Nhóm chúng tôi đã nhận được một bức thư cầu cứu:
"Hai chúng tôi đều tới từ gia đình không mấy hạnh phúc nên ngay từ đầu đã hạ quyết tâm không lặp lại sai lầm của cha mẹ, vì vậy đã rất cẩn thận duy trì mối quan hệ, tình cảm lúc nào cũng rất tốt đẹp. Nhưng mới đây, có vẻ vì gia tăng áp lực trong cuộc sống nên chúng tôi đã xung đột nhiều hơn, tính cách ẩn giấu bên trong của cả hai đều bộc lộ, những điểm ở cha mẹ mà chúng tôi hết sức né tránh dường như vẫn còn tồn tại và sẽ được bộc lộ mỗi khi chúng tôi cãi nhau. Đột nhiên tôi thấy tương lai vô định. Cứ tưởng sau khi chứng kiến bao nhiêu điều tồi tệ thì sẽ có thể bớt khiến mối quan hệ của mình bị chệch hướng, nhưng hiện giờ tôi lại thấy những người lớn lên trong gia đình bất hạnh như chúng tôi sẽ không biết yêu và được yêu, sẽ không biết cách chung sống tử tế với nhau, sau này có lẽ sẽ gặp càng nhiều trở ngại. Những người có gia đình gốc có vấn đề khi đến với nhau, rốt cuộc sẽ dễ dàng hơn hay khó khăn hơn? Tôi có nên tiếp tục bên cạnh người mà gia đình gốc có vấn đề giống như mình không?
Một bức thư làm mình thấy buồn ghê. Những vấn đề của gia đình gốc đã khiến họ đau đầu rồi, chẳng dễ dàng gì để có gia đình nhỏ cho riêng mình, vậy mà vẫn phải đối mặt với ảnh hưởng mà gia đình gốc để lại.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, những đứa trẻ của gia đình không hạnh phúc về sau thực sự có khả năng quản lý cảm xúc khá thấp trong hôn nhân, khả năng thích ứng với hôn nhân khá kém, có nhiều hơn cảm giác tiêu cực đối với hôn nhân và mức độ thỏa mãn càng thấp (nhóm Brown, 2015; nhóm Falcke, 2008). Nhưng đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy đây không phải là một kết quả tất yếu, vì những đứa con của gia đình bất hạnh cũng có thể có được hôn nhân hạnh phúc.
Khác biệt nằm ở đâu? Để làm rõ vấn đề này, chúng ta hãy nói về mức độ ảnh hưởng của gia đình gốc không hạnh phúc đối với mối quan hệ thân mật trong tương lai của con cái.
(Lưu ý: Các lý thuyết để phân tích vấn đề này rất phức tạp và có nhiều trường phái tư tưởng. Bài viết này chỉ phân tích và thảo luận một số quan điểm dựa trên lý thuyết hệ thống gia đình)

MỐI NGUY LỚN NHẤT MÀ GIA ĐÌNH GỐC KHÔNG HẠNH PHÚC GÂY RA CHO CON CÁI LÀ TẠO RA LO LẮNG MÃN TÍNH TRONG MỌI MỐI QUAN HỆ THÂN MẬT CỦA HỌ.

Nhà trị liệu gia đình tiên phong Murray Bowen đã chỉ rõ, giữa các thành viên trong một gia đình lành mạnh cần có một khoảng cách lành mạnh, vừa có thể ảnh hưởng lẫn nhau, lại không bị hợp nhất với nhau, giúp duy trì liên hệ tình cảm và cung cấp không gian độc lập tự chủ cho mỗi thành viên.
Nhưng trong một gia đình không lành mạnh, dù hình thức biểu hiện có đa dạng thế nào thì đều có một điểm chung, đó là giữa các thành viên không hề tồn tại khoảng cách thích hợp kia (Kerr & Bowen, 1988).
Có những gia đình mà mối quan hệ giữa các thành viên quá gần gũi, hoàn toàn hợp nhất với nhau. Cảm xúc và hành vi của mình hoàn toàn phụ thuộc vào đối phương, bản thân không có lựa chọn và cảm xúc độc lập, cũng không cho phép người khác có.
img_0
img_1
Có những gia đình mà các thành viên lại vô cùng xa cách, lạnh nhạt, khiến cho người muốn được quan tâm buộc phải cố hết sức để lấy lòng người khác, cầu xin người khác ở cạnh mình.
img_2
img_3
Vì vậy, họ buộc phải gạt suy nghĩ của bản thân sang một bên và hành động theo nhu cầu của các thành viên khác. Khi họ lớn lên, rời xa gia đình và thiết lập mối quan hệ gần gũi của riêng mình, họ sẽ duy trì và quản lý mối quan hệ của mình theo cách không hợp lý do thói quen cố hữu là làm vui lòng người khác. Có người sẽ tiếp tục kiểu của gia đình mình mà hòa nhập quá mức với bạn đời. Có người sẽ đi theo thái cực còn lại và lựa chọn cắt đứt tình cảm.
Người hòa nhập quá mức sẽ tiếp tục hy sinh quyền tự chủ để duy trì mối quan hệ, tất cả hành động đều phụ thuộc vào đối phương, hy vọng đối phương cũng làm như vậy, và tin rằng đây mới là biểu hiện của việc muốn duy trì mối quan hệ. Một khi đối phương khăng khăng với suy nghĩ của mình mà không đáp ứng được nhu cầu của họ thì dù đối phương có làm bao nhiêu việc để củng cố mối quan hệ một cách khách quan, họ cũng sẽ nghĩ là đối phương không còn yêu họ và không muốn tiếp tục mối quan hệ nữa.
img_4
Người lựa chọn cắt đứt tình cảm (emotional cutoff) sẽ thông qua việc không thiết lập mối quan hệ sâu sắc và thân thiết với người khác để tránh khỏi phải kìm nén bản thân và làm hài lòng người khác giống như hồi còn ở với gia đình gốc. Có thể họ đang trong mối quan hệ nhưng vẫn giữ khoảng cách, từ chối gặp mặt hay dành thời gian thường xuyên cho đối phương, từ chối chấp nhận lòng tốt của đối phương. Nhưng một khi đối phương hy vọng họ cân nhắc tới cảm nhận của đối phương khi đưa ra quyết định thì họ liền trách đối phương đang trói buộc tình cảm.
img_5
Hợp nhất với đối phương hay lựa chọn cắt đứt tình cảm đều khiến cho mối quan hệ trở nên vô cùng mong manh. Vì lựa chọn kiểu này không thể giúp họ duy trì mối quan hệ và cũng không thể nhìn nhận vấn đề một cách lý trí và chín chắn.
Họ luôn có xu hướng hành động bốc đồng, cách giải quyết vấn đề cũng thiếu tính xây dựng, thậm chí còn phá hủy mối quan hệ. Điều này khiến cho mối quan hệ của họ trở nên trắc trở hơn.

NHỮNG NGƯỜI CÓ GIA ĐÌNH GỐC KHÔNG HẠNH PHÚC NHƯNG LẠI HẠNH PHÚC TRONG MỐI QUAN HỆ THÂN MẬT CỦA HỌ CÓ ĐIỂM GÌ KHÁC BIỆT?

Đặc điểm 1: Họ luôn có các nét tính cách (personal traits) hữu ích
Nghiên cứu phát hiện ra hai đặc điểm tính cách tạo ra sự khác biệt là: Chủ nghĩa lạc quan và Niềm tin vào năng lực của bản thân* (Carr & Kellas, 2018).
Chúng giúp mọi người có mục tiêu và động lực cũng như niềm tin vào khả năng đạt được mục tiêu mà mình mong muốn, trở nên linh hoạt và tích cực hơn trong việc tìm kiếm giải pháp khi đối mặt vấn đề mà không phải lúc nào cũng sống dưới ảnh hưởng của gia đình gốc.
Điều đó có nghĩa là dù phát sinh sai sót trong quá trình chung sống, chỉ cần xác định rõ mục tiêu duy trì mối quan hệ, những người mang hai nét tính cách này sẽ chủ động học hỏi, điều chỉnh bản thân và thực hiện những hành động có lợi cho mối quan hệ một cách kịp thời hơn những người khác.
Đặc điểm 2: Họ cũng có thể có các mối quan hệ gần gũi cùng kiểu nhưng mang tính bảo vệ bên ngoài gia đình gốc
Một số học giả đã chỉ ra rằng ảnh hưởng của gia đình gốc chỉ có cơ hội tiếp tục khi các kiểu hình học được từ gia đình gốc được đem ra sử dụng để giải quyết vấn đề (nhóm Falcke, 2008).
Nói cách khác, nếu bạn thiết lập mối quan hệ gần gũi tương tự trong quá trình trưởng thành, nhưng nó có thể mang đến cho bạn sự bảo vệ thì điều này có thể bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực từ gia đình gốc.
Nghiên cứu đã phát hiện, người có thể hỗ trợ cảm xúc cho bạn hoặc khuyến khích bạn độc lập tự chủ và xuất hiện khi bạn cần, có thể mang tới cho bạn mối quan hệ có tính bảo vệ (nhóm Adler, 2017; Carr & Kellas, 2018). Họ có thể thấu hiểu được nỗi đau của bạn mà không nghi ngờ hay phủ nhận bạn. Họ cũng có thể giúp bạn sắp xếp cảm xúc và suy nghĩ khi bạn gặp phải áp lực, cổ vũ bạn đưa ra lựa chọn phù hợp với mong muốn và xuất hiện vào những lúc bạn cần.
Mối quan hệ dạng này có thể hỗ trợ bạn phát triển năng lực hồi phục khi gặp áp lực và chống lại những ảnh hưởng của gia đình gốc.

NẾU TÔI KHÔNG CÓ NÉT TÍNH CÁCH NÀO HỮU ÍCH, CŨNG KHÔNG CÓ MỐI QUAN HỆ CÓ TÍNH BẢO VỆ, THÌ TÔI KHÔNG THỂ THOÁT KHỎI ẢNH HƯỞNG CỦA GIA ĐÌNH GỐC SAO?

Không nha, sự cố gắng có ý thức có thể mang lại cho bạn những mối quan hệ thân mật tốt đẹp.
Bước 1: Phát triển sự tự tin trong cuộc sống hàng ngày
Bạn có thể trải nghiệm khả năng của bản thân trong các khía cạnh khác của cuộc sống như công việc, học tập hay các nhiệm vụ hàng ngày để thiết lập lòng tin vào chính mình. Bạn cũng có thể thông qua việc giải quyết các vấn đề nhỏ trong mối quan hệ để cảm thấy bản thân đang vun vén và quản lý mối quan hệ, trải nghiệm bản thân có khả năng đối phó với ảnh hưởng của gia đình gốc và duy trì mối quan hệ hiện tại.
Bước 2: Thông qua các nhiệm vụ cá nhân để luyện tập cân bằng cảm xúc và lý trí
Khi một mình đưa ra quyết định, bạn có thể ghi lại quá trình suy nghĩ và những cảm xúc đã thúc đẩy việc ra quyết định, đặc biệt chú ý tới những phần mâu thuẫn với nhau, và luyện tập cách cân bằng.
img_6
Không ngừng rèn luyện cách cân bằng cảm xúc và lý trí, bạn cũng sẽ thấy việc này trở nên dễ dàng hơn trong các mối quan hệ.
Bước 3: Nhờ đối phương giúp bạn xử lý lo lắng về mối quan hệ
Bước này là để xây dựng cơ sở nhận thức rõ ràng về những yếu tố thúc đẩy quá trình ra quyết định của bạn. Khi bạn cảm thấy những quyết định của mình trong mối quan hệ xuất phát từ những cân nhắc về mặt cảm xúc:
img_7
Bạn cần phải bình tĩnh trao đổi với đối phương về sự bất an của bạn và tìm hiểu quan điểm của họ. Điều này trước tiên khiến cho đối phương cảm thấy bạn có quan tâm tới họ, giúp củng cố tình cảm của các bạn. Quan trọng hơn là mỗi lần bạn khẳng định đối phương sẽ không rời bỏ bạn và đối phương cũng sẽ không bó buộc bạn, bạn sẽ thoát khỏi lo lắng và dần dần dũng cảm đưa ra quyết định của chính mình.
Khi viết bài này, tôi nghĩ về một bài khảo sát mình từng đọc. Kết quả chỉ rõ, trong một loạt các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng hôn nhân, gia đình gốc đóng vai trò khoảng 23,7%. Như vậy cũng có nghĩa là còn hơn 75% không gian cho bạn phát huy bản thân để điều chỉnh chất lượng cuộc hôn nhân của mình. Dù cách chúng ta nhìn nhận hôn nhân chắc chắn chịu ảnh hưởng từ gia đình gốc, nhưng mối quan hệ là của chính chúng ta. Dù không xuất thân từ gia đình hạnh phúc nhưng chúng ta vẫn có khả năng và cơ hội để tạo nên tương lai cho chính mình.
Những người lớn lên trong gia đình có vấn đề khi đến với nhau thì sẽ khó khăn hơn hay dễ dàng hơn? Tôi không có đáp án chính xác nào. Nhưng tôi nghĩ, khi cả hai bạn thật lòng và kiên trì yêu thương, muốn ở bên nhau, điều thực sự quyết định tương lai của các bạn, vốn dĩ không phải là gia đình gốc mà là chính các bạn.
Tham khảo: 1. Alder, M. C., Yorgason, J. B., Sandberg, J. G., & Davis, S. (2018). Perceptions of parents' marriage predicting marital satisfaction: The moderating role of attachment behaviors.Journal of Couple & Relationship Therapy, 17(2), 146-164. 2. Brown, J. (1999). Bowen family systems theory and practice: Illustration and critique.Australian and New Zealand Journal of Family Therapy, 20(2), 94-103. 3. Brown, M., Larson, J., Harper, J., & Holman, T. (2016). Family‐of‐origin experience and emotional health as predictors of relationship self‐regulation in marriage.Journal of Family Therapy, 38(3), 319-339. 4. Carr, K., & Kellas, J. K. (2018). The role of family and marital communication in developing resilience to family-of-origin adversity.Journal of Family Communication, 18(1), 68-84. 5. Falcke, D., Wagner, A., & Mosmann, C. P. (2008). The relationship between family-of-origin and marital adjustment for couples in Brazil.Journal of family psychotherapy, 19(2), 170-186. 6. Kerr, M. E., & Bowen, M. (1988). Family evaluation.New York, NY: Norton
Bài dịch từ bài viết của KnowYourself. *cảm ơn sự góp ý từ Surphi10 về cách dịch từ này.