Ngàn vạn tranh cãi vẫn nổ ra hàng ngày xung quanh Lolita: siêu phẩm hay uế phẩm. Câu chuyện kinh tởm về tay ấu dâm biến thái hay tác phẩm văn học đỉnh cao với cách dùng tiếng Anh chuẩn mực của một nhà văn đến từ nước Nga? Không một đáp án nào có thể thỏa mãn tất cả mọi người. Nhưng dưới ánh sáng mà Flaubert và Nabokov đem lại, rất nhiều nhà văn muốn bước theo con đường đó. Tạo ra một tác phẩm tuyệt mỹ với những câu văn và hình ảnh nghệ thuật hoàn hảo trong một bối cảnh và cốt truyện có phần đen tối: một tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật. Phô bày tài năng của tác giả và vẻ đẹp của con chữ và bỏ qua hoàn toàn ý nghĩa hay những định hướng vị nhân sinh mà người đọc thường hướng tới và tìm kiếm. Jo Kyung-ran – nữ văn sĩ người Hàn chắc chắn cũng chọn bước đi trên con đường đó với tác phẩm Lưỡi và tôi tin phần nào cô đã thành công.
Jo Kyung-ran sinh năm 1969 tại Seoul, cô sống gần 20 năm trong một căn phòng áp mái nhỏ mà bố xây dựng. Mặc dù theo học Sáng tác văn chương tại Học viện Nghệ thuật Seoul, nhưng tới tận năm 28 tuổi cô mới quyết định trở thành một nhà văn. Cô khỏi đầu văn nghiệp vào năm 1996 với Giải thưởng Dong-a Ilbo cho truyện ngắn French Optical (tạm dịch : Ánh mắt người Pháp). Ngay từ những ngày đầu văn nghiệp, Jo Kyung-ran đã ấp ủ ý định về Lưỡi nhưng phải đến hơn mười năm sau. Năm 2007, tác phẩm của cô mới được ra đời. Một quá trình dài lâu đủ để ý tưởng trong cô đơm hoa và ngôn từ trong tác phẩm được chau chuốt rồi nở rộ.
Kết quả hình ảnh cho lưỡi jo kyung ran

Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, phô bày nội tâm suy nghĩ của nhân vật chính – đầu bếp Won trong bảy tháng từ tháng Giêng đến tháng Bảy sau khi người yêu rời bỏ cô theo một người bạn, người học viên trong lớp dạy nấu ăn của cô.
Như đã nhắc ở trên, tác phẩm không đặc biệt về mặt cốt truyện, không phải bài học ý nghĩa về cách vượt qua nỗi đau, sự cuốn hút của tác phẩm đến từ chính ngôn ngữ và hình ảnh của nó, của nhân vật chính. Cô là một người đầu bếp, nên tất cả thế giới quanh cô là một nhà bếp, mỗi nhân vật, mỗi hình ảnh trong thế giới của cô đều gắn với một nguyên liệu, một món ăn, cảm xúc của cô có thể gắn với một công thức, mọi sự vật sự việc đều có thể quy về cảm nhận vị giác. Gần như không có đoạn văn nào không có một hình ảnh không gợi nhắc về ẩm thực và nghề bếp. Sự kỳ công và tinh tế của tác giả được thể hiện qua sự đa dạng của hình ảnh và sự hài hòa và hợp lý trong những so sánh và ẩn dụ mà đầu bếp Won miêu tả.  
Dưới đây là một đoạn ngắn trong tác phẩm :
Nếu có thể diễn tả sự cô đơn, buồn hoặc niềm hạnh phúc, thì cô đơn sẽ là húng quế. Không tốt cho dạ dày, làm mờ mắt, khiến đầu óc lơ mơ mất tập trung. Nếu giã nát húng quế và đặt một hòn đá lên trên, bọ cạp sẽ lổm ngổm bò đến. 
Hạnh phúc là hoa nghệ tây, lại còn là thứ nghệ tây nở giữa độ xuân. Một nhúm nhỏ cũng đủ làm cho món ăn đậm đà thêm và thơm lâu hơn. Thả một chút nghệ tây vào rượu vang sẽ giúp rượu dậy mùi, khiến người ta mau chóng ngây ngất. Nghệ tây loại tốt thường tan ngay khi chạm vào và phát tán hương thơm rất nhanh. Nó còn có lợi với tim mạch, mọc ở rất nhiều nơi nhưng không phải mùa nào trong năm cũng tìm được. 
Nỗi buồn là dưa chuột sần sùi, với mùi hương có thể nhận biết từ xa. Cứng, không dễ tiêu, gây sốt cao. Đồng thời lại xốp, dễ hấp thu và thẩm thấu gia vị, bảo quản cũng được lâu. Dưa góp là món ngon nhất có thể làm từ dưa chuột. Cứ đun giấm rồi rót lên dưa chuột, sau đó nêm muối, tiêu, cho vào hũ thủy tinh tiệt trùng bịt thật kín, cất ở nơi khô ráo và tránh ánh sáng là được.
Tác phẩm là một kỳ công mà Jo Kyung-ran đã mất tới tận 10 năm ấp ủ và thai nghén mới hoàn thành. Vậy nên hãy ngồi xuống ghế, nhâm nhi ly cà phê, đừng tò mò về câu chuyện hay bài đọc đạo đức, mà hãy cảm nhận vẻ đẹp của từng hình ảnh, từng câu chữ mà tác phẩm đem lại để cùng trầm trồ về sự mỹ miều và sự ghê tởm mà hình ảnh, sự tưởng tượng và ngôn ngữ có thể đem tới cho chúng ta.