Bộ não của chúng ta được ví như cái mạch điện. Khi bị quá tải thì điện sẽ bị...chập. Vậy làm thế nào để não bộ luôn trong tầm kiểm soát, không bị chập cháy như cái "mạch điện"? Chúng mình hãy cũng tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp nhé.
❤️ Disclaimer: Bài viết chia làm 3 phần, đã cố gắng biên soạn lại theo hướng dễ hiểu nhất. Bạn có thể skip 2 phần đầu và đọc luôn phần 3 để biết về các tips phòng ngừa và đẩy lùi Chứng Rối loạn giảm tập trung (ADT) - nguyên nhân gây "chập điện" hay gặp ở các công việc lao động trí óc nhé.

Phần 1: Hiểu về người "họ hàng" của chứng Rối loạn giảm tập trung

Người họ hàng của chứng Rối loạn Giảm tập trung (Attention Deficit Trait - viết tắt là ADT) là chứng "Rối loạn tăng động giảm tập trung"(Attention Deficit Disorder - viết tắt là ADD). Triệu chứng này thường được coi là chứng khiếm khuyết học tập ở trẻ em, và tác động khoảng 5% người trưởng thành.
Sử dụng máy quét MRI, các nhà nghiên cứu phát hiện ra là người mắc triệu chứng "Rối loạn tăng động giảm tập trung" (ADD) bị thu hẹp thể tích ở bốn vùng não chịu chức năng học hỏi, điều tiết cảm xúc.
Triệu chứng tiêu cực của chứng "Rối loạn tăng động giảm tập trung"(ADD) là: thiếu đầu óc tổ chức, chậm chạp, hay quên, dễ xao nhãng ngay trong cuộc đối thoại hay khi đang đọc tài liệu. Họ thiếu kiên nhẫn và mất tập trung.
Tuy nhiên, không phải "Rối loạn tăng động giảm tập trung" không có ưu điểm. Người mắc chứng này thường sở hữu tài năng và năng khiếu đặc biệt. Trong một số tình huống nhất định, họ trở nên kiên định một cách bất thường - tố chất thường thấy ở doanh nhân. Ngoài ra, họ có khả năng ứng biên tốt dưới áp lực, mặc dù kết quả làm việc của họ không nhất quán, trồi sụt khá thất thường.
Như vậy, chúng mình đã hiểu biết sơ về triệu chứng của ADD. Vậy chứng Rối loạn Giảm tập trung (Attention Deficit Trait - viết tắt ADT) là gì?
<i>Chứng Rối loạn Giảm tập trung "Khi mạch điện quá tải" (Attention Deficit Trait - viết tắt ADT)  trích từ quyển "Quản lý bản thân" - trong chuỗi series 09 quyển của Harvard Business Review. </i>
Chứng Rối loạn Giảm tập trung "Khi mạch điện quá tải" (Attention Deficit Trait - viết tắt ADT) trích từ quyển "Quản lý bản thân" - trong chuỗi series 09 quyển của Harvard Business Review.
Trước hết, phải nói luôn, ADT không phải là bệnh, cũng không mang tính di truyền, mà chỉ là một phản xạ tự nhiên của não bộ.
ADT là sản phẩm của cuộc sống hiện đại. Sự tiện lợi của công nghệ, internet, các thiết bị thông minh và sự tràn lan của thông tin liên tục đưa về đã khiến não bộ bị quá tải và mất khả năng xử lý vấn đề.
Chúng ta đang sống trong thời đại của CÔNG NGHỆ và TỐC ĐỘ. Vì nghiện TỐC ĐỘ, chúng ta cố gắng đẩy bản thân nhanh hết mức có thể, vượt qua cả giới hạn bản thân. Một tiểu thuyết gia thậm chí đã mô tả "Tốc độ là một dạng thuốc lắc mà công nghệ đã ban tặng cho nhân loại thời hiện đại".

Phần 2: Hiểu về chứng Rối loạn Giảm tập trung (ADT) dưới góc độ thần kinh học

Nội dung này khá phức tạp với một người đọc không chuyên sâu về Y khoa như mình. Mình xin giải thích ngắn gọn như sau nhé:
Trong số các giống loài, loài người là loài may mắn có diện tích vỏ não lớn nhất. Trong đó, vùng thùy trán sẽ chi phối chức năng điều hành, giúp con người ra quyết định, lên kế hoạch, tổ chức, sắp xếp các idea và hàng loạt các nhiệm vụ phức tạp khác mà chỉ loài người mới có.
Bên dưới thùy trán là các thành phần khác của não bộ có chức năng điều khiển các hoạt động liên quan sự sinh tồn, ví dụ: ăn, ngủ, nghỉ, tình dục, thở.
Tuy nhiên, khi bạn bị gián đoạn liên tục bởi các sự kiện trong một thời gian ngắn, não bạn sẽ phát ra tín hiệu cảnh báo giả, làm cho bạn hoảng loạn và phản xạ như thể bạn đang gặp nguy hiểm (giống như tình huống bạn đi vào rừng, bỗng dưng bạn thấy có 1 con hổ chồm tới hoặc một con rắn màu xanh vắt vẻo trên cành cây phía trước mặt bạn chẳng hạn).
Lúc này, não bạn bị mất kiểm soát, các lệnh phát ra trong trạng thái xung đột với nhau chan chát. Thùy trán của bạn mất kiểm soát, và bạn bắt đầu không còn thấy bức tranh toàn cảnh nữa và ra hàng loạt quyết định sai lầm. Triệu chứng này về lâu về dài rất ảnh hưởng đến hoạt động trí óc của bạn.
Cũng giống như khi bạn đang bị kẹt xe ở một giao lộ lớn trong trung tâm thành phố, tiếng còi xe, tiếng người la ó,... khi tâm trí bạn ngập tràn tiếng ồn, các điểm tiếp xúc của tế bào thần kinh chỉ toàn nhận được những tín hiệu vô nghĩa, khiến não bộ mất đi khả năng tập trung tuyệt đối vào bất cứ điều gì.
Nghe hơi sợ đúng không, và sau đây là các tips mình sẽ chia sẽ ngay nhé.

Phần 3. Tips để đối phó với chứng Rối loạn giảm tập trung (ADT)

Tip 1. Thúc đẩy cảm xúc tích cực 🤩🤩🤩

👉 Học cách sắp xếp công việc để Thùy trán của bạn nằm trong tầm kiểm soát. Ví dụ: chia đầu mục công việc lớn thành các đầu mục nhỏ, sắp xếp bàn làm việc gọn gàng. Bạn có thể sắp xếp công việc và suy nghĩ trong đầu bằng cách viết ra giấy hoặc sử dụng Excel.
👉 Nói không với các yếu tố gây phiền nhiễu liên tục trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày. Chỉ dành thời gian cho nó khi bạn đã sẵn sàng. Ví dụ: không trả lời email ngay lập tức, nếu có trả lời thì ưu tiên các email quan trọng (bằng cách check title email, và xem xét email đó đến từ người gửi là ai).
👉 Cảm xúc sợ hãi, tiêu cực sẽ cản trở hoạt động của não bộ. Do đó, hãy dành thời gian tương tác trực tiếp với những người đồng nghiệp bạn thích một lần trong 4-6 tiếng (like-minded people). Khi bạn có sự kết nối thoải mái với đồng nghiệp, chức năng điều hành trong não bộ của bạn (thùy trán) sẽ được thư giãn.

Tip 2. Chăm sóc thể chất cho não bộ 💪💪💪

👉 Ngủ đủ giấc. Cái này mình nghĩ chắc ai cũng biết rồi. Bất cứ lúc nào cảm thấy buồn ngủ, mình sẽ đi nằm nghỉ một lát, không cần ngủ sâu, chỉ cần chợp mắt chút xíu để não bộ được thư giãn là được.
👉 Quan tâm chế độ ăn uống. Não bộ sẽ làm việc tốt hơn khi lượng Glucose trong máu ổn định, do đó hãy tránh đồ ăn nhiều đường, cũng đừng nạp quá nhiều carbohydrate. Cố gắng ăn nhiều rau củ, trái cây, yến mạch.
👉Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày. Bạn có thể chọn đi bộ nhanh hoặc leo cầu thang đều được, không nhất thiết phải mua thẻ gym phòng tập đâu nhé.
👉 Bổ sung vitamin tổng hợp và viên dầu cá có chứa axit béo omega-3 (tốt cho sức khỏe não bộ).
👉 Thay vì cố gắng tăng tốc hết mức có thể, hãy làm mọi việc chậm lại một nhịp, để giúp não bộ không bị rơi vào trạng thái hoảng loạn.

Tip 3. Sắp xếp công việc hợp lý 🌷🌷🌷

👉 Hãy sắp xếp chỗ làm việc của bạn theo cách giúp trí não làm việc tốt hơn. Ví dụ: đặt lên bàn làm viêc vài chậu sen đá, một vài bạn thú bông nho nhỏ hoặc khung hình gia đình (cái này còn tùy thuộc văn hóa và quy định công ty cho phép hay không, bạn nên check với đồng nghiệp hoặc quan sát xung quanh đã nhé).
👉 Khi bạn cảm thấy quá tải, hãy thử một số mẹo "dọn dẹp tâm trí", ví dụ như: nghe nhạc nhẹ, làm việc vặt, dọn dẹp lại bàn làm việc, ngắm chậu cây cảnh, vẽ nguệch ngoạc, viết Journal hoặc viết blog Spiderum 😊.
👉 Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu sự giúp đỡ hoặc ủy thác bớt nhiệm vụ với đồng nghiệp. Cố gắng không ôm đồm quá nhiều.

KẾT

Chứng Rối loạn giảm tập trung (Attention Deficit Trait) là nguy cơ tiềm ẩn với tất cả chúng ta. Nếu chúng ta không kiểm soát nó, nó sẽ kiểm soát chúng ta. Vì vậy, hãy hiểu biết về ADT để phòng ngừa trước khi nó ập đến bạn nhé.
Cảm ơn bạn đã đọc đến đây. Nếu bài viết hữu ích, bạn hãy upvote hoặc comment để mình biết nhé.