MAI - MỘT BỘ PHIM VỀ CÁC "KHẾ ƯỚC XÃ HỘI"
Chờ mòn mỏi vì rạp ở nước ngoài tận tháng 3 mới bắt đầu chiếu. Trái hẳn với nhiều người không thích bị spoil phim, mình thường hay...
Chờ mòn mỏi vì rạp ở nước ngoài tận tháng 3 mới bắt đầu chiếu. Trái hẳn với nhiều người không thích bị spoil phim, mình thường hay nghe review đã đời chán chê rồi mới đi xem.
Mình cần nắm được cái cốt trước để theo dõi sát nhất cách thể hiện về điện ảnh và nghệ thuật, đặc biệt là những bộ phim về xã hội. Mình mong chờ ở bộ phim rất nhiều và may mắn thay, hầu như mọi thứ đều được thỏa mãn. Vậy nên, mình quyết định review phim theo góc nhìn của mình.
Phim hay lắm lun!
Một bộ phim rất phù hợp để soul care và thưởng thức một mình! Bạn cần một chút cô đơn và riêng tư để cảm nó một cách trọn vẹn nhất. Lí do nên đi xem một mình vì soul care rất cần nước mắt và chẳng có ai để bạn có thể thoải mái với cảm xúc của mình hơn chính bạn cả.
Mình khóc khá nhiều, vì có nhiều cái đẹp trong bộ phim này quá!
1. Tình cảm giữa các nhân vật rất đẹp. Chuyện tình giữa Sâu và Mai rất đẹp.
Một chuyện tình được xây dựng dựa trên rất nhiều nỗ lực, chân thành của một cậu trai mới chớm trưởng thành với mong muốn bảo vệ được người con gái cậu yêu. Tempo tương tác của hai nhân vật rất hợp lí, kể cả cách cậu chấp nhận từng vấn đề của Mai - mẹ đơn thân, lớn hơn 7 tuổi và làm công việc có nhiều định kiến trong xã hội. Thật ra Sâu thích Mai ngoài vì Mai đẹp, mà còn vì nể nữa. Mai có một thứ mà Sâu không có trong cuộc sống - đó là sự nỗ lực và khát vọng vươn lên. Sâu cần Mai để bắt đầu hành trình trở thành đàn ông của mình, bắt đầu can đảm chịu trách nhiệm cho những gì mình chọn.
Còn Mai, với tất cả nỗi trăn trở của một người mẹ đơn thân, không dám yêu ai vì sợ làm rối loạn cuộc sống của mình, sợ người ta không hòa hợp được với con của mình, muốn dành hết thảy tình yêu cho con nhưng không hiểu rằng chính đứa con sẽ không thể có hạnh phúc trọn vẹn nếu người mẹ của chúng không có hạnh phúc.
Bình Minh hay bảo Mai: "Có bồ đi", Bình Minh vừa làm con vừa làm chồng của Mai đã quá lâu, Bình Minh hiểu rõ rằng, hạnh phúc lứa đôi không nhất định phải là hi sinh cho hạnh phúc gia đình, mà ngược lại còn là thứ song hành với nhau không thể thiếu.
Thật ra Bình Minh rất tinh tế, Bình Minh chủ động hòa hợp với Sâu để Mai có thêm động lực chấp nhận tình cảm đó. Bình Minh muốn Mai yêu, vì chỉ có yêu, phụ nữ mới thật sự trở thành phụ nữ.
Tình yêu lứa đôi tạo nên một người phụ nữ, tình thương gia đình làm nên một người mẹ.
Có những người mẹ đã mất đi phần phụ nữ của mình, như bà Đào - mẹ của Sâu.
Vì mất đi phần phụ nữ của mình, bà vấp phải một lỗi rất lớn mà bà mẹ đơn thân nào cũng gặp:
Bà chỉ nhớ con trai của mình là con trai của mình, bà không biết con trai của mình còn là người đàn ông của một người phụ nữ khác!
Ở những gia đình đầy đủ, ngoài làm mẹ của người con, người mẹ còn là người phụ nữ của người chồng. Và thi thoảng, họ còn thích làm người phụ nữ của chồng mình hơn là làm mẹ. Người chồng này duy trì tính nữ của người mẹ và giúp cho người phụ nữ làm mẹ tốt hơn. Nếu không có người chồng, người mẹ sẽ không có nơi nào để thể hiện tính nữ của mình. Và nếu có con trai, họ sẽ dần thể hiện tính nữ của mình với con trai. Người con trai trở thành nơi mà họ cảm thấy được cảm giác an toàn, được che chở về mặt tinh thần.
Theo bản năng, những người mẹ này sẽ có cảm giác bất an khi con trai mình bắt đầu trở thành người đàn ông của một người phụ nữ khác. Họ bắt đầu sợ, sợ mất đi con trai của mình, mất đi nơi tin cậy để thể hiện tính nữ của mình. Mà tính nữ, sự ưa thích được bảo vệ, gắn liền với sự tồn tại của người phụ nữ. Điều này gây căng thẳng như một cuộc chiến sinh tồn trong tâm lý.
Đây là một trong những nguyên nhân của việc hình thành Mama's boy và mối quan hệ khó khăn giữa mẹ chồng - nàng dâu. Sự kiểm soát quá mức của người mẹ lên đứa con trai của mình vì nỗi sợ bị bỏ rơi.
Gia đình mà có bố chồng chiều vợ, hoặc đông con trai, có nhiều người đàn ông trong gia đình, nơi mà người phụ nữ cảm thấy mình được bảo vệ, thì gần như tình trạng bất hòa giữa mẹ chồng - nàng dâu sẽ ít xảy ra hơn.
Một người phụ nữ sẽ thông cảm với một người phụ nữ, còn một người mẹ sẽ hiểu nỗi lòng của một người mẹ.
Bà Đào, biết Sâu phải trưởng thành, nhưng vẫn muốn Sâu mãi là Sâu của mình, không ai được cạnh tranh với bà.
Đoạn kết khi Sâu cưới Tiểu Vy, một cô gái ít gai góc hơn, nhưng nằm trong hệ tư tưởng phù hợp với bà Đào để làm một nàng dâu, bà Đào đã thành công trong việc giữ lại đứa con trai của mình và có một người con dâu phù hợp. Không có gì sai ở đây vì thực tế nó phải là như vậy!.
Chỉ là Sâu yêu Mai, và mình thích tình yêu này, nó chỉ có vấn đề khi hai người tạo nên những rằng buộc xã hội cao hơn như kết hôn, sinh con.
2. Tình yêu có nhất định phải đi liền với "khế ước xã hội"?
Mình không hề bài xích hôn nhân, nhưng mình bài xích việc cho rằng hôn nhân là "điều bắt buộc" trong tình tình yêu!
Vậy nên nếu mình là Sâu, mình sẽ phát triển bản thân, độc thân và yêu Mai. Mai cần một người yêu, và Sâu cũng vậy, như thế là quá đủ.
Mình không tin có cuộc hôn nhân nào kéo dài cả đời. Nhưng mình tin chỉ với tình yêu, hai cá thể độc lập trong cuộc sống có thể bên nhau mãi mãi. Và xã hội sẽ đến lúc mà việc kết hôn sẽ tách bạch với tình yêu đôi lứa.
Với những cặp không có cách biệt xã hội , nếu họ yêu nhau và thích kết hôn thì cứ kết hôn thôi. Còn những cặp mà có chênh lệch về background, nếu kết hôn sẽ có nhiều vấn đề, thì họ cứ yêu nhau thôi.
Mình cứ sống cuộc đời của mình, và yêu nhau thôi, không cần phải bỏ trốn cùng nhau, cũng không cần phải bắt buộc người thân với một hệ tư tưởng khác nhau chấp nhận thứ nằm ngoài chân trời của họ.
Tình yêu không phân biệt tuổi tác, sang hèn, nhưng hôn nhân thì có.
Hôn nhân có thể thăng hoa tình yêu cũng có thể giết chết nó.
"Khế ước xã hội" được lập ra để đảm bảo trật tự của xã hội được duy trì, hỗ trợ cho thế hệ tiếp nối phát triển và củng cố nền tảng cho gia đình. Vậy nên khi nghĩ đến kết hôn, những vấn đề như tôn giáo, nền tảng chính trị, công việc gia đình, thế hệ trước,... mới bắt đầu bước vào suy nghĩ của một cặp đôi. Văn hóa "môn đăng hậu đối" hoàn toàn không xấu, chỉ là cái hướng đến của "tình yêu" và "hôn nhân" là hoàn toàn khác nhau.
Tình yêu cho phép chúng ta khám phá bản thân của mình, khám phá đối phương, mọi sự khác biệt đều là cơ hội.
Hôn nhân bắt chúng ta kết nối với đối phương, tận dụng điểm mạnh và điểm yếu của nhau, càng nhiều khác biệt càng nhiều rủi ro.
Tìm được người kết hôn rất dễ, gặp được người yêu vô cùng khó.
Nếu đã có một tình yêu đẹp, đừng phải hủy hoại nó bằng kết hôn không đúng thời điểm. Khi chưa thể kết hôn, tại sao không tiếp tục yêu?
Mình cho rằng, kết hôn không thật sự có lợi với người phụ nữ hiện đại, khi họ không phụ thuộc vào đàn ông nhiều như những thế hệ trước. Thế giới đã trao cho phụ nữ nhất nhiều khả năng để làm chủ cuộc đời và hạnh phúc của mình. Vậy nên họ không cần phải tập trung vào hôn nhân "một cách vội vã". Phụ nữ cần một tình yêu đẹp, sau đó mới là đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Phụ nữ ở tuổi nào nếu biết chăm sóc bản thân đều có sự hấp dẫn nhất định cả. Vậy nên nếu quan niệm là "thanh xuân" phụ nữ có giới hạn, không kết hôn sẽ "lỡ thì" lại không đúng lắm.
Tại sao giá trị phụ nữ chỉ giới hạn ở "thanh xuân"?
Đối với đàn ông, "kết hôn" nên là một trạng thái của họ trong mối quan hệ hơn là một việc phải làm. Họ tự nâng cấp bản thân từ một "người bạn trai" sang "một người chồng". Tham gia sâu hơn vào cuộc sống của người phụ nữ, bảo vệ và chăm sóc họ, cùng thực hiện những nguyện vọng lớn nhỏ của cá nhân và cả hai. Những điều mà "một người chồng" có thể làm gần như hoàn toàn không cần đến sự hiện diện của giấy tờ hoặc sự cho phép của ai ngoài bản thân anh ta cả.
Với nghi thức của tình yêu như "lễ cưới", nó nên được coi như lời tỏ tình thứ 2 mà một người đàn ông có thể mang lại. Chỉ 2 người là có được một lễ cưới rồi. Nếu có một ngày phù hợp nào đó, hai người có thể tổ chức "đám cưới" với những người coi trọng tình yêu của họ và hạnh phúc chung với họ.
Vậy thì nếu không "kết hôn" thì tình yêu sẽ không đi đến đâu? Không phải! Không giữ lời hứa với bản thân mình mới khiến tình yêu không đi đến đâu.
"Khế ước xã hội" không nhất định đi liền với tình yêu!
Và bạn biết gì không? Tình yêu sợ nhất là phải chứng mình với những người không tin vào nó. Người yêu dấu cũng là "người yêu giấu".
3. Cảnh nóng và âm nhạc của Mai. Vì sao đẹp?
Một điều đẹp nữa, đó là nhạc. Mình khỏi phải bàn về góc quay vì nó so đẹp rồi (với mình), quá là tốn tiền còn không đẹp nữa thì thôi. Nhưng phải nói là nhạc rất okay, rất là đặc trưng ở những đạo diễn mà tâm tư phức tạp như Trấn Thành. Vừa ray rứt, vừa rất dứt khoát, vừa nên thơ với rất nhiều layer nhạc phối khác nhau khiến cho phần "kịch" được nâng lên mà không cần phải sa vào "sân khấu hóa điện ảnh". Các diễn viên tự nhiên thể hiện một cách đời nhất có thể mà vẫn giữ được nét nghệ thuật.
Nói thiệt là phim này không phải đi xem lại lần hai vì rất đặc sắc, xem một lần là nhớ, xem lại sẽ chỉ còn là cố ăn một món ngon khiến nó trở thành dở.
Còn về cảnh nóng của Sâu và Mai. Mình nói thật, nó đẹp miễn bàn!
Lạy trời, quay quá khéo và tempo chuẩn cực.
Rất là tình cảm. Rất rất là tình cảm.
Cảnh mà Mai bảo "Em xấu lắm", sự tự ti về cơ thể của một người mẹ đơn thân khiến cô khựng lại trước nỗi khát khao được yêu, đã được sự từ tốn và nhẹ nhàng của Sâu cởi bỏ, khi Sâu chỉ vào những vết sẹo của mình và kể về nó.
Ai cũng có những cái xấu của bản thân. Ai cũng có!
"Em" - thật ra đã là một mỹ từ, chỉ cần là "em", trong mắt anh đều đẹp. Sự tôn trọng của Sâu khiến cho Mai thật sự cởi bỏ được những lớp cảm xúc cuối cùng của chính mình.
Một cảnh nóng mà khiến mình ở tuổi này ngượng.
Bởi vì đó là một cảnh trần trụi về tâm hồn.
------------------------------------------------------------------------------------
P/s: Cảm ơn bạn đã xem đến đây! Mình cũng thích nhân vật bà Đào hoặc ông Hoàng cũng những diễn viên phụ khác. Có nhiều khía cạnh về xã hội rất hay để thảo luận. Nếu bạn ủng hộ, mình sẽ viết thêm nhé! :D
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất