8:15 ngày 6 tháng 8 năm 1945 quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” đã được thả xuống thành phố Hiroshima, 3 ngày sau đó ngày 9 tháng 8 năm 1945 quả bom tiếp theo mang tên “Fat Man” được thả xuống thành phố Nagasaki. Cả 2 quả bom được thả xuống Nhật Bản với mục đích là chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2, đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 nghìn người, tàn dư phóng xạ của nó vẫn ảnh hưởng đến tận ngày nay. Và dù cho chiến tranh đã đi qua, nhưng những ám ảnh của người Nhật nói riêng và thế giới nói chung về vũ khí hạt nhân vẫn chưa bao giờ kết thúc, nhất là trong thời điểm này khi mà cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc vẫn chẳng có dấu hiệu giảm đi. Những vũ khí tân tiến mang trong mình đầu đạn hạt nhân vẫn ngày một tăng lên. Dẫu biết sẽ chẳng có một quốc gia, một lãnh đạo, một nguyên thủ nào đó đủ điên rồ để kích hoạt chiếc vali của họ cả. Thế nhưng hãy nhớ lại trong lịch sử biết bao lần suýt chút nữa chiếc vali đó đã thực sự được kích hoạt ? Và chỉ cần một nút bấm khai hỏa chắc chắn chiến tranh hạt nhân sẽ nổ ra. Toàn bộ nền văn minh của loài người sau hàng nghìn năm xây dựng sẽ trở về với cát bụi, những người còn sống sót sau vụ nổ sẽ chẳng còn lại bất cứ một mục đích nào cả ngoài việc cố gắng sinh tồn và sống qua ngày.
Chiến tranh dù đã đi qua, nhưng tàn dư mà nó để lại vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ khi nhắc lại về nó.
Chiến tranh dù đã đi qua, nhưng tàn dư mà nó để lại vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều thế hệ khi nhắc lại về nó.
Trong bài review ngày hôm nay hãy cùng mình bước vào một thế giới nơi mà chiến tranh hạt nhân đã tàn phá đi tất cả mọi thứ, và cuộc hành trình của nhân vật chính Artyom không chỉ là sinh tồn nữa mà còn là đi tìm cho mình một lẽ sống trong thế giới hậu tận thế này và đó là METRO 2033 REDUX.

ĐÔI CHÚT VỀ GAME

METRO 2033 REDUX là phiên bản remastered của tựa game METRO 2033. Trò chơi được làm bởi Studio 4A Games và được phát hành bởi Deep Silver. Game được ra mắt vào ngày 26/08/2014 trên các hệ máy Playstation 4, XBOX ONE, PC, Google STADIA và Nintendo Switch. Nội dung của game được dựa theo tiểu thuyết METRO 2033 của nhà văn Dmitry Glukhovsky người Nga, theo đó người chơi sẽ được vào vai Artyom trong hành trình tiến đến trạm Polis, đồng thời cũng là lần đầu tiên của anh ra khỏi nơi mà anh gọi là nhà (nhà ga Exiexhibition)

GAMEPLAY

Vẫn như mọi người, mình là một người đề cao gameplay của game lên rất nhiều. Và có lẽ Metro 2033 REDUX đã làm tốt gameplay của nó. Cái mà khiến mình thích nhất trong Metro có lẽ là yếu tố Survival pha thêm Horror vào trong game.
Thú thực là ban đầu khi chỉ xem qua 1 vài đoạn gameplay trên Youtube, mình đã nghĩ Metro chỉ đơn giản là những cuộc đụng độ với đám quái vật hay được gọi là Mutant mà thôi có chăng thì có thêm vài pha đụng độ với con người. Thế nhưng khi bước chân thực sự vào game, những suy nghĩ đó đã bị xóa bỏ hoàn toàn, sau 17h chơi ở mức hard + survival mode, lúc này đây toàn bộ gợi ý sẽ được tắt đi, đồng nghĩa là mình sẽ mất một thời gian ban đầu để có thể học được chức năng, nhưng chính giai đoạn đầu này là giai đoạn thích hợp để mình có thể hiểu rõ hơn về những gì mình có thể làm được và nên làm nó khi nào. Sự tỉ mỉ mà 4A games làm có lẽ đến từ chính những chi tiết hành động của Artyom, rất chậm rãi từ tốn. Từ việc thay đạn, sạc đèn, đeo mặt nạ, thay đầu lọc, mở la bàn, hồi phục vết thương, lau kính khi bị mờ đi gần mọi hành động của Artyom đều được đưa dựa theo thời gian thực và điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải cân nhắc nên làm hành động nào đầu tiên và cũng chính từ sự cân nhắc của người chơi mà 4A Games dần có thể định hướng gamer đến với lối chơi mà họ muốn. Khác với những game FPS thông thường với nhịp độ cực nhanh như lối sống của GEN Z, thì Metro lại chọn một lối đi riêng đó là đi chậm lại, thực ra game vẫn cho phép người chơi chọn Mode Spartan và khi đó game sẽ thành một Call of Duty phiên bản tận thế cho các bạn, thế nhưng tin mình đi, đấy không phải là cách mà để tận hưởng hết 100% trò chơi này, hãy chơi Survival Mode và chơi với một tốc độ chậm lại và rồi bạn sẽ hiểu tại sao mình có thể đánh giá game ở điểm 9,5/10.
Đi ngược với xu hướng nhanh và tốc độ của những game FPS trên thị trường, Metro lại cho mình một lối chơi rất chậm và cần sự tỉ mỉ ở người chơi.
Đi ngược với xu hướng nhanh và tốc độ của những game FPS trên thị trường, Metro lại cho mình một lối chơi rất chậm và cần sự tỉ mỉ ở người chơi.
Quay lại với vấn đề như nói ở trên yếu tố Horror cũng được đưa vào trong game. Bằng việc sử dụng không gian hẹp, ánh sáng yếu cùng với đó là thao tác của nhân vật rất chậm rãi, 4A games không quá khó để cho lũ mutant lao ra và ú òa bạn vài pha thót tim, thế nhưng chỉ sử dụng yếu tố Jumpscare để hù dọa người chơi, thì Metro cũng sẽ chẳng khác nào một tựa game kinh dị rẻ tiền cả. Theo như 1 bài viết phân tích : “làm thế nào để làm thế nào để làm một game kinh dị hay” thì có 3 yếu tố cần phải có đó là Sự bất ổn (The Inconsistency) – Cái chết (Death) – Sự Không Xác Định (The Unknown) và Metro đã làm cực tốt cả 3 yếu tố này.
Dù không có nhiều Jumpscare nhưng hãy cẩn thận vì có những thứ còn đáng sợ hơn những pha hù dọa trẻ con rất nhiều.
Dù không có nhiều Jumpscare nhưng hãy cẩn thận vì có những thứ còn đáng sợ hơn những pha hù dọa trẻ con rất nhiều.
Sự bất ổn hay The Inconsistency, thể hiện khi bạn sẽ luôn phải kiểm soát được số lượng đạn dược, thuốc hồi phục, oxy những thứ cực kỳ khan hiếm trong game và sẽ luôn chỉ giới hạn 5 thuốc hồi máu, trong khi lũ mutant thì chỉ cần 3-4 vả, thậm chí là 1 vả thôi cũng đủ để bạn đi bụi rồi. Game cũng tước đi sức mạnh của người chơi khá nhiều, khi để cho nhân vật bạn điều khiển, di chuyển không quá nhanh nhẹn, cơ chế ngắm bắn trong game cũng khá chậm để có thể bắn chuẩn, thậm chí nó còn bắt bạn sẽ phải đứng yên nếu muốn tâm ngắm bắn chuẩn nhất trong một số trường hợp và phải bắn từng viên từng viên một. Điều đó sẽ chẳng khác gì cơ hội để kẻ địch úp sọt từ phía sau cả. Lúc này để khắc phục lại sự bất ổn đó là phải biết quản lý tài nguyên sao cho hợp lý nhất. Trong game sẽ có những quãng nghỉ, chính xác là những nhà ga mà con người vẫn còn sống ở đó, tại nơi này hãy cân nhắc nên mua cái gì, bán cái gì, có nên thay súng khác hay không ? Vì Súng trong Metro rất đa dạng, đa thể loại từ những khẩu súng trong quân sự cho đến những khẩu súng hàng tự chế mỗi loại đều có những uy nhược điểm khác nhau, không loại nào là hoàn hảo cả. Nên hãy cân nhắc thật kỹ trước mua bán cái gì đó. Bên cạnh việc mua sắm cẩn thận, game cũng khuyến khích người chơi khám phá map trong mỗi màn chơi khác nhau, bởi mỗi màn chơi đều có những địa điểm ẩn hay đại khái vậy và khi tìm được những điểm này, bạn có thể nhặt nhạnh được thêm đạn dược, súng ống mới hay thuốc mem để tiếp tục cuộc hành trình của mình.
Yếu tố thứ 2 đó là cái chết hay death, yeah ai mà lại không sợ cái chết chứ ??? Trong game cái chết được thể hiện ở gần như mọi màn chơi. Chỉ cần một bất cẩn thôi game sẽ trừng phạt bạn bằng cơn mưa đạn của kẻ địch hay cả đám mutant lao vào đánh bạn đến chết ngay lập tức. Cách để vượt qua cái chết đó là lắng nghe mệnh lệnh hay lời khuyên của các NPC dành cho bạn nếu đụng độ mutant, còn với con người hãy tính toán, di chuyển cẩn thận, chậm lại, tắt đi từng ánh điện một. Chỉ cần một tiếng kẻng báo động thôi cơn mưa đạn của Red Line hay lũ Phát Xít sẽ khiến bạn ngốn cả đống đạn hay tiễn bạn đi bụi ngay.
Game luôn sẵn sàng trừng phạt người chơi vì sự bất cẩn nên hãy cân nhắc trước mỗi hành động của mình.
Game luôn sẵn sàng trừng phạt người chơi vì sự bất cẩn nên hãy cân nhắc trước mỗi hành động của mình.
Và cuối cùng yếu tố không xác định hay unknown. Con người sợ những gì mà họ không hiểu, unknown chính là thứ như vậy. Trong game, yếu tố này được thể hiện rõ nhất ở màn chơi đi vào thư viện để lấy tài liệu về D6 và đi vào D6. Người chơi sẽ gặp sinh vật có tên là Librarian, game một lần nữa tước đi rất nhiều sức mạnh của bạn khi mà súng đạn gần như không thể tiêu diệt được lũ này vì chúng siêu trâu bò. Và chỉ cần 2-3 hit thậm chí là 1 là bạn hoàn toàn ngỏm ngay lập tức. Lúc này bạn chỉ có thể làm theo lời khuyên của đồng đội là hãy luôn nhìn thẳng vào mắt của chúng, đi chậm rãi từng bước, từng bước một và tuyệt đối không bao giờ được quay lưng lại với chúng. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng lý thuyết với thực hành luôn có một khoảng cách nào đó nhất định. Trong suốt quá trình ở thư viện bạn liên tục phải nhìn khắp các hướng khác nhau do lũ Librarian sẽ xuất hiện bất ngờ ở điểm mà có khi chính bạn cũng không biết, liên tục nhìn thẳng vào mắt chúng và đi lùi để giữ khoảng cách đã là khó khăn lắm rồi, thế nhưng 4A games thấy thế vẫn là chưa đủ, và họ quyết định cho thêm những cái hố trên đường đi của bạn kèm theo đó là sẽ có một vài cái cửa gỗ mà bạn bắt buộc phải quay lưng mới có thể mở ra được. Tiếng bước chân của bạn nặng nề cùng với tiếng gào rú của lũ Librarian khi nhìn thấy bạn. Bạn không biết được chính xác là chúng sẽ làm gì bạn cả và chỉ mong là chúng sẽ đi nhanh khỏi chỗ khác càng sớm, càng tốt thôi. Đó là màn chơi vào thư viện, còn ở khu hầm D6, Artyom sẽ kẹt lại một mình và phải tìm lối thoát. Game lúc này lại đưa ra một thử thách mới là đám nhện, chúng bò lúc nhúc khắp nơi, liên tục dí bạn và bạn sẽ phải liên tục soi đèn vào chúng nếu không muốn bị tấn công, mọi thứ xung quanh càng trở nên ngột ngạt hơn khi không gian thì đã hẹp lại bao phủ xung quanh là khí độc và đám tơ nhện chăng khắp nơi nữa.
Trường đoạn khiến người viết gần như phải thở oxy vì căng thẳng quá mức
Trường đoạn khiến người viết gần như phải thở oxy vì căng thẳng quá mức
3 yếu tố bất ổn-cái chết-không xác định được đan xen liên tục vào các màn chơi, bắt người chơi buộc phải tính toán cẩn thận từng thao tác một, từng đường đi phải tính toán cẩn thận nếu không muốn mất mạng trong thế giới đầy khắc nghiệt này.
Bên cạnh điểm mạnh là yếu tố sinh tồn pha lẫn chút kinh dị, súng ống đa dạng cùng với các thao tác của nhân vật rất tỉ mỉ và chân thực, game vẫn tồn tại một số điểm yếu nhất định trong gameplay và có 1 cái mình không thích đó là cơ chế hành động lén lút với con người.
AI của kẻ địch là con người có vẻ không thông minh cho lắm.
AI của kẻ địch là con người có vẻ không thông minh cho lắm.
Nếu A.I đồng minh của mình khá là thông minh thì với kẻ địch lại khá là ngu, đặc biệt là khi chúng ta chơi hành động lén lút. Dù game đề cao yếu tố hành động lén lút, thế nhưng AI của kẻ địch lại khá đần và nhiều pha vô lý. Kẻ địch tầm nhìn của chúng gần như là bằng 0 kể cả khi bạn có tắt đèn, dập lửa đi chăng nữa, chúng gần như chỉ có thể phát hiện ra bạn nếu như bạn nổ súng không giảm thanh, hoặc là đứng ngay trước mặt chúng còn lại thì chúng tuyệt nhiên rất ít khi phản ứng khi gặp một biến gì đó. Tuy nhiên khi bị phát hiện, thì gần như chúng chỉ dùng duy nhất một chiến thuật là huy động toàn bộ hỏa lực vào một chỗ và chỗ đó chính là chỗ bạn đang đứng, đáng lẽ là chúng cũng nên kiểm tra một số chỗ khác nữa chứ nhỉ ?

STORY (CẢNH BÁO SPOIL)

Thực sự mình rất ít khi đánh giá cốt truyện game nào đó dài dòng văn tự cho lắm, và có vẻ như Metro đang là một ngoại lệ với mình. Câu chuyện của Metro 2033 cho ta vào vai Artyom, một thanh niên vừa mới bước sang tuổi 20, và giờ đây đang lạc lối trong thế giới, nơi mà chỉ còn hơn 40 ngàn cá thế này. Anh ấy lớn lên trong tình yêu thương của Alex, ông yêu quý anh, coi anh giống như con đẻ của mình vậy, ước mơ của ông của ông là khi Artyom lớn lên sẽ thay ông tiếp quản khu trạm này. Nhưng đây đâu phải là điều mà bản thân Artyom muốn ? Anh đang thiếu một động lực, thiếu đi một chất xúc tác gì đó để thúc đẩy anh, để anh có một mục tiêu, một hướng đi cụ thể cho chính mình. Và rồi Hunter xuất hiện, trước khi rời khỏi trạm Hunter đã đưa cho Artyom chiếc dog tag của mình và yêu cầu anh hãy đến trạm Polis để đưa cho Miller, người có thể sẽ giúp trạm Exiexhibition thoát khỏi Dark One và đám Mutant. Lúc này đây Artyom giống như the chosen one trong mọi tác phẩm mà chúng ta từng biết vậy. Anh được đứng trước 2 lựa chọn : 1 là ở lại trạm và tiếp tục sống một cuộc sống an nhàn, tiếp quản người cha nuôi của mình và mặc cho Dark One và đám Mutant đang xuất hiện ngày một nhiều hơn ở trạm, và 2 là đi theo tiếng gọi của Hunter để đến nhà ga Polis và gặp Miller để cứu lấy trạm.
Hunter có lẽ là một động lực đủ lớn để Artyom sẵn sàng bước ra ngoài thế giới đầy khốc liệt kia.
Hunter có lẽ là một động lực đủ lớn để Artyom sẵn sàng bước ra ngoài thế giới đầy khốc liệt kia.
Cái hay của Metro không phải là một cốt truyện lắt léo, phức tạp hay hack não, cái hay của tựa game đó là đi sâu vào cuộc hành trình từ nơi thân thuộc để bước ra ngoài một thế giới đầy khắc nghiệt ngoài kia. Xuyên suốt cả game, 4A Games đã không để cho Artyom nói bất cứ một câu nào cả ngoại trừ những đoạn loading screen, đây không phải là một sự lười biếng mà nó là sự chủ ý của nhà phát triển. Không phải game nào bạn cũng có thể để cho nhân vật có một giọng nói được, tiêu biểu như Doom 2016 và phiên bản Eternal, nếu như Doomslayer có một giọng nói toàn bộ cái không khí bí ẩn mà Id cố xây dựng trong game sẽ hoàn toàn bị xua tan đi. Và với Metro cũng có lý do để cho nhân vật không nói gì. Artyom trong bối cảnh lần đầu tiên được rời nhà để đi ra ngoài và nếu như để cho một newbie dẫn dắt câu chuyện, và miêu tả mọi thứ xung quanh sẽ khó mà có được cái nhìn đầy đủ được. Khắc phục vấn đề này, 4A Games luôn để cho người đồng hành cùng Artyom nói rất nhiều về những gì mà họ biết, những kinh nghiệm mà họ đã trải qua, hay thậm chí là phản ứng của họ khi gặp những sự kiện trên chuyến đi từ đó ta có một cái nhìn bao quát hơn về thế giới trong Metro 2033. Thế nhưng để các NPC kể chuyện không đồng nghĩa với việc Artyom không có chứng kiến của mình, bằng chứng là thay vì để cho anh có một giọng nói, 4A games đã chèn những tâm tư, suy nghĩ, cảm xúc của anh vào trong những quyển sổ giống như là nhật ký ở trong các màn chơi, thông qua việc chịu khó đi tìm kiếm ở khắp các ngóc ngách chúng ta sẽ hiểu hơn phần nào thế giới quan của nhân vật chính, cũng như suy nghĩ của anh về thế giới.
Đừng bỏ qua đống nhật ký này nhé :))
Và như đã nói ở phần gameplay, khi chơi Metro đừng chơi một cách vội vã, hãy đi chậm lại từng màn chơi một, hãy đứng lại một vài khoảnh khắc để nghe những câu chuyện mà người dân ở đó kể để hiểu hơn về nước Nga hậu tận thế, hãy đừng ngại ngùng cho những người ăn xin một ít tiền (ý mình là đạn cơ mà nghe câu “hãy đừng ngại ngùng cho những người ăn xin một vài viên đạn” nghe sai quá ). Metro hay khi ta đi chậm lại ở mỗi level nghỉ chân, nghe tiếng đàn guitar có chút hoang dại của nước Nga, tiếng người dân ở những khu chợ mang lại chút không khí tấp nập dưới đường hầm chật hẹp và cả những câu chuyện đầy bi đát của những người lính phe Red Line (Cộng Sản) khi bị bắt đi lính hay những người lính phe p.h.á.t x.í.t sống với cái ảo mộng mà giai cấp chính quyền nhồi vào đầu họ về một thế giới mới. Qua nhật ký của Artyom, chúng ta lại càng biết trân trọng nhiều hơn 2 chữ “hòa bình”. Đọc những ghi chép của anh, ta cũng phải tự đặt ra những câu hỏi tựa như chính anh vậy, liệu cuộc chiến giữa Red Line và Lũ Phát Xít sẽ đổi lại được điều gì chứ ? Khi mà giờ đây hơn 6 tỷ người trên trái đất đã về với cát bụi, mỗi bước đi trên mặt đất là đang bước đi trên chính những tro tàn của họ, vậy mà những kẻ đó không nhận ra ư ? Họ vẫn cứ lao vào cuộc chiến, vẫn dốc toàn bộ nhân lực cứ như thể là con người giờ đây vẫn còn cả biển người vậy, có lẽ kể cả đến những lúc tận cùng như thế này, con người vẫn không thể ngừng giết hại lẫn nhau.
Hay trong màn chơi ở nhà thờ và trên đỉnh tháp ở Moscow, Artyom cũng có nói về những gì mà con người đã và đang phải hứng chịu. Con người giờ đây không còn là những kẻ đứng trên đỉnh chuỗi thức ăn nữa, họ đang phải sống chui sống lủi trong sợ hãi như lũ chuột, bọ dưới lòng đất. Ánh sáng mà con người có được giờ đây chỉ là chút ánh sáng từ những chiếc đèn dầu, đèn nến, có lẽ đây chính là hình phạt mà Chúa đã dành cho con người khi tự giết hại lẫn nhau. Thế nhưng sau tất cả, con người vẫn tin vào Chúa, tin vào Tôn Giáo, nó giống như là một động lực, một đức tin, một niềm tin mãnh liệt vào ánh sáng nơi cuối con đường tăm tối này, họ như đang mong Chúa sẽ tha thứ cho những tội lỗi của họ, cầu mong cho linh hồn của họ sẽ được lên thiên đàng, có lẽ cuộc sống ở hiện tại vốn đã chẳng khác gì chốn địa ngục rồi.
Bên cạnh một câu chuyện với hành trình hấp dẫn, Metro để lại ấn tượng cho người chơi bằng những nhân vật đáng nhớ trong hành trình của Artyom. Đó là Bourbon ở trạm Riga, có chút gì đó hơi đáng nghi ban đầu nhưng rồi sau đó vẫn là một đồng minh vô cùng đáng tin cậy, đó là Khan với những kiến thức về thế giới tâm linh ở Metro vô cùng uyên thâm cùng sự dũng cảm của ông khi sẵn sàng ở lại trạm bị nguyền rủa để giúp đỡ mọi người, đó là Ulman với tinh thần luôn lạc quan, hài hước dù cho hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa. Và cuối cùng là Miller, người chỉ huy của quân đoàn Spartan, người đã sẵn sàng chống lại cả lệnh của hội đồng để giúp đỡ Artyom, ông và những người lính của ông lúc đó giống như thể là một anh hùng trong thế giới đó vậy, sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi công dân ở Metro mà không cần lý do nào cả.
Miller là nhân vật khiến mình ấn tượng nhất trong phần này.
Miller là nhân vật khiến mình ấn tượng nhất trong phần này.
Đoạn kết của Metro 2033 đó khi Artyom kích hoạt tên lửa từ D6 phóng thẳng vào hang ổ của Dark One, nhiệm vụ của anh đã hoàn thành, cuộc hành trình lần đầu tiên của anh đã kết thúc, thế nhưng khi ngẫm lại liệu cái hành động mang tính bảo vệ loài người này liệu có phải là công lý mà Artyom muốn ? liệu Dark One có thực sự xấu như cách con người hay Hunter nhìn nhận nó ?
Nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng liệu đây có phải cái kết thực sự ???
Nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng liệu đây có phải cái kết thực sự ???

ĐỒ HỌA VÀ ÂM NHẠC

Vì mới chơi phiên bản remastered nên mình chưa dám đưa ra so sánh giữa bản Redux và bản gốc. Nhưng dưới đây là một số đánh giá của mình về đồ họa và âm nhạc của game.
Về đồ họa, game khắc họa khá tốt không khí có phần ngột ngạt của từng khu trạm ở Metro, cũng như làm nên vẻ đẹp hoang tàn của mùa đông hạt nhân (Nga hậu Tận Thế > Mỹ hậu Tận Thế), có chăng điểm trừ trong đồ họa là diễn xuất hay biểu cảm khuôn mặt có phần hơi thô và có một số level quá tối dù cho mình đã cố chỉnh độ sáng hay dùng cả night vision nhưng dường như vẫn không ăn thua cho lắm, còn lại thì mọi thứ đều rất ok.
Về âm nhạc ư ? Nó tốt và mọi người nên nghe thử và các bài nhạc được bật vào những hoàn cảnh rất phù hợp và ya nó rất tuyệt.

TỔNG KẾT

Metro 2033 có lẽ là một trong những trải nghiệm game đáng nhớ nhất với mình trong năm 2021 này. Mình muốn được viết thêm về phần cốt truyện và đôi lời tâm sự về việc mình sắp bước sang tuổi 20 cơ, cơ mà có vẻ như mình nên dành nó cho một bài viết khác xem ra có vẻ là hợp lý hơn.

Điểm cộng

Cốt truyện hay và hấp dẫn
Gameplay hay, đặt nặng yếu tố sinh tồn lên nếu chơi Survival.
Nhạc hay
Nhân vật đáng nhớ
Vũ khí đa dạng
Kẻ thù khá đa dạng

Điểm trừ

Diễn xuất hơi thô
Nhiều cảnh quá tối
Kẻ địch AI hơi ngu
Mutant trong giao tranh nhiều pha như thể rơi vào góc lag nên nó chả làm gì cả.
Điểm 9,5/10