“Này John, mỗi năm cậu thường đóng bao nhiêu phim?”
“Cháu cũng không nhớ, chắc khoảng 2-3 phim gì đấy”
“Thật à. Chà, thế thì không được. Hơi bị nhiều đấy”
“Hả? Nhiều là sao hả chú?”
“Này, cậu chỉ giữ nhiều tiền lẻ ở trong túi quần thôi. Đúng không?”
Một đoạn hội thoại mà sau này Johnny Depp thường thuật lại khi nói về Marlon Brando. Đối với anh, cố diễn viên huyền thoại không khác gì một người thầy dìu dắt anh bước qua cái thời mà chỉ được biết đến bởi cái vẻ đẹp mã. Mà công nhận, nhìn Johnny Depp có nét gì đó khá giống Brando. Bí ẩn trước truyền thông. Cuộc sống tình ái nhiều sóng gió. Tần suất xuất hiện trên màn ảnh. Và nhất là cái hấp dẫn người đối diện đến kỳ lạ.
Nhắc đến Brando thì dĩ nhiên không ai quên được vai diễn Don Corleone cực đỉnh trong bộ phim Bố già. Mà ai đã từng xem qua Bố già phiên bản sách thì sẽ nhớ rằng Bố già Vito là nhân vật thứ chính còn nhân vật chính phải là Michael. Thế nhưng, khi xem qua bộ phim, hình ảnh Don Corleone ngồi vuốt mèo nói chuyện với lão “dịch vụ mai táng” ở ngay những phút đầu tiên gây ấn tượng quá mạnh. Thậm chí đó gần như là phân đoạn hay nhất phim khi người xem được thấy chân dung quá chân thật của một ông trùm.
Để rồi sau này, dù Al Pacino và Robert De Niro đã rất xuất sắc với phần hai của bộ phim (được đánh giá là hay hơn cả phần một) thì người xem vẫn cảm thấy nhớ hình ảnh của Bố già Vito của Marlon. Bởi thế mà khi Brando từ chối tham gia, thậm chí là bảo cắt đi phân cảnh chỉ có năm giây xuất hiện cái mặt của ông trong phim, thì người hâm mộ vẫn cảm thấy tiếc nuối vô cùng.
Khuôn mặt chữ điền đậm nét đàn ông. Miệng rộng cùng đôi mắt nghiêm nghị, lạnh lùng nhưng không tàn ác. Nhiêu đó là đủ khiến nhiều người phải lên Youtube để tìm lại sáu phút đầu phim và coi lại hình ảnh của ông trùm trong căn phòng kín. Marlon Brando là vậy, ông có nét hấp dẫn rất đặc biệt. Còn nhớ trong một cuộc phỏng vấn ở chương trình thuộc The Dick Cavett Show vào ngày 12 tháng 6 năm 1973. Khi Brando xuất hiện, cả khán phòng đã đứng lên vỗ tay chào đón ông, và tràng pháo tay...kéo dài cả hơn một phút trước khi tạm ngớt đi để chương trình còn phải tiếp tục. Và diễn viên huyền thoại chỉ việc ngồi xuống và mỉm cười tận hưởng sự hâm mộ của mọi người. Không cần phải múa máy, làm trò lố lăng. Ông chỉ ngồi đưa mắt nhìn và mỉm cười chào khán giả. Thế thôi là đã khiến cho người ta không thể để mắt rời khỏi màn hình!
Thật ra, cả sự nghiệp của Marlon Brando không phải khi nào cũng suôn sẻ. Các bộ phim mà ông tham gia thì một nửa trong số ấy trở thành huyền thoại, và nửa còn lại là thảm hoạ không ai muốn nhắc đến. Thậm chí trước khi tham gia Bố già, đạo diễn Francis Ford Coppola đã phải hứa hẹn nhiều điều thì nhà sản xuất mới chấp nhận cho ông mời Brando tham dự. Còn cuộc đời của ông cũng ẩn chứa nhiều mặt trái ngược. Brando là một người hoạt động nhân quyền rất mạnh mẽ nhưng cũng là ngôi sao với nhiều tai tiếng ở những scandal tình ái, người ta còn nói ông xem phụ nữ như đồ chơi vậy. Cá tính mạnh giúp ông vượt qua hoàn cảnh để trở thành huyền thoại Holywood, nhưng cũng chính nó đẩy ông tới những năm tháng cuối đời đau khổ.
Cuộc đời của Brando là một hình ảnh gồm những mảng màu trái ngược như vậy. Thế hệ sau này có phong cách mặc áo thun diện quần jean chính là nhờ cuộc cách mạng từ chính một vai diễn của Brando. Nhưng họ cũng sẽ khó mà chấp nhận những gì khi ông nói chuyện về người Do Thái. Tuy nhiên, như thế mà con người Brando mới có sự lôi cuốn kỳ lạ, khiến người ta cứ muốn nói đến ông.
Trở lại với câu chuyện đầu bài của Johnny Depp. Sau này chúng ta đã thấy tài tử này khá kén chọn phim để tham gia. Trừ Cướp biển Caribe, thì Johnny Depp rất ít khi góp mặt trong một bom tấn nào đó, điều mà nhiều diễn viên hạng A dạo này lựa chọn. Mà kể đến Cướp biển Caribe, thì cũng chính nhờ cái nét hấp dẫn quá sức của Jack Sparow, mà anh cướp luôn vị trí nhân vật chính mà trước đó thuộc về Will Turner. Và cũng nói thêm một chút nữa, Orlando Bloom sau vai diễn Will Turner, người xem mới bắt đầu thấy anh có cái nét diễn hài làm mặt “tỉnh”, điều mà trước đó không hề có. Vậy đấy cái nét hấp dẫn cứ truyền thụ từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Mà kể ra Marlon Brando cũng có lý khi khuyên nhủ Johny Depp như thế. Ông đã quá rõ ở chuyện phải đóng nhiều phim tệ để rồi không được gì ngoài sự tụt lùi trong sự nghiệp và tên tuổi. Cũng chính ở phim Bố già đấy thôi. Sau thành công (mà đáng ra ông phải biết ơn đạo diễn Francis Ford Coppola đã tìm mọi cách để giúp ông góp mặt) chính Marlon Brando từ chối tiếp tục mặc dù ông gần như là bộ mặt của bộ phim. Ông thậm chí còn khước từ dù chỉ là năm giây xuất hiện mà thôi. Để rồi sau phần hai xuất sắc, Al Pacino đã không thể nào cứu rỗi được phần ba thảm hại. Công bằng thì không đến nỗi tệ, nhưng nếu so sánh với hai phần trước thì cứ như quạ với công. Miệng lưỡi thế gian, sự so sánh đối chiếu của công chúng. Không thể nào để thoát được!