MARKETING VÀ PHẬT HỌC PHẦN 1 - Ý NIỆM
Nhiều người nói họ chỉ cần chất lượng sản phẩm, không quan tâm Marketing vẫn có thể thành công? Điều này đúng hay sai? Nhiều người...
Nhiều người nói họ chỉ cần chất lượng sản phẩm, không quan tâm Marketing vẫn có thể thành công? Điều này đúng hay sai?
Nhiều người từng lầm tưởng như vậy. Thực tế kể cả trong truyền giáo (đạo Phật, đạo Thiên chúa) hay trong kinh doanh, người ta đều phải marketing. Marketing là cuộc chiến đánh vào Ý NIỆM chứ không phải hoàn toàn dựa trên sự thật của sản phẩm. Một khi chiếm được niềm tin và thói quen của khách hàng thì một sản phẩm dù chưa tốt lắm cũng vẫn chiếm ưu thế. Chẳng hạn, Pepsi và Cocacola, hai sản phẩm đó rất khó phân biệt chất lượng nhưng người ta vẫn quen xài Coke vì hình ảnh của Coke đã ăn sâu vào tiềm thức và ý niệm của người tiêu dùng. Thời buổi này, bỏ qua marketing thì coi như tự sát.
Có phải Marketing là cuộc chiến dựa trên tiền bạc?
Không hẳn. Hồi xưa, lúc rượu Mao Đài mới được giới thiệu ở một triển lãm ở London, không ai chú ý đến nó cả. Cả quầy showroom buồn thiu ngồi đuổi ruồi. Chợt có một tiếng “choang” vang lên. Một chai rượu Mao Đài rơi xuống sàn, bắn vỡ tung tóe. Thì ra cô gái tiếp thị làm rớt (vô tình hoặc cố ý). Cả hàng trăm du khách dồn con mắt về showroom Mao Đài. Một mùi rượu thơm bốc lên ngào ngạt. Người ta tranh nhau đến mua thử và khen tốt. Sự kiện này được đăng trên báo thị trường London. Rượu Mao Đài vào thị trường Châu Âu như vậy đó.
Nhiều kế hoạch marketing bạc tỷ vẫn có thể thất bại nếu không có “duyên”. Trái lại, đôi khi chi tiết nhỏ lại đem đến hiệu quả không ngờ.
Trong sách marketing, người ta nói “cái đi đầu thường được cho là cái tốt nhất”, tại sao Yahoo (đi trước) lại bị Google (đi sau) đánh bại?
Đó gọi là quy luật tiên phong. Thường cái đi đầu luôn chiếm ưu thế truyền thông và được ưu ái trong ý niệm của người tiêu dùng theo nguyên lý cảm tính. Ví dụ ở Anh, trường Oxford được cho là tốt nhất, ở Mỹ thì là Havard. Và thật trùng hợp, đó cũng là hai trường đại học đầu tiên của Anh và Mỹ. Những đại học ra đời sau, dù có tốt vẫn bị xếp hàng đứng sau hai trường này. Coca ra đời trước nên Pepsi không thể đánh bại vị trí độc tôn của nó trong lòng người tiêu dùng.
Ở truyện Tàu thì có Võ Tòng đả hổ là thương hiệu vô đối vì anh ta đả đầu tiên. Sau này dù có ai đả hổ nữa cũng không soán được ngôi vị anh hùng đả hổ của họ Võ nữa. Cũng như Tây Môn Khánh nổi tiếng về gái gú thì sau này dù bạn có giỏi gái đến đâu cũng chỉ là đàn em của Tây Môn Khánh mà thôi.
Tuy nhiên, điều ta không khỏi băn khoăn là tại sao Yahoo lại bại dưới tay Google. Thật ra nếu Yahoo không chủ quan khinh địch và chịu cải tổ liên tục thì Google khó lòng vượt mặt. Cái khoảng cách chất lượng dịch vụ cách nhau quá xa thì LUẬT TIÊN PHONG lại không còn ý nghĩa. Luật tiên phong chỉ có ý nghĩa khi chất lượng của kẻ tiên phong tốt bằng hoặc thua chút đỉnh so với kẻ đi sau. Ở đây, Google đã bỏ xa Yahoo cả thế kỷ về chất lượng phục vụ rồi.
Marketing có phải là công cụ ma giáo không?
Tà ma hay thánh thiện là do người sử dụng nó. Bản thân marketing chỉ là công cụ. Như thanh đao, rơi vào tên đồ tể khát máu ngu dốt thì thành ác; rơi vào tay người anh hùng hào kiệt chính nhân quân tử thì thành thiện. Người Trung Hoa có câu: Quân tử dùng trò tiểu nhân thì vẫn là quân tử. Tiểu nhân làm việc quân tử thì vẫn là tiểu nhân. Bản thân Phật và Jesus cũng dùng nhiều đòn ma giáo để làm việc thiện.
Ôi! Tại sao Phật vẫn phải dùng ma giáo nhỉ?
Vì quần chúng đang đi trong vô minh. Quần chúng rất thích ma giáo và dễ tin vào ma giáo. Ví dụ, nếu Phật nói Phật là người thường thì chẳng ai tin lời ngài dạy cả. Phật buộc phải nói rằng mình có phép thần thông. Dân thấy ai có thần thông thì rất sợ và nể phục. Từ đó cuộc giáo hóa của Ngài sẽ dễ dàng hơn. Jesus cũng làm giống như vậy. Tín đồ của ngài phải bịa ra chuyện giáo chủ của mình có phép lạ để thu dụng thêm tín đồ. Nhưng rút cục, họ đều vì một ý tốt là làm cho xã hội tốt đẹp lên.
Nếu kẻ đi đầu luôn chiếm ưu thế thì kẻ đi sau phải làm sao?
Nếu có kẻ đi đầu trong một lĩnh vực nào đó rồi thì kẻ đi sau phải chú trọng điểm KHÁC BIỆT của mình mà nhấn mạnh vào đó. Đi đầu không có nghĩa là cái gì cũng đi đầu. Vả lại, chất lượng và công nghệ của kẻ đi sau quá vượt trội thì kẻ đi đầu cũng vẫn bị đánh bại như thường.
Đương nhiên, Marketing không phải trò chơi của giới nghiệp dư. Nó cực kỳ tinh vi và phức tạp.
(Mời xem phần 2 - HAI TRƯỜNG PHÁI KINH DOANH)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất