Nhân ngày nhận được thông báo Sài Gòn tiếp tục giãn cách thêm 2 tuần đến cuối tháng 9, cũng không làm gì khác hơn là tiếp tục ở nhà và chiêm nghiệm về một số câu hỏi về mầm bệnh.
Khi Covid xảy ra, chắc ai cũng từng một lần thắc mắc về căn nguyên của các loại mầm bệnh chết người và nguồn gốc sâu xa của nó, dễ thấy là hàng loạt các bộ phim có nội dung về dịch bệnh được đào mộ lại với lượt view tăng vọt, Netflix cũng đã kịp thời bổ sung vào danh sách bộ phim Flu đình đám của Hàn để phục vụ khán giả. Xem xong mấy bộ phim này lại dấy thêm nhiều lo lắng, nên sẵn tiện đang lo mình quay về quá khứ tìm hiểu nguồn gốc dịch bệnh, và các yếu tố lịch sử từ dịch bệnh coi như là mở mang hiểu biết vậy. Dịch bệnh từng là tác nhân giết người lớn nhất trong lịch sử thế giới, và cũng là tác nhân có vai trò quyết định việc hình thành nên lịch sử.
NHỮNG MẦM BỆNH ĐẦU TIÊN XUẤT HIỆN CÁCH ĐÂY 10,000 NĂM TRƯỚC
Cách đây khoảng 10,000 năm trước, con người đã trải qua giai đoạn săn bắn và hái lượm, tiến hoá lên giai đoạn trồng trọt và chăn nuôi, khi đó cùng với sự phát triển nông nghiệp, mật độ dân số tăng cao, việc chăn nuôi gia súc ở đại lục Á-Âu phát triển, với lợi thế về mặt địa lý, hầu như các loại gia súc được thuần chủng đều có nguồn gốc từ lục địa Âu-Á và Bắc Phi: lợn, bò, cừu, dê, các loại gia súc khác.
Việc sống gần, hít thở cùng bầu không khí, và uống sữa có chứa các loại vi trùng của vật nuôi tạo ra mầm mống của dịch bệnh. Bệnh đậu mùa có nguồn gốc từ bò, bệnh cúm có nguồn gốc từ lợn, sốt phan ban có nguồn gốc từ gia súc…
Ở thời kì Trung cổ, những căn bệnh truyền nhiễm đã khởi nguồn và càn quét Châu Âu khốc liệt, gây ra những thảm cảnh tàn khốc. Tuy nhiên, việc dịch bệnh lặp đi lặp lại khiến người Châu Âu có khả năng phục hồi tốt hơn, tạo ra kháng thể chống lại vi rút. Mỗi lần dịch bệnh bùng phát, một số người bẩm sinh có khả năng tốt hơn để chống lại virus, những người này có cơ hội sống sót và sinh con đẻ cái, trong quá trình này họ sẽ truyền lại khả năng đề kháng bẩm sinh của mình. Qua nhiều thế kỉ, toàn bộ dân số được khả năng bảo vệ mình ở mức độ nhất định trước sự lây lan dịch bệnh như bệnh đậu mùa.
MẦM BỆNH TRỞ THÀNH VŨ KHÍ SINH HỌC & ĐỔ BỘ XUỐNG CHÂU MỸ
Nhưng ở Châu Mỹ lại không có được khả năng bảo vệ đó. Và đó chính là một trong những tác nhân góp phần làm nên thắng lợi của các công cuộc chinh phạt thuộc địa vào thế kỉ 15-17 của người châu Âu, thứ vũ khí sinh học giết người hàng loạt từ mầm bệnh.Do điều kiện vị trí địa lý và lịch sử nên ở châu Mỹ không có đa dạng các loại gia súc được thuần chủng như châu Âu, ở đây chỉ có lạc đà không bướu là loại vật nuôi duy nhất. Không giống như bò hay cừu, chúng không được vắt sữa và không được chăn thả thành đàn lớn, cũng không sống trong những chuồng trại hay lều bên cạnh con người, nên không có sự trao đổi vi trùng giữa lạc đà và con người, do đó ở châu Mỹ không có các căn bệnh chết người như Châu Âu. Người Châu Mỹ không có các kháng thể chống lại mầm bệnh đã từng hoành hoành ở châu Âu, không có sự miễn dịch tự nhiên dẫn đến số người bị nhiễm bệnh và phát tán cao hơn, tạo sự lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, kết quả tất yếu xảy ra là họ hoàn toàn không có khả năng kháng cự khi người Tây Ban Nha mang mầm bệnh lên lục địa của họ vào những năm 1532.
Mầm bệnh chết người đầu tiên xuất hiện ở Châu Mỹ bắt nguồn từ một người nô lệ trên chiếc thuyền từ Tây Ban Nha đang trên đường về lục địa Châu Mỹ. Anh ta đã bị nhiễm bệnh đậu mùa và trong các tuần tiếp theo, virus đậu mùa lan rộng từ nguồn bệnh đơn lẻ lây sang hàng ngàn người Châu Mỹ bản địa, tốc độ lây nhiễm theo cấp số nhân, gây ra sự huỷ hoại kinh hoàng về dân số. Dịch bệnh đậu mùa tiếp tục quét qua Trung Mỹ và lan tới đế chế Inca – đang là một trong những nền văn minh hưng thịnh nhất của người da đỏ lúc bấy giờ.
Bất cứ nơi nào vi rút đi qua đều tàn sát người bản địa, làm cho họ càng dễ bị người Tây Ban Nha xâm chiếm. Dân số người Châu Mỹ bản địa chết bởi tay các nhà chinh phạt Tây Ban Nha tàn bạo nhiều đến đâu đi nữa cũng khống thấm vào đâu so với số người chết vì loài vi trùng giết người có xuất xứ từ Tây Ban Nha này. Không chỉ ở Châu Mỹ, bệnh dịch do người Châu Âu mang sang đã giết chết phần lớn các dân tộc ở Nam Phi, Châu Úc, các đảo ở Thái Bình Dương.
Tóm lại, virus gây bệnh truyền nhiễm là vũ khí sinh học mà các dân tộc châu Âu đã sử dụng khi chinh phục các vùng đất mới. Kẻ thắng trong các cuộc chiến trong quá khứ không hẳn là các đội quân có binh lính tinh nhuệ, vị tướng tài ba, vũ khí hùng hậu, mà những đạo quân này mang những thứ vi trùng độc hại nhất được xem là vũ khí sinh học để lây nhiễm cho kẻ địch, gây ra chết chóc được tính theo cấp số nhân.
TẠM KẾT
Thông tin kiến thức được chắt lọc và tổng hợp từ quyển Súng, Vi trùng và Thép của tác giả Jared Diamond, đặc biệt là Chương 11: Tặng phẩm chết người của gia súc.
Còn ai không thích đọc sách dài dòng, lê thê, hàn lâm quá, thì coi phim tài liệu cũng được. Súng, Vi trùng và Thép cũng có phim tài liệu với 3 phần:
• Phần 1. Out of Eden
• Phần 2: Conquest.
• Phần 3: Into the tropic
Xem xong sẽ giải đáp được thắc mắc Tại sao châu Âu vượt trội và chinh phục được nhiều đế chế văn minh lớn ở các châu lục khác với số quân ít ỏi.
Vậy nhe. Chúc mọi người giữ được niềm vui trong mùa dịch.
Cheers,
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất