Chuyện là vừa rồi mình đã học khiêu vũ trong vòng gần 2 tháng. Trước đó mình đã từng học khiêu vũ ở trường, và khá thích khiêu vũ. Khiêu vũ làm mình cảm thấy bản thân nữ tính hơn? Uyển chuyển và quyến rũ hơn? Thú vị hơn? Mình thích âm nhạc, mình thích vận động cơ thể. Có thể đó là lí do khiến mình thích khiêu vũ.
Học lại khiêu vũ là bắt đầu viết lên một tờ giấy trắng. Ở trường, ngoài cố gắng học thuộc các bước nhảy và bắt chước như một con robot ra thì môn khiêu vũ thực sự chẳng có gì. Nhưng sau lần học khiêu vũ này, mình đã cảm thấy rằng mỗi điệu nhảy đều có một linh hồn.
“Các bước nhảy không sinh ra trước để mọi người ghi nhớ và nhảy theo. Chúng ta nhảy trước, và từ đó những bước nhảy mới được ra đời.”

NHÌN THẤY TÍNH CÁCH LẤP LÁNH TRONG TỪNG BƯỚC NHẢY

“Nhảy với một người, ta có thể thấy được tính cách của người đó”.
Tính cách của ba chị em mình thể hiện rõ rệt trong từng điệu nhảy. Hìn nhảy rất phóng khoáng, dạng chân hết cỡ ra để bước, lúc nào cũng vung người quá đà, toàn bị nhắc phải kìm năng lượng lại, rất thích khúc được bạn nhảy văng đi vì mỗi lần văng là hắn sẵn sàng tung cánh bay hàng mét luôn. Ngoài đời Hìn ta cũng vậy, sống phóng khoáng, hào sảng, không màng khuôn mẫu, quy tắc, làm việc theo cảm hứng, miễn là bả thấy vui. Bông thì trái ngược hoàn toàn. Nhảy điệu nào cũng nhẹ nhàng, từ từ, chậm rãi. Chẳng chịu cảm nhận âm nhạc, lúc nào cũng dùng cái đầu phân tích và ghi nhớ từng bước nhảy. Khi không hiểu một chuyển động nào đó, nó sẽ rối tung lên giống như một cái máy tính bị quá tải dữ liệu vậy. Nó thiên về tư duy logic, nó nhảy bằng não trái, và mặc kệ nhạc nhẽo như thế nào, nó chỉ nhảy theo đúng cái dữ liệu đã thu nạp và được xử lí trong cái đầu của nó thôi. Tuy nhiên khi được bạn nhảy dẫn dắt, con bé làm rất tốt, mặc dù chưa biết điệu đó có những bước mô tê gì. Điều nó cần làm chỉ là thả lỏng hoàn toàn và để người khác dẫn đi mà thôi. Khác với mình và Hìn, 2 con người này cứ có bạn nhảy dẫn là loạn cả lên. Vì nội lực bên trong khá mạnh, nội lực đó cứ kiềm cơ thể lại, nhất quyết không để cho người khác kéo đi. Bé Bông khá hiền dịu và như cái câu mà Bông hay nói thì “Thế nào cũng được”.
Mình thì bằng hai tên trên kia cộng lại chia đôi. Đâu đó ở giữa sự lí trí và cảm tính. Mình cảm nhạc, để bản thân trôi đi theo tiếng nhạc, nhưng vẫn gồng một chút lại để ‘trôi nhưng không trôi xa quá’, để mình đạt được yêu cầu của một bước nhảy đẹp. Hầu hết mọi lúc mình đều đòi hỏi bản thân phải đạt được thứ gọi là sự hoàn hảo. Nếu chưa đạt được, mình sẽ luyện tập, tập đi tập lại sao cho có được sự nhuần nhuyễn. Tuy nhiên, mình lại rất tệ ở sự ngẫu hứng. Để ‘chơi’ với sự ngẫu hứng này có hai cách: Một là, phó mặc hoàn toàn số phận cho bạn nhảy, muốn dẫn mình đến đâu thì đến; Hai là, free the mind, hành động theo cảm tính, cứ bước bừa rồi ra sao thì ra. Bông thuộc loại số một, Hìn thuộc loại số hai. Còn mình thì thuộc loại đông đá và “Cái quái gì thế nhỉ?”. Nhiều khi hơi buồn khi con người mình hơi cứng nhắc và khuôn khổ. Đa số thời gian không cho mình đập tan tảng băng bao quanh, để thoải mái bộc lộ một cách trần trụi bản thân mình, để hành động theo cảm tính. Với mình, không có chuyện “Thích thì làm, không thích thì thôi”. Với mình, chỉ có sự uốn nắn, tôi luyện; chỉ có Nên hay Không nên, sở thích chỉ là nhất thời, nuông chiều sự nhõng nhẽo của bản thân là độc hại.
“Thầy cảm thấy Mai vẫn còn là một ẩn số, hình như con vẫn còn gò mình trong khuôn và chưa bung tỏa hết màu sắc của mình ra”
“Con có khả năng và sẽ làm được rất nhiều điều, nhưng hãy tìm điều mà con đam mê nhất”

VÒNG TRÒN BÁT QUÁI; MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI

Mình được thầy kể rất nhiều về điệu Tango, đây là điệu nhảy yêu thích nhất của thầy, vì theo thầy thì nó mang một tính nhân văn rất cao. Chuyển động trong Tango hoàn toàn dựa trên sự khéo léo giữa việc cho đi và nhận lại lực giữa hai người. Sự tương tác lực đó tạo nên một vòng tròn, được so sánh với vòng tròn bát quái, vừa trái ngược vừa bổ trợ lẫn nhau. Nếu muốn tiến lên và dẫn bạn nhảy lùi lại, bản thân mình hãy lùi trước, biến lực sinh ra khi bạn nhảy bị kéo về phía mình thành lực đẩy, để đẩy họ ra sau. Giống như trong võ thuật, cụ thể là Vịnh Xuân Quyền, cao thủ không dùng sức mạnh của bản thân. Họ nhận lấy lực từ người đấm vào họ và phản lại một lực y như thế. (thầy đã kết nối khiêu vũ và võ thuật như thế đấy) Thật khó để diễn tả chuyển động bằng lời như thế này, nhưng nói chung là điều đó rất kì diệu. Kiểu như “Lực không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác”.
Kì diệu như cách mà cơ chế này áp dụng vào cuộc sống đời thường vậy. Để dung hòa một mối quan hệ, hai bên đều cần nhường nhau một chút. Nếu ai cũng muốn tiến, hoặc ai cũng muốn lùi, không ai chịu nhường ai, kết cục là cả hai chúng ta sẽ chỉ mãi đứng yên một chỗ. Nhưng trong lúc đó nếu một người lùi lại, nhượng bộ người kia một chút, lực tương tác sẽ xảy ra, và hai bên sẽ lần lượt được tiến hoặc lùi theo ý muốn.

ĐÍCH ĐẾN VÀ QUÁ TRÌNH

Mình đã từng là một người chỉ chăm chăm ngước nhìn đỉnh núi.
Những cái target, những kế hoạch hành động, sự thúc ép bản thân tiếp tục leo trèo, chỉ phục vụ cho một một đích duy nhất: Chạm được đến đỉnh núi
Nhưng thầy dạy nhảy của mình đã dạy cho mình một cách nghĩ mới: Leo núi cũng vui mà.
Leo lên đến đỉnh rồi, thì sao chứ. Để rồi nhận ra là trên đó cũng chẳng có gì, thôi lại đi xuống vậy. Thế á?
Tận hưởng quá trình cũng vui mà. Chưa với tới đỉnh núi, nhưng ngày qua ngày, mình thấy bản thân lại bám được vào chỏm đá cao hơn, cao hơn nữa, cao hơn một chút so với ngày hôm qua.
Quá trình đó khá là hay đấy chứ.
Giờ học một điều gì, mình bắt đầu enjoy quãng thời gian gọi là “chẳng ra đâu vào với đâu cả, đầy lỗ hổng kiến thức, sự hoàn hảo dường như xa tầm với, thời gian học tập dường như vô cực”
Nhưng mình biết rằng, đó là bởi vì mình đang leo núi, mình đang vươn tới từng chỏm đá một. Đỉnh núi thì bị khuất tầm nhìn, chẳng sao cả, cứ leo thôi. Người khác đang ở tận đâu rồi, người ta đang leo nhanh hay chậm, kệ họ thôi, việc của mình là cứ leo từng chút, từng chút, dẫu sao thì việc bỏ cuộc không khiến mình gần đỉnh núi hơn là bao.
Take the time. Nếu đó là thứ mình yêu thích và muốn đạt được.