Vũ Đức Hưng
K62CLC, Khoa Luật – ĐHQGHN
Tóm Tắt: Bài viết khái quát nội dung về thiết chế trọng tài thương mại, bao gồm lịch sử hình thành và phát triển, đặc điểm, tính chất, các loại hình trọng tài được ưa chuộng hiện nay. Từ đó, chỉ ra những điểm khác biệt so với tòa án thông thường, cũng như những ưu, nhược điểm của loại hình này.
Abstract: The article generalizes the content of commercial arbitration institutions, including the history of formation and development, characteristics, characteristics and types of arbitration currently favored. From there, point out differences from conventional courts, as well as advantages and disadvantages of this type
Từ khóa: Trọng tài thương mại, trọng tài ad hoc, trọng tài vụ việc, trọng tài thường trực, trọng tài viên, hội đồng trọng tài
Keyword: Commercial Arbitration, Ad hoc Arbitration, Case Arbitration, Permanent Court of Arbitration, arbitrator, The arbitral tribunal
1. Lịch sử của trọng tài thương mại:
Trong khoảng 20 năm trở lại đây, trọng tài thương mại mới được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam, tuy nhiên trong lịch sử thương mại quốc tế thì trọng tài thương mại đã manh nha rất sớm, thậm chí còn là tiền đề hình thành tòa án.
Trọng tài là phương thức cổ xưa nhất để giải quyết bất đồng giữa người với người, giữa quốc gia với quốc gia.[1] Hy Lạp và La Mã cổ đại được cho là những nơi khởi nguồn của phương thức trọng tài này. Xuất hiện đầu tiên trong giao thương, mua bán giữa các lái buôn, khi có bất đồng trong việc trao đổi hàng hóa, thanh toán, họ sử dụng một bên thứ ba không phải Nhà nước, được cho là công minh, đủ hiểu biết, thường là một hoặc một số cá nhân độc lập, thông tuệ để phân xử ; phương thức trọng tài bắt nguồn từ đó.
Văn bản pháp luật đầu tiên ghi nhận hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ra đời ở Anh năm 1697, tại thời điểm mà phương thức này vốn dĩ đã được sử dụng phổ biến.
Năm 1794, trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa Mỹ và Anh về ấn đề các khoản nợ và thỏa thuận biên giới được quy định rõ sẽ sử dụng phương thức trọng tài trong Hiệp ước Jay 1794 (Jay’s Treaty 1794).[2] Không chỉ các thương nhân ưa chuộng sử dụng phương thức này mà trong quan hệ giữa quốc gia với quốc gia, phương thức này cũng được ưu tiên sử dụng.
Theo sự phát triển của thương mại quốc tế, phương thức trọng tài được phổ biến rộng rãi ở nhiều quốc gia và giống như một sự tất yếu, một chiếc tàu cứu hộ cho cơ quan tố tụng là tòa án đang quá tải, kém hiệu quả ở các quốc gia, trọng tài thương mại với những đặc thù phù hợp với kinh tế, đã phát triển nhanh chóng, trở nên được ưu ái hơn với các phương thức khác. Các tổ chức trọng tài thương mại ra đời và đóng góp quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
Năm 1958, Công ước New York ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của phương thức trọng tài thương mại. Công ước New York về công nhận và thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài giống như một mạng lưới liên kết hệ thống pháp luật quốc gia với các quyết định của trọng tài thương mại. Công ước này cho phép một phán quyết của trọng tài nước ngoài được thực thi tại bất cứ quốc gia thành viên của công ước và các quốc gia thành viên có trách nhiệm công nhận và cho thi hành phán quyết này giống như bất cứ quyết định nào của tòa án nước mình.
Đến nay, phương thức trọng tài thương mại đã được phổ biến rộng, được ưa chuộng trong giải quyết tranh chấp không chỉ trong các hợp đồng ngoại thương nữa mà còn ngay trong một quốc gia. Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng của xu thế này.
2. Khái quát chung về trọng tài thương mại:
2.1. Khái niệm:
      Trọng tài là một phương pháp pháp lý để giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, theo đó các bên tranh chấp thỏa thuận đưa tranh chấp của mình đến một trọng tài viên hay một hội đồng trọng tài để giải quyết theo quy định của Luật trọng tài thương mại và chấp nhận chịu sự ràng buộc về mặt pháp lý, tuân thủ phán quyết của trọng tài viên hay của hội đồng trọng tài. Trọng tài thường được sử dụng để giải quyết các bất đồng trong hoạt động thương mại, thường là thương mại quốc tế.[3]
2.2. Đặc điểm:
Hình thức giải quyết tranh chấp này có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết một tranh chấp cụ thể nào đó khi các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận lựa chọn trọng tài để giải quyết. Tuy nhiên khi giữa các bên đã có một thỏa thuận trọng tài hợp pháp theo quy định của pháp luật áp dụng thì việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trở thành một yêu cầu bắt buộc. Khi đó tòa án sẽ được coi là không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó.
Thứ hai, trọng tài cũng là hình thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba khách quan để giúp các bên giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, khác với bên thứ ba làm trung gian hòa giải – người không có quyền đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp có tính chất ràng buộc các bên, quyết định của trọng tài viên hoặc hội đồng trọng tài là chung thực và có tính chất ràng buộc pháp lý đối với các bên tranh chấp tương tự như một bản án của tòa án.
Thứ ba, trọng tài là một phương thức giải quyết tư (phi chính phủ) nên trọng tài không mang trong mình quyền lực nhà nước như tòa án. Tuy nhiên, do phán quyết của trọng tài là chung thẩm và ràng buộc các bên như một bản án của tòa án nên khác với phương thức thương lượng hoặc hòa giải, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật cụ thể. Nhiều quốc gia ban hành những quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của trọng tài. Ngoài ra Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UCITRAL) cũng ban hành Luật mẫu về trọng tài thương mại được rất nhiều quốc gia trên thế giới dựa vào để ban hành để ban hành luật về trọng tài của quốc gia mình.[4]
Thứ tư, so với tố tụng tòa án, tố tụng trọng tài linh hoạt, mềm dẻo hơn. Các bên tranh chấp được quyền lựa chọn trọng tài viên, được quyền quyết định ngôn ngữ, địa điểm và thời gian xét xử.
Thứ năm, trọng tài thường nhận được sự hỗ trợ của cơ quan có quyền lực nhà nước trong quá trình tố tụng như các hỗ trợ của Tòa án trong việc ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hỗ trợ cho trọng tài viên đối với hình thức trọng tài vụ việc hay sự hỗ trợ của cơ quan thi hành án đối với việc thi hành quyết định của trọng tài.
2.3. Các hình thức trọng tài thương mại:
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việc ( trọng tài ad – hoc ) [5] và trọng tài thường trực:
Trọng tài vụ việc:
Trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài sẽ tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp.[6]
Bản chất của trọng tài vụ việc thể hiện qua các đặc trưng cơ bản:
+ Một là, trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
+ Hai là, trọng tài vụ việc không có cơ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên.
+ Ba là, trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng dành riêng cho mình.
Ưu thế của trọng tài vụ việc là có thể giải quyết nhanh chóng và ít tốn kém vì nó vẫn chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của các bên tranh chấp; quyển lựa chọn trọng tài viên của các bên không bị giới hạn bởi danh sách trọng tài viên như trọng tài quy chế; các bên tranh chấp có quyền rộng rãi trong việc xác định quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp giữa các bên, khi nếu lựa chọn hình thức trọng tài quy chế, các bên sẽ bị ràng buộc bởi quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài.
Trọng tài thường trực:
Theo pháp luật Việt Nam, trọng tài thường trực được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng, trụ sở giao dịch ổn định.[7]
Các trung tâm trọng tài có các đặc trưng cơ bản sau:
+ Một là, các trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống các cơ quan nhà nước.
+ Hai là, các trung tâm trọng tài là tổ chức thỏa mãn các điều kiện về pháp nhân, bao gồm được thành lập hợp pháp; có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó; nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
+ Ba là, tổ chức và quản lý ở trung tâm trọng tài rất đơn giản, gọn nhẹ;
+ Bốn là, mỗi trung tâm trọng tài đều tự quyết định về lĩnh vực và có quy tắc tố tụng riêng;
+ Năm là, hoạt động xét xử của trung tâm trọng tài được tiến hành bởi các trọng tài riêng của trung tâm.
2.4. Các ưu điểm của phương thức trọng tài thương mại:
Thứ nhất, phán quyết của trọng tài thương mại có tính chung thẩm: đa số các quyết định trọng tài không bị kháng cáo, chỉ trừ trường hợp một bên trong tranh chấp yêu cầu và có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 2 điều 68 Luật trọng tài năm 2010 thì quyết định trọng tài bị hủy theo quyết định của tòa án.[8]
Thứ hai, các quyết định trọng tài được công nhận quốc tế thông qua một loạt các công ước quốc tế được kí kết đặc biệt là công ước New York năm 1958 về thi hành quyết định trọng tài nước ngoài, hiện nay có khoảng 120 quốc gia là thành viên của công ước này.
Thứ ba, cơ quan trọng tài hoàn toàn trung lập, các trọng tài viên có trình độ chuyên môn cao. Để trở thành trọng tài viên thì cá nhân phải đáp ứng những yêu cầu mà pháp luật quy định, theo Luật trọng tài 2010 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì người đáp ứng đủ các yêu cầu quy định tại Điều 20 thì có thể làm trọng tài viên.[9]
Thứ tư, trọng tài thương mại mang tính linh hoạt, đảm bảo tốt hơn quyền tự định đoạt của các bên. Nghĩa là các bên có quyền tự quyết định chọn hình thức tổ chức trọng tài cũng như trọng tài viên mà mình ưa thích; có quyền lựa chọn địa điểm, thời gian sao cho tiện với doanh nghiệp.
Như vậy so với tòa án, các công việc đó do thẩm phán có thẩm quyền quyết định và doanh nghiệp phải tuân theo thì hình thức trọng tài thương mại tạo cho các bên tranh chấp có thể chủ động hơn.
Thứ năm, trọng tài thương mại mang tính bí mật: các phiên họp giải quyết tranh chấp của trọng tài không được tổ chức công khai và chỉ có các bên nhận được quyết định. Đây là một ưu điểm lớn của phương thức trọng tài khi các tranh chấp liên quan đến các bí mật thương mại và phát minh.
Thứ sáu, giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài có thế giúp các bên tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn so với phương thức thông qua tòa án. Trọng tài có thể tiến hành rất nhanh trong vòng vài tuần hoặc vài tháng nếu các bên mong muốn. Trong hợp đồng với tổ chức trọng tài,  các bên có thể thỏa thuận giới hạn thời gian cần thiết để đưa ra quyết định trọng tài.
2.5. Các hạn chế của phương thức trọng tài thương mại:
Thứ nhất, các trọng tài viên có thể gặp khó khăn trong quá trình điều tra, xác minh và thu thập chứng cứ và triệu tập nhân chứng vì tuy pháp luật có ghi nhận các quyền này tại Điều 45, Điều 46 và Điều 47 Luật trọng tài 2010 nhưng quyền của họ chỉ dừng lại ở mức được “ yêu cầu ” còn việc có cung cấp chứng cứ hay không phải dựa vào sự tự nguyện và thiện chí của các bên và người làm chứng.
Thứ hai, trọng tài ad-hoc phải phụ thuộc hoàn toàn vào thiện chí của các bên. Nếu một bên không có thiện chí, quá trình tố tụng sẽ luôn có nguy cơ bị trì hoãn, và nhiều khi không thể thành lập được Hội đồng Trọng tài bởi vì không có quy tắc tố tụng nào được áp dụng và không có tổ chức nào giám sát việc tiến hành trọng tài và giám sát các Trọng tài viên. Vì vậy, kết quả phần lớn phụ thuộc vào việc tiến hành tố tụng và khả năng kiểm soát quá trình tố tụng của các Trọng tài viên. Cả Trọng tài viên và các bên sẽ không có cơ hội nhận được sự ủng hộ và trợ giúp đặc biệt từ một tổ chức trọng tài thường trực trong trường hợp phát sinh sự kiện không dự kiến trước và trong trường hợp các Trọng tài viên không thể giải quyết được vụ việc. Sự hỗ trợ duy nhất mà các bên có thể nhận được là từ các Tòa án.
Thứ ba,  hình thức trọng tài thường trực có nhược điểm là tốn kém nhiều chi phí. Rõ ràng giải quyết tranh chấp tại Trọng tài quy chế, ngoài việc phải trả chi phí thù lao cho các Trọng tài viên, các bên còn phải trả thêm các chi phí hành chính để nhận được sự hỗ trợ của các trung tâm trọng tài. Ngoài ra trong một số trường hợp quá trình giải quyết tranh chấp bị kéo dài mà Hội đồng Trọng tài các các bên bắt buộc phải tuân thủ vì phải tuân theo các thời hạn theo quy định của Quy tắc tố tụng trọng tài làm giảm hiệu quả của việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài.
3. Trọng tài thương mại trong pháp luật Việt Nam:
3.1. Cơ cấu tổ chức:
Bắt kịp với xu thế của thế giới, ngày 17 tháng 06 năm 2010, Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Luật trọng tài thương mại, trong đó, tại Khoản 1 Điều 3 có quy định: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”.[10] Theo đó, trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, được thực hiện bởi Hội đồng trọng tài hoặc một trọng tài viên duy nhất với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết tranh chấp bằng việc đưa ra một phán quyết trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên tranh chấp và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Trọng tài là một cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, được thành lập tự nguyện bởi các trọng tài viên để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại bởi các bên tranh chấp.
          Hội đồng trọng tài là bộ phận chuyên trách giải quyết tranh chấp thương mại trong trung tâm trọng tài thương mại gồm một số trọng tài viên, được thành lập theo sự chỉ định của các bên tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật về trọng tài và quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài để giải quyết vụ việc. Có hai loại hội đồng trọng tài là hội đồng trọng tài được thành lập tại trung tâm trọng tài thương mại (Trọng tài quy chế) và hội đồng trọng tài do các bên thành lập (Trọng tài vụ việc). Số lượng trọng tài viên trong hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận nhưng phải là số lẻ. Các bên có thể thỏa thuận chỉ định 1 trọng tài viên duy nhất thực hiện nhiệm vụ của hội đồng trọng tài. Khi quyết định, hội đồng trọng tài biểu quyết theo đa số.[11]
 3.2. Tiêu chuẩn để trở thành trọng tài viên:
        Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật trọng tài 2010.
Điều 20 Luật trọng tài 2010 quy định tiêu chuẩn Trọng tài viên:
“ 1. Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:
a- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự;
b- Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
c- Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
2. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
a- Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công  chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
b- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
3. Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.”
3.3. Các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam:
Luật trọng tài 2010 ra đời, tạo tiền đề cho sự phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng của các trung tâm trọng tài tại Việt Nam. Hiện nay, có 14 trung tâm trọng tài chủ yếu ở hai thành phố lớn ở nước ta là Hà Nội và Hồ Chí Minh:[11]
1- Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương
Tên viết tắt: PIAC, tổng số trọng tài viên: 78
2- Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính Ngân hàng Việt Nam
Tên viết tắt: VIFIBAR, tổng số trọng tài viên: 9
3- Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính
Tên viết tắt: FCCA, tổng số trọng tài viên: 6
4- Trung tâm trọng tài Thương mại Đông Dương
Tên viết tắt: ITAC, tổng số trọng tài viên: 35
5- Trung tâm trọng tài thương mại Toàn Cầu
Tên viết tắt: GCAC, tổng số trọng tài viên: 19
6- Trung tâm trọng tài thương mại Nam Việt
Tên viết tắt: NVCAC, tổng số trọng tài viên: 5
7- Trung tâm trọng tài thương mại Sài Gòn
Tên viết tắt: SCAC, tổng số trọng tài viên: 5
8- Trung tâm trọng tài thương mại Công Lý Việt Nam
Tên viết tắt: VIETJAC, tổng số trọng tài viên: 05
9-Trung tâm trọng tài thương mại Liên Minh
Tên viết tắt: ACAC, tổng số trọng tài viên: 05
10- Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam
Tên viết tắt: VLCAC, tổng số trọng tài viên: 59
11- Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Tên viết tắt: VIAC, tổng số trọng tài viên: 144. Theo Quyết định thành lập/Giấy phép thành lập:Quyết định số 204/TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ,
12- Trung tâm trọng tài thương mại Á Châu
Tên viết tắt: ACIAC, tổng số trọng tài viên: 37
13- Trung tâm trọng tài thương mại Thành phố Hồ Chí Minh
Tên viết tắt: TRACENT, tổng số trọng tài viên: 27
14- Trung tâm trọng tài thương mại Cần Thơ
Tên viết tắt: CCAC, tổng số trọng tài viên: 11. Theo Quyết định thành lập/Giấy phép thành lập:Quyết định số 268/TCCB ngày 30/01/1999 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật trọng tài thương mại 2010
2. Luật thương mại 2014
3. Các trung tâm Trọng tài Thương mại ở Việt Nam và thế giới, http://congtyluatdragon.com/chi-tiet/cac-trung-tam-trong-tai-thuong-mai-o-viet-nam-va-the-gioi.html
4. Trọng tài thương mại – những vấn đề chung nhất, http://luatviet.co/trong-tai-thuong-mai-nhung-van-de-chung-nhat/n20170524045758888.html
5. Trọng tài thương mại quốc tế 2017: Chìa khóa giải quyết tranh chấp cho mọi doanh nghiệp, http://luatdragon.vn/goc-tu-van/trong-tai-thuong-mai-quoc-te.html
[1] Luật gia Nguyễn Thị Liên – Phòng Tư vấn pháp luật Dân sự & Thương mại Công ty Luật TNHH Everest, Trọng tài thương mại – những vấn đề chung nhất, Tr1.
[2] Xem vụ Jay’s Treaty 1794.
[3] Pháp lí 24h, Trọng tài thương mại: Hình thức, bản chất, ưu điểm và hạn chế
[4] Ủy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên hiệp quốc (UCITRAL), Luật mẫu về trọng tài thương mại
[5] Quy tắc trọng tài UNCITRAL, Trọng tài ad-hoc
[6] Quy tắc trọng tài UNCITRAL, Trọng tài vụ việc
[7] Khoản 6, điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010
[8] Khoản 2 điều 68 Luật trọng tài năm 2010
[9] Điều 20, Luật trọng tài năm 2010
[10] Khoản 1 Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010
[11] Luật Dragon, Trọng tài thương mại quốc tế 2017: Chìa khóa giải quyết tranh chấp cho mọi doanh nghiệp
 -----------------------------------------------------------
🔏CLB Moot Court Khoa Luật - ĐHQGHN 🔏
📧Email : [email protected]
➡️Facebook: https://www.facebook.com/mootcourtclub.vnusol
📰Blog: https://mootcourtclub.wordpress.com
📝Spiderum: https://spiderum.com/nguoi-dung/MootcourtF1
☎️ Điện thoại : 0963067249 (Miss Trinh Trần)
🚩144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội