MÒN MỎI CHỜ MỘT CƠN SÓNG HỒI!
Trong chứng khoán có 2 thuật ngữ khá thú vị, đó là hỗ trợ và kháng cự. Hỗ trợ là vùng giá mà cổ phiếu giảm được kỳ vọng sẽ bật lên,...
Trong chứng khoán có 2 thuật ngữ khá thú vị, đó là hỗ trợ và kháng cự.
Hỗ trợ là vùng giá mà cổ phiếu giảm được kỳ vọng sẽ bật lên, tăng trở lại. Kháng cự là vùng giá mà cổ phiếu tăng được kỳ vọng sẽ đảo chiều giảm. Và trong thị trường chứng khoán, thường giá cổ phiếu sẽ có xu hướng giao động ở vùng giữa hỗ trợ và kháng cự.
Khi cổ phiếu tăng vượt qua được vùng kháng cự thì vùng giá này sẽ trở thành vùng giá hỗ trợ. Cổ phiếu sẽ có cơ hội tăng lên một vùng giá mới. Ngược lại, khi cổ phiếu giảm và chọc thủng xuống vùng giá hỗ trợ, thì cổ phiếu sẽ tụt xuống vùng giá thấp hơn. Vùng giá hỗ trợ lúc này sẽ biến thành vùng kháng cự (dễ hiểu là vùng cản).
Nếu cổ phiếu cứ chạm vùng giá kháng cự (hỗ trợ) rồi đảo chiều nhiều lần thì vùng giá kháng cự (hỗ trợ) này được gọi là vùng kháng cự (hỗ trợ) mạnh.
Vậy tại sao lại có những vùng giá kháng cự (hỗ trợ) này?
Là bởi vì phần đông các nhà đầu tư khi đó có niềm tin rằng giá CP sẽ không thể tăng (giảm) vượt qua được vùng giá đó, dẫn tới hành động bán (mua) của số đông.
Để vượt qua được vùng giá giá kháng cự, thị trường đòi hỏi một sự nỗ lực lớn trong niềm tin của NĐT, đặc biệt là các NĐT lớn để giá CP có thể lên một tầng cao mới.Mà sự nỗ lực trong niềm tin này không hề dễ dàng, phải được kiểm tra nhiều lần trong thời gian phù hợp mới thành công. Khoảng thời gian này người ta gọi là khoảng thời gian tích lũy.
Khi tìm hiểu thị trường chứng khoản, tôi đã rất hứng thú với 2 khái niệm này, và có nhiều lần liên hệ với cuộc sống thực tế.
Bản thân mỗi cá nhân chúng ta phần lớn thời gian sống trong một vùng an toàn. Có lúc vui, có lúc buồn nhưng tựu chung lại là vẫn cảm thấy ổn.
Nếu ta sống lâu trong vùng an toàn thì vùng kháng cự (cản) của ta càng lớn, ta càng trở nên ỳ và khó phát triển, gần như niềm tin phát triển không còn.
Còn nếu ta liên tục thử thách vùng kháng cự, giới hạn thì ta càng có nhiều cơ hội để phát triển. Và khi bạn vượt qua được 1 thử thách kháng cự và giới hạn thì lập tức, cái giới hạn đó sẽ trở thành mức hỗ trợ (dễ hiểu là sàn) để bạn đứng lên trên một vị thế mới.
Thị trường chứng khoán luôn biến động, nhưng sẽ luôn ở 3 trạng thái: đi ngang (sideway), xu hướng giảm (downtrend), xu hướng tăng (uptrend). Và về dài hạn, các NĐT luôn tin rằng thị trường sẽ luôn theo xu hướng tăng. Dù có lúc sụt mạnh, hay đi ngang kéo dài thì thị trường luôn nỗ lực tăng trưởng.
Những cổ phiếu nếu không trong xu hướng nỗ lực này, hoặc tăng trưởng ảo sẽ luôn bị trả về đúng giá trị và bị đào thải. Và bị thay thế bởi các CP minh bạch và mạnh mẽ hơn.
Có một điều thú vị nữa, đó là CP sẽ không bao giờ tăng hay giảm một mạch. Mà nó luôn phải vượt qua, test lại các vùng kháng cự (hỗ trợ).
Bản thân chúng ta cũng vậy. Không ai có thể một phát ăn ngay để thành công, một phát ăn ngay để trở thành xuất sắc được. Chúng ta phải vượt qua các vùng an toàn, các khó khăn, thử thách, các giới hạn để đi lên. Và nếu không may trượt chân té ngã, thì sẽ luôn có vùng hỗ trợ làm đệm đỡ cho chúng ta.
Đừng nóng vội! Hãy luôn tích lũy năng lực cho bản thân và không ngừng quan sát hoàn cảnh xã hội. Sẽ luôn có cách để vượt mức kháng cự!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất