Mày biết tao là ai không? Câu thần chú không còn quá xa lạ. Chỉ cần lên Google và tìm kiếm từ khóa "mày có biết tao là ai" bạn sẽ có ngay 26,4 triệu kết quả. Chúng ta gặp nó ở khắp mọi nơi, trong nhà hàng, tại sân bay, ngoài đường phố, khi gặp cảnh sát giao thông và mới đây nhất là trên khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines. Không hẳn là một câu hỏi, nó như một câu dọa nạt, một lời khẳng định cho một thế lực khổng lồ nào đó đứng đằng sau người thốt ra, khiến chúng ra ít nhiều run sợ dù chưa biết thực hư thế nào. Nhưng còn nguy hiểm hơn bởi dường như nó đã ăn sâu vào tiềm thức, từ đời này qua đời khác, từ khi người ta còn nhỏ đến lúc đã trở thành một ông già. Bởi chỉ có ăn sâu vào tiềm thức nó mới được thốt ra một cách đầy tự nhiên và nhanh chóng đến mức bản năng như vậy. Các cụ ngày trước có câu "Một người làm quan, cả họ được nhờ". Sự việc vừa qua cũng làm tôi nhớ đến vài ký ức thuở nhỏ, trước những lần bị bạn bè bắt nạt, luôn kèm theo trước đó của chúng là câu cửa miệng "Biết anh/chị/bố/mẹ... của tao là ai không?". 
Chúng ta có thể làm gì cho "Quốc bệnh mãn tính" này? Tự hỏi lại bản thân liệu có đang tiếp tay nuôi dưỡng nguồn bệnh lây lan? Thật may người đàn ông trong chuyến bay ngày 26/7 vừa qua đã bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhưng trị bệnh phải trị tận gốc, hôm nay đứa con/em bé bỏng của bạn về nhà, khóc lóc vì vừa bị đứa bạn bắt nạt, khó chịu vì cô giáo đã quát mắng nặng lời? Bạn sẽ ngồi xuống phân tích cùng chúng hay vô tình buông ngay một câu cửa miệng: "Để đó bố/mẹ/anh/chị lo!"