Đây là lần thứ n tôi đọc được những bài viết theo kiểu như này:
Và cũng là lần thứ n tôi cảm thấy việc không cãi nhau trên mạng, mạng xã hội của cá nhân tôi là đúng, bởi những quan điểm như thế này. Cho đến tận bây giờ, rất nhiều người vẫn không hiểu được việc họ cãi nhau về những vấn đề này rất vô ích, vậy nên tôi nghĩ tôi cần phải "đả thông tư tưởng" cho một số không nhỏ những người đã, đang, và sẽ tham gia vào những cuộc tranh luận vô bổ này, bằng cách cung cấp cho họ một góc nhìn, mặc dù hoàn toàn không mới, nhưng có thể sẽ rất khác so với cách họ suy nghĩ. 

I - LƯƠNG TÂM, ĐẠO ĐỨC, VÀ LUẬT


Đầu tiên chúng ta nên có được một định nghĩa cơ bản về 3 khái niệm này để tiện trao đổi:
1. Lương tâm: Lương tâm là quá trình nhận thức của cá nhân dựa vào hiểu biết và giá trị của cá nhân nhằm đưa đến cảm xúc hoặc hành động của cá nhân lên một sự vật hiện tượng nào đó. Lương tâm giúp cho cá nhân hiểu được đúng-sai, phải-trái dựa trên hệ quy chiếu thuộc về từng cá thể. 
2. Đạo đức: Đạo đức nói chung là một hệ thống quy chuẩn chung của xã hội hoặc của một nhóm người nhằm để phân biệt được đúng-sai, phải trái dựa trên hệ quy chiếu thuộc về xã hội hoặc nhóm người đó. Chính vì thế chúng ta có các khung đạo đức khác nhau, tùy thuộc vào nhóm người và xã hội khác nhau. Ví dụ: Trung Quốc cổ đại có những quy chuẩn đạo đức của Nho (Khổng Tử), Đạo (Lão Tử), Pháp (Hàn Phi Tử) và mỗi một hệ thống này đều có những cách thức khác nhau giúp con người trong xã hội đó phân biệt được đúng-sai, phải-trái. Hiện đại hơn chúng ta có những thứ cụ thể như: đạo đức kinh doanh, đạo đức ngành Y, đạo đức nghề báo... là hệ thống quy chuẩn của từng nhóm người với chức năng cụ thể, do nhóm người đó đồng thuận và quy định với nhau. 
3. Luật (ở đây nói đến pháp luật): Hệ thống quy định nhằm đưa ra các quy tắc ứng xử có tính bắt buộc chung, đôi khi có tính cưỡng chế, thể hiện ý chí chung của một quốc gia, của một nhóm người. Trong nhiều trường hợp, luật được đưa ra nhằm đảm bảo các giá trị của nhóm người, xã hội đó. 
Tại sao lại sử dụng ba hệ quy chiếu này là vì chúng là những hệ quy chiếu cơ bản hỗ trợ khả năng đánh giá hoặc tự đánh giá. Có thể thêm vào, nhưng đừng bớt đi. Khi nhận xét, quan sát về một hành vi, sự việc, thì hành vi, sự việc đó có thể thỏa mãn cả ba hệ quy chiếu, có thể chỉ thỏa mãn một hệ quy chiếu, có thể thỏa mãn hai trong ba hệ quy chiếu, cũng có thể không thỏa mãn bất kỳ hệ quy chiếu nào (các bạn có thể dùng sơ đồ Venn hoặc phép logic để chứng minh điều này, tôi hơi lười nên sẽ không trình bày cụ thể, cũng do Spiderum thiếu bộ gõ cho Toán nữa). Tức là có thể có một số trường hợp sau (tôi sẽ không liệt kê hết, các bạn có thể tự làm việc này):
- Một hành vi có thể đúng với lương tâm, nhưng lại sai về mặt luật pháp hay sai về mặt đạo đức xã hội. Lấy ví dụ luôn về việc ăn thịt chó: Việc ăn thịt chó có thể đúng với lương tâm của anh vì anh coi mọi loại thịt đều là thịt, nhưng nếu trong xã hội anh sống phản đối việc đấy (ví dụ như Bắc Âu) đồng thời luật pháp cũng cấm anh ăn thịt chó, thì hành vi ăn thịt chó của anh là vi phạm tiêu chuẩn đạo đức và vi phạm pháp luật. 
- Một hành vi có thể đúng với lương tâm, đúng với đạo đức xã hội, nhưng sai về mặt luật pháp. Cũng ví dụ về ăn thịt chó, giả sử như thành phố Hà Nội cấm ăn thịt chó trong phạm vi thành phố Hà Nội, thì có nghĩa là cho dù toàn bộ người dân Hà Nội đều đồng thuận với việc ăn thịt chó cũng như cá nhân anh thấy ăn thịt chó là đúng với cá nhân anh, thì việc anh ăn thịt chó vẫn là vi phạm pháp luật.
- Một hành vi có thể đúng về mặt luật pháp, nhưng sai về mặt lương tâm cũng như sai về mặt đạo đức xã hội. Ví dụ nếu như trong trường hợp (giả tưởng) nào đó nhà nước buộc người ta phải giết chó để làm thịt trong khi cá nhân anh lẫn xã hội đều thấy việc đấy không đúng, thì việc chống lại ăn thịt chó là sai về mặt luật pháp nhưng đúng với lương tâm và đạo đức xã hội.
Chúng ta cần phải hiểu rằng, trong phần lớn các trường hợp, thì Luật sẽ là khung đối chiếu cao nhất (hay còn gọi là tinh thần thượng tôn pháp luật) và vận động của xã hội là nhằm thay đổi, điều chỉnh luật nếu như luật không còn phù hợp với các giá trị của xã hội (trong đó có giá trị đạo đức và trong một số án lệ còn có thể là về mặt lương tâm). Ví dụ: sau nội chiến Mỹ thì việc mua bán, sở hữu nô lệ bị cấm, các bang vẫn còn nô lệ buộc phải trả tự do cho nô lệ. 
Vì thế, khi tranh luận về các vấn đề xã hội (hay bất kể vấn đề gì), chúng ta cần phải đặt ra hệ quy chiếu để tranh luận các vấn đề đó. Và trước khi bước vào tranh luận, chúng ta cần phải hiểu hệ quy chiếu của người đưa ra ý kiến, bằng cách hỏi một số câu hỏi cơ bản sau:
- Để anh ta đúng, thì cần những điều kiện nào?
- Với cùng những điều kiện đấy, liệu anh ta có thể sai được hay không?
- Trong những điều kiện nào thì anh ta sẽ sai?
VÀ CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT TRONG TẤT CẢ CÁC CÂU HỎI:
- TRONG ĐIỀU KIỆN NÀO, THÌ CHÚNG TA SAI?
Cần, và nên rèn luyện góc nhìn tự phản biện (self-criticism) nhằm mở rộng góc nhìn. Chỉ cần thường xuyên hỏi câu hỏi "Trong điều kiện nào, thì chúng ta sai?" là các bạn đã ngày ngày rèn luyện tư duy phản biện rồi, không cần phải đi học khóa học với đọc sách nào đâu. Mặc dù việc đúng-sai là nhị nguyên nhưng đấy chính là cơ sở cơ bản nhất để phát triển tư duy nếu như chúng ta phản biện lại chính bản thân mình. Một số lỗi tư duy khác các bạn có thể tìm đọc trong các bài cũng trên Spiderum:

II - GÓC NHÌN QUAN TRỌNG HƠN ĐÚNG SAI TRONG CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI

Hình ảnh có tính tự giễu cao, xin đừng hiểu theo nghĩa đen
Việc đúng, sai tuyệt đối là việc tương đối bất khả thi, nhất là với những vấn đề liên quan đến xã hội, hay con người. Ngay cả trong khoa học, một trong những hệ thống có độ chính xác và khách quan cao nhất, việc đúng sai tuyệt đối cũng chỉ ở trong một số hệ quy chiếu nhất định và khi dùng hệ quy chiếu khác đưa vào sẽ có những sai lệch (Ví dụ điển hình là hình học Euclid và hình học phi Euclid (hình học Lobachevsky), đọc thêm ở đây.)
Một trong những thứ các bạn có thể dễ dàng nhìn thấy khi quan sát các cuộc tranh luận trên mạng xã hội, đó là thường người tham gia tranh luận nhảy ngay vào cuộc tranh luận khi chưa có được thông tin đầy đủ, cả về mặt tổng quan lẫn cụ thể. Sai lầm trong tư duy, suy nghĩ của họ thường là do:
1. Sử dụng sai bằng chứng: Thông thường con người hay đánh giá sai sức nặng bằng chứng của mình. Nếu họ cho rằng bằng chứng của mình nặng hơn hay nhẹ hơn sự thật về một niềm tin cụ thể nào đó, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và duy trì một niềm tin sai lệch. Có rất nhiều cách để sử dụng bằng chứng hợp lý, ví dụ, thường con người không để ý, bỏ quên và không giải quyết những bằng chứng có thể mâu thuẫn với nhau.

2. Giác quan không đáng tin cậy: Những khiếm khuyết và giác quan có thể dễ dàng gây ra việc tiếp cận thông tin sai lệch.

3. Trí nhớ không đáng tin cậy: Trên thực tế, trí nhớ của con người thường thiếu tính khách quan bởi họ thường có xu hướng giữ lại những trí nhớ họ muốn giữ.

4. Ngụy biện: Các lỗi về logic

5. Giới hạn về trí tuệ: Giới hạn này ai cũng có.

6. Giới hạn về mặt tái tạo: Chúng ta sử dụng ngôn ngữ và suy nghĩ để mô tả lại thực tế với hi vọng rằng có thể tái tạo lại thực tế một cách trung thực nhất có thể. Nhưng do thiếu nguồn lực, con người thường có xu hướng tái tạo sai thực tế.

7. Giới  hạn trong từng hoàn cảnh: Con người đồng thời cũng là nạn nhân của hoàn cảnh, khi rất dễ bị hoàn cảnh cụ thể chi phối cách suy nghĩ, tiếp cận vấn đề và hành động.
Để có thể tranh luận một cách lành mạnh và quan trọng hơn là để có thể học được gì từ những cuộc tranh luận đó, chúng ta cần phải có một cách tiếp cận lành mạnh. Mỗi người nên tự đưa ra những quy chuẩn trước khi bước vào tranh luận, nhưng nên ghi nhớ một số điều cơ bản để ít nhất, có thể có được tinh thần tự phản biện:
- Một vấn đề có thể mang nhiều yếu tố khác nhau: như đã nêu ở trên, một vấn đề có thể mang trong mình các yếu tố về lương tâm, đạo đức, pháp luật; một vấn đề cũng có thể vừa có tính xã hội, vừa có tính khoa học. Khung quy chiếu vấn đề nên là khung quy chiếu có tính khách quan (tốt nhất là khoa học) để bất kể ai tham gia tranh luận đều có cho mình được cái gì đó khi đối chiếu vấn đề với tất cả các khung quy chiếu có thể có trong cuộc tranh luận. Ví dụ vấn đề thịt chó có khung quy chiếu là lương tâm, đạo đức, pháp luật, thì những người tham gia tranh luận cần phải đồng thuận về khung quy chiếu, và đồng thuận về những quy chuẩn đúng sai, ví dụ: nếu như ý kiến đảm bảo đúng trong đa số các khung quy chiếu, thì sẽ được coi là đúng (đây là một thứ dân chủ rất cơ bản.) Hay vấn đề về ngôn ngữ (một trong những vấn đề mà số lượng chuyên gia có thể tính đến hàng triệu) vừa có tính xã hội, vừa có tính khoa học, thì nên... cái này các bạn thử tự nghĩ xem sẽ chọn những tiêu chuẩn nào để tranh luận thì hợp lý?
- Đúng sai không quan trọng bằng: Vì sao lại đúng? Và vì sao lại sai? Khi suy nghĩ theo hướng này, bất kể ai tham gia vào cuộc tranh luận đều có thể có được cái gì đó cho mình. Nếu suy nghĩ theo tư tưởng thực dụng, việc đúng sai này còn có thể dẫn đến hành động. Đúng thì tiếp tục phát huy, sai thì tìm cách sửa chữa. 
- Chúng ta tham gia tranh luận nhằm đảm bảo các giá trị gì? Giá trị về kiến thức hay giá trị về cá nhân, giá trị đạo đức xã hội, giá trị kinh tế? Nếu không đảm bảo hoặc thêm được các giá trị này, thì tranh luận.... làm cái *** gì? Nếu mà là rảnh muốn kiếm trò vui thì nên tìm hội cũng rảnh như mình mà làm một cái lồng tự vọng nghe tiếng mình cho thích, thi thoảng buồn tay lại thò sang bên cạnh lên xuống trái phải cho thỏa mãn nữa? 
- Tôn trọng đối thủ, hay người tham gia tranh luận: Ha ha ha, hay lắm, good joke, good joke. Nhưng thực tình mà nói, đây là cái rất tốt.
Và tôi xin kết luận bằng một câu, mà câu này có trên mạng (hình như là từ TTVNO thì phải), tiếng Việt hẳn hoi, từ cách đây chắc cũng phải ngót nghét hơn chục năm, từ thời mạng in-tờ-lét còn mới có được đâu đó một bộ phận rất nhỏ người dân dùng:
"CÃI NHAU TRÊN MẠNG, THẮNG LÀ THẰNG NGU, THUA LÀ THẰNG ĐẦN." 
Tất nhiên là ai cũng có lúc ngu đần cả, nhưng đừng lâu quá với dài quá, hơi mệt.