Nguyễn Thị Kiều Trinh
K62B, Khoa Luật – ĐHQGHN
Tóm Tắt: Bài viết khái quát nội dung về Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Giúp cho người đọc hiểu rõ được thế nào là mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đặc điểm và vai trò của M&A. Đặc biệt, bài viết chỉ rõ được khung pháp lý quy định về M&A, những bất cập trong quy định pháp luật Việt Nam về M&A và nội dung hợp đồng M&A.
Abstract: Overview article on business mergers and acquisitions (M&A). Help readers understand what mergers and acquisitions, M&A characteristics and roles are. In particular, the article clearly stated the legal framework regulating M&A and the shortcomings in Vietnam’s legal regulations on M&A.
Từ khóa: Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, M&A, khung pháp lý về M&A, sáp nhập doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp
Keyword: Mergers and acquisitions, M&A, legal framework for M&A, corporate mergers, business acquisitions
Hiện nay, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là một thuật ngữ “hot” trong những phương thức đầu tư toàn cầu, là chiến lược kinh doanh cho sự tăng trưởng và phát triển của các doanh nghiệp. Với động lực kinh tế, làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đã hình thành và phát triển rất lâu trên Thế giới. Ở Việt Nam, hoạt động này là xu hướng đầu tư phát triển vượt bậc trong hơn 10 năm qua, với quy mô và giá trị ngày càng lớn. Đây là một bước tiến mới cho nền kinh tế nước ta. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã tiếp cận thị trường Việt Nam thông qua con đường này nhằm đón đầu, tận dụng cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Và có thể cũng vì các nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập nhiều quá mà các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng liên kết lại để khẳng định vị trí của mình trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Phó trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam cho biết, tổng giá trị M&A năm 2017 đạt mốc kỷ lục đạt 10,2 tỷ USD và tăng trưởng 175% so với năm 2016. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 3,55 tỷ USD (bằng 155% cùng kỳ năm 2017). Nó trở thành một lĩnh vực quan trọng thu hút nguồn lực, chuyển giao vốn và công nghệ. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam rất chú trọng tìm hiểu và nắm chắc các vấn đề pháp lý liên quan đến mua bán và sáp nhập. Vậy M&A là gì? Khung pháp lý điều chỉnh M&A như thế nào?
1. Khái niệm và đặc điểm về Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A):
1.1. Khái niệm Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A):
Trước khi tìm hiểu sâu hơn về hoạt động M&A thì người đọc cần phải hiểu được M&A là gì? M&A là tên viết tắt của cụm từ Mergers and Acquisitions, dùng để chỉ hoạt động mua bán (một số tài liệu ghi là mua lại) và sáp nhập của doanh nghiệp. Trên thực tế, hai cụm từ mua lại và sáp nhập luôn đi kèm với nhau. Tuy nhiên, không có nghĩa 2 cụm từ này sẽ đồng nhất với nhau. Sự khác biệt chính giữa sáp nhập và mua lại nằm ở cách thức sự kết hợp của các công ty.
Mua bán (Acquisitions) là việc một doanh nghiệp mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần, tài sản của một doanh nghiệp khác. Ở đó, doanh nghiệp nhỏ sẽ được mua lại bởi doanh nghiệp lớn hơn. Và thương vụ này thường sẽ không làm ra đời một pháp nhân mới. Ví dụ, công ty A mua công ty B. Công ty B có thể không còn tồn tại như một công ty riêng biệt và trở thành sở hữu hoàn toàn bởi công ty A. Công ty B có thể được giữ nguyên hay thay đổi tùy thuộc vào quyết định của công ty A.
Sáp nhập (Mergers) là sự kết hợp tự nguyện của hai hay nhiều doanh nghiệp để tạo thành một doanh nghiệp mới có quy mô lớn hơn. Ví dụ, công ty A chuyên sản xuất mặt hàng bánh kẹo, công ty B chuyên sản xuất và kinh doanh đồ ăn nhẹ. Cả hai công ty có thể xem xét rằng việc sáp nhập sẽ tạo ra lợi ích nhất định cho đôi bên nên đã đàm phán sáp nhập. Và kết quả sẽ là một sự hợp nhất của hai công ty để tạo thành một công ty mới có quy mô lớn hơn (giả sử là công ty C). Lúc này, công ty A và B sẽ bị chấm dứt sự tồn tại, mọi sự hoạt động đều xuất phát từ công ty C.     
Như vậy chúng ta có thể rút ra được cốt lõi của M&A chính là sự chuyển giao quyền kiểm soát và quyền sở hữu có chủ ý của một doanh nghiệp thông qua hình thức sáp nhập hoặc mua bán giữa hai hay nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, một thương vụ mua bán cũng có thể được gọi là sáp nhập khi cả hai bên đồng thuận liên kết cùng nhau vì lợi ích chung. Nhưng khi bên bị mua không không muốn bị thâu tóm thì sẽ được coi là một thương vụ mua bán. Một thương vụ được coi là mua bán hay sáp nhập hoàn toàn phụ thuộc vào việc, thương vụ đó có được diễn ra một cách thân thiện giữa hai bên hay bị ép buộc thâu tóm nhau.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một khái niệm khác cũng được nhắc đến khá nhiều khi đi kèm với Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là Tái cấu trúc. Có rất nhiều ý kiến cho rằng M&A chính là công cụ để tái cấu trúc và phát triển doanh nghiệp. Bởi lẽ, nhất là trong giai đoạn kinh tế gặp nhiều khó khăn, các thương vụ M&A xuất hiện nhanh chóng và thành công. Mặt khác, khi những khó khăn trong kinh doanh trở thành những khoản nợ của các doanh nghiệp khác thì hoạt động tái cơ cấu trên cơ sở biến những khoản nợ thành vốn góp lại trở nên rất phổ biến. Tái cấu trúc nằm trong quá trình tái lập doanh nghiệp. Tái cấu trúc cơ bản là một sự thay đổi trong tổ chức và hoạt động của một doanh nghiệp, thường là trong thời điểm khó khăn tài chính hoặc hoạt động, đi kèm với những thay đổi về quyền sở hữu hoặc tài chính, như khi một công ty hợp nhất hai bộ phận, hoặc bán ra một đơn vị kinh doanh, làm gián đoạn các hoạt động và chiến lược trước đây, không phải là một phần hoạt động đang diễn ra. Còn M & A thường đề cập đến việc chuyển giao quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động kinh doanh, ngay cả khi người mua có thể chọn cơ cấu lại doanh nghiệp đó. M&A và tái cấu trúc thường đi kèm nhau và có thể hòa vào nhau, và nó đi kèm những giao dịch, thay đổi vốn.
1.2. Đặc điểm Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
M&A có một số đặc điểm cơ bản sau:
Một là, về bản chất, mục tiêu: Mục đích của M&A chính là vì lợi ích kinh tế, tạo ra một doanh nghiệp có nhiều tiềm lực mạnh hơn về vốn, tài chính, nhằm có thể phát triển để trở thành doanh nghiệp có chỗ đứng vững mạnh và có tầm ảnh hưởng trong thị trường trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn nhằm thôn tính hoặc tiêu diệt đối thủ cạnh tranh (trong các trường hợp thù địch).
Hai là, chủ thể tham gia: Là các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực hành vi và có tiềm năng tài chính theo quy định pháp luật.
Ba là, đối tượng: Đa số là cổ phần, phần vốn góp, thương hiệu, kênh phân phối của doanh nghiệp… trong đó có thương hiệu là phần tài sản mang lại giá trị cao cho các thương vụ và thậm chí là toàn bộ doanh nghiệp.
Bốn là, hệ quả: Các doanh nghiệp sẽ bị mất quyền kiểm soát đối với phần tài sản, quyền tài sản bị mua lại, bị sáp nhập đó nếu bị mua lại hay sáp nhập một phần. Còn các doanh nghiệp bị mua lại và sáp nhập toàn bộ sẽ chấm dứt sự tồn tại của mình, xuất hiện 1 doanh nghiệp mới là sự kết hợp của các doanh nghiệp sáp nhập. Tuy nhiên, sáp nhập thì vẫn được giữ lại thương hiệu để phát triển về sau.
1.3. Vai trò của Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
Một câu hỏi đặt ra là vì sao M&A lại phát triển mạnh trong thời gian qua, đặc biệt là thời kì kinh tế gặp khó khăn? Tại sao M&A lại đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp Việt Nam? Lý do chủ yếu là để tăng khả năng thu hút vốn đầu tư. Bởi lẽ, khi nền kinh tế khủng hoảng, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tìm vốn phát triển, vì nguồn vay vốn hạn chế, việc phát hành nhiều lúc gặp trục trặc do chứng khoán tụt dốc. Vì vậy, để tìm được vốn đầu tư từ quỹ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nên tái cấu trúc hoặc mua bán, sáp nhập để tạo thành một doanh nghiệp vững mạnh, thu hút vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Trên thực hiện M&A cũng đã cho thấy nhiều lợi ích cho các bên tham gia.
1.3.1. Lợi ích
Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp: Nó không chỉ giúp các doanh nghiệp lớn giảm chi phí đầu tư, giúp các doanh nghiệp yếu kém thoát khỏi nguy cơ phá sản, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém. Ngay cả với các doanh nghiệp đang hoạt động bình thường, M&A cũng là cách thức giúp họ tăng thêm vốn, mở rộng quy mô, thị trường, thiết lập quan hệ đối tác với người mua…
Thứ hai, đối với nhà đầu tư: M&A đã tạo đà để họ bước vào thị trường một cách nhanh chóng, không phải tốn thời gina thành lập doanh nghiệp mới hay dự án nào.
Thứ ba, đối với các công ty mới thành lập: M&A là cách có thể giúp doanh nghiệp tận dụng được những lợi thế đã có, bỏ qua những tiêu cực, khuyết điểm về nhân lực, công nghệ, cơ sở vật chất, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, giảm chi phí gia nhập thị trường (giảm được cho mình chi phí và rủi ro trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất, tránh rào cản về thủ tục đăng kí thành lập) …Đồng thời M&A sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế thuận lợi khi đàm phán với đối tác, tạo sựthu hút, ấn tượng, uy tín với cộng đồng…
1.3.2. Khó khăn
Cái gì cũng có hai mặt. M&A cũng vậy. Bên cạnh những thuận lợi, lợi ích mà M&A đã đưa ra cho doanh nghiệp thì M&A đồng thời cũng đặt các doanh nghiệp vào nhiều khó khăn. Khi tham gia thương vụ, nhà đầu tư thường thiếu tính chính xác từ thông tin nội bộ của doanh nghiệp mục tiêu. Thị trường M&A còn gặp nhiều khó khăn do khoảng cách giá quá cao từ bên bán; thủ tục phê duyệt, cấp giấy phép gặp nhiều vướng mắc do việc thay đổi thường xuyên về quy định pháp lý, hệ thống pháp luật chưa điều chỉnh cụ thể. Khi mua lại hoặc sáp nhập nó sẽ gây ra tình trạng xung đột giữa các cổ đông. Khi sáp nhập thì công ty, doanh nghiệp nhận sáp nhập sẽ hoạt động với số vốn cổ phần lớn hơn; những cổ đông lớn của công ty, doanh nghiệp mục tiêu sẽ hoạt động với số vốn cổ phần ít hơn nên dễ bị mất quyền kiểm soát như trước đây do tỷ lệ quyền biểu quyết trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã giảm so với trước. Vì vậy ý kiến chủ quan sẽ bị đụng chạm, không còn giá trị như trước. Và sau khi thực hiện thương vụ  M&A thì văn hóa của các doanh nghiệp bị trộn lẫn do cần xây dựng những điều kiện mới để tạo nên một nền văn hóa chung.
2. Khung pháp lý về M&A ở Việt Nam
2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về M&A
Trên thực tế, không phải quốc gia nào trên thế giới cũng có quy định riêng và toàn diện điều chỉnh các hoạt động M&A. Theo một nghiên cứu của Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada , Nhật Bản, Trung Quốc đều không ban hành một đạo luật riêng về hoạt động M&A, mà hoạt động M&A vẫn được điều chỉnh bởi nhiều quy định pháp luật đan xen như: Luật Cạnh tranh, Chống độc quyền, Luật Công ty,…
Ở Việt Nam cũng vây, tính đến thời điểm hiện nay, nước ta vẫn chưa có một văn bản quy pháp pháp luật nào để thống nhất điều chỉnh cụ thể hoạt động này.  Quy định điều chỉnh cụ thể từng khía cạnh của hoạt động M&A được nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật doanh nghiệp, Luật thương mại, Bộ Luật dân sự, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh, Luật chứng khoán, Luật thuế, Luật kế toán, Bộ Luật lao động, Luật các tổ chức tín dụng, Luật sở hữu trí tuệ,… Trong đó, có thể coi Luật doanh nghiệp,Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Luật đầu tư, Bộ luật dân sự là những văn bản luật chính để điều chỉnh M&A bởi lẽ nó quy định những vấn đề chung nhất liên quan đến M&A như hợp đồng, tổ chức lại doanh nghiệp, hình thức tập trung kinh tế, hình thức đầu tư, thủ tục mua cổ phần, phần vốn góp, các loại hình doanh nghiệp…. Còn các văn bản luật khác được coi là những văn bản phụ, đi kèm theo M&A trong từng lĩnh vực cụ thể như tín dụng, sở hữu trí tuệ, chứng khoán, kế toán, kiểm toán…
Luật Doanh nghiệp 2014 quy định sáp nhập doanh nghiệp là một trong những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Điều 195 quy đinh, sáp nhập là trường hợp “một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.  Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 cũng đã quy định cụ thể về thủ tục sáp nhập, hồ sơ, đăng kí doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập. Luật Doanh nghiệp không nêu khái niệm mua doanh nghiệp khác nhưng lại quy định về việc bán doanh nghiệp tại điều 187.
Theo điều 29 Luật canh tranh 2018:
    “Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập.”
    “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.”
Theo đó, sáp nhập, mua bán là một trong năm hình thức tập trung kinh tế của doanh nghiệp. Bao gồm: sáp nhập doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, liên doanh doanh nghiệp và các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định pháp luật. Luật cạnh tranh cũng việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại bị cấm trong trường hợp gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
Luật Đầu tư 2014 đã bổ sung thêm hình thức đầu tư mới là M&A. Theo khoản 5 điều 3 quy định: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.”Luật Đầu tư xem xét M&A là một hình thức đầu tư trực tiếp bao gồm đầu tư sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, mua cổ phần hoặc vốn góp để tham gia quản lý đầu tư. Đưa ra các quy định về tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với một số lĩnh vực ngành nghề và điều kiện sáp nhập, mua lại công ty, chi nhánh. Việc mua lại doanh nghiệp có thể được thực hiện dưới hình thức mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp hoặc chi nhánh.
Luật Chứng khoán quy định việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải được chấp thuận của Ủy ban chứng khoán nhà nước trước khi thực hiện. Điều chỉnh các hoạt động mua lại và sáp nhập trong lĩnh vực chứng khoán và các công ty đại chúng như chào mua công khai và quy định riêng về tổ chức lại doanh nghiệp.
Luật các tổ chức tín dụng quy định việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập của tổ chức tín dụng phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng nhà nước cũng ban hành Thông tư 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng để điều chỉnh hoạt động M&A trong lĩnh vực tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, Bộ Luật Dân sự và Luật Thương mại quy định chủ yếu nhằm điều chỉnh M&A dưới khía cạnh hợp đồng giữa các bên. Luật Thuế yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Luật Kế toán quy định về việc hợp nhất báo cáo tài chính. Luật Kiểm toán quy định việc kiểm tra các hoạt động về tài chính của doanh nghiệp để xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh khía cạnh chuyển giao quyền tác giả, công nghệ, bí mật kinh doanh giữa các bên. Luật Lao động yêu cầu các bên tham gia M&A phải thực hiện đúng nghĩa vụ đối với người lao động… Bên cạnh đó còn có các cam kết, hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để điều chỉnh hoạt động M&A như: Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định khuyến khích, bảo hộ và tự do hoá đầu tư Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA)…
2.2. Những bất cập trong quy định pháp lý liên quan đến M&A ở Việt Nam
Các văn bản pháp lý này đã có tác động rất tích cực đến môi trường kinh doanh. Những nỗ lực cải thiện quy định pháp lý này đã tạo thuận lợi cho các giao dịch M&A. Mặc dù chưa quy định chi tiết, nhưng phần nào những quy đinh đó về cơ bản đã đảm bảo cho hoạt động M&A được diễn ra. Việc quy định ở nhiều luật khác nhau, đặc biệt là có những luật chuyên đi kèm với M&A trong các lĩnh vực khác nhau sẽ giúp cho các lĩnh vực đó có cơ sở áp dụng cụ thể hơn. Ví dụ, vấn đề giải quyết lao động sau khi doanh nghiệp sáp nhập: Sau khi 2 doanh nghiệp sáp nhập với nhau, những người lao động ở doanh nghiệp cũ vẫn sẽ được sử dụng. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại điều 46 Bộ luật lao động. Việc này ban hành các quy định điều chỉnh M&A đã giúp thu hút được các vốn đầu tư, góp phần phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta.
Tuy nhiên, khung pháp lý về M&A còn để lại nhiều bất cập. Khung pháp lý quy định còn thiếu rõ ràng và không đầy đủ. Việt Nam không có một đạo luật riêng về M&A. M&A được quy định trong nhiều luật khác nhau. Tuy nhiên, các quy định này hầu như mới chỉ dừng lại ở việc xác lập về mặt hình thức của hoạt động M&A. Cũng chính vì việc hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được quy định ở nhiều văn bản khác nhau nên dẫn đến sự chồng chéo, hệ quả là khi áp dụng vào thực tế, các doanh nghiệp rất khó để tìm cho mình một hướng đi tốt nhất mà không vướng phải những rào cản của luật pháp. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều bất cập vẫn còn tồn tại hiện nay khi doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào hoạt động này tại nước ta. Vậy có nên thiết lập một khung pháp lý riêng cho M&A không? Đây vẫn là một câu hỏi khó đối với nhà làm luật. Bởi lẽ, họ rất muốn có một văn bản quy định về M&A để tạo sự thống nhất trong quá trình điều chỉnh M&A. Nhưng M&A lại có quá nhiều vấn đề để quy định, ở mỗi lĩnh vực lại có rất nhiều vấn đề khác phát sinh quanh nó nên rất khó để đưa ra một văn bản pháp lý riêng.
Một số khái niệm của pháp luật quy định về mua bán, sáp nhập doanh nghiệp chưa rõ ràng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiến hành hoạt động mua bán, sáp nhập. Trong luật doanh nghiệp thì hình thức mua bán, sáp nhập doanh nghiệp được coi là hình thức tổ chức lại doanh nghiệp, trong luật cạnh tranh thì quy định là hình thức tập trung kinh tế, còn trong luật đầu tư có ghi nhận đây là một hình thức đầu tư… Có ý kiến cho rằng việc “mua lại phần vốn góp” theo quy định trong luật doanh nghiệp và “mua lại doanh nghiệp” trong luật cạnh tranh là hai khái niệm có thể dẫn tới hiểu sai. Bởi vì trong trường hợp số cổ phần được mua có thể đạt tới việc kiểm soát được một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp bị mua lại thì việc mua lại cổ phần của doanh nghiệp có thể trở thành mua bán doanh nghiệp. Không những vậy, pháp luật đã không quy định rõ về thủ tục sáp nhập và không quy định thủ tục mua bán doanh nghiệp. Điều này có thể đã khiến cho các doanh nghiệp thực hiện sáp nhập sẽ bập bênh, bất lợi, không công bằng. Bên nào mạnh hơn sẽ đem lại cho mình những điều khoản có lợi hơn. Còn trường hợp mua bán doanh nghiệp, vì không quy định thủ tục, cách thức tiến hành khiến cho các bên sẽ không biết bắt đầu từ đâu, thực hiện như thế nào để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng mua bán, sáp nhập nhưng xuất phát từ tính phức tạp của quan hệ này, có thể thấy hợp đồng phải được lập dưới hình thức văn bản để ghi nhận nội dung thỏa thuận, làm cơ sở thực hiện hợp đồng.
Pháp luật quy định chưa đầy đủ về vấn đề định giá doanh nghiệp gây ra nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư khi xác định giá trị của doanh nghiệp trong quá trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Định giá doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Giá là một vấn đề tối quan trọng  trong giao dịch mua lại và sáp nhập. Trên tất cả, nó quyết định lượng giá trị được chuyển nhượng cho người bán để đổi lấy quyền sở hữu doanh nghiệp bán. Nó là vấn đề số một đối với cả người bán và người mua, hoàn toàn quyết định liệu giao dịch có được hoàn tất hay không. Quy định về định giá doanh nghiệp tránh tình trạng tự thỏa thuận về giá trị doanh nghiệp như thời điểm hiện nay; đảm bảo xác định được đúng giá trị doanh nghiệp trên cơ sở tài sản nợ và tài sản có, giá trị thương hiệu của doanh nghiệp. 
Ngoài ra, mức quy định về thuế trong khi định giá doanh nghiệp chưa phù hợp với thực tế khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong giao dịch sáp nhập, mua bán doanh nghiệp.
Tóm lại, hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp là một giải pháp ngày càng phát triển ở Việt Nam. Chính động lực về kinh tế, mục tiêu thương mại đã khiến cho hoạt động này đã xuất hiện và phát triển mạnh. Hoạt động M&A có thể là cơ hôi, cũng có thể là thách thức cho mỗi doanh nghiệp trong việc đi tìm lợi nhuận. Tuy nhiên, để khắc phục những khó khăn, thách thức đó thì nước ta cần có những quy định pháp lý chặt chẽ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: “Việt Nam nên hay không nên thiết lập khung pháp lý riêng cho M&A” thì vẫn là một ẩn số chưa có lời giải đáp chính xác, hữu hiệu nhất. 
3. Hợp đồng Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Hợp đồng mua bán, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp được dùng để chỉ sự thỏa thuận giữa các chủ thể trong giao dịch mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Cũng giống như các loại hợp đồng khác, hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện, tự do thỏa thuận, thể hiện được ý chí của các bên. Và hợp đồng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp không có một mẫu chung thống nhất. Bởi vì, phạm vi, mục đích của các bản hợp đồng khác nhau nên có những hình thức khác nhau như: hợp đồng sáp nhập, hợp đồng mua bán doanh nghiệp, hợp đồng mua bán/chuyển nhượng cổ phần… Vì vậy, hợp đồng M&A sẽ được thiết kế riêng để phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Về nội dung của hợp đồng thì không có quy định cụ thể. Nhưng dựa trên những cuộc giao dịch thực tế thì hợp đồng mua bán và sáp nhập thường có những nội dung sau:
– Hợp đồng sáp nhập doanh nghiệp: Thông tin của doanh nghiệp nhận sáp nhập; Thông tin của doanh nghiệp bị sáp nhập; Căn cứ pháp lý, cơ sở xác lập hợp đồng; Các điều khoản trong hợp đồng (Sáp nhập công ty; điều kiện sáp nhập; Thủ tục sáp nhập và tiến độ thực hiện; Hoán đổi cổ phần; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Cam kết và đảm bảo cho các bên; Chuyển giao tài sản và phương án sử dụng lao động; Hiệu lực hợp đồng; Điều khoản chung).
– Hợp đồng mua bán doanh nghiệp: Ghi rõ thông tin của các bên (tên doanh nghiệp, trụ sở chính, tên, chức danh, CMND của người đại điện theo pháp luật); giá chuyển nhượng; phương thức và thời gian thanh toán; điều kiện, thời hạn chuyển giao tài sản; quyền và nghĩa vụ của các bên; điều khoản ràng buộc trách nhiệm; thời gian thực hiện hợp đồng; điều khoản giải quyết tranh chấp; tuyên bố và cam kết của hai bên về tình trạng doanh nghiệp.
Và thẩm quyền kí kết hợp đồng là những người đại diện theo pháp luật hoặc được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Và hợp đồng thường có hiệu lực từ khi được đại diện có thẩm quyền của các bên kí. Khi xây dựng nội dung hợp đồng, bên cạnh việc đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định thì các bên cần phải thỏa thuận toàn diện mọi khía cạnh của giao dịch để hạn chế tranh chấp và nên thỏa thuận các biện pháp hạn chế rủi ro. Đặc biệt, các bên tham gia cần phải lưu ý, trước khi tham gia M&A và kí kết hợp đồng, các bên cần ơahir xác định rõ mục tiêu chiến lược của mình để tiến hành điều tra, thẩm tra các rủi ro về tài chính, pháp lý để đảm bảo việc hợp đồng M&A sẽ giải quyết tương đối các vấn đề rủi ro đó.
DANH MỤC THAM KHẢO
1. Thị trường M&A Việt Nam: Kỷ lục được phá vỡ song quy mô vẫn nhỏ, http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2018-07-24/thi-truong-m-a-viet-nam-ky-luc-duoc-pha-vo-song-quy-mo-van-nho-60193.aspx
3. Thị trường M&A hối thúc hoàn thiện khung pháp lý , https://baodautu.vn/thi-truong-ma-hoi-thuc-hoan-thien-khung-phap-ly-d3764.html
5. Phùng Ngọc Việt Nga, Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam http://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/7066/1/00050001388.pdf
6. Tái cấu trúc doanh nghiệp và những ví dụ điển hình trên sàn chứng khoán,  http://cafef.vn/tai-cau-truc-doanh-nghiep-va-nhung-vi-du-dien-hinh-tren-san-chung-khoan-20170703171847017.chn
7. Pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A, https://vnvc.com.vn/PHAP-LUAT-DIEU-CHINH-HOAT-DONG-MA-610.html
8. PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng và Nguyễn Thị Quỳnh Thư, Một số vấn đề về sáp nhập, mua lại doanh nghiệp và tình hình Việt Nam
9. Phùng Ngọc Việt Nga, Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam
12. Luật Doanh nghiệp 2014
13. Luật Cạnh tranh 2018
14. Luật Đầu tư 2014
15. Luật tổ chức tín dụng 2010
Và một số văn bản pháp luật và tài liệu khác. 
 -----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội