Lưu Huy Hoàng
Sinh viên K62LKD-B, Khoa Luật – ĐHQGHN.
Tóm tắt: Bài viết này khái quát chung về hoạt động nhượng quyền thương mại và hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trình bày các vấn đề pháp lý cơ bản về hợp đồng nhượng quyền thương mại và những tranh chấp phát sinh trong hoạt động nhượng quyền thương mại.
Abstract: This article provides a general background of franchise activities and the franchise contract. its dispute arose. Presenting the basic legal matter about the franchise contract and its disputes arose.
Từ khóa: nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền, bên nhận quyền.
Keyword: franchise, franchise contract, franchisor, franchisee.
1. Quá trình hình thành và phát triển của hoạt động nhượng quyền thương mại:
Có thể hiểu nhượng quyền thương mại được hiểu là phương thức mở rộng mạng lưới, hệ thống kinh doanh, phân phối hàng hóa, dịch vụ mà không phải bổ ra nhiều chi phí đầu tư thông qua việc chủ thể nhượng quyền thương mại chia sẻ cho chủ thể nhận quyền thương mại các quyền kinh kinh doanh trên một thương hiệu, bí quyết kinh doanh,…[1]
Lối kinh doanh nhượng quyền này thực chất đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII – XVIII tại Châu Âu. Nhưng chính thức thừa nhận khởi nguồn, phát triển là tại Hoa Kỳ vào giữa thế kỷ 19, khi mà Nhà máy Singer (sản xuất máy khâu) ký kết hợp đồng nhượng quyền kinh doanh đầu tiên cho đối tác của mình.
Tuy nhiên, sau Thế Chiến II kết thúc, phương thức nhượng quyền thương mại mới thật sự bùng nổ và từ những năm 60, nhượng quyền thương mại trở nên thịnh hành trên khắp thế giới với nhiều tập đoàn xuyên quốc gia ở Hoa Kỳ và châu Âu trong lĩnh vực kinh doanh thức ăn nhanh, khách sạn nhà hàng. Nhận thấy tác động của nhượng quyền thương mại đến việc phát triển nền kinh tế, các quốc gia Châu Á đã bắt đầu đưa ra các chính sách nhượng quyền thương mại nhằm nhằm thúc đẩy hoạt động nhượng quyền và nền kinh tế phát triển. Tương tự ở Việt Nam, hoạt động nhượng quyền thương mại rất được chú trọng với sự có mặt của các doanh nghiệp Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực nhượng quyền là Công ty Cà phê Trung Nguyên, Phở 24, siêu thị G7, Kinh Đô,… với sự thành công vô cùng lớn và chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường
2. Khái niệm và đặc điểm về nhượng quyền thương mại:
2.1. Vậy nhượng quyền thương mại là gì?
Dưới góc độ pháp lý, nhượng quyền thương mại được Hiệp hội Nhượng quyền thương mại quốc tế (The International Franchise Association) [2] định nghĩa:
“Nhượng quyền thương mại là mối quan hệ theo hợp đồng, giữa Bên giao và Bên nhận quyền, theo đó Bên giao đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp (cơ sở, cửa hàng,…) của Bên nhận trên các khía cạnh như: bí quyết kinh doanh (know-how), đào tạo nhân viên và các chương trình xúc tiến bán hàng; Bên nhận hoạt động dưới nhãn hiệu hàng hóa, phương thức, phương pháp kinh doanh do Bên giao sở hữu hoặc kiểm soát và Bên nhận đang hoặc sẽ tiến hành đầu tư đáng kể vốn vào doanh nghiệp bằng các nguồn lực của mình.”.[3]
Theo quan niệm của IFA thì nhượng quyền thương mại là một mối quan hệ hợp đồng, có sự thỏa thuận và thống nhất ý chí của các bên, ràng buộc hai chủ thể bên nhượng quyền và bên nhận quyền những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong đó Bên giao quyền phải có nghĩa vụ đề xuất và duy trì sự quan tâm liên tục với Bên nhận quyền và Bên nhận quyền có quyền hưởng các quyền thương mại do Bên giao trao cho và chịu sự kiểm soát của Bên giao quyền cũng như chi trả cho các hoạt động kinh doanh bằng nguồn lực của mình.
