img_0
1) TẠI SAO GỌI LÀ KHẮC KỶ?
Nhắc đến Chủ Nghĩa Khắc Kỷ, bạn nghĩ gì trong đầu? “Khắc” phải chăng là sự hà khắc? Còn “Kỷ” ắt hẳn là bản thân rồi. Vậy Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là sự hà khắc với bản thân chăng? Chắc là cũng tương tự như trường phái tu khổ hạnh rải rác đâu đó ở dãy Hy Mã Lạp Sơn chứ gì?
Thật sự ra từ “Khắc” ở đây có nghĩa là làm chủ. Vậy thì “Khắc kỷ” có nghĩa là làm chủ bản thân của mình. Chủ Nghĩa Khắc Kỷ chủ trương những lý thuyết và những sự thực tập rất thực tế và sinh động nhằm một mục tiêu duy nhất, đó là: “Để có một cuộc sống chất lượng hơn.”
img_1
2) BẠN BÈ PHƯƠNG TÂY CÓ HIỂU NHẦM CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ NHƯ CHÚNG TA?
Có chứ, bởi vì Chủ Nghĩa Khắc Kỷ trong tiếng Anh có nghĩa là “Stoicism”, từ này có nghĩa là “Việc không phàn nàn hay thể hiện cảm xúc khi bạn đang đau khổ”. (“the fact of not complaining or showing what you are feeling when you are suffering” - theo từ điển Oxford Learner’s Dictionaries).
Chính vì khái niệm này, nên người ta thấy mấy lão theo Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là những kẻ vô tri như cành cây cục đá, chả có tí cảm xúc gì. Đau khổ hay vui vẻ, họ cũng chả thể hiện tí cảm xúc gì ra bên ngoài.
Mặc dù không mắc kẹt vào ngôn từ (khắc kỷ) như người Việt chúng ta, nhưng phương tây họ cũng bị hiểu nhầm về Chủ Nghĩa Khắc Kỷ khi thấy hững cành cây cục đá di động bước qua bước lại trước mặt họ mỗi ngày.
Nhưng sự thật là không phải những người thực hành theo chủ nghĩa này ruồng bỏ cảm xúc của bản thân, mà họ không bị mắc kẹt vào những điều kiện bên ngoài. Họ vẫn sẽ khổ đau chứ? Đúng, nhưng không đến mức vò đầu, đấm ngực, bứt tai, và gào thét trong vô vọng. Họ sẽ vẫn vui vẻ chứ? Đúng thế, nhưng họ sẽ không nhảy cẫng lên, và lăn đùng ra ngất xỉu khi trúng độc đắc một tờ vé số may mắn.
img_2
3) AI SÁNG LẬP RA CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ?
Người sáng lập ra Chủ Nghĩa Khắc Kỷ là Zeno của xứ Citium (thuộc Cộng Hoà Síp ở Trung Đông, khu vực Địa Trung Hải). Ông là một thương gia, trong một lần đi du lịch trên biển, thì tàu của ông bị đắm. Ông may mắn giữ được mạng sống của mình. Trớ trêu thay, con thuyền và tài sản của ông đều đã đi tong, ông đã chính thức mất đi tất cả.
Có lần ghé vào một hiệu sách, ông được người ta giới thiệu về Socrates, một triết gia theo trường phái triết học Duy Tâm (nôm na là tất cả mọi sự buồn vui, mọi hiện tượng sự vật trên thế giới này đều từ tâm thức biến hiện ra. Tâm ta thế nào, thì cảnh như thế ấy). Và một lần khác ông được giới thiệu về triết gia Crates, chủ trương trường phải Cynicism, một trường phái cho rằng: Để đạt được hạnh phúc trong cuộc đời này, ta phải sống thật đức hạnh, hoà nhập với thiên nhiên, sống đơn giản, không vướng mắc vào những thị phi ràng buộc của xã hội (tôi tạm dịch - theo Wikipedia).
Kết hợp 2 tư tưởng này với nhau, Zeno đã sáng lập nên chủ nghĩa Khắc Kỷ, cái mà đã tồn tại và thịnh hành trên 2000 năm nay.
img_3
4) NHƯNG TẠI SAO GỌI LÀ STOICISM?
“Stoicism” bắt nguồn từ chữ “Stoa Poikilê” tiếng Anh là “Painted Porch” tạm dịch là “Mái hiên được tô vẽ”. Stoa Poikilê là một công trình rất đẹp và nổi tiếng tại thành Athens, Hy Lạp. Thời xưa, các tín đồ của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ thường lui tới nơi này để thảo luận, chia sẻ, bàn tán và học hỏi lẫn nhau.
Thay vì lấy tên là Zenonism (theo tên của Zeno) để đặt tên cho trường phái triết học này thì cuối cùng nó lại có tên là Stoicism. Có người cho rằng sự việc này bắt nguồn từ sự khiêm nhường của Zeno.
img_4
---
Song, cái quý giá nhất của Chủ Nghĩa Khắc Kỷ đó chính là những chủ trương, những quy tắc sống để đạt được mục đích duy nhất: Có một cuộc sống chất lượng hơn. Vậy thì họ đã chủ trương những gì và sống như thế nào?
(Khi nào tò mò thêm thì sẽ viết thêm nhen)

HOÀNG PHÚC