Phạm Lê Hà
K63LKD-A, Khoa Luật – ĐHQGHN
Dẫn nhậpThương mại tự do ra đời được xem như một bước tiến dài của nền kinh tế thế giới, tạo nên một thị trường toàn cầu năng động và tiềm năng. Tuy nhiên, đồng hành với toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế, các quốc gia bắt đầu sử dụng những công cụ bảo hộ ngày càng tinh vi, trong đó có trợ cấp và các biện pháp đối kháng. Vậy trợ cấp là gì ? Trợ cấp được quy định như thế nào trong SCM ? Và các quốc gia đã thống nhất như thế nào để có những biện pháp đối kháng phù hợp ? Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ tiến hành phân tích và lý giải “Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng” ( SCM ), đồng thời liên hệ đến thực tiễn Việt Nam – đặc biệt trong thời kỳ hội nhập toàn cầu với những diễn biến phức tạp của thị trường thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Tóm Tắt: Bài viết khái quát nội dung về “Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng” ( SCM ), giúp cho người đọc có cái nhìn tổng quan về Hiệp định và cách thức Việt Nam vận dụng SCM trong thời kỳ Thương mại tự do hiện nay. Đặc biệt, bài viết phân tích được những điểm mạnh, điểm yếu của Việt Nam về sự cạnh tranh trên thị trường thế giới và kiến nghị một số giải pháp để hoàn thiện khung pháp lý về các biện pháp trợ cấp.
Abstract: Overview article on “Agreement on subsidies and countervailing measures” . Help readers have an overview about Agreement and How VietNam uses in Free Trade. Differently, article dissects VietNam’s advantages and achillies about compete on world’s market and contributes solutions to complete  VietNam’s legal fraemwork on subsidies.
Từ khóa: Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, SCM, Thương mại tự do, Khung pháp lý về các biện pháp trợ cấp, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Keyword: Agreement on subsidies and countervailing measures, SCM, Free Trade, Legal fraemwork on subsidies, China – United States trade war.
I. Khái niệm về Trợ cấp và các loại trợ cấp.
1. Khái niệm :
Trợ cấp, theo WTO, “được coi là tồn tại nếu có sự đóng góp tài chính của Chính phủ hoặc một cơ quan công cộng trên lãnh thổ của một Thành viên và đem lại lơi ích cho đối tượng được nhận trợ cấp” ( Điều 1, “Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng” ).
2. Các loại trợ cấp:
Có nhiều cách để phân chia trợ cấp dựa vào các tiêu chí khác nhau: Trợ cấp trong nước và trợ cấp xuất khẩu; trợ cấp nông nghiệp và trợ cấp phi nông nghiệp; trợ cấp chung và trợ cấp riêng; trợ cấp trực tiếp và trợ cấp gián tiếp. Xét theo hiệp định SCM, WTO chia trợ cấp thành 3 loại chính : Trợ cấp đèn đỏ, trợ cấp đèn vàng và trợ cấp đèn xanh.
2.1. Trợ cấp bị cấm (trợ cấp đèn đỏ)
Trợ cấp bị cấm  bao gồm trợ cấp xuất khẩu và trợ cấp nhằm ưu tiên sử dụng hàng nội địa so với hàng nhập khẩu. Sở dĩ loại trợ cấp này bị cấm vì nó làm mất cân bằng cán cân thị trường, gây nên tình trạng cạnh tranh không công bằng, thậm chí là ảnh hưởng đến phúc lợi xã hội, gây bất bình khi người dân phải đóng thuế nhiều hơn.
Ví dụ : Trợ cấp nguyên liệu đầu vào để xuất khẩu.
2.2. Trợ cấp không bị khiếu kiện (trợ cấp đèn xanh)
Trợ cấp không bị khiếu kiện bao gồm trợ cấp không cá biệt, trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu, trợ cấp cho khu vực khó khăn, trợ cấp để hỗ trợ điều chỉnh các điều kiện sản xuất cho phù hợp với môi trường kinh doanh mới.
Ví dụ : Trợ cấp chuyển giao công nghệ tiên tiến.
2.3. Trợ cấp không bị cấm nhưng có thể bị khiếu kiện (trợ cấp đèn vàng)
Bao gồm tất cả các trợ cấp cá biệt ( trừ trợ cấp đèn xanh ). Trên thực tế loại trợ cấp này là trợ cấp sản xuất. Trợ cấp sản xuất có thể là : cho phép sử dụng mặt bằng và điện năng trong khu chế xuất, các khoản hỗ trợ của Chính phủ trong nghiên cứu, khai thác, các khuyến khích về tài chính như miễn, giảm thuế lợi tức, …Trợ cấp sản xuất không những mang lại tác dụng hỗ trợ việc tiêu thụ sản phẩm trong nước mà còn giúp tiêu thụ sản phẩm ở thị trường quốc tế. Hiệp định quy định rằng không một Thành viên nào thông qua việc sử dụng  trợ cấp gây ra tác động có hại đến quyền lợi của Thành viên khác, như gây tổn hại cho một ngành sản xuất nội địa của một Thành viên khác, làm vô hiệu hay gây phương hại đến những quyền lợi mà Thành viên khác trực tiếp hoặc gián tiếp được hưởng từ Hiệp định GATT 1994 (đặc biệt là những quyền lợi có được từ những ưu đãi thuế quan có ràng buộc), và gây tổn hại nghiêm trọng đối với lợi ích của Thành viên khác. “Thiệt hại nghiêm trọng” sẽ được xem là tồn tại trong trường hợp tổng trị giá trợ cấp theo trị giá cho một sản phẩm vượt quá 5%. Trong trường hợp này, bên trợ cấp có nghĩa vụ chứng minh rằng những khoản trợ cấp đó không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với bên khiếu nại. Những thành viên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trợ cấp có thể đối kháng có thể đưa tranh chấp này lên cơ quan giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp cơ quan giải quyết tranh chấp đưa ra phán quyết có tồn tại tác động tiêu cực, bên trợ cấp phải thu hồi lại khoản trợ cấp hoặc xóa bỏ những tác động tiêu cực này[1].
II. Các biện pháp đối kháng quy định trong SCM:
1. Các biện pháp tạm thời
Các biện pháp tạm thời, theo WTO quy định, chỉ được áp dụng khi nằm trong trường hợp: đã có thông báo công khai về việc điều tra và các bên liên quan đã được tạo điều kiện để cung cấp thông tin và nhận xét; qua điều tra sơ bộ, đã thấy có dấu hiệu của trợ cấp và gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước; và cơ quan có thẩm quyền đã nhận định đây là biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại trong quá trình điều tra.
Các biện pháp tạm thời có thể được thực hiện dưới hình thức thuế đối kháng tạm thời ( nghĩa là đặt cọc tiền theo giá trị tương đương trợ cấp tạm tính ).  Tuy nhiên, các biện pháp tạm thời không được đặt trước quá sáu mươi ngày kể từ ngày tiến hành điều tra và không được áp dụng quá 4 tháng .
Có thể thấy rằng, các biện pháp tạm thời là cần thiết được áp dụng khi cơ quan điều tra xác nhận có dấu hiệu của trợ cấp nhằm giúp cân bằng lại thị trường trong nước, tạo nên xu thế cạnh tranh công bằng, cũng như có thêm một nguồn thu nhập cho Chính phủ. Tuy nhiên, các biện pháp tạm thời cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, tránh để tình trạng đánh thuế nhầm gây tổn hại đến lợi ích của nhà sản xuất, ảnh hưởng mối quan hệ quốc tế, rất có thể phải nhận những biện pháp trả đũa thương mại.
2. Cam kết
Cam kết là sự thỏa thuận tự nguyện giữa các nước. Quá trình điều tra có thể bị đình chỉ hoặc chấm dứt mà không áp dụng các biện pháp tạm thời hay thuế đối kháng khi nhận được cam kết tự nguyện từ phía nhà xuất khẩu. Cam kết ấy bao gồm các nội dung: Chính phủ nước xuất khẩu chấp nhận xóa bỏ trợ cấp hoặc hạn chế mức trợ cấp, hay các biện pháp có cùng kết quả để thị trường cân bằng, đem lại sự cạnh tranh công bằng với mọi đối tượng. Nhà xuất khẩu đồng ý xem xét lại giá sao cho cơ quan điều tra thấy rằng các biện pháp trợ cấp không còn gây thiệt hại. Trong trường hợp nếu cam kết được chấp nhận nhưng Thành viên đang xuất khẩu mong muốn hoặc Thành viên đang nhập khẩu quyết định hoàn thành cuộc điều tra thì điều tra vẫn được tiến hành. Nếu kết quả cuộc điều tra đi đến kết luận không thuận đối với trợ cấp thì bản cam kết xem như mất hiệu lực.
3. Áp thuế và thu thuế đối kháng
Kết thúc quá trình điều tra, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định có biện pháp trợ cấp và trợ cấp đó gây tổn hại đến ngành sản xuất trong nước cũng như thị trường thì biện pháp áp thuế và thu thuế đối kháng được áp dụng. Mức thuế đối kháng không được cao hơn giá trị trợ cấp và không được phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, hiệp định SCM còn quy định thời hạn áp dụng thuế trợ cấp tối đa là 5 năm kể từ ngày ra quyết định. Tuy nhiên, thời hạn có thể kéo dài thêm 5 năm nếu cơ quan có thẩm quyền xét thấy việc áp thuế là cần thiết.
4. Đối xử đặc biệt và khác biệt
4.1. Nhóm các nước thành viên đang phát triển
Những quy định cấm tại điểm 1(a) Điều 3 sẽ không áp dụng đối với các thành viên được liệt kê trong Phụ lục VII và các Thành viên đang phát triển khác, trong thời gian 8 năm kể từ ngày Hiệp định SCM có hiệu lực. Những ưu đãi này bao gồm : Ưu đãi về việc sử dụng trợ cấp bị cấm và phải đình chỉ điều tra nếu mức de minimis không vượt quá 2%, 3% đối với các nước trong Phụ lục VII, hoặc nếu khối lượng hàng nhập khẩu được trợ cấp chỉ chiếm dưới 4% tổng sản phẩm nhập khẩu hàng hóa tương tự.
4.2. Các nước có nền kinh tế chuyển đổi sang kinh tế thị trường
Trong vòng 7 năm, các thành viên nằm trong nhóm này được quyền loại bỏ dần và điều chỉnh cho phù hợp đối với các trợ cấp bị cấm. Ngoài ra, các chương trình trực tiếp xoá nợ như xoá một khoản nợ Nhà nước hay cấp kinh phí để thanh toán nợ không coi là trợ cấp có thể đối kháng. Thêm vào đó, cơ quan điều tra sẽ sử dụng giá và chi phí sản xuất của hàng hóa tại một nước thứ ba hay một nước thay thế nào đó để làm cơ sở tính toán cho giá thông thường.
III. Các biện pháp đối kháng được quy định trong pháp luật Việt Nam.
1. Nguồn pháp luật Việt Nam quy định về biện pháp đối kháng :
Pháp lệnh về việc chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004;
Nghị định 89/2005/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.
Nghị định 04/2006/NĐ-CP về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Nghị định 06/2006/NĐ-CP về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý cạnh tranh.
Thông tư 106/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp.
2. Pháp luật Việt Nam về các biện pháp đối kháng .
Có thể nói, pháp luật của Việt Nam bám khá sát các quy định của WTO về các biện pháp trợ cấp. Điển hình như quy định về biện pháp áp thuế tạm thời, biện pháp cam kết cũng như thủ tục điều tra, … Đặc biệt, có một số quy định đã cụ thể hóa các điều khoản của Hiệp định SCM. Ví dụ như quy định về các cơ quan điều tra, quyết định và thực thi quy định về các biện pháp trợ cấp; quy định về một điều kiện bổ sung cho các điều kiện áp dụng biện pháp trợ cấp là điều kiện với lợi ích công cộng ( Điều 5 khoản 4 Pháp lệnh về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam năm 2004 quy định: “Việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp không được gây thiệt hại đến lợi ích kinh tế – xã hội trong nước.” ). Tuy nhiên, với kinh nghiệm pháp lý có phần còn hạn hẹp, thiếu đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực thương mại quốc tế nên một số quy định của pháp luật Việt Nam chưa đạt đến được độ chi tiết, có thể lấy ví dụ như quy định về nội dung chi tiết của phương pháp xác định thiệt hại do việc nhập khẩu hàng hóa được trợ cấp gây ra cho ngành sản xuất nội địa ( thiếu quy định về việc xác định thiệt hại của ngành sản xuất vùng, về nghĩa vụ bắt buộc phải xem xét các yếu tố khác cùng gây ra thiệt hại ngoài việc hàng nhập khẩu được trợ cấp ).
IV. Thực trạng tại Việt Nam.
1. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam
Năm 2009, Việt Nam phải đối mặt với 4 vụ kiện trợ cấp xuất khẩu đến từ Hoa Kỳ với các mặt hàng: túi nhựa PE, mắc áo thép, tuabin điện gió, ống thép. Do phát triển quá nóng ở một thị trường, tập trung vào cạnh tranh về giá, và chính sách trợ cấp chưa phù hợp nên Việt Nam đã không bảo vệ được hàng hóa của mình, dẫn đến việc bị áp dụng các biện pháp đối kháng.
Hiện nay, một số mặt hàng nông sản, công nghệ, kỹ thuật, … của Việt Nam cần thiết được trợ cấp nhằm giành được thị phần, gia tăng sức cạnh tranh cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến. Đầu tiên là mặt hàng nông sản (lúa nước, thanh long,…) cần thiết được hỗ trợ bởi sự cạnh tranh về giá cả và chất lượng ở một số đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Trung Quốc,… Việc trợ cấp sẽ giúp nông sản Việt Nam dễ dàng hơn trong việc cạnh tranh trên thị trường thế giới, giành được thị phần, tạo nên cơ hội mới cho những doanh nghiệp trong nước với một nguồn thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thương mại. Với các mặt hàng công nghệ, xét thấy cần thiết trợ cấp bởi đây là ngành sản xuất tiềm năng, giúp đất nước phát triển và chuyển mình từ nước nông nghiệp sang công nghệ kỹ thuât,…
Tuy nhiên, 4 vụ kiện năm 2009 là một hồi cảnh báo cho Chính phủ và công ty, doanh nghiệp nội địa về chính sách trợ cấp chưa phù hợp và tiềm tàng rủi ro. Từ 4 vụ kiện trên, Việt Nam phần nào đã nhận thức được chính sách trợ cấp của mình cần thiết được thay đổi để không dẫn đến các biện pháp đối kháng, mang lại lợi ích tối đa cho nhà xuất khẩu.Điển hình là vụ kiện chống trợ cấp tôm nhập khẩu từ Việt Nam của Hoa Kỳ năm 2012. Trước thông tin Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng và điều tra vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, chúng ta đã có những biện pháp can thiệp tích cực ngay từ đầu. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) ra thông báo phản đối DOC khởi xướng vụ kiện trên với các luận điểm : điều kiện sản xuất tôm nuôi và tôm khai thác hoàn toàn khác nhau, vụ mùa và nguồn cung cấp khác nhau nên giá chênh lệch là tất yếu. “Giá thành phẩm tôm nhập khẩu từ 7 nước thấp hơn là do có điều kiện tự nhiên thuận lợi, quy trình nuôi trồng và đánh bắt đã được chuẩn hóa. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhập khẩu và chế biến tôm của Mỹ ngày càng tăng cường nhập khẩu tôm từ bên ngoài còn vì nguồn cung ổn định, chấp nhận được những đơn hàng lớn, dài hạn, đáp ứng được nhiều nhu cầu chế biến khác nhau (như bỏ đầu, bóc vỏ…) nhờ vào lực lượng lao động dồi dào, giá nhân công rẻ hơn.” [2]. Cũng từ kinh nghiệm từ 4 vụ kiện năm 2009, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia vụ kiện ngay từ đầu, cung cấp những số liệu phục vụ cho việc điều tra, tránh trường hợp để DOC sử dụng những “thông tin sẵn có”. Thêm nữa, các doanh nghiệp đã tính toán và tìm kiếm những luật sư phù hợp nhất. Đứng trước những giải pháp này, DOC đã tuyên bố hủy bỏ vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam.
Từ những sự kiện trên, Việt Nam đã rút ra được những kinh nghiệm để đối phó với các vụ kiện chống trợ cấp :
  Thứ nhất, cần thiết ngăn chặn vụ điều tra ngay từ đầu. Từ khi đã có đơn kiện, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể ngăn chặn một vụ điều tra bằng nhiều cách (gặp gỡ, vận động các nhóm có cùng lợi ích với Việt Nam – nhà nhập khẩu, người tiêu dùng – để họ lên tiếng phản đối hoặc thỏa thuận với nguyên đơn về giải pháp để họ rút đơn kiện, … )
  Thứ hai, đó là tích cực tham gia vụ kiện ngay từ đầu để giảm thiểu thiệt hại trong các vụ việc. Khi đệ đơn kiện, nguyên đơn sẽ cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền những số liệu chứng minh có trợ cấp. Để giảm thiểu rủi ro, hoặc chứng minh không có trợ cấp, các doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp những số liệu của mình. Bởi trong quá trình điều tra, đối với những đối tượng không hợp tác, cơ quan điều tra sẽ sử dụng “thông tin sẵn có” để tính toán biên độ trợ cấp. Những thông tin này có nguồn từ phía cơ quan điều tra công khai và thông tin do nguyên đơn cung cấp, những thông tin này không có lợi cho doanh nghiệp. Và xét theo mức độ hợp tác, cơ quan điều tra sẽ có mức thuế khác nhau.
  Thứ ba, quan tâm đến thời hạn điều tra. Việc không tuân thủ thời hạn điều tra có thể gây nên những bất lợi không đáng có cho doanh nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ vào thời hạn để đánh giá mức độ hợp tác của doanh nghiệp. Nếu như nộp không đúng thời hạn, thông tin nộp của doanh nghiệp có thể bị bỏ qua và sử dụng những “thông tin sẵn có”, thậm chí bị mất quyền thực hiện một số bước tố tụng tiếp theo, … Vì vậy, nếu có lý do nào đó không thể đáp ứng được các thời hạn thì doanh nghiệp cần làm đơn xin gia hạn.
  Thứ tư, lựa chọn luật sư tốt. Luật sư tư vấn là người đảm nhiệm những chức năng sau: Xác định chiến lược kháng kiện tổng hợp phù hợp từ đó tư vấn biện pháp thích hợp, nhất quán trong từng giai đoạn vụ việc; thay mặt cho doanh nghiệp trong tất cả thủ tục điều tra liên quan; xác định bước đi thích hợp trong từng giai đoạn và chuẩn bị các hoạt động phản biện; nghiên cứu để yêu cầu thích hợp bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp. Vì những chức năng đó nên việc lựa chọn luật sư tư vấn tốt là rất quan trọng. Căn cứ lựa chọn luật sư có thể tham khảo bảng sau:
Bảng : Tiêu chí lựa chọn luât sư cho vụ kiện chống trợ cấp

STT
Các tiêu chí
Điểm tối đa
1
Có kinh nghiệm thành công trong các vụ kiện chống trợ cấp liên quan đến quốc gia chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường
2.5  
2
Có kinh nghiêm thành công trong các vụ kiện chống trợ cấp
2.5
3
Có kinh nghiệm thành công trong việc đại diện cho phía Việt Nam kháng kiện trong các vụ kiện chống trợ cấp trước đây
1.5
4
Có luật sư liên kết có kinh nghiệm tại Việt Nam
1.5
5
Văn phòng luật sư có trụ sở tại nơi diễn ra quá trình kháng kiện
1.0
6
Chi phí luật sư
1.0
 
Tổng cộng

10[3]
2. Thị trường nhập khẩu của Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang là vấn đề nóng, ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại toàn cầu. Đến hiện nay, chiến tranh giữa hai cường quốc thương mại lớn nhất thế giới tuy đã có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng những đòn áp thuế đã ảnh hưởng rất lớn đến nền xuất khẩu của hai bên. Đặc biệt là chính sách áp thuế lên đến 62 % đối với hàng nông sản của Mỹ khiến cho nền sản xuất nông nghiệp của chính quốc trì trệ. Nông dân Mỹ mất đi thị trường xuất khẩu, có thái độ bất bình với Chính phủ Donald Trump. Nông sản không có thị trường tiêu thụ gây nên tình trạng hư hỏng, tồn đọng. Bởi sức ép từ phía trong nước cũng như nước ngoài, việc Chính quyền Donald Trump tìm đến một thị trường tiềm năng là điều dễ hiểu. Việt Nam nổi lên trong những năm gần đây như một nền kinh tế mới nổi với mức tiêu thụ lý tưởng, một thị trường tiềm năng. Vì vậy, trong thời gian gần đây, chúng ta có thể thấy nông sản Mỹ đang ồ ạt được nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, với sự nhập khẩu nhiều hơn, giá thành giảm bất thường khiến người viết đặt ra câu hỏi, liệu có phải đã có sự trợ cấp xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam? Chỉ trong 2 năm trước, quả việt quất nhập khẩu từ Mỹ được xem là một nguồn hàng hóa xa xỉ với giá cả 125.000 VNĐ / 125g, thì hiện nay, giá của quả việt quất giảm chỉ còn 1/3 trước đó với 43.500 VNĐ / 125g và xuất hiện nhiều trong các chuỗi siêu thị bình dân như Vinmart, BigC, … Hay trái cherry cũng được xem là minh chứng điển hình. Nếu những năm trước đây, cherry được bán với giá 450.000 VNĐ / kg thì nay giá giảm đến 30% – 50% chỉ còn 225.000 VNĐ / kg, ngang bằng với giá cherry Trung Quốc. Việt Nam chưa từng có bất cứ kinh nghiệm nào về việc áp dụng biện pháp đối kháng, việc hàng nông sản Mỹ đột ngột rớt giá nhanh đang cạnh tranh trực tiếp đến nền nông nghiệp trong nước, thiếu sự cạnh tranh công bằng.
V. Kiến nghị giải pháp
1. Sự cần thiết áp dụng Thuế chống trợ cấp
Thuế chống trợ cấp được xem là biên pháp đối kháng ra đời sớm nhất trong lịch sử vào năm 1890. Sở dĩ cần thiết phải áp dụng thuế chống trợ cấp bởi vì:
  Thứ nhất, thuế chống trợ cấp là “chiếc van an toàn” khi các hàng rào bảo hộ truyền thống mất đi. Trong thời kỳ thương mại tự do, hội nhập quốc tế, các quốc gia ngày càng phát triển và liên kết với nhau, quá trình này đi đến những thỏa thuận chung. Những thỏa thuận này cho rằng, việc bảo hộ thương mại đã đi ngược lại những nỗ lực để thương mại toàn cầu. Vì vậy, đồng nghĩa với tiến trình hội nhập, các quốc gia buộc phải loại bỏ phương thức bảo hộ truyền thống. Cũng vì lý do đó nên cần thiết áp dụng thuế chống trợ cấp để các doanh nghiệp có thể an tâm về tương lai và tiến trình đầu tư, phát triển của mình khi nhà nước phải cắt bỏ công cụ bảo hộ truyền thống.
  Thứ hai, việc áp dụng thuế chống trợ cấp là công cụ ngăn chặn tối ưu những hình thức trợ cấp gây bóp méo thương mại. Đồng hành với tiến trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, các quốc gia ngày càng có những biện pháp bảo hộ tinh vi. Trợ cấp được sử dụng thay cho những công cụ bảo hộ truyền thống. Chính vì lẽ đó, cần thiết áp dụng thuế chống trợ cấp như một công cụ răn đe hữu hiệu, vô hiệu hóa biện pháp trợ cấp.
  Thứ ba, có thể thấy rằng, từ khi gia nhập WTO, ký kết Hiệp định SCM, Việt Nam vẫn chưa sử dụng hết công dụng của công cụ này. Việc sử dụng thuế chống trợ cấp chính là hình thức sử dụng triệt để, hiệu quả vị thế thành viên của Việt Nam, tạo thêm nhiều kinh nghiệm phong phú và tận dụng tối đa những quy định của WTO.
2. Xây dựng chương trình trợ cấp phù hợp với SCM
Chương trình trợ cấp tại Việt Nam cần phù hợp với những quy định của WTO, đảm bảo các nguyên tắc: “Ghi nhận và đưa ra đảm bảo đối với nguyên tắc bãi bỏ, không duy trì, không ban hành mới không thực thi và không tổ chức thực hiện các chính sách hay quy định pháp luật về trợ cấp từ ngân sách, trực hay gián tiếp; Tập trung xây dựng và áp dụng các loại hình gián tiếp hoặc các loại trợ cấp được WTO miễn trừ dựa trên việc xem xét đặc điểm cụ thể của Việt Nam”
2.1. Điều chỉnh chính sách đầu tư:[4]
Luật đầu tư 2005 phải được áp dụng công bằng, thống nhất cho nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Các chính sách đầu tư của Việt Nam cần phải tuân thủ điều I và III trong GATT 1994, không có sự phân biệt đối xử. Hơn nữa, chính sách đầu tư của Việt Nam cần tuân thủ nguyên tắc X GATT 1994 – nguyên tắc minh bạch. Và chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam cần được áp dụng một cách nhất quán từ trung ương đến địa phương. Chính quyền địa phương không có thẩm quyền tự quyết đối các vấn đề về thuế, trợ cấp, …
2.2. Điều chỉnh hoạt động hỗ trợ tín dụng xuất khẩu
Đối với các ngành hàng ưu thế tại Việt Nam như hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản, thủy sản, … chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sản xuất và thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu. Tín dụng xuất khẩu cần được triển khai và thực hiện sao cho phù hợp với quy định của SCM. Cụ thể, nhà nước cần sớm thành lập công ty bảo hiểm tín dụng xuất khẩu dưới dạng công ty nhà nước để thông qua công ty này, nhà nước đứng ra đảm bảo quyền lợi cho các nhà xuất khẩu dưới hình thức tín dụng thương mại như : bán chịu, trả chậm.
2.3. Tăng cường tài trợ xúc tiến thương mại
Hỗ trợ cho hoạt động xúc tiến thương mại không gắn với ngân sách để giảm chi phí xúc tiến cho các doanh nghiệp. Nhà nước có thể thiết lập các tổ chức xúc tiến để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường nước ngoài.
2.4. Một số biện pháp trợ cấp khác :
Chính phủ đẩy mạnh trợ cấp cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ – kỹ thuật hay hoạt động bảo vệ môi trường.
Hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng
Sử dụng một cách khéo léo các công cụ thuế nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.
Hỗ trợ cho vùng khó khăn
    Có thể thấy, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thương mại tự do hiện nay, diễn biến kinh tế  – chính trị đang trở nên sôi nổi hơn bảo giờ hết. Với vị thế là một thành viên của WTO, Việt Nam cần nhìn nhận rõ vai trò và ưu điểm của mình trên trường quốc tế, để tận dụng tối đa vị thế của mình, tìm kiếm giải pháp phù hợp để bảo vệ nền kinh tế chính quốc, bảo vệ doanh nghiệp của mình và phát huy thế mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổ chức thương mại quốc tế, Điều VI, XVI, “Hiệp định chung về thuế quan và thương mại – GATT 1994”;
2. WTO, “Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng – SCM”, 1995;
3. Ủy ban thường vụ Quốc hội, “Pháp lệnh về việc chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam”, 2004;
4. Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại – VCCI, 2012;
5. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, “Cẩm nang kháng biện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Hoa Kỳ”, 2009;
6. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, “Cẩm nang kháng biện chống bán phá giá, chống trợ cấp tại EU”, 2009;
7. Bộ Công thương – cục quản lý cạnh tranh, Tạp chí “ Cạnh tranh & Người tiêu dùng”, Số 32 – 2012;
8. “Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO – pháp luật của một số nước và thực tiễn tại Việt Nam”, Phạm Thị Hà My, Hà Nội – 2012.

[1] Các câu hỏi liên quan đến hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng. http://www.trungtamwto.vn/chuyen-de/261-cac-cau-hoi-lien-quan-den-hiep-dinh-ve-tro-cap-va-cac-bien-phap-doi-khang-cua-wto,truy cập ngày 09/10/2019
[2] “Phản đối vụ kiện chống trợ cấp tôm từ Việt Nam”
[3] Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, “Cẩm nang về chống bán phá giá, chống trợ cấp tại Hoa Kỳ”, năm 2009.
[4] Phạm Thị Hà My, “Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO – pháp luật của một số nước và thực tiễn tại Việt Nam” – năm 2009.
-----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội