Vũ Đức Hưng
K62CLC, Khoa Luật – ĐHQGHN
Tóm tắt: Gian lận thương mại ở Việt nam không phải là vấn đề mới, từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết hành vi gian lận thương mại thành câu:” Buôn gian, bán lận” để chỉ những mặt trái của việc buôn bán, để mọi người cảnh giác với thủ đoạn, mánh khóe, lừa dối khách hàng của các gian thương. Nhận thấy sự nguy hiểm của hành vi này, do đó, người viết muốn cùng độc giả tìm hiểu kĩ về khái niệm, đặc điểm, tác hại cũng như cách phòng chống đối với gian lận thương mại. Hi vọng qua bài viết sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn về hiện tượng này, một hiện tượng không mới, nhưng diễn biến vô cùng phức tạp!
Abstract: Commercial fraud in Vietnam is not a new issue. Since ancient times, our ancestors have considered such practice "Trafficking, selling cheating" to refer to the downside of trade, and to warn people of merchant's knavish tricks. Recognizing the dangers of this issue, the writer wants to examine thoroughly the concept, characteristics, harmful effects, and measures against trade fraud. Hope that this article can help readers understand this subject, which is an unpredictable phenomenon.
Từ khóa: Gian lận thương mại, ngăn chặn, hoàn thiện pháp luật
Keywords: Commercial fraud, prevent, improve the law
1. Khái niệm và đặc điểm:
Gian lận thương mại là hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính.[1] Mục đích của hành vi gian lận thương mại là nhằm thu lợi bất chính do thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo, dối trá. Chủ thể tham gia hành vi gian lận thương mại bao gồm: người mua, người bán, hoặc cả người mua và người bán thông qua đối tượng là hàng hóa.
Gian lận thương mại là một hiện tượng mang tính lịch sử, chỉ khi có sản xuất hàng hóa, các sản phẩm được mang ra trao đổi trên thị trường, có người mua, người bán nhằm thực hiện phần giá trị được kết tinh trong hàng hóa thì gian lận thương mại cũng mới xuất hiện.[2] Sản xuất hàng hóa ngày càng phát triển, thị trường ngày càng mở rộng, các sản phẩm đưa ra trao đổi, buôn bán trên thị trường ngày càng nhiều, tiêu chuẩn và chủng loại hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú thì gian lận thương mại cũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn. Ngày nay, mặc dù người ta khó có thể tiến hành xã hội hóa toàn cầu nhưng toàn cầu hóa về kinh tế lại là một quá trình tất yếu khách quan dẫn đến gian lận thương mại mang tính toàn cầu trên cơ sở sự khác biệt các Nhà nước, quốc gia độc lập.
Gian lận thương mại ở Việt nam không phải là vấn đề mới, từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết hành vi gian lận thương mại thành câu:” Buôn gian, bán lận” để chỉ những mặt trái của việc buôn bán, để mọi người cảnh giác với thủ đoạn,mánh khóe,lừa dối khách hàng của các gian thương. Hiện nay chúng ta đang phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Chấp nhận cơ chế thị trường tất yếu phải chấp nhận cạnh tranh. Cạnh tranh là động lực để phát triển. Nguyên nhân và động cơ cuối cùng của cạnh tranh là lợi nhuận. Trong cạnh tranh chắc chắn sẽ xuất hiện hình thức và thủ đoạn gian lận thương mại phức tạp và tinh vi thể hiện ở các hành vi trốn thuế, lẩn tránh sự kiểm soát của Nhà nước, buôn lậu, lừa đảo, hối lộ, lấy cắp bí mật sản xuất, cạnh tranh tiêu cực phi kinh tế… như vậy, có thể thấy mục đích hành vi gian lận trong lĩnh vực thương mại nhằm thu được lợi nhuận không chính đáng.
2. Các hình thức gian lận thương mại
Các hình thức gian lận thương mại được liệt kê trong thông tư số 07/2017/tt-btc, bao gồm:
  • Các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan (phụ lục 1); 
  • Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực thuế, phí và lệ phí (phụ lục 2); 
  • Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực quản lý giá (phụ lục 3); 
  • Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kế toán (phụ lục 4); 
  • Các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm (phụ lục 5) 
  • Các hành vi gian lận thương mại trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn (phụ lục 6). [3]
3. Tác động của gian lận thương mại đến nền kinh tế Việt Nam
Gian lận thương mại được coi là một trong những nguyên nhân chính gây hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của một quốc gia. Nó làm suy yếu các ngành công nghiệp, nền sản xuất địa phương, không khuyến khích hàng hóa nhập khẩu hợp pháp và giảm nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một thực tế đang xảy ra ở phần lớn các nước đang phát triển là tồn tại một nền kinh tế ngầm song hành với các hoạt động kinh tế chính thức. Và thực sự điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến sự quản lý vĩ mô của Nhà nước, gây cản trở và làm lệch hướng đối với chiến lược phát triển các ngành sản xuất trong nước.  
Gian lận thương mại đối với những hàng hóa nhập lậu, trốn thuế thường là những hàng hóa này có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là lợi thế về giá thấp hơn đối với hàng hóa sản xuất trong nước hoặc hàng nhập khẩu chính ngạch. Khi xuất hiện những hàng hóa nhập lậu với một lượng đủ lớn tại một thị trường, sự bình ổn giá cả của thị trường sẽ bị phá vỡ. Nguyên nhân tình trạng này là do dung lượng thị trường của Việt Nam ngày càng phát triển, tốc độ phát triển ngày càng cao, độ mở của nền kinh tế lớn nên giao thương hàng hóa ngày càng tăng, đi liền với đó là, xuất hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không đúng đắn, lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước đưa hàng hóa nhập lậu vào tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đó là xét về việc nhập lậu các mặt hàng có chất lượng, có năng lực cạnh tranh hơn hàng sản xuất trong nước. Còn với việc nhập lậu những mặt hàng chất lượng kém thì nó sẽ tác động khôn lường đến nền sản xuất trong nước. Hiện nay trong tuyến biên giới phía Bắc, nhiều hàng hóa kém chất lượng được ồ ạt tuồn về Việt Nam như gà thải loại, bánh kẹo, hàng tiêu dùng, quần áo, giày dép… Khi những mặt hàng kém chất lượng bị nhập lậu, thị trường Việt Nam trở thành một thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc biệt là những hàng hóa dư thừa, ế ẩm của nước ngoài. Không chỉ có thế, khi số lượng hàng hóa bị trà trộn, thì chất lượng hàng hóa bị đánh đồng. Đó sẽ là một khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho những kẻ buôn lậu, làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Với những hàng hóa xuất lậu, thì tình hình cũng không kém phần nghiêm trọng. Hàng hóa xuất lậu ra nước ngoài thường là những sản phẩm mà Việt Nam đang có lợi thế hoặc do chính sách giá trong nước mà xét tương quan giá hàng hóa trong nước nhỏ hơn ở nước ngoài. Những hàng hóa này lại bị cấm xuất khẩu, nên nếu xuất lậu được mang lại lợi nhuận rất cao. Lợi thế so sánh của Việt Nam chủ yếu nằm ở tài nguyên thiên nhiên phong phú. Việc xuất lậu những khoáng sản, nguyên liệu thô, các mặt hàng chiến lược, hàng quốc cấm gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vĩ mô. Khi tài nguyên bị khai thác thiếu quy hoạch, tài nguyên đất nước sẽ nhanh chóng bị suy kiệt, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế đất nước trong tương lai gần.
Cụ thể là :
– Năng lực cạnh tranh: Những hàng hóa nhập lậu tạo áp lực cạnh tranh không lành mạnh với những sản phẩm sản xuất trong nước hoặc được nhập khẩu chính ngạch. Điều này buộc các doanh nghiệp phải giảm giá để phù hợp với thị trường, nhưng nếu giảm giá vượt quá điểm hòa vốn thì doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ không đủ bù đắp chi phí sản xuất, các hoạt động của doanh nghiệp sẽ bị đình trệ và có thể dẫn đến phá sản. Do vậy, các doanh nghiệp sẽ khó có thể tích lũy, đầu tư dài hạn để đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng nền sản xuất trong nước phát triển.[4]
– Phát triển công nghiệp: Một trong những chỉ số quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng GDP nói chung nền sản xuất nói riêng là sự phát triển công nghiệp. Theo số liệu thống kê, có thể thấy chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) của Việt Nam có sự phát triển không đều qua các năm, cụ thể: năm 2007, IIP tăng 17,1%; năm 2009, IIP giảm xuống còn 7, 06% rồi tăng lên 14% trong năm 2010 và sau đó tốc độ tăng IIP giảm dần trong khoảng 6.5%.[5] Về mặt khoa học, chỉ số IIP thăng trầm theo sự tăng trưởng của GDP và chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.
– Cán cân thương mại thâm hụt: Việt Nam là nước đang phát triển với một nền sản xuất ở mức độ thấp và còn nhiều hạn chế, do đó Chính phủ phải thực hiện việc áp dụng các hàng rào thuế quan và phi thuế quan để bảo hộ nền sản xuất trong nước, nhưng chỉ được sử dụng trong một thời gian nhất định theo cam kết song phương hoặc đa phương với mục đích chấp nhận thâm hụt cán cân thương mại ở mức nhất định và trong một thời gian dự tính. Dần dần, các doanh nghiệp sẽ lớn mạnh và đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế và từng bước ổn định cán cân thương mại có lợi. Tuy nhiên, hàng hóa nhập lậu đã phá vỡ nền sản xuất trong nước, hàng hóa trong nước không có khả năng cạnh tranh trước hàng ngoại nhập. Do vậy, kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, Việt Nam luôn có cán cân thương mại thâm hụt và nền sản xuất của các doanh nghiệp Việt vẫn chưa thể đảm bảo được sự cân bằng trong cán cân thương mại.
– Gây thất thu ngân sách: Bản chất của hành vi buôn lậu và gian lận thương mại là việc trốn thuế. Các doanh nghiệp nói chung và cá nhân nói riêng khi thực hiện các hoạt động kinh tế luôn với mục đích tìm kiếm lợi nhuận tối đa với  mức chi phí thấp nhất.[6] Để hạn chế chi phí, cá nhân, doanh nghiệp không loại trừ bất kỳ phương án nào, kể cả thực hiện hành vi trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại thực chất hàm chứa nguyên nhân chính là hành vi trốn thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác.
– Hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam: Hội nhập quốc tế về kinh tế là một xu thế khách quan, giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước bắt kịp với các nền kinh tế khu vực và thế giới. Quan điểm này đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng khóa IX, X và XI. Tuy nhiên, toàn cầu hóa kinh tế vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực, vừa có hợp tác, vừa có đấu tranh. Toàn cầu hóa về kinh tế cũng tạo ra cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố bất bình đẳng, gây khó khăn, thách thức cho các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.[7]
Hoạt động gian lận thương mại thực ra là mặt trái không mong muốn của hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế từ khi hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế có sự quản lý của Nhà nước. Hoạt động gian lận thương mại sẽ làm lệch hướng hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế, xâm phạm quyền lợi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thương mại quốc tế.
Thứ nhất, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng cho các doanh nghiệp trong ngành. Khi tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều đóng thuế xuất nhập khẩu, thì giá trị thuế phải nộp sẽ được đưa vào chi phí kinh doanh, và giá trị thuế là giống nhau với những doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng. Trong khi đó các hàng hóa nhập lậu, trốn thuế lại ngang nhiên tồn tại trên thị trường cạnh tranh trực tiếp với hàng được bảo hộ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp làm ăn đúng pháp luật.
Thứ hai, với việc nhập lậu hoặc xuất lậu những mặt hàng kém chất lượng, hoặc hàng giả không những gây tổn thất lớn cho người tiêu dùng, và doanh nghiệp làm hàng thật rất dễ bị ảnh hưởng tới uy tín và khó khăn hơn trong việc mở rộng thị trường. Điều này có thể làm giảm uy tín quốc gia trên thị trường quốc tế.
Thứ ba, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại sẽ tạo những đồng tiền “bẩn”, buộc những cá nhân sẽ thực hiện hoạt động rửa tiền tại trong nước hoặc qua nước ngoài sẽ tạo cơ hội cho các hoạt động tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia gây bất ổn và tác động xấu đến thương mại thế giới.
Nói tóm lại, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế… đang làm cho tài nguyên của quốc gia, tiền của và sức lao động của nhân dân bị bóc lột, làm mất cân đối giữa sản xuất và tiêu dùng, làm lệch hướng phát triển của nền kinh tế quốc dân. Gian lận thương mại có thể kìm hãm tốc độ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoạt động buôn lậu với nhiều hình thức hoạt động và những thủ đoạn rất tinh vi. 
4. Biện pháp phòng chống và ngăn chặn đối với gian lận thương mại
4.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật
 Đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại muốn có kết quả phải xử lý từ gốc tức là bắt đầu từ công tác phòng ngừa. Chống gian lận thương mại, một mặt phải có lực lượng đủ mạnh và có chính sách thích hợp để khuyến khích. Mặt khác, muốn chống buôn lậu hiệu quả và căn bản, về lâu dài vẫn phải bằng chính sách và hệ thống luật pháp.[8]
Trước hết là vấn đề lập pháp, hệ thống các văn bản pháp quy cần được xây dựng hoàn thiện, được sửa đổi, bổ sung, để luôn đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp thực tế. Theo các cơ quan chức năng, hiện việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn rất khó khăn bởi hiện hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, còn chồng chéo, pháp luật vừa thiếu, nhiều điều luật lại chưa phù hợp, ranh giới giữa tội phạm và không phải là tội phạm không rõ ràng dẫn đến việc áp dụng khó khăn, kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý XNK và chống buôn lậu còn chung chung, thiếu những chế tài cụ thể và nghiêm minh, không đồng bộ hoặc sơ hở để tội phạm lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Đơn cử, theo Điều 153 Bộ luật Hình sự thì tội buôn lậu được định nghĩa là buôn bán trái phép qua biên giới, tuy nhiên khái niệm “biên giới” hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Trên thực tế, trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trên biển thì việc xác định yếu tố biên giới là rất khó khăn vì hoạt động đi lại của các tàu hàng được điều chỉnh theo Luật biển và Công ước quốc tế về hàng hải.[9]
4.2. Giáo dục, tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân về ý thức chống buôn lậu
Hiện nay, chống buôn lậu chưa được xã hội coi trọng. Người dân thường cho rằng đó là việc của cơ quan chức năng, chứ không mấy để tâm đến hoạt động buôn lậu.[10] Công tác giáo dục và tuyên truyền cần tập trung cho người dân nhận thức được tác hại của hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại là việc mang những hàng hóa không đóng thuế, không được kiểm duyệt vào thị trường Việt Nam sẽ không những ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế mà nó còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Từ đó, người dân sẽ tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại.
4.3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Một trong những giải pháp hạn chế buôn lậu và hoạt động gian lận thương mại là nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Điều đó, dẫn đến các hàng hóa kém chất lượng, giá rẻ, mặc dù có được nhập lậu vào Việt Nam, thì vẫn không được thị trường chấp nhận nếu có những hàng hóa trong nước chất lượng tốt, giá thành hợp lý. Đơn cử những năm về trước, bánh kẹo Trung Quốc nhập lậu tràn ngập thị trường Việt Nam nhưng sau một thời gian các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh thì hàng bánh kẹo Trung Quốc mặc dù nhập lậu cũng không cạnh tranh được với hàng trong nước như Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà v.v…
4.4. Nâng cao năng lực thực thi công vụ
Về nâng cao năng lực thực thi công vụ của lực lượng chức năng: Đây là giải pháp quan trọng, có tính chất quyết định trực tiếp đến việc phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại qua biên giới. Cần kiện toàn Ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Chính phủ để chỉ đạo phối hợp hoạt động giữa các lực lượng được tốt hơn. Đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng, đào tạo lại cán bộ, củng cố bộ máy, tăng cường kiểm tra nội bộ, chống tiêu cực, bảo kê, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại; thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, có cơ chế giám sát, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chuyên trách.[11]
4.5. Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động buôn lậu
Đối với các đơn vị chức năng như Hải Quan, Cảnh sát, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường v.v.. cần quyết liệt sử dụng tất cả các nguồn lực trong đấu tranh phòng chống tội phạm theo chức năng của mình. Ngoài ra, còn phải phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị với nhau trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp đấu tranh đối với những hành vi buôn lậu và gian lận thương mại.
4.6. Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm
Trong xu thế hội nhập về kinh tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương như tham gia Tổ chức thương mại thế giới WTO, Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazatan, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại giữa ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v.. Với những cam kết này, Việt Nam sẽ dần cắt giảm các loại thuế nhập khẩu xuống 0% và dỡ bỏ các hàng rào bảo hộ khác. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại sẽ giảm xuống mà nó sẽ biến đổi sang những hình thức tinh vi hơn và mang tính quốc tế khi các cá nhân, tổ chức phạm tội bắt tay với nhau cùng thực hiện hành vi phạm pháp.
Do vậy, để đấu tranh hiệu quả thì không những đòi hỏi các cơ quan chức năng trong nước phải phối hợp với nhau mà cần có sự phối hợp, cộng tác với các cơ quan thực thi pháp luật của các nước đối tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng một cách hiệu quả.
[1] Khái niệm về gian lận thương mại và buôn lậu, Thư viện tài liệu học mỏ Việt Nam ( VOER)
[3] Commercial fraud and public men, Victorian Britain, tr 10.
[4] Gian lận thương mại là gì phát hiện và xử lý các gian lận thương mại triệt để ?, Luật Dragon
[5] Nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, Nguyên Trang
[6] ‘Commercial fraud : civil liability for fraud, human rights, and money laundering.’, Ulph, J. S. (2006), Tr.12
[7] ACCOUNTANT’S HANDBOOK OF FRAUD AND COMMERCIAL CRIME, G J Bologna; R J Lindquist; J T Wells, (1993), Tr15.
[8] System and method for screening for fraud in commercial transactions, https://patents.google.com/patent/US7427016B2/en
[9] Luật Biển và công ước quốc tế về hàng hải, tr5
[10] Nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, Nguyên Trang
[11] Chỉ thị của ban chỉ đạo 389 chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của Chính phủ 
-----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội