngồi vừa vào trong mối quan hệ ấy. Nhưng ôi thôi, tôi vẫn ao ước trong một lát cắt thời gian nho nhỏ, nho nhỏ thôi, tôi có thể không lấp đầy thời gian bằng lao động công nghiệp trong tiền-xã-hội, mà tôi sẽ lấp đầy bằng lao động cộng sản - tôi không biết mình ghép từ có phù hợp không nhưng ý tôi là: TỰ DO. Khi đó tôi không cần phải lo sợ về tính hiệu quả của “chất” lẫn “lượng” của những gì tôi làm; tính hiệu quả của lề lối công nghiệp tạo ra sự ganh đua, tàn bạo và hủy diệt lẫn nhau khiến tôi kiệt quệ và muốn được ngơi nghỉ.
Tôi không quá phù hợp với hình thái nhức nhối đó, vì rừng là cho khỉ, nước là cho cá. Cả hai cá thể này từ khi sinh ra đều tồn tại trong mình các mảng khuyết để ghép vừa với các môi trường bên ngoài. Và con người thậm chí còn chuyên biệt hơn nữa. Không ai đều tròn vành vành, tròn vằng vặc, đều chỉ có vài điểm mấu chốt để tạo sự độc đáo và kết nối với các tha nhân khác. Áp đặt một công thức chung cho tất cả các hoạt động chỉ làm xói mòn đi trí năng của chúng ta.
Người chỉ lối hủy diệt người nối gót, và người bám đuôi phương hại người dẫn đường.
Chúng ta phải tư duy, phải phản biện, phản tư, thì mới có được một trí tuệ thực sự. Cái cũ có thể làm nền tảng, vì ít nhất, nó sống qua được sự đào thải của thời gian, nhưng tuyệt nhiên không bao giờ thoát khỏi lưỡi hái của thời gian. Mọi lý thuyết, kinh nghiệm, hay chân lý ngày hôm nay, đều bất-toàn-năng, không bao giờ đúng đắn một cách bất di bật dịch. Trái Đất luôn chuyển động không ngừng, các sự kiện xung quanh cũng theo đó mà chuyển động, và đó là sự chuyển động vô hướng. Ta sợ hãi cái không thể xác định là tương lai và cái chết, là vì các sự kiện ấy không bao giờ xuất bản thành sách - ý tôi là - không báo cho bạn để bạn có sự chuẩn bị trước. Những chân lý chung ấy thật chất là vùng đất không lối vào, không có con đường nào dẫn đến chân lý. Sự chết có thể có đường đi vì chúng ở trạng thái tĩnh, nhưng chân lý sống động và thiên biến vạn hóa - mỗi tâm thức mở ra là một chân lý mới.
Lệ thuộc vào bất cứ ai/điều gì, không có quá nhiều hy vọng về một sự đột phá, vì những “ai” đó, “điều” đó, đã khám phá cái mới ở hoàn cảnh/thời điểm của họ, còn ta thì không. Đối diện với cái chưa thể lường trước và khi nó xảy đến, hoặc là não nề chịu đựng, hoặc là nhận lấy trách nhiệm giải quyết nó.
Và lúc này đây, sự sáng tạo chính là thử làm biện pháp chưa từng làm để đối diện với cái chưa thể lường trước ấy. Có thể, bối cảnh ký ức ở quá khứ tạo nên suy nghĩ, ý thức, vô thức, cảm xúc của chúng ta hôm nay, nhưng cũng từ suy nghĩ, ý thức, vô thức, cảm xúc hôm nay mà chúng ta thể hiện đối với các kích thích từ môi trường, cũng dựng nên các ký ức mới ở tương lai. Thế rồi từ đấy tạo nên một chuỗi ký ức mới-cũ nối tiếp nhau, tạo nên sự thay đổi liên tục, đó là sự sống động quý giá của ý nghĩa cuộc đời.
Nhưng xét đến tận cùng thì, luân lý thế nào đi chăng nữa thì kẻ khác biệt với đám đông đều sẽ là dị biệt và sẽ bị bài trừ. Chúng ta, nhân loại, thật ít hiểu cho nhau. Sự tương tác với nhau không phải là tranh đấu ở cấp độ tồn tại, mà là chung sống, là để đi đến phác họa một hình hài thế giới hài hòa, ít sự tranh biến và sóng gió cuồn cuộn. Có lẽ tôi đang về điều quá không tưởng, nhưng hy vọng, ít nhất, trong tương lai tôi hình dung ra được, thế giới, và chính tôi, sẽ có thể dám sống khác biệt đi một chút. Mà, có lẽ dùng sống khác biệt thì hơi quá, chỉ đơn giản là sống thuần mình hơn một tí: Sống Thật. Thiết nghĩ, dám thể hiện cá tính của mình, dám động đậy một chút vào ngoại biên của truyền thống, dám khác đi một chút với quần thể của mình, là một lẽ sống thật. Và giá trị thật sự của một xã hội tiến bộ, phát triển là chấp nhận thỏa hiệp với những yếu tố “sống khác” đó nhiều hơn.