Ngoài ra, nhượng quyền thương mại cũng được định nghĩa cụ thể hơn về bản chất pháp lý trong BLDS Nga như sau:
 “Theo hợp đồng nhượng quyền thương mại, một bên (bên có quyền) phải cấp cho bên kia (bên sử dụng) với một khoản thù lao, theo một thời hạn, hay không thời hạn, quyền được sử dụng trong các hoạt động kinh doanh của bên sử dụng một tập hợp các quyền độc quyền của bên có quyền bao gồm, quyền đối với dấu hiệu, chỉ dẫn thương mại, quyền đối với bí mật kinh doanh, và các quyền độc quyền theo hợp đồng đối với các đối tượng khác như nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ.”.[4]
BLDS Nga đã quan niệm cụ thể hơn về đối tượng của hợp đồng là tập hợp các quyền độc quyền của bên có quyền, đồng thời làm rõ nghĩa vụ của bên sử dụng là phải trả một khoản thù lao cho bên có quyền.
Theo pháp luật Việt Nam, căn cứ theo điều 284 Luật Thương mại 2005, nhượng quyền thương mại được đề cập:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”[5]
Quy định về hoạt động nhượng quyền thương mại đã nên được những nét chính, đặc trưng của nhượng quyền thương mại. Nhưng đã bỏ qua yếu tố phí nhượng quyền, một vấn đề chính trong hoạt động thương mại và đã nêu đối tượng của nhượng quyền thương mại theo dạng liệt kê mà trên thực tế việc kinh doanh thực tế đối tượng của hoạt động nhượng quyền thương mại không đồng nhất tất cả.
2.2. Đặc điểm
Các quan niệm về nhượng quyền thương mại có sự khác nhau do đều dựa trên quan điểm của các nhà làm luật tại mỗi nước, tổ chức. Tuy nhiên, có thể thấy rằng đều có các đặc điểm chung nhất định giữa chúng:
Thứ nhất, nhượng quyền thương mại là một hoạt động thương mại theo đó tồn tại những thỏa thuận được thực hiện bởi ít nhất hai chủ thể khác nhau: bên nhượng quyền và bên nhận quyền.
Thứ hai, đối tượng của nhượng quyền thương mại là quyền thương mại, một loại tài sản vô hình. bao gồm quyền tiến hành kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; quyền sử dụng các tập hợp các dấu hiệu tập hợp khách hàng như: nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiểu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo, công nghệ sản xuất,… của bên nhượng quyền.
Thứ ba, cùng với sự nhượng quyền sử dụng quyền thương mại, việc sử dụng quyền thương mại chỉ nằm trong phạm vi quyền mà bên nhượng quyền cho phép. Điều này đảm bảo được tính đồng bộ của hệ thống nhượng quyền, giảm thiểu được những rủi ro, bảo tồn và phát triển được thương hiệu một cách thống nhất cho bên nhượng quyền.
Thứ tư, bên nhượng quyền và bên nhận quyền trong hợp đồng nhượng quyền thương mại dù là hai chủ thể độc lập nhưng luôn tồn tại một mối quan hệ ràng buộc mật thiết với nhau trong suốt thời gian nhượng quyền về những quyền và nghĩa vụ. Chẳng hạn, bên nhượng quyền phải có quyền cũng như là nghĩa vụ hỗ trợ và kiểm soát, giám sát hoạt động của bên nhận quyền. Ngược lại, bên nhận quyền có nghĩa vụ chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và tuân thủ các yêu cầu của bên nhượng quyền về hoạt động kinh doanh.
3. Chủ thể tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại:
Trong hoạt động nhượng quyền thương mại, các chủ thể tham gia là bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Hoạt động nhượng quyền được điều chỉnh bằng pháp luật thương mại, do đó hầu hết các nước đều quy định chủ thể tham gia hoạt động nhượng quyền thương mại phải là thương nhân, có tư cách pháp lý hoàn toàn độc lập với nhau (độc lập trong tài chính, độc lập trong chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật).[6]
Ngoài ra, để tránh rủi ro cho các bên, pháp luật một số nước còn quy định về thời gian hoạt động tối thiểu cũng như là năng lực tài chính của các bên chủ thể. Chẳng hạn, pháp luật nhượng quyền thương mại ở Việt Nam quy định thời gian hoạt động của hệ thống dự định dùng để nhượng quyền phải đảm bảo đã được hoạt động ít nhất 01 năm.[7]
4. Hình thức của hoạt động thương mại:
Có nhiều cách phân loại nhượng quyền thương mại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Dựa trên hình thức hoạt động hay hình thức vận hành có thể phân loại thành:
(i) Nhượng quyền thương mại độc quyền (master franchise): là hình thức bên nhận quyền sẽ được độc quyền kinh doanh, phân phối hàng hóa tại một khu vực nhất định. Bên nhận quyền có thể tự kinh doanh hoạt động nhượng quyền hoặc trở thành bên nhượng quyền thứ cấp nhượng lại cho các bên khác nằm trong phạm vi mà họ kiểm soát.
(ii) Nhượng quyền thương mại phát triển khu vực (area development franchise): là hình thức bên nhận quyền sẽ được quyền kinh doanh, phân phối hàng hóa tại một khu vực nhất định trong một thời hạn nhất định và chỉ được tự mình khai thác quyền thương mại mà không thể nhượng lại cho bất kỳ bên nào khác.
(iii) Nhượng quyền thương mại cho từng cá nhân riêng lẻ (single-unit franchise): là hình thức nhượng quyền trực tiếp cho từng bên nhận quyền được khai thác tại một khu vực nhất định.
Từ đó mà cách phân loại hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng được chia ra thành nhiều loại. Trong pháp luật Việt Nam về hoạt động nhượng quyền thương mại, Nghị định 35/2006/NĐ ngày 31/3/2006 thì có hai loại hợp đồng thương mại: (i) Hợp đồng phát triển quyền thương mại và (ii) Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp.[8]
Từ đó có thể phân chia hợp đồng nhượng quyền thương mại thành Hợp đồng nhượng quyền thương mại sơ cấp (nhượng quyền thương mại chung) và Hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp (gián tiếp). Hợp đồng nhượng quyền thương mại sơ cấp là hợp đồng trong đó việc nhượng quyền được tiến hành một cách trực tiếp từ bên nhượng quyền chỉ định các bên nhận quyền sơ cấp ở từng khu vực và giao cho bên nhận quyền quyền tiến hành phát triển nhượng quyền và nhượng lại cho các bên nhận quyền khác. Hợp đồng nhượng quyền thương mại gián tiếp là sự kết hợp giữa hợp đồng nhượng quyền thương mại sơ cấp và hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp, trong đó việc nhượng quyền được tiến hành từ bên nhượng quyền ban đầu tới bên nhận quyền sơ cấp sau đó bên nhận quyền sơ cấp nhượng quyền lại cho các chủ thể khác, khi đó bên nhận quyền sơ cấp vừa tham gia trực tiếp kinh doanh từ hoạt động nhượng quyền sơ cấp vừa đóng vai trò trung gian làm phát triển hệ thống tới các bên nhận quyền thứ cấp.
5. Hợp đồng nhượng quyền thương mại:
Hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng có những tính chất của các loại hợp đồng thông thường khác, là sự thỏa thuận của các bên trong quan hệ nhượng quyền làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình tiến hành hoạt động nhượng quyền thương mại và là cơ sở để giải quyết tranh chấp nếu có. Từ những lý thuyết về hoạt động nhượng quyền thương mại và hợp đồng nhượng quyền thương mại, có thể dựa vào đặc trưng cơ bản của hợp đồng nhượng quyền thương mại để phân biệt với các hợp đồng khác có điểm tương đồng như hợp đồng chuyển giao công nghệ hay hợp đồng li-xăng. Có thể nhận ra dù đều có sự trao đổi về công nghệ giữa hai chủ thể trong hợp đồng, nhưng với hợp đồng nhượng quyền thương mại có sự ràng buộc trong thời gian nhượng quyền, các vấn đề hỗ trợ và kiểm soát của bên nhượng quyền đối với bên nhận quyền là lâu dài và liên tục trong suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực.
5.1. Nội dung:
Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải dựa trên sự thỏa thuận, thống nhất ý chí, tự do định đoạt, đồng thời các điều khoản trong hợp đồng phải đảm bảo không trái với các quy định pháp luật cũng như là đạo đức xã hội. Tạo điều kiện cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển lành mạnh, điều tiết lợi ích của các bên tham gia nhượng quyền và lợi ích chung của toàn xã hội.
Trong nội dung của hợp đồng, về cơ bản sẽ đề cập đến các vấn đề như là: đối tượng của hợp đồng; phí nhượng quyền; quyền và nghĩa vụ của các bên, một số vấn đề pháp lý khác trong trường hợp thay đổi, chấm dứt, tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại; thời hạn, gia hạn hợp đồng; vấn đề giải quyết tranh chấp cũng như là dự liệu các trường hợp có thể dẫn đến tranh chấp. Nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại cùng thường xuất hiện các điều khoản mà nội dụng của chúng chịu sự điều chỉnh của pháp luật sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh, điều này xuất phát từ mối quan hệ giữa chúng.
Về mối quan hệ với pháp luật sở hữu trí tuệ, đối tượng của hợp đồng nhượng quyền thương mại chủ yếu bao gồm các yếu tố liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp như tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh,… và những đối tượng này được điều chỉnh bằng pháp luật sở hữu trí tuệ, đẩm bảo quyền của chủ sở hữu đối với các tài sản trí tuệ của mình khi tiến hành nhượng quyền thương mại.
Về mối quan hệ với pháp luật cạnh tranh, trong hợp đồng nhượng quyền thương mại cũng cần đảm bảo pháp luật cạnh tranh trong các điều khoản của hợp đồng. Các điều khoản đó thường liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền, giữa các bên nhận quyền trong cùng một hệ thống và sự tham gia thị trường của các bên thứ ba về phân chia thị trường, ấn định giá, mua bán nguyên liệu,… Các hành vi hạn chế cạnh tranh thường là (i) thỏa thuận phân chia thị trường, theo đó, bên nhượng quyền chỉ nhượng quyền thương mại của mình cho một bên nhận quyền trong một phạm vi, khu vực nhất định mà không gặp sự cạnh tranh của các bên nhận quyền khác, (ii) thỏa thuận về nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ chính bên nhượng quyền hoặc một bên thứ ba do bên nhượng quyền chỉ định nhằm đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống, chất lượng sản phẩm, (iii) thỏa thuận về giá, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong cùng một hệ thống phải đồng nhất. Những hành vi vừa kể trên đều được xếp vào loại các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có thể được hợp pháp cho đến khi thị phần kết hợp trên thị trường của các bên tham gia thỏa thuận từ trên 30% và không thỏa mãn được điều kiện quy định.[9] Ngoài ra một số hành vi vi phạm luật cạnh tranh là khi bên nhượng quyền dù vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt bên nhận quyền phải mua hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc của một bên thứ ba do doanh nghiệp nhượng quyền chỉ định mà hàng hóa này không liên quan trực tiếp đến đối tượng hợp đồng.[10] Ví dụ giả sử công ty A là bên nhượng quyền với đối tượng thương mại là hàng hóa nước giải khát nhưng buộc bên nhận quyền phải trang bị hệ thống thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ký hợp đồng thanh toán với một ngân hàng mà công ty A liên kết thì hành vi này là vi phạm luật cạnh tranh.
5.2. Hình thức:
Hình thức hợp đồng nhượng quyền thương mại là phương tiện để ghi lại kết quản thỏa thuận, thống nhất ý chí giữa các bên tham gia hoạt động nhượng quyền. Bởi tính phức tạp của hoạt động nhượng quyền thương mại, tiền ẩn nguy cơ có thể xảy ra tranh chấp, nên pháp luật nhiều quốc gia quy định hợp đồng nhượng quyền phải được lập dưới hình thức văn bản hoặc các hình thức tương đương với văn bản. Một số nước nới lỏng quy định về hình thức hợp đồng nên dù thể hiện bằng văn bản, lời nói hay thỏa thuận ngầm đều được coi là hợp pháp. Tuy nhiên, tùy vào cách nhìn nhận của từng quốc gia tuy nhiên phải hình thức hợp đồng phải đầy đủ và là cơ sở để giải quyết tranh chấp nếu có.
6. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động nhượng quyền thương mại:
Những tranh chấp phát sinh trong quá trình hoạt động nhượng quyền thương mại trước hết là những tranh chấp hợp đồng. Những tranh chấp có thể phát sinh có thể là tranh chấp về việc hiểu và giải thích hợp đồng và tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng mà tóm chung lại là tranh chấp từ sự xung đột về lợi ích. Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền vì lợi ích của mình muốn chi phối càng nhiều hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo vệ quyền liên quan tới tài sản mà mình đã mất nhiều thời gian, công sức và chi phí để tạo dựng; còn bên nhận quyền luôn muốn chống lại những hạn chế của bên nhượng quyền và phát triển các quyền thương mại được chuyển nhượng theo ý mình để tách khỏi sự lệ thuộc. [11] Do đó sự xung đột lợi ích luôn thúc đẩy cho việc tranh chấp phát sinh. Một số các tranh chấp có thể diễn ra chẳng hạn: Tranh chấp do vi phạm tiền hợp đồng, liên quan tới việc công bố và trao đổi các tài liệu hay giấy tờ cần thiết để giao kết hợp đồng; Tranh chấp do vi phạm điều kiện giao kết hợp đồng; Tranh chấp do không thống nhất cách giải thích hợp đồng; Tranh chấp do vi phạm việc thực hiện hợp đồng; Tranh chấp do vi phạm thỏa thuận liên quan tới chấm dứt hợp đồng,…
7. Kết luận
Quan hệ nhượng quyền thương mại là một quan hệ pháp luật phức tạp, nằm trong mối quan hệ với nhiều quan hệ pháp luật khác. Do đó việc tìm hiểu từng vấn đề của hoạt động nhượng quyền thương mại là vô cùng cần thiết để hiểu rõ bản chất pháp lý của hoạt động nhượng quyền thương mại và đưa ra nhận định trong các vụ việc tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật thương mại 2005
2. Luật cạnh tranh 2004
3. Nghị định 35/2006/NĐ-CP
4. Thông tư 09/2006/TT-BTM
5. Đỗ Tuyết Nhung (2009), Pháp luật Việt Nam về Hợp đồng nhượng quyền thương mại, 2009
6. Nguyễn Thị Vân (2011), Hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
7. Nguyễn Thanh Long (2014), Tranh chấp và giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam
8. Nguyễn Khánh Trung, nhượng quyền thương mại: lịch sử, hiện tại và tương lai, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2008/09/14/1658/
9. Một số khái niệm về nhượng quyền thương mại, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/02/27/2397/
10. Hiệp hội Nhượng quyền thương mại Quốc tế: www.franchise.org
[1] Đỗ Tuyết Nhung, Pháp luật Việt Nam về hợp đồng nhượng quyền thương mại
[2] Một tổ chức uy tín và lâu đời nhất, được thành lập năm 1960, có khoảng 30.000 thành viên bao gồm các doanh nghiệp bán, mua quyền thương mại.
[3] Nguyễn Khánh Trung (2008), “Franchise – Chọn hay không?”, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
[4] Điều 1024, Chương 54 BLDS Nga 1996 về Nhượng quyền thương mại
[5] Điều 284, Luật Thương mại 2005
[6] Điều 6 Bộ luật Thương mại 2005 “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập và hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
[7] Điều 5 Nghị định 35/2006/NĐ-CP
[8] Khoản 8, 9 ,19, Nghị định 35/2006/NĐ
[9] Điều 9,10 Luật Cạnh tranh 2004
[10]  Điều 13 Khoản 5 Luật Cạnh tranh 2004
[11] Nguyễn Thanh Long (2014), Tranh chấp và giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại theo pháp luật Việt Nam, luận văn thạc sĩ luật học
 -----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội