Rất nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Xuất Nhập Khẩu cũng như Logistics đã được những khán thính giả “tới tấp” gửi về cho podcast Người Trong Muôn Nghề. Hiểu được mong mỏi của độc giả, những nhân viên trong đội ngũ sản xuất podcast phải tìm ngay tới một nhân vật vô cùng đặc biệt đó chính là anh Mạc Hữu Toàn. Anh Hữu Toàn đã có hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động trong ngành Logistics và hiện tại đang là Giám đốc Công Ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Vnlogs.
Và đến với Human of Spiderum, chúng ta hãy cùng Host Yo Le khám phá những kiến thức hữu ích và lắng nghe những câu chuyện thực tế về một lĩnh vực đang vô cùng “hot” đối với các bạn trẻ trong những năm vừa qua nhé!

GIẢI MÃ NGỘ NHẬN VỀ NGÀNH XUẤT NHẬP KHẨU VÀ LOGISTICS

Yo Le: Có rất nhiều ngộ nhận trong lĩnh vực Xuất Nhập Khẩu và Logistics và một thắc mắc rất phổ biến đó là “Ngành Logistics và Xuất Nhập Khẩu có phải là một?”. Anh có thể giúp chúng em giải đáp câu hỏi này và phân tích về hai khái niệm này được không?
Mạc Hữu Toàn: Xuất Nhập Khẩu và Logistics thực ra nó lại hai khái niệm khác nhau. Nhưng hai khái niệm đó giống như hai cái vòng tròn, chúng có điểm giao nhau. Xuất Nhập Khẩu là hoạt động kinh doanh mua bán hàng hóa, trao đổi hàng hóa giữa người bán và người mua hoặc giữa những cá nhân - cá nhân, cá nhân - tổ chức hoặc tổ chức - tổ chức. Hoạt động này có hai mục đích là thương mại hoặc phi mậu dịch (biếu tặng, viện trợ…) dưới sự quản lý của cơ quan Hải quan. Hai mục đích đó sẽ diễn ra từ nước này tới nước kia hoặc hai vùng lãnh thổ hải quan khác nhau dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan. 
Hoạt động Logistic là chuỗi các hoạt động nhằm đem hàng từ tay của người bán tới tay của người người mua hay đem hàng từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng.
Bản thân các hoạt động Xuất Nhập Khẩu nó sẽ gồm rất nhiều hoạt động trong đó có Logistics. Nhưng Logistics không chỉ ứng dụng trong hoạt động Xuất Nhập Khẩu mà con được ứng dụng trong rất nhiều ngành nghề khác. Bật mí nho nhỏ một chút là Logistics ứng dụng đầu tiên là ở lĩnh vực quân sự. Sau khi thành công trong lĩnh vực quân sự, nó bắt đầu được ứng dụng trong các ngành nghề khác và đến bây giờ hầu hết các ngành về kinh tế đều bao gồm Logistics.

TOÀN CẢNH NGÀNH XUẤT NHẬP KHẨU VÀ LOGISTICS

Yo Le: Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành Xuất Nhập Khẩu và Logistics, anh Mạc Hữu Toàn có thể giải thích chi tiết toàn cảnh về lĩnh vực này bao gồm những loại hình doanh nghiệp hay vị trí làm việc nào được không?
Mạc Hữu Toàn: 
A. Về ngành Xuất Khẩu thì chúng ta có 3 loại hình công ty. Với mỗi loại hình công ty lại có những vị trí nghề nghiệp khác nhau
1. Loại hình doanh nghiệp Kinh doanh Xuất khẩu và Kinh doanh Nhập khẩu:
- Thứ nhất, loại hình doanh nghiệp Kinh doanh Xuất khẩu bao gồm các vị trí:
+ Sale xuất khẩu (Rất khó, nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng): Bán hàng Việt Nam ra thị trường nước ngoài. Vị trí này có thu nhập rất cao, phù hợp cho các bạn năng động có kỹ năng giao tiếp, giỏi ngoại ngữ.
+ Chứng từ xuất khẩu (Phù hợp cho người mới ra trường nhưng ít doanh nghiệp tuyển dụng): Làm các hợp đồng, Invoice, Packing list, theo dõi đơn hàng, vận đơn… Vị trí này có mức lương cứng phù hợp nhưng không có lương thưởng hay hoa hồng giống vị trí sale. Chủ yếu ở vị trí này cần kiến thức nền và kinh nghiệm thực tế là có thể làm việc ổn định.
+ Kế toán Xuất Nhập Khẩu: Các bạn theo học Kế Toán và Kiểm Toán nếu có thêm kiến thức về ngành Xuất Nhập Khẩu có thể làm việc ở vị trí này.
+ Ngoài ra, quy mô công ty lớn còn có bộ phận chuyên làm chứng từ thanh toán theo thư tín dụng L/C
- Thứ hai, loại hình doanh nghiệp Kinh doanh Nhập khẩu bao gồm các vị trí:
+ Mua hàng (Purchasing): Mua hàng nước ngoài về Việt Nam với giá rẻ nhất và chất lượng tốt nhất. Ở vị trí này cũng cần những kỹ năng giao tiếp, đàm phán, thành thạo ngoại ngữ. Những ngôn ngữ càng hiếm và càng khó thì mức lương ở vị trí này sẽ cao hơn tương ứng. Ngoài ra bạn còn có thêm một vài khoản thưởng giống như vị trí Sale xuất khẩu đề cập ở trên.
+ Chứng từ hàng nhập: Ngược lại so với vị trí chứng từ hàng xuất. Vị trí này cũng có mức lương giống như vị trí Chứng từ xuất khẩu và với kiến thức nền và kinh nghiệm thực tế là có thể làm việc ổn định.
2. Loại hình doanh nghiệp gia công
- Gia công xuôi: Doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp nước ngoài gửi các nguyên phụ liệu, máy móc, quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra. Doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công lại sản phẩm và xuất trả lại cho doanh nghiệp thuê gia công. Loại doanh nghiệp này sẽ có:
+ Phòng Xuất Nhập Khẩu: Đây là vị trí bạn làm được cả hai phần là Xuất và Nhập. 
+ Kế toán trong doanh nghiệp gia công: Một vị trí khó và cần sự cẩn trọng trong báo cáo quyết toán bởi liên quan rất nhiều yếu tố.
- Gia công ngược: Doanh nghiệp Việt Nam thuê gia công doanh nghiệp nước ngoài
+ Mức lương và công việc cũng tương đồng như mô hình gia công xuôi.

3. Loại hình doanh nghiệp Xuất khẩu và Chế xuất. Đây là loại hình doanh nghiệp chủ động về nguồn đầu vào.

- Công việc và mức lương cũng gần giống như các mô hình doanh nghiệp Xuất Nhập Khẩu đã kể trên. Điểm khác chính là thủ tục Hải quan. Mức lương trong doanh nghiệp này phụ thuộc vào số lượng hàng từng tháng:
+ Những bạn mới vào làm mức lương có thể từ 8 - 10tr/tháng
+ Với những bạn có kinh nghiệm thì mức lương sẽ từ 10tr/tháng trở lên. Thậm chí ở vị trí trưởng phòng thu nhập có thể lên tới 30 - 40tr/tháng
B. Trong doanh nghiệp Logistics chúng ta sẽ có những vị trí công việc như sau:
- Vị trí Sale: Tìm kiếm khách hàng, những người có nhu cầu về logistics
- Nhân viên chứng từ: Nhân viên chứng từ đường biển, đường hàng không…
- Bộ phận Operation (Vận Hành): Kiểm tra chứng từ, làm thủ tục Hải quan, xin giấy phép… Trong bộ phận này còn có 1 ngách nhỏ là bộ phận điều phối xe/
- Bộ phận quản lý kho: Bộ phận này đang dần được đẩy lên các hệ thống phần mềm
→ Một lời khuyên mà anh dành cho các bạn mới bước vào hai lĩnh vực này đó là hãy làm nhiều vị trí để hiểu được mình đang giữ vai trò gì, hiểu được các công việc của những anh chị khác. Vị trí mà anh khuyên mọi người nên làm việc đầu tiên đó là vị trí Sale. Đây sẽ là vị trí nắm bắt được hết các quy trình hoạt động.
Yo Le: Em thường thấy ngành Logistics có một lời đồn đại là: “Làm Sale mà chưa phải đền tiền thì chưa phải làm Sale!”. Anh Mạc Hữu Toàn có suy nghĩ gì về lời đồn đại này:
Mạc Hữu Toàn: Rủi ro thì ở mọi lĩnh vực đều xuất hiện chứ không chỉ có trong ngành Xuất Nhập Khẩu và Logistics. Mọi vị trí trong ngành này đều có thể gặp phải những lỗi sai sót và phải chịu trách nhiệm chứ không chỉ là vị trí Sale. Ngay cả bản thân anh đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực này cũng gặp phải những rủi ro, sai sót. Quan trọng là chúng ta dũng cảm, cùng công ty hay doanh nghiệp chung tay xử lý hậu quả của các loại rủi ro đó.
Với anh, để hạn chế rủi ro anh thường kiểm tra đối tượng khách hàng kỹ lượng. Không chỉ dừng lại ở việc gặp gỡ, mình nên tìm hiểu về công ty họ đang hoạt động, ký kết đầy đủ các hợp đồng… Tuy vậy chúng ta vẫn có thể gặp phải những trường hợp rủi ro khác nhau cho dù mình đã chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt.
Nhưng tất nhiên nếu mức độ rủi ro cao đôi thì thành quả thu được sẽ càng lớn. Nếu bạn thích an toàn, hãy làm công việc Chứng từ. Nếu bạn thích thử thách bản thân, rủi ro cao nhưng đạt được thành quả cao, hãy thử làm Sale.
Yo Le: Đầu vào của ngành Logistics tại các trường đại học đang rất cao (27đ - 28đ). Theo anh vì sao ngành này lại có điểm cao như vậy?
Mạc Hữu Toàn: Trước kia ngành Logistics và Xuất Nhập Khẩu ít được nhiều người quan tâm nhưng trở lại vài năm gần đây ngành Logistics đang rất “hot”. Nguyên nhân cho việc ngành này đang thu hút sự quan tâm nhiều hơn là bởi những lý do sau:
- Chiến tranh kinh tế: Sự đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Một số nhà máy của Nhật Bản, Hàn Quốc, nhà máy của Trung Quốc dịch chuyển sang và Việt Nam. Điều này dẫn tới việc kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng lên và từ đó nhu cầu về tuyển dụng tăng lên. Đương nhiên các trường đại học cũng phải sát sao hơn về nhu cầu và quá trình đào tạo.
- Khái niệm về Logistics đang được mọi người biết đến nhiều hơn nên từ khóa đó nhiều người sẽ tìm kiếm khiến nó trở nên phổ biến.
- Vốn đầu tư của nhà nước, nước ngoài hay thậm chí của chính doanh nghiệp đang đổ vào ngành này nhiều hơn.
- Các Startup đang nở rộ ở các ngành nghề khác nhau và Logistics cùng với Xuất Nhập Khẩu là một trong số đó.
→ Từ những lý do trên đã khiến nhu cầu nhân lực cho ngành Logistics tăng cao và các trường đại học đã nắm bắt xu thế nhằm đào tạo nhân lực cho ngành đó. Các bạn học sinh thấy được độ “hot” của ngành này nên đổ xô vào các trường kinh tế dẫn đến điểm đầu vào sẽ rất cao. Đồng thời ngành Logistics cũng có thu nhập ổn định thậm chí là rất cao nếu bạn thực sự giỏi.
Ngay bây giờ các bạn có thể lắng nghe những chia sẻ của anh Mạc Hữu Toàn về lĩnh vực này tại:  - Số thứ nhất: https://b.link/MacHuuToan-NTMN-P1 - Số thứ hai: https://b.link/MacHuuToan-NTMN-P2
Đăng ký theo dõi Kênh Người Trong Muôn Nghề tại: - Youtube: https://youtube.com/NgườiTrongMuônNghề - Anchor: https://anchor.fm/nguoi-trong-muon-nghe - Spotify: https://b.link/spotify-NTMN Đừng quên gửi câu hỏi qua Confession để nhận chia sẻ từ những ngành nghề khác nữa nhé: https://b.link/NTMN-Confessions