“Mình không thích đi chơi”. Đến bây giờ mình mới có thể nói ra điều này một cách thảnh thơi như vậy, sau nhiều giờ suy nghĩ, đối thoại với bạn bè và chính bản thân.
Câu chuyện của mình bắt đầu từ lúc mình đặt ra mục tiêu làm quen một người bạn mới mỗi ngày trong bài viết “Tạm biệt 2021, chào 2022”. Đó là lần đầu tiên mình chính thức đặt ra một mục tiêu “mạo hiểm” như vậy. Mọi chuyện diễn ra êm xuôi, mình đã làm quen được với nhiều bạn mới, có những câu chuyện chung, những quan điểm độc đáo và... những cái hẹn. Bạn chung lớp Đại học rủ mình đi cafe khi trở lại học ở trường, những người bạn cũ rủ mình đi chơi đây đó. Mình thích cảm giác biết người mình đang nói chuyện cùng cần gì, thích lắng nghe, nói về định hướng, tương lai và những kế hoạch... nhưng mình không có cảm giác đó cho những lần đi ra ngoài cả ngày dài rồi ra về với cái đầu trống rỗng. Tạm thời là vậy. Vì có lẽ là bản thân mình sẽ thay đổi, và ai biết được sau này mình sẽ nghĩ thế nào về những gì mình từng viết.
Nhiều lúc mình cảm thấy áp lực khi được mời đi đâu đó, khi não mình tự động gợi ra những từ khóa như “tốn thời gian”, “tốn tiền” và “mệt mỏi”. Bình thường khi ở nhà, mình làm được khá nhiều việc, từ học bài, đọc sách, đến viết blog, làm podcast, tập thể dục... Mình thấy bản thân có thể luôn năng suất như vậy khi ở nhà, một mình, trong căn phòng của mình, với chính những bàn ghế đó. Mình có cảm giác rằng mình có thể kết nối với cả thế giới chỉ qua màn hình điện thoại, máy tính, và thực sự mình đã làm điều đó, với một tâm thế vô cùng thoải mái. Phải chăng mình là một người hướng nội, như những gì mình luôn nghĩ.
Đi chơi, chắc chắn sẽ tốn tiền, không ít thì nhiều. Nào là tiền xăng xe, đồ ăn, nước uống và các dịch vụ khác như gửi xe, trò chơi, tham quan... Chắc hẳn sẽ có người nghĩ mình tính toán. Thì câu trả lời là mình tính toán thật đó, chẳng có việc gì mình làm mà không suy tính tới lợi ích của cá nhân mình cả. Ví như việc bạn tặng quà cho một người, điều bạn nghĩ đến (một cách không toan tính nhất) theo lẽ thường là để người đó vui. Vậy mục tiêu “làm cho người đó vui” cũng là ý định của bạn. Và đến khi ai đó nhận được quà, người đầu tiên hoàn thành mục đích chính là bạn chứ chẳng phải người nhận được quà kia. “To say ‘I love you’ one must first know how to say the ‘I.’” - Ayn Rand. Tạm dịch: “Để nói ‘Tôi yêu em’, một người trước hết phải biết cách để nói ‘Tôi’”. Ta làm gì đó vì ta muốn thế, bằng cách này hay cách khác, trước hết cũng là những lựa chọn cho bản thân. Sẽ có những lúc ta chẳng thể làm được điều ta muốn, nhưng có lẽ, ít nhất ta vẫn đang làm thứ gì đó khác vì nó là lựa chọn tốt hơn. Có ai mà không thích một lựa chọn tốt hơn. Đây là điều mình học được khi nói chuyện với các bạn trong nhóm về tính “thực dụng” của mình, nhưng có vẻ là ai cũng chỉ đang cố để “thực tế” mà thôi.
Quay trở lại với việc đi chơi. Bỏ qua những con số tiền bạc chi li, lúc này mình sẽ tính đến cả chi phí cơ hội - một biểu hiện của The Paradox of choice (Nghịch lý của Sự lựa chọn - càng có nhiều lựa chọn, ta càng có xu hướng ít hạnh phúc hơn). Bình thường thì mình chỉ việc đến trường, rồi về nhà. Bây giờ được rủ đi chơi, bỗng dưng xuất hiện một lựa chọn mới và buộc mình phải quyết định giữa việc đi hay không đi. Mình tin rằng có người sẽ dừng lại và đắn đo như mình chứ không đồng ý đi chơi ngay lập tức, đây không phải điều gì lập dị lắm đâu. Để ra quyết định, mình thường so sánh các điểm mạnh và điểm yếu (hoặc mặt được, mặt mất) của từng lựa chọn. Nếu đi chơi, mình vừa tốn tiền cho những thứ vật chất, vừa có chi phí cơ hội là thời gian, sức khỏe và kiến thức biết đâu sẽ cóp nhặt được khi ở nhà. Vậy mình được lợi gì khi đi chơi cùng bạn bè?
Giải trí? Nhưng mình đâu bị áp lực đến vậy. Hầu hết những vấn đề tâm lý mình gặp phải đều có thể được giải quyết bằng cách viết hoặc nói ra. Thời gian biểu của mình luôn có chỗ cho những liệu pháp tâm lý như viết nhật ký, tự trò chuyện với bản thân, thiền, viết blog, kết nối với thiên nhiên, con người,... Và những thứ này thật sự hiệu quả khi giúp mình nhìn nhận vấn đề một cách bình tĩnh hơn, trong hầu hết các lần mình phải đối mặt với chúng. Nhưng trong trường hợp cần sự giúp đỡ, chắc chắn mình sẽ chủ động tìm đến bác sĩ tâm lý. Mặc dù chưa từng phải dùng đến phương án này, mình chắc chắn rằng việc chịu đựng một mình khi bản thân đã quá mệt mỏi không phải là một lựa chọn tốt. Chúng ta cần phải nói nhiều hơn về sức khỏe tinh thần, xây dựng một xã hội thấu cảm để hỗ trợ những người gặp vấn đề này một cách nghiêm túc và có hiểu biết. Từ đây, dường như vì biết giữ một tâm lý ổn định mà mình cũng ít khi nào thật sự cần phải “giải trí” cả ngày dài.
Nếu không cần giải trí, vậy mình có tiếp thu thêm được kiến thức nào đó khi đi chơi với bạn bè? Ông bà ta hay có câu “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” cũng đúng thật. Đi chơi, mình biết được có những tòa nhà có tới 2 tầng hầm và có những quán “coffee in bed” để vừa nhâm nhi uống nước, vừa trải người nghỉ ngơi dưới ánh đèn vàng ấm áp. Nhất là sau một ngày dài hít căng bụi đường Sài Gòn tưởng chừng quen thuộc. Đi chơi, mình biết được thêm vài thứ thật, nhưng liệu chúng sẽ giúp ích gì cho mình sau này? Có lẽ là trong những cuộc nói chuyện, sẽ có những cơ hội nào đó chăng? Mình vẫn thấy vẫn chưa đến lúc mà xã hội ngoài kia sẽ thay đổi một cách chóng mặt và để mình lại phía sau nếu mình chọn ở nhà viết blog thay vì đi chơi.
Trải nghiệm thì sao? Chắc chắn là có những trải nghiệm cùng bạn bè. Những kỷ niệm về cả ngày dài rong ruổi, những nụ cười, những bức ảnh và thước phim sẽ mãi là một phần của cuộc sống. Người lớn thường nói rằng những thứ như vậy, sau này lớn lên mới thấy trân trọng. Nhưng đó vẫn là việc của “sau này”, một thứ gì đó quá xa vời và chẳng bao giờ thực tế. Mình đâu thể nào biết được sau này mình có tiếp tục vui vẻ với các bạn không và liệu những giá trị này sẽ đi về đâu. Mặt khác, việc học thêm những kỹ năng mới, tìm kiếm các cơ hội và tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của bản thân có vẻ giúp mình hình dung tương lai “sau này” một cách rõ ràng và sống động hơn.
Những yếu tố lợi ích - chi phí này làm mình suy nghĩ rất nhiều mỗi khi được mời đi chơi đâu đó, nhiều lúc trở thành áp lực và thậm chí là sự lo âu. Nếu đi thì mình được gì còn nếu không đi thì sẽ ra sao? Chọn kỷ niệm để nhìn về từ “sau này” mông lung, hay chọn “tương lai” của hiện tại chi tiết và sắc nét? Câu trả lời của mình cho đa số trường hợp sẽ là ở nhà, với sự thoải mái và nhiều khi là cái nhãn hướng nội mình tự dán cho bản thân nữa. Nhưng mình không chọn đi chơi không có nghĩa là mình không trân trọng những mối quan hệ trong hiện tại và quá khứ. Mà vì ở mỗi giai đoạn, mỗi người sẽ có một ưu tiên khác nhau. Và ưu tiên lúc này của mình hiện đang là sự nghiệp. Tuy vậy, mình vẫn thường dùng những cách khác để kết nối như nhắn tin, tương tác trên mạng xã hội, gửi những thông tin mà mình thấy bổ ích đến những chấm sáng trên bản đồ các mối quan hệ. Đó là những cách mà mình cảm thấy phù hợp khi thực hiện, những cách cho mình cảm giác được là chính mình.
Nhưng với một góc nhìn từ bên ngoài, đa số bạn bè của mình luôn cho rằng mình là một người hướng ngoại. Có người hướng nội nào lại tự đặt cho mình thử thách làm quen một người mới mỗi ngày. Có ai thích ở một mình mà lại chủ động tham gia các tổ chức, hoạt động chật kín những người và người. Có ai ngại đám đông mà dám đứng trên sân khấu, mặc dù với đôi bàn tay lạnh ngắt và run lẩy bẩy. Có lẽ mình là một người may mắn, khi sở hữu cả những yếu tố của người hướng nội và hướng ngoại - Ambivert. Hoặc là có thể, chúng ta đều may mắn như vậy.
Theo mình, hướng nội hay hướng ngoại cũng chỉ là những tùy chọn trong giao tiếp. Không ai là hướng nội hay hướng ngoại hoàn toàn cả. Có nhiều thứ có thể thay đổi được bằng nỗ lực, đặc điểm tính cách hướng nội/hướng ngoại cũng không phải là ngoại lệ. Mỗi dạng tính cách sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Và trong nhiều trường hợp, ta có thể lựa chọn cách tiếp cận vấn đề để thể vừa tận dụng những ưu thế sẵn có, vừa hạn chế những nhược điểm cố hữu trong tính cách của bản thân.
Trước đây, mình từng là một đứa đơn thuần chỉ biết đến trường đi học, rồi về nhà, ăn cơm, làm bài tập rồi lên giường ngủ. Nhưng rồi mình nhận ra, chỉ vậy là không đủ. Sẽ như thế nào nếu ta không thể tương tác với con người trong một xã hội cơ man là người với người. Rồi mình tập nói chuyện, tập suy nghĩ và bước ra với thế giới. Đây chắc chắn là một quá trình khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực, không thể phủ nhận điều này. Tuy nhiên những thành quả mình đạt được là hết sức xứng đáng, với món quà nhận thức về bản thân và cuộc sống. Mọi thứ thường dường như hoạt động rất nhịp nhàng. Bộ não sâu sắc của người hướng nội giúp mình có thể lắng nghe một cách chủ động, phân tích rồi lựa chọn những “đáp án đúng” cho cuộc trò chuyện. Và trái tim nhiệt huyết của người hướng ngoại giúp mình chuyển những suy nghĩ thành lời nói rồi biến lời nói thành hành động.
Mặt khác, Ambivert là món quà và cũng là thử thách. Phải “chuyển công tắc” giữa hai thái cực nhiều lúc làm mình kiệt sức. Vừa phải đốt cháy động cơ tối đa, vừa phải nhanh chóng phanh gấp những đoạn có vật cản, “phanh” và “ga” lúc nào cũng trong trạng thái quá tải. Mình muốn kết nối với mọi người nhưng lại cần nạp năng lượng một mình, mình muốn ở một mình nhưng lại cần phải đi ra ngoài và nói chuyện. Trong mình luôn tồn tại những mâu thuẫn, và một bộ não thích phân tích vừa giúp mình cân bằng những mâu thuẫn đó hoặc là làm chúng trở nên nghiêm trọng hơn (trong đa số trường hợp).
Gần đây, mình đã dành ít nhất 4 tiếng liên tục (không kể những lúc bất chợt) để suy nghĩ nghiêm túc về mục tiêu “mỗi ngày làm quen một người bạn mới” của mình trong năm 2022. Rằng mình nên phát triển bản thân rồi tìm những mảnh ghép phù hợp hay ngược lại, hay làm cả hai cùng một lúc? Mình luôn là một người tham lam, và lựa chọn của mình thường là cái trông có vẻ nhiều nhất: “cả hai”. Nhưng rồi mình sẽ phải kết nối với những người như thế nào, giữ liên lạc với họ ra sao. Và rồi sau này khi đại dịch đã hoàn toàn được khống chế, mình sẽ nói chuyện với họ ở những địa điểm thực về cái gì và như thế nào? Những suy nghĩ như vậy làm mình không làm được gì ra hồn cả ngày hôm đó.
Mình không có ý định bỏ ngang mục tiêu này vì mình đã nhận được rất nhiều từ các mạng lưới. Nhưng mình cũng nhận ra bản thân không thể cứ vậy mà chỉ hiện diện trên màn hình máy tính qua những điểm ảnh phát sáng và sóng âm lên xuống. Dù công nghệ có tiên tiến tới đâu với video call, AR, VR,... thì cũng chưa thể nào thay thế tương tác thực giữa người với người được. Vì vậy, mình phải tìm ra cách để giải quyết vấn đề networking này khi trong mình dường như tồn tại 2 tiếng nói riêng biệt, một muốn lên ga đi tiếp và một muốn dừng rồi quay đầu ngược lại. Dưới đây là những gì mình đã làm để giải quyết việc này. Chẳng phải một mẫu hình các bước từ 1 đến n để giải quyết bất kỳ thứ gì, nhưng mình nghĩ bạn có thể tham khảo nếu cần, hoặc chỉ để tìm thấy những điểm chung và đồng cảm ở một mức độ nào đó.
Đầu tiên, mình nói chuyện với bạn bè về những gì mình gặp phải. Dù mọi người chỉ chủ yếu là lắng nghe và chỉ thực sự đưa ra lời khuyên khi mình thể hiện mong muốn, nhưng được nói ra giúp mình rõ hơn về vấn đề của bản thân. Mình rất trân trọng những người đã lắng nghe và chia sẻ những suy nghĩ của họ với mình. Và mình sẽ luôn ở đó lúc họ cần, không chỉ như một sự đền đáp đơn thuần.
Tiếp theo, sau khi kết nối với con người, mình quay trở lại kết nối với bản thân. Mình chuyển những suy nghĩ và những thứ mình đã nói thành con chữ với giấy và bút, như một liệu pháp tâm lý mình luôn tin cậy. Mình ghi ra vấn đề mình đang gặp phải, đi tìm nguyên nhân hiện hữu, nguyên nhân của nguyên nhân rồi đưa ra những hướng giải quyết khả thi. Chỉ một câu đơn giản như vậy nhưng để viết xuống, ta phải thực sự thành thật với bản thân, áp dụng tư duy phản biện với chính mình, đồng thời cũng phải vừa thực tế, vừa sáng tạo để tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất. Vì sao lại có nguyên nhân này, điều gì khiến mình có cảm giác như vậy, chỉ là tính cách của bản thân mình hay còn có điều gì đó phía sau, và nếu có thì nó là gì? Mình có thể thực hiện được phương án này không, nó có làm ảnh hưởng đến những giá trị khác của mình không, và vì sao? Cứ tự đặt ra câu hỏi, tự trả lời và tự chất vấn, bạn sẽ sớm tìm ra được những góc nhìn, giải pháp khách quan và logic nhất cho vấn đề mình gặp phải.
Đây là những giải pháp mình nghĩ ra được cho vấn đề của mình.
1. Tập nói “không”. Mình sẽ nói không với những người mình cảm thấy không thoải mái khi tương tác và với những cuộc đi chơi mà mình không được là chính mình. Để làm được điều này, phải biết mình thích gì, không thích điều gì, phải mường tượng mình là ai và luôn cố gắng để định hình và nắm bắt hình ảnh đó. Nếu vẫn chưa biết mình thích gì, hãy tham khảo bài viết “Sở thích của bạn là gì” cũng đã được đăng tải trên 11011 Blog thử xem nhé.
2. Nói cho người khác cách giao tiếp mà mình cảm thấy phù hợp. Đối với mình cho đến giờ, thì đó là những buổi nói chuyện ngắn qua Messenger, những lúc tình cờ gặp mặt khi chung lớp học hoặc một sự kiện nào đó. Mình không thích những buổi đi chơi dài lê thê không nhằm mục đích nào khác ngoài giải trí. Ít nhất, khi ra ngoài là phải để giải quyết một vấn đề gì đó. Hoặc một trường hợp khác là với những người mang lại cho mình cảm giác rằng mình có thể bỏ qua tất cả “chi phí cơ hội” để cùng họ tạo ra những kỷ niệm trọn vẹn.
3. Điều chỉnh suy nghĩ để thích ứng với hoàn cảnh hiện tại. Nếu không thể từ chối một cuộc hẹn nào đó, mình sẽ buộc bản thân phải thay đổi những mặc định về việc đi ra ngoài. Điều khó khăn là não của chúng ta rất thích những thứ tiêu cực và thường “vạch lá tìm sâu” để phá hỏng những khoảnh khắc đáng lẽ ta phải được tận hưởng trọn vẹn. Nhưng não cũng có thể được “huấn luyện” để có một tư duy tích cực. Ta phải tự nhủ bản thân tạm thời quên đi sự những khoảng thời gian, tiền bạc và sức khỏe một buổi ra ngoài có thể lấy đi của mình, mà hãy nghĩ đến những kiến thức, trải nghiệm và mối quan hệ nó có thể mang đến cho ta. Đã cất công đến nơi rồi thì sao lại không đến đó với một cái đầu mở và một nụ cười.
4. Hạ thấp kỳ vọng. Trong bài TED “The paradox of choice” của Barry Schwartz, ông đã chia sẻ ”The secret to happiness is low expectations”. Tạm dịch “Bí mật để hạnh phúc là mức kỳ vọng thấp”. Không kỳ vọng rằng việc ra ngoài sẽ đem lại cho mình kiến thức bằng với lượng mình tiếp thu được khi học tập sẽ giúp bản thân cảm thấy thoải mái hơn để tận hưởng hiện tại. Quan trọng hơn là để không thất vọng về những gì đang diễn ra. Hãy cứ trò chuyện về chuyện này chuyện kia, hỏi nhau về việc học tập, bạn bè và đừng mong chờ quá nhiều đối với những thứ về tương lai hay nghề nghiệp - những thứ có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy áp lực khi bị hỏi đến.
5. “Just be” - một cụm từ mình thấy khá hay từ tập “Bài học từ hoa Bồ công anh” trên kênh The Blue Expat. Vì sao không phải là “Just be yourself” như những băng rôn, khẩu hiệu hay reo hò mà chỉ là “Just be”? Với mình, vì nhiều lúc mình chẳng biết “yourself” là gì, đâu là bản ngã, đâu là con người và giá trị của mình? Nên tạm thời, cứ hãy “Just be”, linh hoạt và sống hướng về phía trước. Vì cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi ta nhìn lại “Life can only be understood backwards; but it must be lived forwards.” - Soren Kierkegaard.
Cuối cùng, ta phải cam kết để thực hiện những giải pháp được nêu ra một cách chủ động và tự giác. Rồi đánh giá, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất với con người và định hướng của mình vào từng giai đoạn cụ thể. Mình thường dùng Blog để làm rõ ràng suy nghĩ và công bố các dự định của mình với người xem. Làm như vậy, mình như có thêm một sự cam kết ngầm rằng phải thực hiện cho đúng những điều đó. Đây cũng là một trong những thứ giúp mình có thể trở nên kỷ luật như vậy. Quan trọng là phải bắt tay vào hành động chứ đừng mãi dừng ở chỗ lên kế hoạch rồi để đó.
Vậy là đã xong bài viết lần này rồi. Dài thật, gần 5000 từ. Mình đã viết liên tục cả một ngày đó. Biết là không phải cứ dài là hay (nhiều khi còn là dở vì nhiều ý thừa thải), nhưng mà cứ xem như một bài tâm sự thôi vậy. Nếu bạn đã kiên nhẫn đọc đến đây thì mình mong rằng bạn đã biết thêm một điều gì đó qua bài viết này. Có thể kể đến tính hướng nội (introversion), hướng ngoại (extroversion) và hướng trung (ambiversion), những suy nghĩ của mình về việc đi chơi và cách mình giải quyết một vấn đề tâm lý nào đó. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay góp ý, chia sẻ gì thì hãy nhắn tin với mình qua page hoặc bình luận dưới bài viết này nha.
Chúc bạn thật nhiều sức khỏe.
Bài viết số 21
Ngày 13 tháng 01 năm 2022
#growwithme #selfawareness #mylife