#ThuPhương
1. Khái niệm:
Bảo hộ thương mại là thuật ngữ kinh tế học, theo đó quốc gia áp đặt thuế nhập khẩu cao hoặc áp dụng các hàng rào kỹ thuật (yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh, an toàn, lao động, môi trường, xuất xứ…) đối với một hoặc một số mặt hàng (hay dịch vụ) mà mình có lợi thế để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa (hay dịch vụ) của mình.
2. Mục đích:
Mục đích của các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ là kích thích nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa nội địa, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của nước đó, đồng thời tránh được thâm hụt thương mại với các đối tác trong quan hệ trao đổi thương mại giữa hai bên.
3. Xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới thời gian gần đây:
Trong nhiều thập kỷ qua, thương mại toàn cầu dựa trên lý thuyết về lợi thế so sánh, cho thấy, các quốc gia thường chỉ làm ra những mặt hàng mà mình có lợi thế so sánh cao nhất nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Lợi thế so sánh của mỗi nền kinh tế dựa vào các yếu tố như khoa học và công nghệ, khả năng sáng tạo, nhân công rẻ, nguyên liệu dồi dào, thậm chí cả các yếu tố mang tính can thiệp của chính quyền như chính sách bảo hộ, hàng rào thuế quan… Về bản chất, đó là sự phân công lao động trong dây chuyền sản xuất toàn cầu.
Có thể thấy rằng, toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại tuy là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới nhưng do sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế giữa các quốc gia; giữa các khu vực, tầng lớp, thành phần xã hội trong mỗi quốc gia đã dẫn đến xu hướng chống toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, thương mại thế giới đã xuất hiện thêm các hình thức thương mại hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới, “xóa nhòa biên giới quốc gia”, làm giảm vai trò của các lợi thế so sánh trước đây. Vì vậy, một số quốc gia thúc đẩy các doanh nghiệp dịch chuyển trở về nước mình nhằm gia tăng lợi ích của quốc gia mình. Nhiều chính phủ tuyên bố ủng hộ tự do hóa thương mại, tôn trọng các nguyên tắc thị trường, phê phán chủ nghĩa bảo hộ nhưng trên thực tế lại hành động ngược lại, kể cả áp dụng biện pháp can thiệp hành chính.
3.1 Tình hình hội nhập kinh tế quốc tế:
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế cùng với toàn cầu hóa đã diễn ra sôi động và mạnh mẽ trên khắp thế giới trong suốt thời gian qua, đặc biệt trong hai thập kỷ gần đây, nền kinh tế thế giới được ghi nhận ngày càng “phẳng” hơn với mức độ hội nhập sâu và rộng hơn. Khi tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) được thành lập vào ngày 1/1/1995 chỉ có 77 thành viên, đến nay số thành viên của WTO đã tăng hơn gấp đôi đạt 164 thành viên (số liệu tính đến thàng 7/2016). Trong giai đoạn 1948 – 1994, GATT đã nhận được 124 thông báo về các khu vực thương mại tự do và kể từ khi thành lập WTO, đã có hơn 400 thỏa thuận bổ sung về thương mại hàng hóa và dịch vụ. Tính đến 2016, WTO có khoảng 643 thông báo về hiệp định thương mại khu vực, trong đó 431 hiệp định có hiệu lực ( bao gồm các hiệp định thương mại tự do và các liên minh hải quan).
3.2. Một số hiện tượng bảo hộ thương mại trong thời gian gần đây:
Trong năm 2016 – 2017, thế giới ghi nhận sự quay trở lại của xu hướng bảo hộ thương mại, nổi bật với những sự kiện:
– Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ailen (Anh) đàm phám khỏi EU: Vào ngày 29/3/2017, Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ailen là 1 trong 3 nước thành viên được coi là đầu tàu kinh tế của EU, chính thức kích hoạt điều 50 của Hiệp ước về “ Liên minh Châu u” đề đàm phán ra khỏi EU.
– Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương: Trong chiến dịch tranh cử của mình, tổng thống Donald Trump hoàn toàn bỏ qua các nguyên tắc đã được Hoa Kỳ ký kết trước đó về thương mại tự do, chỉ tập trung chủ yếu vào việc mang lại việc làm cho người Mỹ, kêu gọi các công ty lớn quay lại Mỹ để làm ăn, điều này đồng nghĩa với việc chống lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Sau khi tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương và đảm bảo tất cả hiệp định thương mại sau này phục vụ lợi ích lao động Mỹ. Hoa Kỳ sẽ tiến hành đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký kết giữa Hoa Kỳ với Canada và Mexico vào năm 1994.
– Bên cạnh đó, nổi trội hơn là hiện tượng các nước tăng cường sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại:
+ Theo báo cáo về biện pháp thương mại của G20 cho thấy, từ tháng 10/2015 đến tháng 5/2016, các nền kinh tế G20 đã áp dụng 145 biện pháp mới về hạn chế thương mại, mỗi tháng áp dụng trung bình 21 biện pháp, nhiều hơn so với mức trung bình là 17 biện pháp/ tháng, trong đó chủ yếu các biện pháp chống bán phá giá. Đây là mức trung bình cao nhất kể từ năm 2011, ghi nhận những biện pháp hạn chế thương mại đạt mức kỷ lục.
+ Theo Global Trade Alert (GTA), kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008 đã có thêm 4.000 biện pháp bảo hộ thương mại mới được áp dụng gồm: biện pháp phòng vệ thương mại, tăng thuế, rào cản địa phương, trợ cấp phí xuất khẩu, và các phân biệt đối xử. Xu hướng bảo hộ trở nên rõ ràng hơn so với những năm trước đó. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2015, GTA đã ghi nhận 539 biện pháp bảo hộ, nhiều hơn so với 407 biện pháp bảo hộ trong cùng kỳ năm 2014 và 183 biện pháp được triển khai trong 10 tháng đầu năm 2012.
+ Tại châu Âu, xu hướng bảo hộ thương mại thể hiện rõ nét nhất khi nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý (Brexit) vào năm 2016, và hiện đang đàm phán các thủ tục để rời EU, tạo ra các điều kiện, cơ hội để nước Anh đàm phán thương mại song phương với các đối tác mới trên phạm vi toàn thế giới.
+ Chỉ trong năm 2017, Mỹ đã khởi xướng 02 vụ việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (với pin năng lượng mặt trời và máy giặt). Ngày 8/3/2017 (ngày 9/3 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm theo Mục 232 Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962 (Trade Expansion Act) dưới hình thức tăng thuế nhập khẩu. Cụ thể, một số sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm. Quyết định này của Mỹ sẽ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Lý do áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thép và nhôm bằng chính sách tăng thuế nhập khẩu được chính quyền Tổng thống Trump đưa ra là vì “an ninh quốc gia”.
+ Hội nghị thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng từ ngày 08-09/6/2018, tại Canada đã ra tuyên bố chung khẳng định vai trò cốt yếu của hệ thống thương mại quốc tế dựa trên các quy định, nêu rõ sự cần thiết của thương mại toàn cầu “tự do, công bằng và cùng có lợi”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sớm nhất có thể và “nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ”. Tuy nhiên, Mỹ đã rút khỏi Tuyên bố chung.
3.3. Tác động của một số hiện tượng bảo hộ thương mại:
a) Đối với thế giới:
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thị trường mở, đầu tư và thương mại ngày càng thuận lợi, kinh tế toàn cầu được hưởng lợi. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), toàn cầu hóa đóng góp 1,5 – 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói ở các nước đang phát triển. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu các rào cản thương mại toàn cầu được dỡ bỏ thì thu nhập của các nước đang phát triển có thể tăng thêm 142 tỷ USD.
Như vậy, chủ nghĩa bảo hộ không chỉ có tác động tiêu cực đối với những nước theo đuổi xu thế này mà cả với tăng trưởng toàn cầu. Đối với các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, người tiêu dùng không có điều kiện để lựa chọn hàng hóa chất lượng cao và giá thành cạnh tranh như ở các nước theo đuổi thương mại tự do và ngay cả các nhà sản xuất cũng không có động lực để áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Suy cho cùng, các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương đến kinh tế các nước và người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp.

Theo WTO, Mỹ thực thi bất kỳ biện pháp bảo hộ thương mại nào đều gây bất ổn cho kinh tế thế giới. Các biện pháp hạn chế nhập khẩu làm tổn thương tới tất cả thành phần xã hội, đặc biệt là những người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn. Các biện pháp này không chỉ khiến giá cả hàng hóa trở nên đắt đỏ và sự lựa chọn bị hạn chế, mà còn ngăn cản thương mại đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy năng suất và phân bổ các công nghệ mới.
Theo IMF, toàn cầu hóa đóng góp 1,5 – 2% tăng trưởng kinh tế thế giới, làm cho hàng trăm triệu người thoát cảnh nghèo đói ở các nước đang phát triển.
Chuyên gia kinh tế trưởng Maurice Obstfeld của IMF cho rằng: “Mỹ “đặc biệt dễ tổn thương” nếu chiến tranh thương mại leo thang xa hơn, bởi nước này sẽ là tâm điểm của sự trả đũa thương mại toàn cầu. Trong cuộc điều trần trước Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, vào thời điểm căng thẳng thương mại giữa Washington với phần còn lại của thế giới gia tăng mạnh, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell ngày 17/7/2018 cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ có thể gây tổn hại tăng trưởng kinh tế và làm suy yếu tăng trưởng tiền lương”.
Với Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ trong quý II/2018, trong đó có nguyên nhân được cho là do căng thẳng thương mại leo thang Trung – Mỹ đe dọa triển vọng xuất khẩu. Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/7/2018 cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 6,7% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đã lần đầu tiên giảm trong 17 tháng và niềm tin của các doanh nghiệp nước này suy giảm trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy các chính sách bảo hộ thương mại.
Tăng trưởng kinh tế Singapore chậm lại trong quý II/2018 và không đạt dự báo, do ngành chế tạo giảm tốc và xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang. Số liệu do Bộ Công Thương Singapore công bố sáng 13/7 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này trong quý II/2018 chỉ tăng 1% so với quý I/2018, so với mức dự báo tăng 1,2% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Trong quý I/2018, GDP của Singapore tăng 1,5% so với quý IV/2017.

b) Đối với Việt Nam:
Đối với Việt Nam, theo thống kê của Cục Phòng vệ Thương mại- Bộ Công Thương, tính đến tháng 10 năm/2017, đã có hơn 120 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại có liên quan tới hàng xuất khẩu của Việt Nam, gồm 75 vụ việc chống bán phá giá, 10 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc tự vệ và 17 vụ việc lẩn tránh thuế. Mỹ là nước điều tra chống bán phá giá nhiều nhất với Việt Nam (13 vụ), tiếp đó là Ấn Độ (11 vụ), Úc (7 vụ), EU, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ (6 vụ). Mỹ đồng thời là nước có tỷ lệ áp thuế chống bán phá giá cao nhất với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra chủ yếu là sắt, thép, sợi, da giày, các sản phẩm cao su… Đối với chống trợ cấp, Mỹ tiếp tục là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam (05 vụ), tiếp đó là Canada, Úc (2 vụ) và EU (1 vụ).

Các vụ kiện phòng vệ thương mại và các rào cản bảo hộ đã gây ra những tác động tiêu cực đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung ở một số khía cạnh:
(i) Giảm năng lực và lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu;
(ii) Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể nguồn nhân lực, thời gian và kinh phí cho việc tham gia giải quyết toàn bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp;
(iii) Khi bị khởi kiện, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thay đổi chiến lược kinh doanh, đầu tư sản xuất… để đáp ứng với những thay đổi của thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, việc chuyển sang các thị trường khác cũng sẽ gặp khó khăn hơn;
(iv) Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị kiện ồ ạt theo hiệu ứng dây chuyền;
(v) Một số biện pháp phòng vệ thương mại kéo dài hàng chục năm, kéo theo chi phí theo đuổi vụ việc tốn kém.
4. Quan điểm cá nhân từ đó đưa ra những kiến nghị đối với Việt Nam:
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế trong quá trình mở cửa và hội nhập với kinh tế thế giới nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, tích cực tham gia mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đa tầng nấc. Mặt khác, xu hướng bảo hộ thương mại trong thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, có thể cản trở hệ thống thương mại toàn cầu cũng như đe dọa đà phục hồi tăng trưởng của kinh tế thế giới và thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình toàn cầu hóa. Theo tôi, Việt Nam cần chuẩn bị, nâng cao năng lực trong nước để ứng phó hiệu quả với những tác động tiêu cực từ các diễn biến của thương mại quốc tế như:
– Vận động hành lang, chính trị, ngoại giao.
– Tham gia cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại WTO, ( khu vực ASEAN, ASEAN+,…) và các cơ chế giải quyết tranh chấp song phương ( Hoa Kỳ, EU,…).
– Quan tâm đến công tác xúc tiến thương mại, nhất là các Hiệp hội lớn như dệt may, thủy sản, lương thực, cà phê, giày dép,…
– Cần đoàn kết liên hệ chặt chẽ với nhau, tránh hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các hội viên (tranh mua, tranh bán,…).
– Nâng cao năng lực thu thập và xử lí thông tin.
Nguồn tham khảo, tư liệu:
Nghiên cứu của Ths.Nguyễn Thành Long – Phòng hội nhập kinh tế quốc tế trong nước, Văn phòng BCĐLNKT, (đề tài: “Ảnh hưởng của một số hiện tượng bảo hộ thương mại nổi bật trong thời gian gần đây và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam”) .
 -----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội